Tích
truyện Pháp Cú
Thiền
viện Viên Chiếu
Nguyên tác: "Buddhist Legends",
Eugène Watson Burlingame
--- o0o ---
XXI. Phẩm
Tạp Lục
1. Sông Hằng
Dâng Nước
Nhờ
từ bỏ lạc nhỏ...
Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Trúc
Lâm, liên quan những hành động quá khứ của Ngài.
Một thuở, thành Tỳ-xá-ly là một đô thị giàu
mạnh, dân cư đông đúc. Có bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy hoàng tử nối nhau trị
vì. Mỗi ông hoàng có cung điện riêng, nhiều đền chùa, lâu đài, công viên,
hồ tắm ở khắp nơi trong xứ. Tóm lại đó là một thành phố sung túc.
Nhưng ít lâu sau nguồn lương thực bị cạn
dần, rồi mất mùa, kế đến là nạn đói. Những người nghèo đói chết trước
nhất, tử thi của họ bị vất khắp nơi, mùi hôi thúi xông lên quyến rũ một số
ác quỷ. Bọn này tung hoành làm một số người chết thêm, mùi hôi xác chết
kinh khiếp đưa đến bệnh dịch. Như vậy có ba thiên tai xảy ra: nạn đói, ác
thần và bệnh dịch.
Dân cư trong thành họp lại dâng kiến nghị
lên nhà vua:
- Ðại vương! Trong thành chúng ta đang bị ba
thiên tai, trong thời bảy vua quá khứ không hề xảy ra điều này. Thời của
vị minh quân nào đã qua cũng không có thiên tai đến như thế.
Nhà vua họp đại hội toàn quốc, tuyên bố:
- Có thể ta phạm một vài lỗi lầm, hãy phán
xét ta.
Dân chúng tìm tòi những hành vi của nhà vua
từ trước đến giờ, không thấy lỗi gì.
- Ðại vương, chúng tôi không tìm thấy lỗi
nơi ngài.
Họ họp nhau, tìm cách giảm bớt những thiên
tai đang xảy ra. Một số người đề nghị tế lễ, cầu cúng, hội hè, nhưng thiên
tai không giảm bớt. Số người khác đưa kế hoạch:
- Hiện đang có sáu vị giáo chủ nhiều quyền
năng, chúng ta mời các vị ấy đến xem may ra có giảm bớt thiên tai.
Người khác nói:
- Ðấng Toàn Giác đã hiện ra nơi đời, Ngài là
đấng Thế Tôn giảng dạy giáo lý cứu khổ cho chúng sanh. Ngài có nhiều thần
thông và quyền lực siêu nhiên. Nếu Ngài đến đây, thiên tai sẽ giảm.
Mọi người tán thành ý kiến sau cùng.
- Hiện nay Thế Tôn đang ở đâu?
Lúc ấy, gần đến ngày an cư, đức Thế Tôn ở
tại Trúc Lâm, theo lời hứa với vua Tần-bà-sa-la. Và lúc đó, có một ông
hoàng dòng Licchavi tên là
Mahàli, là người trong hội
đồng hoàng tộc của vua Tần-bà-sa-la, đã chứng quả Dự-lưu, có mặt trong hội
nghị. Dân Tỳ-xá-ly sắm sửa phẩm vật long trọng gởi kèm theo ông hoàng
Mahàli, cùng với con trai của
vị tư tế, đến thành Vương-xá để xin thỉnh Phật.
Hoàng tử
Mahàli và con trai thầy tư tế
đến gặp vua Tần-bà-sa-la dâng phẩm vật, nói rõ lý do và thỉnh cầu:
- Ðại vương! Hãy để đức Thế Tôn đến thành
phố chúng tôi.
Nhà vua chỉ nói:
- Các ông là những người thông minh, có thể
tự thỉnh lấy.
Họ bèn đi đến chỗ Phật, đảnh lễ và thưa:
- Bạch Thế Tôn, tại thành phố chúng con có
ba thiên tai tàn phá. Nếu Ngài đi đến đó chúng sẽ giảm bớt. Xin Ngài đến
với chúng con.
Ðức Phật nghe xong lời thỉnh cầu, quan sát
và dự biết rằng, ngay khi câu kinh Kim Cương được đọc tụng tại Tỳ-xá-ly,
sẽ làm chấn động tam thiên thế giới. Khi bài kinh kết thúc, sẽ có tám muôn
bốn ngàn người được Pháp nhãn, và thiên tai giảm thiểu Ngài nhận lời.
Vua Tần-bà-sa-la nghe tin Phật nhận lời đến
Tỳ-xá-ly, bèn ra lệnh báo tin khắp thành Vương-xá, còn vua đến chỗ Phật,
thưa:
- Bạch Thế Tôn, có phải Ngài sắp đi đến
Tỳ-xá-ly.
- Ðúng vậy, đại vương!
- Nếu thế, xin hãy đợi con dọn dẹp đường.
Nhà vua ra lệnh dọn con đường dài năm dặm,
từ thành Vương-xá đến bờ sông Hằng, mỗi dặm đặt một trạm nghỉ chân. Khi
đâu đó xong xuôi, nhà vua báo tin cho Phật biết rằng Ngài có thể lên
đường. Ðức Phật ra đi, dắt theo năm trăm vị Tỳ-kheo. Trên mỗi dặm đường,
nhà vua ra lệnh trải hoa ngũ sắc ngập đến đầu gối, cờ lọng giăng đầy, hai
lọng trắng che trên đức Thế Tôn, còn mỗi vị Tỳ-kheo một lọng trắng. Chung
quanh Phật và các Tỳ-kheo, nhà vua tung hoa, rắc hương, mỗi trạm nghỉ đêm
nhà vua cúng dường vật thực thật nhiều. Trong năm ngày, nhà vua đưa Phật
ra đến bờ sông, trang hoàng một chiếc thuyền lộng lẫy rồi nhắn tin cho dân
thành Tỳ-xá-ly:
- Hãy sửa soạn đường sá và cung nghinh đức
Thế Tôn.
Dân Tỳ-xá-ly tự nhủ: "Chúng ta sẽ đón tiếp
Thế Tôn long trong gấp hai lần vua Tần-bà-sa-la". Vì thế, từ bờ sông Hằng
đến Tỳ-xá-ly dài ba dặm, họ dọn đất bằng phẳng dựng cờ lọng dãy cao dãy
thấp, dành riêng cho Phật bốn lọng, các Tỳ-kheo mỗi vị hai lọng. Chuẩn bị
xong, họ đứng chờ bên này bờ sông.
Vua Tần-bà-sa-la cột hai chiếc thuyền lại
với nhau, dựng mái che ở trên, trang hoàng đầy hoa rực rỡ, đặt một chiếc
ghế bằng các loại ngọc cho Phật ngồi. Ðức Thế Tôn ngồi vào ghế, chư
Tỳ-kheo bước xuống thuyền, ngồi vây quanh đức Phật. Nhà vua đi theo
thuyền, lội xuống nước tận đến cổ, và bạch Phật.
- Bạch đức Thế Tôn, con sẽ ở lại bên bờ sông
này, đợi Ngài trở về.
Nói xong, vua đẩy thuyền ra giữa dòng và trở
vào. Sau khi thuyền bơi được một dặm, Phật đến giang phận thành Tỳ-xá-ly.
Các hoàng tử dòng
Licchavi đến đón đức Phật, họ
cũng lội xuống nước ngang cổ, kéo thuyền vào bờ và đưa đức Phật rời thuyền
lên bờ. Khi Phật vừa đặt chân lên bờ, một cơn bão lớn nổi lên, mưa như
trút, nước dâng lên cao, cuốn sạch các tử thi xuống sông, và toàn thể
thành phố trở nên sạch sẽ tinh khiết. Các hoàng tử
Licchavi mời Phật nghỉ chân
từng dặm đường, dâng cúng phẩm vật gấp đôi số phẩm vật của vua
Tần-bà-sa-la. Sau ba ngày, Phật đến Tỳ-xá-ly.
Thiên chủ Ðế Thích bay xuống đấy, cả chư
thiên tùy tùng; với ảnh hưởng quyền lực rộng lớn như thế, các ác thần chạy
trốn gần hết. Vào buổi chiều, đức Phật đứng ở cổng thành, ra lệnh cho Tôn
giả A-nan.
- Này A-nan, hãy nghe ta nói kinh Kim Cương
và đi quanh thành trùng tụng lại để tạo năng lực bảo hộ trên ba lớp thành
Tỳ-xá-ly, thành phố của các hoàng tử
Licchavi.
Tôn giả A-nan tiếp nhận kinh từ kim khẩu Thế
Tôn, lấy nước trong bình bát của Phật, rồi đi ra đứng tại cổng thành
Tỳ-xá-ly. Tôn giả quán tưởng về tất cả công hạnh của Phật "Bắt đầu từ ý
chí quyết thành Phật, đến mười Ba-la-mật của Như Lai, năm pháp đại thí, ba
ân đức, là vì lợi lạc cho thế giới, vì lợi lạc cho thân quyến và cho sự
tìm cầu giác ngộ; Bồ-tát vào thai mẹ trong đời sống cuối cùng, Ðản Sanh,
Xuất Gia, hành Khổ Hạnh, hàng phục Ma vương, đạt Tam Minh và chín tầng
Thiền Ðịnh". Quán tưởng như thế xong, Tôn giả đi vào thành, suốt ba canh
trong đêm đi kinh thành trong ba lớp thành, vừa đi vừa tụng đọc kinh Kim
Cương như một năng lực bảo hộ.
Khi Tôn giả đọc đến đoạn thứ ba và rải nước,
những giọt nước rơi trúng các ác ma. Từ đoạn thứ ba trở đi, những giọt
nước kết tụ thành những quả cầu bằng bạc nhỏ tí, bay trên không trung đến
nơi trên các người bệnh. Lập tức họ lành bệnh, trỗi dậy khắp mọi nơi và
vây quanh Tôn giả. Cũng thế, khi câu kinh đoạn ba vừa đọc lên, các loài ác
ma chui núp trong đống củi, đống rác, kẹt tường, khi chạm nhằm các giọt
nước ấy đều trốn hết, chúng chen chúc nhau chật cửa đến nỗi phải phá tường
mà chui ra.
Dân chúng dùng đủ loại hương rảy lên trên
hội trường thành phố nằm ngay trung tâm Tỳ-xá-ly, cho dựng mái che ở trên
gắn đầy sao vàng và các thứ trang sức khác, sắp đặt chỗ cho Thế Tôn ngồi.
Ðức Thế Tôn ngồi vào tòa, các vị Tỳ-kheo và các hoàng tử
Licchavi ngồi vây quanh thành
vòng tròn, rồi thiên chủ Ðế Thích cùng chư thiên quyến thuộc cũng đứng vào
chỗ của mình. Tôn giả A-nan đi quanh thành vừa xong, trở về cùng với số
đông các người bệnh được chữa lành, cũng đến đảnh lễ Phật, ngồi một bên.
Ðức Thế Tôn quan sát chúng hội, lặp lại kinh Kim Cương thêm một lần nữa.
Nghe xong có tám muôn bốn ngàn người được Pháp nhãn. Ðiều này xảy ra liên
tiếp bảy hôm nữa, đức Thế Tôn vẫn dạy cùng một bài kinh trên. Sau đó, nhận
thấy tất cả thiên tai đều tiêu trừ, Ngài giảng dạy cho các hoàng tử
Licchavi xong, rời thành
Tỳ-xá-ly. Các ông hoàng tôn phụng Thế Tôn gấp bội, và lần nữa suốt ba ngày
theo sau Phật đến bờ sông Hằng.
Các vua rồng cư trú tại sông Hằng tự nghĩ:
"Loài người đã tôn kính Như Lai, tại sao chúng ta không làm như thế?" Bèn
hóa hiện những con thuyền bằng vàng, bạc, châu báu, trên ấy đặt ghế trân
bảo, mặt nước trải đầy hoa sen ngũ sắc. Các vua rồng thỉnh Phật lên
thuyền:
- Bạch Thế Tôn, xin hãy ban phước cho chúng
con.
Lúc ấy, chư thiên từ cõi trời Dục đến cõi
trời Phạm bảo nhau:
- Người và rồng đã tôn kính Như Lai, tại sao
chúng ta không làm như thế?
Và họ cùng tôn vinh Phật. Các long vương
dựng những cây lọng này kế tiếp cây lọng kia, cao một dặm và bên dưới, các
long vương khác cũng làm như thế. Các loài chư thiên ở trên cây, trong
rừng, trên núi, trên trời, từ thế giới rồng đến cõi trời Phạm, tụ họp
thành vòng tròn, mỗi vị tay cầm lọng, giữa lọng là cờ, giữa cờ là phướn,
tung hương rải hoa, rưới nước thơm. Các thiên nam trang sức lộng lẫy như
ngày hội, bay lượn trên không, ca ngợi vang rền (Theo truyền thống, có ba
cuộc đại hội như thế: một vào dịp Phật hoá hiện thần thông song hành, một
vào dịp Ngài từ cung trời xuống, và một vào dịp sông Hằng dâng nước). Bên
bờ sông phía thành Vương-xá, vua Tần-bà-sa-la đã chuẩn bị phẩn vật gấp đôi
số phẩm vật của các hoàng tử Licchavi
và đứng đợi đức Phật.
Khi đức Phật nhìn thấy các phẩm vật long
trọng của các vị vua hai bờ sông Hằng, nhìn thấu tư tưởng của chư thiên,
long vương, Ngài bèn hóa thiện một hóa Phật và năm trăm Tỳ-kheo cho mỗi
chiếc thuyền. Cũng y như thế, một vị hóa Phật ngồi dưới mỗi cây lọng
trắng, một vị ngồi dưới mỗi cội cây như ý, một vị ngồi dưới mỗi vòng hoa
báu, vây quanh là vô số rồng thần. Giữa các chư thiên cõi người và cõi
trời, cũng có một vị hoá Phật và đồ chúng. Như là một dịp lễ hội của toàn
cõi thế giới, và để tỏ lòng chiếu cố loài rồng, trên mỗi chiếc thuyền bằng
châu báu của loài rồng có một vị hóa Phật ngồi, và để chiếu cố chúng Tăng,
trên mỗi thuyền châu báu đều có hóa Phật ngồi.
Long vương đưa Phật và chúng Tăng xuống long
cung, nghe Phật giảng pháp suốt đêm; ngày sau cúng dường Phật và Tăng
chúng những thức ăn thượng vị loại cứng, loại mềm. Sau khi hồi hướng phước
báo cho vua rồng, đức Phật rời long cung, cùng đoàn thuyền năm trăm chiếc
bơi ngang sông Hằng, trong sự cung nghinh của chư thiên trời Ðế Thích. Vua
Tần-bà-sa-la đến đón Phật, thỉnh Ngài rời thuyền, cúng dường, tiếp đón
Phật long trọng gấp đôi các ông hoàng
Licchavi, và đưa Phật về thành Vương-xá.
Hôm sau, các thầy Tỳ-kheo đi dự hội trở về,
ngồi bàn tán tại pháp đường:
- Ôi! Thần thông của đức Thế Tôn thật phi
thường. Thật thành tín thay! Lòng thành kính tin tưởng của người và trời
đối với Thế Tôn. Suốt tám dặm trải dài dọc theo hai bờ sông Hằng, với lòng
kính tin Phật, các nhà vua đã dọn bằng phẳng đất đai, trải cát sạch, rải
hoa ngập đến đầu gối. Còn long vương thì rắc hoa sen ngũ sắc đầy trên
sông, cờ lọng giăng từ thấp lên đến các tầng trời, toàn cõi thế giới trang
hoàng như ngày lễ.
Ðức Phật đến gần và hỏi:
- Các ông ngồi đây bàn tán chuyện gì?
Và khi nghe kể lại, Ngài bảo:
- Sự tôn kính và các phẩm vật ấy dành cho Ta
không phải do thần thông của Phật, không phải do thần thông của long vương
và chư thiên. Ðó là do một phẩm vật đơn sơ Ta đã cúng dường từ quá khứ, mà
hiện tại Ta nhận được như thế.
Các thầy Tỳ-kheo hỏi lý do. Ðức Phật kể lại
câu chuyện quá khứ.
1A. Bà La Môn
Samkha
Thuở xưa, cách đây rất lâu, có một người
Bà-la-môn tên Samkha, cư
ngụ tại Takkasilà, ông có
một người con trai mười sáu tuổi tên
Susìma. Ngày kia Susìma
nói với cha:
- Thưa cha, con muốn đến Ba-la-nại, học tập
kinh điển.
- Tốt lắm, ta có một người bạn Bà-la-môn ở
đấy, con sẽ học với ông ta.
Susìma
nghe lời cha, đến Ba-la-nại tìm người thầy Bà-la-môn. Người Bà-la-môn nhận
con của bạn mình làm đồ đệ. Và sau khi đã nghỉ ngơi, chàng bắt đầu học với
thầy. Chàng học rất nhanh, rất nhiều và nhớ hết, không sót một điều gì,
như sữa sư tử đựng trong bình vàng, không chảy ra giọt nào. Không bao lâu
chàng học hết của thầy những gì đáng học. Chàng đọc tụng thông suốt, hiểu
thấu đoạn đầu, đoạn giữa, nhưng không hiểu đoạn cuối. Chàng thưa điều ấy
với thầy, thầy bảo:
- Này con, ta cũng không hiểu đoạn cuối.
- Vậy ai là người hiểu đoạn cuối, thưa thầy.
- Ở
Isipatana có những bậc hiền triết, may ra hiểu thấu, con hãy
đến đấy hỏi.
Susìma
đến chỗ các vị Phật Ðộc Giác và hỏi:
- Có thật là các Ngài hiểu rõ đoạn này?
- Phải, chúng ta hiểu.
- Xin hãy dạy cho con.
- Chúng ta không dạy cho người chưa xuất
gia. Nếu con muốn học, hãy trở thành Sa-môn.
Chàng
Susìma đồng ý xuất gia và trở thành một Sa-môn trong giáo đoàn
của các vị Ðộc Giác. Các Ngài dạy thầy
Sisìma: "Hãy mặc hạ y như thế
này, hãy mặc thượng y như thế..." Như thế, thầy học oai nghi của người sơ
cơ.
Ở lại đây như một đồ đệ ngoan ngoãn, thầy
học hết những gì được dạy, vì có khả năng đặc biệt nên không bao lâu thầy
đạt quả vị Ðộc Giác. Danh tiếng Susìma
nổi như cồn trong thành Ba-la-nại như mặt trăng tròn trên bầu trời, Ngài
nhận nhiều sự tôn kính và cúng dường. Chẳng bao lâu, Phật Ðộc Giác Susìima
nhập Niết-bàn, bởi vì các nghiệp Ngài tạo tác chỉ đưa đến một thọ mạng
ngắn. Các vị Phật Ðộc giác và dân chúng làm lễ hỏa táng trọng thể, thu
nhập xá lợi, xây tháp thờ tại cổng thành.
Khi ấy, người cha nghĩ thầm: "Con ta đi khá
lâu, ta sẽ đi tìm thăm xem việc gì xảy ra cho nó". Ông đến Ba-la-nại, thấy
đám đông dân chúng, ông nghĩ: "Chắc có vài người biết về con ta". Ông bước
đến hỏi:
- Trước đây có một thanh niên tên
Susìma từng đến thành này, các
vị có biết tin tức gì về chàng ấy?
- Chúng tôi biết! Người ấy học hết ba bộ
Vệ-đà tại nhà Bà-la-môn nọ, sau đó xuất gia làm Sa-môn, đạt quả vị Ðộc
Giác và nhập Niết-bàn. Tháp này là tháp của vị ấy.
Nghe nói xong, Bà-la-môn đập tay xuống đất,
khóc than kể lể, đi chung quanh tháp. Ông nhổ sạch cỏ quanh tháp, dùng áo
đựng cát sạch rải chung quanh tháp, tưới nước, tung hoa để tỏ lòng kính
trọng, trải áo ra như một lá phướn và cắm cây lọng của mình che trên tháp,
xong rồi đi về.
Kể xong chuyện, Phật kết luận:
- Lúc ấy Ta là Bà-la-môn
Samkha, do phước báo nhổ cỏ
chung quanh tháp của vị Phật Ðộc Giác
Susìma, nên hiện tại ông hoàng dọn sạch con đường dài tám dặm,
không còn cây cỏ, đất bằng phẳng. Vì Ta trải cát quanh tháp, nên con đường
dài Ta đi hôm nay cũng được rải cát. Vì Ta tung hoa lên tháp nên hôm nay
các loại hoa được rải trên đường, và một dặm trên sông Hằng đầy hoa sen
ngũ sắc. Vì Ta tưới nước quanh tháp nên khi ta vừa đến Tỳ-xá-ly một trận
mưa rơi xuống. Vì Ta treo cờ cắm lọng nên toàn thể chư thiên cầm cờ lọng
cao đến tận trời.
Này các Tỳ-kheo, các phẩm vật và những sự
tôn kính ấy không phải tự nhiên đến với ta do thần lực của Ta là thật,
không do thần lực của trời, rồng. Trái lại từ thần lực có từ những phẩm
vật thô sơ Ta cúng dường từ thời quá khứ.
Ngài nói kệ:
(290)
Nhờ từ bỏ lạc nhỏ,
Thấy được lạc lớn hơn,
Bậc trí bỏ lạc nhỏ,
Thấy được lạc lớn hơn.
2. Không Lấy
Oán Báo Oán
Gieo
khổ đau cho người...
Câu chuyện này xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại
Kỳ Viên, liên hệ đến một người đàn bà ăn trứng của một con gà.
Trong một ngôi làng không xa thành Xá-vệ, có
một người đánh cá. Một hôm trên đường đi đến thành Xá-vệ, ông bắt gặp một
vài cái trứng rùa dọc theo bờ sông
Aciravatì, ông bèn nhặt lấy. Ðến Xá-vệ, ông vào nhà người quen,
luộc mấy quả trứng, khi ngồi ăn ông cho cô con gái chủ nhà một trứng. Cô
bé ăn xong, đòi ăn thêm, bà mẹ phải lấy trứng trong ổ con gà mái luộc cho
cô. Cô bé ăn trứng gà, từ đó cô đâm thích món ăn này và thường tự lấy
trứng ăn.
Con gà mẹ để ý rằng mỗi lần mình đẻ trứng
đều bị cô bé mang đi ăn hết; nổi cơn bất bình oán hận cô, nó thề rằng:
"Khi tôi chết, tôi sẽ tái sanh làm chằn tinh, ăn thịt mấy đứa con cô này".
Sau khi chết nó trở lại làm con mèo của nhà này, còn cô bé trở lại làm gà
mái. Gà mái đẻ trứng đều bị mèo ăn hết, như vậy đến ba lần. Gà mái tức quá
bèn trù: "Ba lần ngươi ăn trứng của ta, còn muốn ăn thịt cả ta. Khi ta tái
sanh, ta sẽ nhai xương ngươi và con ngươi".
Sau đó gà mái sanh làm beo rừng, con mèo
thành con nai. Khi nai có con, beo đến ăn thịt cả mẹ lẫn con. Như thế
trong năm trăm kiếp liên tục, họ ăn nuốt lẫn nhau, gây đau khổ cho nhau.
Cuối cùng một bên làm bà chằn, một bên làm phụ nữ trong thành Xá-vệ. Câu
chuyện tiếp diễn như cũ, cho đến khi gặp Phật, Ngài dạy câu:
(291)
Gieo khổ đau cho người,
Mong cầu lạc cho mình,
Bị hận thù ràng buộc,
Không sao thoát hận thù.
Hai kẻ thù nghe xong, bà chằn xin quy y, thọ
năm giới. Không còn hận thù, người đàn bà nọ cũng chứng Sơ quả. Hội chúng
đều được lợi ích.
3. Các Tỳ
Kheo Phù Hoa
Việc
đáng làm không làm...
Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại hang
động Jàtiyà gần
Bhaddiya, liên hệ đến các
Tỳ-kheo Bhaddiya.
Một thời, đức Thế Tôn đang ở tại động
Jàtiyà, gần thành
Bhaddiya. Các Tỳ-kheo ở đây có
thói quen trang trí giày dép của các thầy, như trong Vệ-đà diễn tả "Các
Tỳ-kheo ở Bhaddiya có thói
quen mang những đôi dép sặc sỡ đủ kiểu". Họ tự làm hoặc đặt làm những đôi
dép bằng vật liệu quý nhẹ, đắt tiền, đúng mốt, hợp thời trang... Như thế
họ lơ là với học hỏi, giới luật, thiền định, trí tuệ.
Các Tỳ-kheo khác thấy thế rất bực tức, bèn
bạch với Phật. Phật quở trách mấy thầy ham chưng diện này:
- Các ông đến đây vì mục đích gì, mà bây giờ
đeo đuổi chuyện vô ích như thế?
Ngài nói kệ:
(292)
Việc đáng làm, không làm,
Không đáng làm, lại làm,
Người ngạo mạn, phóng dật,
Lậu hoặc ắt tăng trưởng.
(293)
Người siêng năng cần mẫn,
Thường thường quán thân niệm,
Không làm việc không đáng,
Gắng làm việc đáng làm.
Người tư niệm giác tỉnh,
Lậu hoặc được tiêu trừ.
Các thầy Tỳ-kheo ưa đẹp này nghe xong, liền
chứng A-la-hán, hội chúng cũng được lợi ích.
4. Sa-Môn
Giết Cha Mẹ
Sau
khi giết mẹ cha...
Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ
Viên, liên quan đến Tôn giả Lakuntaka
Bhaddiya.
Một thời, đức Thế Tôn đang ở tại Kỳ Viên, có
một số Tỳ-kheo đến viếng thăm Ngài. Sau khi đảnh lễ, các thầy kính cẩn lui
ngồi một bên. Khi ấy Tôn giả Lakuntaka
Bhaddiya đi ngang đấy không xa. Ðức Phật biết tâm của các
Tỳ-kheo đúng lúc, Ngài nhìn Tôn giả và nói với các Tỳ-kheo.
- Các ông hãy nhìn kia! Ðó là Tỳ-kheo đã
giết cha, giết mẹ, thoát khổ đau.
- Ðức Thế Tôn nói gì thế?
Các Tỳ-kheo kêu lên, nhìn nhau, nghi ngờ, và
hỏi Phật:
- Bạch Thế Tôn! Ngài nói gì?
Phật bèn nói kệ:
(294)
Sau khi giết mẹ cha,
Giết hai vua Sát-lợi,
Giết vương quốc, quần thần,
Vô ưu, Phạm chí sống.
Nghe xong các thầy chứng A-la-hán.
Câu chuyện liên quan câu kệ sau cũng giống
như chuyện trên, Phật cũng nói về Tôn giả
Lakuntaka:
(295)
Sau khi giết mẹ cha,
Hai vua Bà-la-môn,
Giết hổ tướng thứ năm (nghi)
Vô ưu, Phạm chí sống.
[Theo Chú Giải: "... Mẹ (mata) là ẩn dụ cho
lòng tham ái (tanha), và cha (pita) là ẩn dụ của
ngã mạn (mana). Chính vì tham ái và ngã mạn mà ta
phải tái sinh nhiều đời, nhiều kiếp trong cõi ta bà luân hồi này. Hai vị
vua chính là hai biên kiến của vô minh: thường kiến
(eternalism) và đoạn kiến (annihilationism),
thường tạo ra nhiều tranh cãi vô ích, cần phải được phá bỏ. Vương quốc
lãnh thổ kia chính là 6 căn và 6 trần:
mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, và sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Vị Quốc
khố đại thần (treasurer) là để chỉ lòng tham đắm dục lạc
phát sinh và chất chứa từ 6 căn đó. Sau cùng, hổ tướng thứ năm chính là
con quỷ thứ năm làm cản trở sự định tâm, phát tuệ. Ðó là "nghi"
của 5 triền cái: tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo cử, và hoài nghi. Sau
khi đã đoạn diệt tất cả các chướng ngại nầy thì hành giả mới thong dong,
tự tại, đi đến giải thoát ..."]
5. Cậu Bé Và
Quỷ Dữ
Luôn
luôn tự tỉnh giác...
Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Trúc
Lâm, liên quan đến một cậu bé con người bán củi.
Tại thành Vương-xá, có hai đứa bé thường
chơi banh với nhau, một đứa là Phật tử, một đứa là con nhà ngoại đạo.
Thiếu niên Phật tử thường niệm tưởng đức Phật, mỗi khi tung banh lên, em
đọc "Nam mô Phật-đà". Em con nhà ngoại đạo thường xưng tụng công đức các
ngoại đạo, và mỗi khi tung banh lên em đọc "Nam mô A-la-hán". Trong trò
chơi, thiếu niên Phật tử thường thắng cuộc, còn cậu bé ngoại đạo thường
thua. Quan sát đối phương, cậu bé nghĩ: "Bạn trẻ này thường tưởng nhớ đức
Phật và đọc như thế mỗi khi tung banh, và do đó thường thắng ta. ta cũng
sẽ làm như vậy". Và em bắt đầu tập thói quen niệm tưởng Phật-đà.
Một ngày nọ, cha em đánh xe vào rừng tìm
củi, đem em đi theo. Sau khi chất đầy xe củi, ông trở về. Trên đường về,
ông dừng lại tại một bãi đất hỏa táng ngoài thành, chọn địa điểm sạch sẽ,
đủ nước, cỏ rồi đem cơm ra ăn. Chiều đến, con bò kéo xe của ông đi theo
một bầy trâu bò vào thành. Người cha chạy theo bắt bò lại, trở ra thì trời
đã tối, cổng thành đóng ông không ra được. Ðêm ấy, cậu bé ở ngoài bãi tha
ma ngủ một mình dưới chiếc xe.
Lúc ấy, thành Vương-xá thường có vài ác quỷ
lui tới, gần bãi đất hỏa táng có hai con quỷ chú ý đến cậu bé nằm ngủ ở
đấy. Một con quỷ thường hay tìm mỗi trên bãi đất hỏa táng và theo tà đạo,
con quỷ kia thì chân chánh. Quỷ tà bảo quỷ chánh:
- Ðứa bé này là mồi ngon, chúng ta hãy ăn
thịt nó.
Quỷ chánh bảo;
- Thôi đi! Ðừng nghĩ bậy.
Mặc dù nó cố gắng cản ngăn, quỷ tà cứ làm
theo ý mình, nó nắm chân cậu bé định xé đôi. Lúc ấy, theo thói quen tưởng
niệm Phật, cậu bé trong giấc ngủ chợt nói: "Nam mô Phật", con quỷ tà kinh
sợ thối lui. Quỷ chánh nói:
- Chúng ta làm điều không nên làm, chúng ta
sẽ bị phạt.
Và để chuộc lỗi, nó đứng canh cho cậu bé,
còn quỷ tà vào thành, lấy một cái dĩa bằng vàng ròng trong cung vua, đựng
đầy thức ăn đem về. Cả hai con quỷ săn sóc cậu bé như cha mẹ, đánh thức
cậu dậy và đưa thức ăn cho cậu. Sau đó chúng dùng quyền lực khắc thư lên
dĩa kể lại câu chuyện xảy ra, bảo nhau: "Hãy để nhà vua đọc thư này, người
khác không thể đọc". Ðể dĩa lên chiếc xe, chúng đứng canh suốt đêm, và đến
sáng mới đi.
Ngày sau đó, tin truyền rằng ăn trộm lấy mất
dĩa vàng của nhà vua. Dân chúng đóng cửa thành và lục tìm. Tìm không thấy,
họ ra ngoài thành, lục lọi khắp nơi, họ thấy chiếc dĩa trên xe của cậu bé.
Họ túm lấy cậu và điệu về trình vua:
- Ðây là ăn trộm.
Nhà vua nhận chiếc dĩa, đọc xong câu chuyện
viết trên ấy, hỏi:
- Này con, thế này nghĩa là gì?
- Thưa đại vương, con không biết. Ðêm rồi,
cha mẹ con mang thức ăn đến cho con và canh chừng cho con ngủ. Con yên chí
có cha mẹ nên không sợ và ngủ ngon. Ðó là những gì con biết.
Ðúng lúc ấy, cha mẹ cậu bé vừa đến. Nghe họ
bảo rằng đã để con một mình ngoài thành... Nhà vua đưa cả ba đến chỗ Phật,
kể lại câu chuyện và hỏi:
- Bạch Thế Tôn, có phải niệm tưởng Phật là
một sự che chở, hay niệm tưởng Pháp và những điều khác cũng được hộ trì?
Ðức Phật trả lời:
- Này đại vương, niệm tưởng Phật-đà không
phải chỉ là cách duy nhất có ý nghĩa được bảo hộ, nhưng người Phật tử chân
chánh thực hành thâm sâu niệm tưởng một trong sáu đề mục thì không cần bất
cứ sự bảo hộ nào, phương cách bảo hộ nào, câu thần chú nào, hay dược thảo
nào cả.
Ngài nói kệ:
(296)
Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Thường tưởng niệm Phật Ðà.
(297)
Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Thường tưởng niệm Chánh pháp.
(298)
Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Thường tưởng niệm Tăng-già.
(299)
Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm
Thường tưởng niệm sắc thân.
(300)
Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Ý vui niềm bất hại.
(301)
Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Ý vui tu thiền quán.
6. Hoàng Tử
Bạt Kỳ Làm Sa Môn
Vui
hạnh xuất gia khó...
Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại tinh
xá Ðại Lâm (Mahàvàna) gần
thành Tỳ-xá-ly, liên quan đến một ông hoàng dòng Bạt-kỳ
(Vajjian) đã xuất gia thành
Sa-môn. câu chuyện như sau:
Một ông hoàng dòng Bạt-kỳ xuất gia làm
Sa-môn. Thầy Sa-môn vương giả này sống ẩn cư trong một khu rừng gần thành
Tỳ-xá-ly. Thành phố tổ chức đại lễ tưng bừng suốt đêm. Thầy Sa-môn hoàng
tử nọ nghe tiếng xôn xao, tiếng trống tiếng nhạc từ thành Tỳ-xá-ly vọng
lại, thầy nổi cơn sầu muộn, bèn buồn khóc rên rỉ:
Ta cô đơn trong rừng,
Như khúc cây bị bỏ.
Trong đêm như đêm nay,
Có ai bằng ta khổ.
Nguyên Sa-môn này đã từng là hoàng tử trong
vương quốc Bạt-kỳ, khi đến phiên mình trị nước, đã từ bỏ hoàng cung xuất
gia làm Sa-môn. Vào ngày trăng tròn tháng
Kattika, toàn thể phố xá thành
Tỳ-xá-ly treo cờ kết lọng, tổ chức hội hè. Dạ hội kéo dài tận đêm, thầy
Sa-môn nghe tiếng trống, tiếng kèn, tiếng âm nhạc, đàn lục huyền... Khi
bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy hoàng tử
Vesàli cũng như bao nhiêu hoàng tử, đại thần trang sức lộng
lẫy, đổ xô ra đường dự hội, thì thầy một mình đi kinh hành trong hành lang
rộng sáu mét, trên đầu chỉ có một vầng trăng. Thầy đến ngồi trên ghế, suy
nghĩ về thân phận mình, thiếu cả hội hè, thiếu cả quần aó trang sức, như
khúc gỗ bị ném bỏ trong rừng. Thầy tự nghĩ: "Có ai bất hạnh hơn ta không?"
Bình thường, thầy có đủ công hạnh, và đức
tính của một vị ẩn tu, nhưng trong lúc này vì bất mãn thầy đã nói như thế.
Một vị lâm thần ở khu rừng ấy biết được nên tự nhủ: "Ta sẽ khuyến khích
thầy", và thần nói kệ:
Ngài cô đơn trong rừng,
Như khúc cây bị bỏ.
Nhiều người ước được thế,
Như kẻ đoạ địa ngục,
Ganh người ở thiên đàng.
Vị Sa-môn nghe kệ, ngày hôm sau đến chỗ đức
Phật, đảnh lễ và cung kính ngồi một bên. Phật đã dự biết, và muốn nói cho
thầy biết đầy đủ về khổ đau của đời sống thế gian. Ngài nói về năm thứ đau
khổ trong bài kệ:
(302)
Vui hạnh xuất gia khó,
Tại gia sinh hoạt khó,
Sống bạn không đồng, khổ,
Trôi lăn luân hồi, khổ,
Vậy chớ sống luân hồi,
Chớ chạy theo đau khổ.
7. Cư sĩ Tâm
- Người Thành Tín
Tín
tâm, sống giới hạnh...
Câu chuyện xảy ra khi đức Phật ở tại Kỳ
Viên, liên quan đến cư sĩ Tâm (Citta).
Citta
là một nam cư sĩ giàu tâm đạo, chàng luôn được quý trọng mỗi khi đến hầu
Phật. Tôn giả A-nan thấy thế bèn hỏi Phật:
- Bạch Thế Tôn! Chỉ khi nào
Citta đến viếng Phật mới được
trọng vọng như thế? Hay cũng được quý trọng khi đến thăm các người khác?
Phật dạy:
- Này A-nan! Ông ấy luôn được quý trọng như
vậy, dù cho đến viếng Ta hay viếng ai. Vì cư sĩ ấy đầy niềm tin, tâm đạo
và đức hạnh. Người như thế, dù đi đến nơi nào cũng được tôn kính.
Ngài nói kệ:
(303)
Tín tâm, sống giới hạnh,
Ðủ danh xưng, tài sản,
Chỗ nào người ấy đến,
Chỗ ấy được cung kính.
8. Cô Gái
Ðức Hạnh
Người
lành dù ở xa...
Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ
Viên, liên quan đến Cullà Subhaddà,
con gái ông Cấp Cô Ðộc.
Thời còn niên thiếu, Cấp Cô Ðộc có một người
bạn thân tên Úc-già, cũng con nhà Trưởng giả, họ cùng học chung một thầy,
và cùng hứa hẹn rằng sau này khi thành gia thất, cả hai sẽ gả con cho nhau
để kết thêm tình thân ái. Và sau đó Cấp Cô Ðộc cùng Úc-già đều trở thành
trưởng giả tại thành phố của mình.
Trong một chuyến buôn xa, Trưởng giả Úc-già
đến thành Xá-vệ với năm trăm cỗ xe. Ông Cấp Cô Ðộc bèn kêu con gái, cô
Cullà Subhaddà, đến dặn dò:
- Này con, cha con - ông Úc-già - đến viếng
nhà, con hãy săn sóc ông thật đầy đủ.
- Thưa cha, vâng.
Và khi ông Úc-già đến, cô đích thân sửa soạn
thức ăn với đầy đủ hương liệu, chuẩn bị phấn, kem, nước thơm, dầu xức...
tất cả tiện nghi cho ông. Sau khi ông dùng bữa, cô chăm sóc phòng tắm một
cách chu đáo làm tròn phận sự mình.
Trưởng giả Úc-già nhận thấy cô hoàn toàn,
nên hả dạ lắm. Trong một buổi nói chuyện tương đắc, ông nhắc lại với Cấp
Cô Ðộc lời hứa ngày xưa, và xin cưới cô
Cullà cho con trai mình.
Trưởng giả Úc-già theo ngoại đạo, nên ông Cấp Cô Ðộc đến hỏi ý kiến Phật.
Thế Tôn biết Úc-già có duyên chứng Thánh quả nên khuyên ông nhận lời; và
Cấp Cô Ðộc sau khi bàn với vợ, đã đồng ý với Úc-già, rồi định ngày hôn lễ.
Như Trưởng giả
Dhananiaya khi gả cô
Visàkha, Trưởng giả Cấp Cô Ðộc
cũng cho con thật nhiều của hồi môn. Ông cũng khuyên con mười điều: "Này
con, khi sống trong nhà cha mẹ chồng, chớ đem lửa trong nhà ra ngoài...".
Ông cũng cho tám người theo đỡ đầu cho cô
Cullà.
- Nếu con gái ta có lỗi lầm gì với cha mẹ
chồng, các ông hãy chỉ dạy nó.
Ngày hôn lễ, ông cúng dường Phật và Tăng
chúng trọng thể, và để chứng tỏ những quả báo tốt đẹp của cô trong quá
khứ, ông đưa cô về nhà chồng trong nghi lễ hết sức huy hoàng.
Cô Cullà
đến thành của Úc-già, gia đình chồng cùng tất cả thân quyến ra đón. Giống
như Visàkha, cô ngồi trên
chiếc xe ngựa, đi chào khắp thành trong vẻ lộng lẫy của một cô dâu. Cô
nhận quà của mọi người và đáp lại tương xứng theo sở thích mỗi người,
khiến cho tất cả thành phố ca ngợi vẻ đẹp và công hạnh của cô.
Cha chồng cô thường mời các đạo sĩ lõa thể
đến nhà trong các dịp lễ lớn, dịp này các thầy ấy cũng có mặt. Cha chồng
cô ra lệnh:
- Hãy đến ra mắt và làm lễ tôn kính với các
bậc thầy của ta.
Nhưng cô
Subhaddà không thể nhìn vào
các đạo sĩ lõa thể, cô từ chối không đến chào. Lần thứ hai, lần thứ ba, cô
cũng không đến chào, ông cha chồng của cô nổi giận:
- Hãy đuổi con bé ấy ra khỏi nhà.
Cô trả lời:
- Không thể kết tội con mà không có nguyên
nhân.
Cô mời các vị bảo hộ đến, trình bày mọi
việc, và họ công nhận cô vô tội.
Ông trưởng giả thuật chuyện với vợ và bảo:
- Con dâu ta từ chối không làm lễ các đạo sĩ
vì nó cho rằng các thầy ấy khiếm nhã.
Bà hỏi:
- Tư cách của các thầy nó thế nào mà nó tôn
kính đến vậy?
Bà gọi con dâu đến hỏi:
Các thầy con khen ngợi
Tư cách họ ra sao?
Giới luật gì họ giữ?
Tu tập những hạnh nào?
Ðể trả lời, cô
Subhaddà ca tụng ân đức của
Phật và các đệ tử Phật:
Căn các thầy thanh tịnh,
Tâm các thầy thanh tịnh.
Thanh tịnh khi thầy đi,
Khi đứng cũng an định.
Mắt thầy luôn nhìn
xuống,
Miệng ít khi nói năng,
Các sa-môn thầy con,
Thân khẩu ý tịch lặng,
Như hạt ngọc không tỳ,
Trong lẫn ngoài đều sáng.
Phẩm hạnh luôn xứng đáng
Các thầy con như vậy.
Thế gian buồn khi mất,
Khi được thì vui mừng.
Các thầy con không thế,
Ðược mất đều dửng dưng.
Vinh danh thế gian vui,
Hổ danh thế gian sầu.
Các thầy con không vậy,
Vinh nhục tâm chẳng màng.
Thế gian mừng được khen
Thế gian buồn bị chê.
Các thầy con không thế,
Ðiềm nhiên dù khen chê.
Thế gian khóc cười theo,
Khổ vui trong cuộc sống.
Các thầy con thanh thản,
Vui khổ chẳng động lòng.
Với các câu trả lời như thế,
Subhaddà làm mẹ chồng hài
lòng. Bà hỏi:
- Chúng ta có thể gặp các thầy của con?
- Thưa, được.
- Tốt lắm, hãy sắp đặt để chúng ta được gặp.
Subhaddăa
liền chuẩn bị nhiều phẩm vật cho Phật và chúng Tăng. Cô leo lên lầu cao,
hướng về phía Thế Tôn, đảnh lễ năm vóc sát đất, tưởng niệm ân đức Phật-đà,
tôn kính Phật bằng hương thơm, hoa và nhang trầm, cô tung lên hư không một
vốc hoa lài và thốt lên:
- Bạch đức Thế Tôn, con thỉnh Ngài và chư
Tăng ngày mai đến nhà con. Xin để cho Ngài biết rằng con đã cung thỉnh.
Hoa lài bay qua hư không, kết lại thành
tràng, dừng trước đức Phật, khi Ngài đang giảng pháp cho chúng hội.
Vào lúc ấy, Trưởng giả Cấp Cô Ðộc cũng thỉnh
Phật đến nhà ngày mai. Phật trả lời:
- Này Trưởng giả, Ta đã nhận lời mời của
người khác.
- Nhưng, đâu có ai đến trước con, Ngài đã
nhận lời ai?
- Cullà
Subhaddà mời Ta.
- Con gái con ở cách xa đây hơn một trăm hai
mươi dặm, làm sao mời được?
- Ðúng thế, nhưng người lành dù ở xa, vẫn
hiện rõ như ở gần.
Ngài nói kệ:
(304)
Người lành dù ở xa,
Sáng tỏ như núi tuyết.
Người ác dầu ở gần,
Như tên bắn đêm đen.
Vua trời Ðế Thích biết đức Phật nhận lời
thỉnh của Subhaddà, ra lệnh
cho thần Vissakamma:
- Hãy hoá hiện năm trăm ngôi tháp, ngày mai
đưa Phật và chúng Tăng đến thành của Úc-già.
Ngày hôm sau,
Vissakamma biến đủ năm trăm
ngôi tháp và đứng đợi ở cổng Kỳ Viên. Ðức Phật đem theo năm trăm vị
A-la-hán, và Ngài cùng chúng Tăng ngồi vào tháp, bay đến thành Úc-già.
Trưởng giả Úc-già cùng gia quyến theo sự chỉ dẫn của
Subhaddà đứng đợi ở con đường
Phật sẽ đến. Ông thấy đức Phật và chúng Tăng đi đến trong vẻ trang nghiêm
siêu phàm, lòng tràn đầy hoan hỷ. Ông tỏ lòng cung kính rất mực, rước Phật
và chúng Tăng vào nhà, tung hương rải hoa, cúng dường long trọng, thỉnh
Phật ở lại bảy hôm. Phật thuyết pháp, và sau đó Trưởng giả Úc-già cùng tám
mươi bốn ngàn người đều đắc Pháp nhãn. Ðặc biệt ban ân cho
Subhaddà, Phật chỉ định Tôn
giả A-nậu-lâu-đà ở lại. Từ đó, dân thành Úc-già trở nên thần thành, giàu
tâm đạo.
9. Vị Sa Môn
Ðộc Cư
Ai
ngồi, nằm một mình...
Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ
Viên, liên hệ đến Tôn giả Ðộc Cư.
Tôn giả Ðộc Cư nổi tiếng trong bốn bộ chúng
rằng Ngài là người đi một mình, đứng một mình và ngồi một mình. Các
Tỳ-kheo đến bạch Phật về Tôn giả:
- Bạch Thế Tôn, Trưởng lão ấy làm như thế,
như thế.
Ðức Phật khen ngợi:
- Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo ấy có thể
sống độc cư:
Và khen ngợi đời sống viễn ly, đơn độc, Ngài
nói kệ:
(305)
Ai ngồi nằm một mình,
Ðộc hành không buồn chán.
Tự điều phục một mình,
Sống thoải mái rừng sâu.