dieuphap.com

   


...... ... .


 Tích truyện Pháp Cú

Thiền viện Viên Chiếu

Nguyên tác: "Buddhist Legends",
Eugène Watson Burlingame

--- o0o ---

VIII. Phẩm Ngàn

1. Tên Ðao Phủ

Dù nói năng ngàn lời ...

Thế Tôn đã dạy câu trên tại Trúc Lâm, về chuyện tên đao phủ răng đồng.

Một bọn bốn trăm chín mươi chín tên cướp sống bằng nghề cướp bóc các thôn làng và những nghề bạo động khác. Bấy giờ, có một gã răng màu đồng, da ngâm đen, mình đầy sẹo, đến xin nhập bọn với chúng. Chúa đảng nhìn gã thấy tánh tình tàn bạo quá đỗi, có thể ăn thịt mẹ và uống máu cha, nên từ chối. Dù thế gã vẫn tìm cách nịnh để mua chuộc cảm tình một lâu la hầu cận, kết quả gã được thâu nhận.

Ðến một lúc nào đó hết thời, bọn cướp bị dân chúng hợp lực với lính nhà vua bắt được, đưa hết ra tòa. Quan tòa ra lệnh chặt đầu bọn chúng bằng rìu. Dân chúng bối rối không tìm ra người bằng lòng làm đao phủ. Cuối cùng họ bảo tên chúa đảng nếu chịu giết hết bọn sẽ được tha mạng và còn được thưởng nhiều. Nhưng đã từng chung sống với nhau, hắn cũng không nỡ. Họ hỏi đến tên răng đồng, da ngâm đen, mình sẹo nọ, gã đồng ý. Rồi gã giết hết cả bọn, được tha mạng và lãnh thưởng.

Cũng thế họ đem năm trăm tên cướp trong xứ từ phía nam đến xét xử, và kết án tử hình. Không tìm được đao phủ, họ nhớ đến gã, tìm đến, gã bằng lòng. Họ cho gã là người xuất sắc và phong làm đao phủ thường trực. Sau đó họ đem năm trăm kẻ cướp từ phương tây, rồi từ phương bắc đến, và gã giết hết tổng cộng hai ngàn người từ bốn hướng. Từ đó mỗi ngày gã giết một hay hai người. Trong suốt năm mươi lăm năm, gã hành nghề đao phủ công cộng.

Về già, gã không thể chặt đầu người một nhát, mà phải hai đến ba nhát, gây thêm đau đớn vô ích cho nạn nhân; vì thế dân chúng muốn kiếm người khác và cho gã nghỉ việc, tức về sau gã sẽ mất bốn bổng lộc là quần áo cũ, cháo sữa nấu từ bơ tươi, hoa nhài và dầu thơm để trang điểm. Do đó ngày bị bãi chức, gã ra lệnh nấu cháo sữa sẵn, rồi ra bờ sông tắm. Xong, gã mặc quần áo cũ, đeo vòng hoa nhài, xức dầu thơm vào tay chân, về nhà ngồi xuống thì cháo sữa đặt trước mặt với nước rửa tay.

Vào lúc đó Trưởng lão Xá-lợi-phất xả thiền, nhìn trước lối sẽ đi khất thực, thấy cháo sữa trong nhà tên đao phủ cũ, Ngài biết rằng người đặc biệt này sẽ đối xử tử tế, do đó ông sẽ được phước báo lớn. Thấy Trưởng lão khoát y ôm bát đứng trước cửa nhà, ông sanh tâm hoan hỷ, và nghĩ đến biết bao mạng người chết dưới lưỡi đao của mình, ông phát tâm cúng dường. Ông cất tô cháo đặt trước mặt mình, bước ra đảnh lễ và mời Trưởng lão vào nhà ngồi, trút cháo vào bình bát, rưới mật tươi lên, và đứng quạt một bên. Ðã lâu không nếm cháo sữa, ông thèm ghê gớm. Trưởng lão đọc được ý ông bèn bảo ông hãy ăn đi. Ông đưa quạt cho người khác quạt Trưởng lão, còn ông thì ăn cháo. Trưởng lão bảo người quạt hãy qua quạt cho ông đao phủ cũ. Thế là có người quạt hầu, ông ăn một bữa cháo no bụng rồi lấy quạt lại, quạt cho Trưởng lão. Ngài thọ thực xong, ông đỡ lấy bình bát, và Trưởng lão bắt đầu hồi hướng công đức. Nhưng ông chẳng thể để tâm nghe được, vì lâu nay làm việc tàn bạo giết hại nhiều người, giờ đây nhớ lại tâm trí quá rối loạn, ông không chú tâm được. Do đó Trưởng lão tìm lời khéo để giúp ông:

- Ông làm việc tự ý mình hay theo lệnh người khác?

- Vua sai con làm, bạch Tôn giả.

- Nếu thế, ông đâu có lỗi gì, cư sĩ.

Ông hoang mang, vì theo lời Trưởng lão ông không có lỗi gì. Ông xin Trưởng lão nói tiếp bài hồi hướng. Tâm ông trở nên tĩnh lặng, nhẫn lực được khai mở ông tiến đến quả Dự lưu.

Trưởng lão ra về, ồng tiễn Ngài một đoạn đường. Trên đường về ông bị quỷ Dạ-xoa dưới lốt con bò cái húc chết. Ông tái sanh vào cõi trời Ðâu Suất.

Các Tỳ-kheo bàn tán trong Pháp đường về tên đao phủ, và thắc mắc không biết ông ta sanh về đâu. Phật đến, nghe thấy liền dạy:

- Các Tỳ-kheo! Ông ta sanh lên cõi trời Ðâu Suất. Ông ta đã được đại thiện tri thức thuyết pháp cho, nhờ đó ông mở mang tri kiến, nên được sanh thiên.

Xong, Phật nói kệ:

Người đao phủ trong thành,
Nghe những lời khéo nói,
Ðược nhẫn và sau đó,
Lên cõi trời hưởng vui.

Các Tỳ-kheo vẫn còn ngạc nhiên, hỏi tiếp:

- Bạch Thế Tôn, trong lời hồi hướng thật ra đâu có năng lực gì ghê gớm. Vả lại, người này đã lầm lỗi rất nhiều, làm sao ông ta chứng đạt với ít lời như thế?

Thế Tôn đáp:

- Các Tỳ-kheo, đừng đo lường giáo pháp của Ta nhiều hay ít lời. Một câu đầy đủ đạo lý vẫn có công đức siêu việt.

Và Ngài nói Pháp Cú:

(100) Dầu nói năng ngàn lời,
Nhưng không gì lợi ích
Tốt hơn một câu nghĩa
Nghe xong, được tịnh lạc.

 

2. Sự Chuyển Hóa Của Bàhiya Dàrucìriya

Dầu nói ngàn câu kệ ...

Câu này Thế Tôn đã dạy khi ngụ tại Kỳ Viên, liên quan đến Trưởng lão Bàhiya Dàrucìriya.

Một nhóm người ra biển, không may thuyền bị thủng. Ai cũng làm mồi cho cá, trừ một người vớ được miếng ván, cố hết sức lội vào bờ, gần cảng Suppàraka. Mất hết y phục, ông quấn vỏ cây quanh mình, luôn cả nhánh non, và được một gia chủ cho một mảnh sành, ông đến cảng Suppàraka. Người ta cho ông súp, cháo và các món ăn khác. Họ tôn kính ông, cho đó là một vị A-la-hán. Nếu mặc vải tốt chắc không được danh lợi như thế, nên ông vẫn che thân với vỏ cây. Nhiều người thường chào mừng gọi ông là A-la-hán, nên ông nghĩ có lẽ mình thật là một trong những A-la-hán trên thế gian này, hay ít ra cũng đang thú hướng đến quả vị A-la-hán. Ông đã làm động tâm một vị trời thời xưa là thân tộc của ông.

2A. Ngoài Ðề - Chuyện Quá Khứ

Thân tộc này, tức là người đã hành thiền với ông trong kiếp trước. Vào thời Phật Ca-diếp lúc đạo pháp suy vi, có bảy Tỳ-kheo buồn tiếc về đức hạnh lui sụt của các tân Tỳ-kheo, Sa-di và những người khác, bảo nhau:

- Trong lúc giáo pháp còn, chúng ta hãy tự độ mình thật chắc chắn.

Rồi sau khi lễ đền vàng, họ vào rừng, gặp ngọn núi, họ tuyên bố ai còn đắm trước đời sống thế gian hãy trở lại, ai hết ràng buộc hãy lên núi. Họ đặt thang và mọi người đều lên núi, xong họ đá cho thang ngã xuống, và dốc sức thiền định. Chỉ sau một đêm thôi, Trưởng lão dẫn đầu chứng A-la-hán.

Ðại Trưởng lão này nhai một cuống trầu ở hồ A-nậu-đạt, súc miệng và đem thức ăn lấy từ Bắc Câu Lô Châu đến nói với các Tỳ-kheo kia:

- Chư huynh đệ! Hãy nhai cuống trầu này, súc miệng và dùng thức ăn này.

Nhưng họ từ chối, viện lý do chỉ dùng thức ăn do chính mình mang về sau khi đã chứng A-la-hán như Ðại Trưởng lão. Vào ngày thứ hai, Ðệ nhị Trưởng lão chứng Tam quả, và cũng đem thức ăn đến mời, nhưng họ từ chối, vì không lẽ đã khước từ thức ăn của Ðại Trưởng lão mà bây giờ nhận thức ăn của Ðệ nhị Trưởng lão.

Sau đó, Ðại Trưởng lão nhập Niết-bàn, Ðệ nhị Trưởng lão sanh về cõi Phạm thiên, còn năm vị kia không khai mở được Minh-sát-tuệ, héo mòn dần, qua đời vào ngày thứ bảy và được sanh thiên. Ðến thời Phật hiện đời, họ sanh vào những gia đình khác nhau. Một người là vua Pukkusàtì, người là Kumàra Kassapa, người là Dàrucìriya, người khác là Dabba Malla, và một người là Tỳ-kheo Sabhiya. "Vị thân quyến trước đây" ám chỉ vị Tỳ-kheo đã sanh vào cõi Phạm thiên.

2B. Ðoạn Kết Sự Chuyển Hóa Của Bàhiya Dàrucìraya

Vị Phạm thiên thấy bạn mình là Bàhiya đang theo tà kiến, có thể bị trầm luân rất nguy hiểm, nên tìm cách kích động ông ta:

- Này Bàhiya, anh không phải là A-la-hán, cũng chưa thú hướng đến quả vị A-la-hán, và con đường anh đang theo cũng không đưa đến quả vị A-la-hán.

Bàhiya rất hoang mang không biết mình ra sao, liền hỏi:

- Thiên nhân! Có lẽ có A-la-hán hay những vị thú hướng A-la-hán trên thế gian hiện nay?

- Bàhiya, hướng bắc có một thành tên Xá-vệ, có đức Thế Tôn, bậc A-la-hán của những A-la-hán, bậc Chánh Ðẳng Giác đang thuyết pháp đưa đến quả vị A-la-hán.

Lúc đó đang đêm, tâm tư Bàhiya xao động mãnh liệt, ông tức tốc rời Suppàraka lên đường đi Xá-vệ suốt đêm, nuốt hết một trăm hai mươi dặm, nhờ thần lực của vị phạm thiên (có chỗ bảo của Phật). Bàhiya đến nơi thì Phật đã vào thành khất thực. Thọ thực xong, ông thấy các Tỳ-kheo đi kinh thành ngoài trời liền hỏi thăm Thế Tôn. Biết ông đến từ rất xa, các Tỳ-kheo khuyên ông ngồi xuống rửa chân, xức dầu và nghỉ ngơi, khi Thế Tôn trở về ông sẽ gặp Ngài. Ông không thể chờ đợi, toàn thân run lên, ông bảo các Tỳ-kheo:

- Bạch Tôn giả! Tôi không biết khi nào Thế Tôn có thể qua đời, hay tôi sẽ qua đời. Tôi vừa vượt qua một đoạn đường dài một trăm hai mươi dặm chỉ trong một đêm, không dừng lại cũng không dám ngồi xuống nghỉ bất kỳ ở đâu. Ngay khi gặp Thế Tôn tôi sẽ nghỉ ngơi.

Ông vào Xá-vệ gặp Thế Tôn đang khất thực, dáng dấp vô cùng trang nghiêm của một vị Phật. Bao lâu nay, bây giờ ông mới gặp được Ngài Cồ-đàm, đấng Toàn Giác. Và tại chỗ ông vừa mới thấy Phật, ông cung kính cúi mình tiến đến gần Phật và đảnh lễ Ngài ở giữa đường, ôm mắt cá chân Ngài và thưa:

- Xin đức Thế Tôn thuyết pháp cho con, đấng An Lạc hãy thuyết pháp cho con, để con được lợi lạc lâu dài và được giải thoát an lạc.

Phật đuổi ông đi bảo:

- Ông đến phi thời, Bàhiya! Ta đang vào nhà người khất thực.

Bàhiya lòng vẫn nôn nóng thưa tiếp:

- Bạch Thế Tôn, trước đây con đã không chịu nhận thức ăn vật chất, và con đã mãi trôi lăn mãi trong vòng luân hồi. Con không biết khi nào Thế Tôn hay con sẽ qua đời, xin thuyết pháp cho con.

Lần thứ hai, Thế Tôn từ chối. (Thấy được Phật ông quá vui mừng, và tâm còn kích động, ngoài ra thân cũng còn mệt, do đó nếu có giảng pháp, Phật chắc ông sẽ khó lĩnh hội). Lần thứ ba, Thế Tôn vẫn đứng ở giữa đường, dạy:

- Vậy thì, Bàhiya, ông phải học thế này: "Trong cái thấy chỉ có cái bị thấy, trong cái nghe chỉ có cái bị nghe, trong cái nghĩ chỉ có cái bị nghĩ, trong cái hiểu chỉ có cái bị hiểu"; do đó, này Bàhiya, ông không ở đây. Này Bàhiya, vì ông không ở đây, do đó ông không ở đời này, cũng chẳng ở đời sau, không ở cả hai đời. Chỉ có thế mới chấm dứt đau khổ.

Ngay khi Bàhiya nghe xong bài pháp, ông dứt trừ lậu hoặc, chứng A-la-hán cùng các thần thông. Liền đó ông xin Phật được nhận vào Tăng đoàn. Phật hỏi ông có y bát chưa, ông đáp chưa có. Phật bảo hãy tự tìm lấy, rồi Ngài quay đi.

Trong hai mươi ngàn năm hành thiền, Bàhiya chưa hề cúng dường y bát cho một Tỳ-kheo nào, trái lại ông thường nói một Tỳ-kheo phải tự lo lấy vật dụng cho mình, kể cả thức ăn, không nên nhờ ai khác. Thế Tôn biết thế, và cũng biết vì thế ông sẽ không nhận được y bát từ thần lực, do đó Ngài không nhận ông vào Tăng đoàn với câu: "Hãy đến, Tỳ-kheo" như thường lệ.

Bàhiya đang đi tìm y bát thì quỷ Dạ-xoa dưới lốt con bò cái đến húc ông chết. Khất thực xong, Thế Tôn với chúng Tăng đến nơi thấy xác ông nằm sóng soài trên đống rác. Ngài liền bảo các Tỳ-kheo lấy cáng đang dựng tại cửa nhà nọ, khiêng xác ra khỏi thành, thiêu và đắp đất chôn. Làm xong họ về tinh xá thưa lại với Phật và hỏi về đời sau của ông. Phật cho biết ông đã nhập Niết-bàn, và trong các đệ tử cư sĩ và xuất gia, Bàhiya là đệ nhất về học tập Phật pháp mau chóng. Các Tỳ-kheo hỏi tiếp:

- Bạch Thế Tôn, Bàhiya đã chứng A-la-hán khi nào?

- Các Tỳ-kheo, chính là vào lúc nghe Ta thuyết pháp.

- Nhưng bạch Thế Tôn, Ngài thuyết pháp cho ông ta lúc nào?

- Khi Ta đang đi khất thự, đứng ở giữa đường.

- Một bài pháp quá ngắn ở giữa đường như thế, Bạch Thế Tôn, ông ta khai mở được Minh sát tuệ với ít lời như thế sao?

- Các Tỳ-kheo! Chớ đo lường pháp của ta là ít là nhiều. Nói ngàn câu kệ không hiệu quả, cũng không bằng chỉ một câu đầy đủ đạo lý.

Và Phật đọc Pháp Cú:

(101) Dầu nói ngàn câu kệ,
Nhưng không gì lợi ích,
Tốt hơn nói một câu,
Nghe xong, được tịnh lạc.

 

3. Cô Gái Lấy Tên Cướp

Dầu nói trăm câu kệ ...

Phật dạy câu này tại Kỳ Viên, liên quan đến Kundalakesì

Một thương gia giàu có tại Vương Xá, có duy nhất một cô con gái mười sáu tuổi tuyệt đẹp và khả ái. Cha mẹ cho cô ở trên tầng chót tòa lâu đài bảy tầng, trong một phòng lộng lẫy, với một nàng hầu.

Một hôm, một chàng trai gia thế bị bắt vì tội trộm. Người ta trói ké tay anh ra sau lưng, dẫn ra pháp trường, và tại ngã tư họ hành hạ anh với biết bao lời mắng nhiếc. Con gái thương gia nghe đám đông la hét, chạy ra ngoài nhìn xuống thấy tên trộm bỗng đem lòng yêu thương, tương tư đến nỗi bỏ ăn nằm liệt giường. Mẹ cô hỏi thăm, biết chuyện nên khuyên con gái đừng dại dột như thế, bà sẽ tìm người môn đăng hộ đối gả chồng cho cô. Nhưng cô không chịu, thề chết nếu không lấy được tên trộm này. Bà bèn kể cho chồng nghe, nhưng ông cha cũng không dỗ dành con gái được, túng thế đem một ngàn đồng tới quan lo lót để chuộc mạng tên trộm. Quan nhận tiền thả hắn ra, giết người khác rồi tâu lên vua tên trộm đã bị xử tử.

Thương gia gả con gái cho tên trộm. Cô dâu mới muốn chiếm trọn vẹn tình cảm của đức lang quân nên chìu chuộng hết sức, trang điểm đẹp đẽ, nấu nướng ngon lành. Tuy thế tên trộm vẫn nuôi ý đồ bất lương: giết vợ lấy châu báu, vào quán nhậu. Anh cho đó là diệu kế duy nhất, nên lên giường bỏ ăn. Cô vợ hốt hoảng hỏi thăm chồng:

- Anh đau làm sao?

- Không sao, em ạ.

- Hay cha mẹ làm anh phiền?

- Không đâu, em ạ.

- Vậy thì chuyện gì?

- Em ạ! Ngày tôi bị trói dẫn đi tôi đã nguyện dâng một phẩm vật lên vị thần ở trên "Bờ Vực Của Kẻ Trộm" xin cứu mạng. Và nhờ thần lực của Ngài mà tôi được cưới em làm vợ. Tôi bối rối không biết làm sao giữ trọn lời thề này.

- Xin anh đừng lo. Em sẽ lo phẩm vật, anh cần gì?

- Cháo ngon, nêm với mật, và năm loại hoa trong đó phải có hoa làja.

- Vâng, em sẽ lo đủ.

Rồi để thân quyến ở nhà, hai vợ chồng cùng đám gia nhân lên đường vui vẻ, tươi cười với cả gia tài quí báu trên mình cô vợ, đúng như ý ông chồng. Ðến chân núi tên trộm cho đám tùy tùng ở lại, bảo vợ mang phẩm vật, rồi anh nắm tay trèo lên đỉnh núi "Vực Kẻ Trộm" (bên này có thể trèo lên nhưng bên kia là vách đá dốc ngược, bọn trộm từ đỉnh bị xô xuống vực nát thây trước khi đến đáy, nên có tên như thế).

Ðứng trên đỉnh núi, cô bảo chồng dâng lễ vật. Tên trộm lặng thinh. Cô lại hỏi tại sao hắn không nói. Cuối cùng hắn phải thú thật là gạt cô lên đây để giết cô lấy châu báu. Khủng khiếp vì sợ chết, cô năn nỉ hắn tha mạng:

- Cả châu báu và thân em đây đều không thuộc anh hay sao? Anh được lợi gì mà phải giết em? Hãy tha chết cho em. Kể từ đây xin coi em như mẹ của anh, hay cho em làm kẻ hầu hạ cũng được.

Rồi cô đọc bài kệ:

Hãy lấy vòng vàng này,
Ðược gắn những ngọc quí.
Lấy hết và tự nhiên,
Xem tôi như tỳ nữ.

Tên trộm vẫn không chịu, vì sợ cô ta về sẽ kể lại hết với cha mẹ. Hắn cũng đáp bằng kệ:

Ðừng than vãn quá nhiều,
Gỏi của cải mau lên!
Mi không còn sống thêm,
Của cải mi ta lấy!

Cô thấy rõ hắn tàn bạo quá mức, nghĩ rằng trí tuệ không phải dùng để nấu lên ăn, mà để giúp người ta có thể tính toán trước hành động của mình. Vi vậy cô tìm cách đối phó với hắn. Cô bảo nhờ cô mà hắn được cứu mạng, nên xin hắn cho cô là ân nhân của hắn, được đảnh lễ hắn. Rồi cô đi nhiễu quanh hắn ba vòng, rồi để hắn đứng ở vị trí bên phải của cô, đảnh lễ hắn bốn phía, xong kể lể:

- Ðây là lần cuối cùng em trông thấy anh, và từ đây anh cũng không còn thấy em nữa!

Cô ôm hôn hắn trước mặt rồi ôm từ sau lưng, và từ phía sau nhắm lúc hắn quên đề phòng đứng ngay miệng vực, một tay cô đẩy trên vai hắn, tay kia đẩy ngang thắt lưng, cô xô hắn xuống vực, tan xương nát thịt trước khi tới đáy. Vị thần tại đó hoan hô cô với bài kệ:

Trí tuệ không phải luôn luôn,
Chỉ dành cho bọn đàn ông.
Ðàn bà đôi khi cũng vậy,
Tỏ ra khôn khéo vô cùng.

Nếu về nhà, cha mẹ hỏi, chẳng lẽ không khai thật, miệng lưỡi hai người chắc chắn không tha ta: "Ðã tốn một ngàn đồng chuộc mạng tên vô lại, sao mi lại giết hắn?". Và nếu ta nói thật lý do vì hắn muốn giết ta trước, chưa chắc hai người đã tin. Gia đình ôi sao chán quá!" Nghĩ như thế cô ném hết châu báu, vào rừng đến chỗ ẩn dật của các nữ tu, chào cung kính xin được vào Ni chúng.

Thành ni cô, và sau khi được giải thích hai lối tu: thiền quán trên mười đề mục hoặc tụng niệm một ngàn tín pháp, cô chọn cách thứ hai. Thấy cô thuần thục, chư ni bảo cô đi khắp vùng Diêm Phù Ðề tìm thiện hữu tri thức có thể đối pháp được với cô. Ðặt một nhánh đào trong tay cô, họ dặn dò:

- Ði đi, đạo hữu! Gặp cư sĩ đối đáp được chi hãy xin hầu hạ; gặp Tỳ-kheo đối đáp được, chị hãy xin gia nhập Tăng đoàn.

Mang tên ni cô Hồng Táo, cô du hành mọi nơi, đặt câu hỏi với bất cứ ai gặp được, không ai đối đáp lại. Cô nổi danh đến nỗi nghe tin cô đến, người ta bỏ chạy hết. Trước khi vào thành hay vào làng khất thực, cô gom một đống cát trước cổng chánh, trồng nhánh đào lên và thách thức ai đối đáp được hãy giẫm lên nhánh đào này. Không ai dám qua chỗ ấy, nhánh cây này héo, cô tìm nhánh khác tươi hơn, cứ du hành như thế, cô đến Xá-vệ. Trẻ con xúm quanh nhánh cây cô đã trồng như thường lệ xem việc gì đã xảy ra, vừa đúng lúc Trưởng lão Xá-lợi-phất thọ thực xong bước ra khỏi thành. Ngài ngạc nhiên hỏi lũ trẻ, biết chuyện, Ngài bảo chúng hãy giẫm lên nhánh cây. Ban đầu chúng sợ không dám; nhưng được Trưởng lão bảo đảm sẽ trả lời câu hỏi, chúng nhào lên nhánh cây hò hét, đá sụp đống cát.

Ði khất thực xong trở về, thấy thế cô trách mắng lũ trẻ:

- Ta không định đối đáp với chúng mày, sao chúng mày phá phách như thế?

Chúng đáp là làm theo lời Trưởng lão. Ðược Ngài xác nhận, cô xin vấn đáp và cũng được Ngài nhận lời.

Chiều xuống, cô đến chỗ Trưởng lão đặt câu hỏi. Cả thành xôn xao muốn đi nghe. Họ cùng đi với cô, cúi chào Trưởng lão và cung kính ngồi một bên. Cô hỏi Ngài một ngàn đề mục về tín pháp, Ngài trả lời đúng hết. Và Ngài hỏi lại:

- Cô chỉ hỏi có bấy nhiêu thôi à? Còn câu nào khác không?

- Dạ đã hết, thưa Tôn giả!

- Cô đã hỏi tôi nhiều câu, bây giờ tôi hỏi lại cô một câu thôi!

- Xin tôn giả cứ hỏi.

- Cái gì là Một?

Cô rất muốn trả lời nhưng không trả lời được, bèn hỏi lại Tôn giả. Ngài đáp:

- Ðó là câu hỏi của Phật.

- Vậy xin nói cho con biết, thưa Tôn giả.

- Nếu cô vào Tăng đoàn, ta sẽ cho biết câu trả lời.

Cô bằng lòng xin nhập vào Tăng đoàn, Trưởng lão nhắn ni chúng lo mọi việc. Sau khi làm đầy đủ bổn phận, cô được đặt tên là Kundalakesì, và chỉ vài ngày chứng A-la-hán cùng các thần thông.

Trong Pháp đường các Tỳ-kheo bàn tán về chuyện của cô, cho rằng cô chỉ nghe chút ít pháp rồi được nhận vào Tăng đoàn, hơn nữa cô đã đến đây sau khi chiến đấu dữ dội với một tên trộm và đánh bại hắn. Phật đi đến nghe được, bèn bảo:

- Các Tỳ-kheo, đừng đo lường giáo pháp ta nói là ít hay nhiều. Với một trăm câu vô nghĩa thì chẳng có công đức gì so với một câu có đạo lý. Chiến thắng nhiều tên trộm chẳng đáng gì so với chiến thắng tên trộm Dục lạc của chính mình. Ðó mới thực sự là chiến thắng.

Và Phật đọc Pháp Cú:

(102) Dầu nói trăm câu kệ,
Nhưng không gì lợi ích.
Tốt hơn một câu pháp,
Nghe xong, được tịnh lạc.

(103) Dầu tại bãi chiến trường,
Thắng ngàn ngàn quân dịch,
Tự thắng mình tốt hơn,
Thật chiến thắng tối thượng.

 

4. Ðược Và Mất

Tự thắng tốt đẹp hơn ...

Câu này Phật dạy khi ngụ tại Kỳ Viên, liên quan đến một Bà-la-môn đã hỏi về được và mất. Một Bà-la-môn, thắc mắc chắc là Thế Tôn chỉ biết có được chứ không biết mất. Và ông ta đi hỏi Phật, được Phật trả lời:

- Bà-la-môn! Ta biết cả hai được và mất.

- Vậy thì xin Ngài nói cho con về mất.

Phật nói kệ sau:

Những thứ không ích lợi
Gồm: thứ nhất, ngủ muộn,
Biếng lười chiếm thứ hai,
Thứ ba, ánh trăng soi,
Thứ tư giàu sang mãi,
Thứ năm, hay đi lại,
Sáu, vụng trộm vợ người.
Chạy theo những việc ấy,
Hỡi này, Bà-la-môn,
Ngươi sẽ được những thứ,
Không ích lợi cho mình.

Bà-la-môn nghe xong ca ngợi Thế Tôn:

- Hay thay! hay thay! Ðấng Ðạo sư của mọi người! Bậc lãnh đạo của mọi người! Ngài thật biết cả hai được và mất.

- Thật thế Bà-la-môn! Không ai biết rành hơn ta về mất.

Rồi Thế Tôn xét xem làm cách nào chuyển hóa được ông Bà-la-môn, Ngài hỏi:

- Bà-la-môn, ông sống bằng nghề gì?

- Bằng nghề cờ bạc, ngài Cồ-đàm ạ.

- Thế ai được, ông hay người kia?

- Khi thì con, khi thì người kia.

- Bà-la-môn, chiến thắng kẻ khác là một việc tầm thường, chiến thắng như thế đâu có lợi lạc gì. Nhưng người nào thắng lướt Dục lạc và tự thắng mình, thì chiến thắng như thế lợi lạc hơn, không ai có thể đánh bại mình.

Và Phật đọc Pháp Cú:

(104) Tự thắng, tốt đẹp hơn,
Hơn chiến thắng người khác.
Người khéo điều phục mình,
Thường sống tự chế ngự.

(105) Dầu thiên thần, Thát bà,
Dầu Ma vương, Phạm thiên,
Không ai chiến thắng nổi,
Người tự thắng như vậy.

 

5. Chú Của Xá Lợi Phất

Tháng tháng bỏ ngàn vàng ...

Thế Tôn dạy câu này khi ngụ tại Trúc Lâm, liên quan đến chú của Xá-lợi-phất.

Một hôm Trưởng lão Xá-lợi-phất đến thăm chú, Ngài hỏi:

- Bà-la-môn, ông có bao giờ làm việc thiện chưa?

Ông chú đáp:

- Dạ có, thưa Tôn giả! Mỗi tháng tôi cúng một ngàn đồng.

- Cho ai vậy?

- Các đạo sĩ lõa thể, thưa Tôn giả.

- Ðể mong được gì?

- Ðể lên cõi Phạm thiên.

- Ai bảo ông thế?

- Các đạo sĩ, các thầy tôi.

- Này Bà-la-môn, cả ông và thầy ông đều không biết con đường đưa đến cõi Phạm thiên. Chỉ có Phật mới biết con đường đó. Hãy đi với tôi, tôi sẽ thỉnh Phật chỉ cho ông.

Và Trưởng lão dẫn chú đến gặp Phật. Thưa thỉnh xong được Phật dạy:

- Bà-la-môn, dù ông bố thí như thế này trong một trăm năm cũng không bằng phước báo của một người có lòng tin, dù trong giây lát biết tôn trọng đệ tử của Ta, hay cúng dường đệ tử Ta dù chỉ một muỗng cơm.

Và Phật nói Pháp Cú:

(106) Tháng tháng bỏ ngàn vàng,
Tế tự cả trăm năm,
Chẳng bằng trong giây lát,
Cúng dường bậc tự tu.
Cúng dường vậy tốt hơn,
Cả trăm năm tế tự.

 

6. Cháu Của Xá Lợi Phất

Dầu trải một trăm năm ...

Khi ngụ tại Trúc Lâm, Phật đã dạy câu trên vì chuyện cháu của Trưởng lão Xá-lợi-phất.

Trưởng lão cũng đến người cháu hỏi thăm có từng làm việc thiện không. Hằng tháng anh ta giết một con thú để tế lửa, vì tin rằng sẽ được lên cõi Phạm thiên như thầy anh ta bảo. Trưởng lão cũng khuyên anh đến gặp và thỉnh Phật dạy cho. Phật thuyết như sau:

- Bà-la-môn, dù ông thờ lửa một trăm năm như thế, công đức cũng chưa bằng giá trị lễ kính đệ tử Ta trong một khoảnh khắc.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

(107) Dầu trải một trăm năm,
Thờ lửa tại rừng sâu,
Chẳng bằng trong giây lát,
Cúng dường bậc tự tu.
Cúng dường vậy tốt hơn,
Hơn trăm năm tế tự.

 

7. Bạn Của Xá Lợi Phất

Suốt năm, cúng tế vật ...

Ðó là câu Phật dạy tại Trúc Lâm, liên quan đến bạn của Trưởng lão Xá-lợi-phất.

Trưởng lão cũng đến hỏi bạn mình như đối với chú và cháu của mình trước đây. Việc thiện của anh bạn từng làm là mổ vật tế lễ để được sanh thiên. Ngài cũng khuyên và dẫn bạn đến gặp Phật, thưa thỉnh và được chỉ dạy như sau:

- Bà-la-môn, dù ông có dâng tế vật một năm, cũng không công đức bằng một phần tư công đức của một thiện tín bố thí cho dân chúng, hay người biết tôn kính đệ tử Ta.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

(108) Suốt năm cúng tế vật,
Ðể cầu phước ở đời,
Không bằng một phần tư,
Kính lễ bậc chánh trực.

 

8. Chàng Trai Tăng Tuổi Thọ

Thường tôn trọng, kính lễ...

Phật dạy câu này khi ngụ tại Arannakutikà gần Dìghalambika, liên quan đến chàng trai Dighàyu.

Có hai Bà-la-môn sống ở thành Dìghalambika, tu theo ngoại đạo và khổ hạnh suốt bốn mươi tám năm. Một người sợ giòng giống bị diệt vong nên hoàn tục. Ông bán công đức của mình cho người khác, và với một trăm trâu bò, một trăm đồng, cưới vợ sống đời gia chủ. Chẳng bao lâu ông được mụn con trai. Tu sĩ kia, bạn cũ của ông, đi nơi khác, một hôm trở về thăm. Họ chào mừng lẫn nhau. Tu sĩ chúc cả hai vợ chồng sống lâu, nhưng khi đứa bé được trình diện thì tu sĩ lặng thinh. Ông cha thắc mắc và được tu sĩ giải thích có một tai họa đang chờ đứa bé, và nó sẽ chết trong bảy ngày. Cả hai ông bà hoảng hốt không biết tính sao. Tu sĩ khuyên nên đến cầu cứu với Sa-môn Cồ-đàm. Họ ngần ngừ vì sợ mang tiếng bỏ những ẩn sĩ của mình, nhưng lòng thương con mãnh liệt khiến họ rồi cũng đến Thế Tôn. Họ đến chào Thế Tôn, được Phật chúc sống lâu, nhưng đến phiên đứa bé Phật cũng lặng thinh, cùng lý do như tu sĩ đã nói. Ông cha thỉnh cầu Phật ngăn đừng cho tai họa cướp mất đứa bé. Phật dạy:

- Nếu ông dựng trước cửa nhà một cái lều, đặt một ghế ở giữa, sắp tám hay mười sáu chỗ ngồi vòng quanh cho đệ tử của Ta; và nếu ông cho tụng những bài kinh cầu an và ngăn ngừa tai họa suốt bảy ngày liên tục, thì con ông sẽ tránh được hiểm họa.

Bà-la-môn làm đúng theo lời Phật, và các Tỳ-kheo đã đọc tụng đúng bảy ngày đêm liên tiếp. Ðến ngày thứ bảy Thế Tôn đến, chư thiên các cõi cũng tụ hội. Có một quỷ Dạ-xoa phụng sự cho Vessavana tên là Avarudhaka suốt mười hai năm, được ân huệ là bảy ngày nữa sẽ nhận được đứa bé, đi đến đứng đợi. Nhưng có mặt Thế Tôn và thiên thần đầy quyền lực, các vị khác yếu hơn đều phải thối lui mười hai dặm nhường chỗ, cả Avarudhaka cũng thế.

Phật đọc kinh cầu an suốt đêm, kết quả sau bảy ngày Dạ-xoa không bắt được đứa bé. Bình minh ngày thứ tám, đứa bé được đặt trước Thế Tôn và được chúc sống lâu, đến một trăm hai mươi tuổi theo lời Phật, do đó có tên là "Chàng trai tăng tuổi thọ" Ayuvaddhana. Lớn lên chú có năm trăm đệ tử cư sĩ đi theo.

Một hôm các Tỳ-kheo thảo luận trong Pháp đường về Ayuvaddhana, và không hiểu tại sao mạng sống của chúng sanh được gia tăng ở thế gian này. Phật nghe được liền bảo:

- Các Tỳ-kheo! Không phải chỉ có tuổi thọ mà thôi. Ở thế gian này chúng sanh biết tôn kính và lễ trọng những vị đạo đức, sẽ được tăng trưởng bốn pháp, thoát khỏi nguy hiểm và sống an toàn suốt đời.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

(109) Thường tôn trọng, kính lễ,
Bậc kỳ lão trưởng thượng,
Bốn pháp được tăng trưởng,
Thọ, sắc, lạc, sức mạnh.

 

9. Sa-Di Samkicca

Dầu sống một trăm năm....

Do chuyện Sa-di Samkicca, Thế Tôn đã dạy câu trên khi ngụ tại Kỳ Viên.

Có ba mươi vị vọng tộc sống ở Xá-vệ nghe Phật thuyết pháp, quy phục và đi tu. Sau năm năm làm tròn bổn phận, họ đến gặp Phật nghe dạy về pháp học và pháp thiền. Vì lớn tuổi mới xuất gia, họ không thể theo nổi pháp học, mà muốn tu tập thiền quán, và được Phật giao đề mục thiền quán hướng đến quả vị A-la-hán, họ xin vào rừng ẩn tu. Phật biết trước họ sẽ bị nguy hiểm vì một người ăn thịt vụng, nhưng nếu có Sa-di Samkicca đi theo thì sẽ được an ổn, và đạt đến cứu cánh của đời tu.

Samkicca là Sa-di của Trưởng lão Xá-lợi-phất chỉ mới bảy tuổi. Mẹ chú thuộc gia đình giàu có ở Xá-vệ. Khi mang thai chú, bà lâm bệnh chết đột ngột. Từ giàn hỏa toàn thân bà cháy hết, còn đứa bé chưa sinh không cháy. Nhưng khi dùng cây khiêng đứa bé ra khỏi giàn hỏa, chú bé bị các cây đó đâm vào thịt hai ba chỗ, một mũi đâm trúng vào con ngươi chú, rồi chú lại bị ném vào đống than, thịt chú cháy hết. Nhưng trên đống than đó lại xuất hiện một chú bé như một tượng vàng đang ngồi trên đài sen. Ðây là kiếp cuối của chú trước khi chứng Niết-bàn, và vì chưa thành tựu quả vị A-la-hán nên không gì có thể hoại diệt chú, ngay cả núi Tu Di rơi xuống.

Ngày kế, họ đến dập tắt lửa, ngạc nhiên thấy chú còn sống. Họ đem chú về làng thỉnh ý thầy bói; và biết được nếu chú sống đời gia chủ, thân quyến sẽ không nghèo suốt bảy đời, nếu đi tu sẽ có năm trăm người tùy tùng. Vì mắt bị gậy (Samku) đâm, họ đặt tên chú là Samkicca.

Lên bảy tuổi, chú nghe bè bạn nói về thân thế của mình, hỏi lại bà con quả đúng như thế, chú quyết định đi tu. Bà con cũng đã có ý đó khi nghe lời thầy bói, nên hoan hỷ dẫn chú đến giao cho Trưởng lão Xá-lợi-phất xin nhận chú vào Tăng đoàn. Trưởng lão ưng thuận và dạy chú thiền quán trên năm yếu tố đầu tiên của thân. Ngay lúc dao cạo vừa chạm tóc, chú chứng A-la-hán. Ðó là chuyện Sa-di Samkicca.

Do đó khi ba mươi vị vọng tộc xin vào rừng, Phật bảo hãy đến gặp Trưởng lão Xá-lợi-phất. Suy xét sự việc. Ngài hiểu ý Phật nên bảo họ để Sa-di Samkicca đi theo. Ban đầu họ từ chối vì nghĩ rằng không cần đến đứa bé bảy tuổi, nhưng được Trưởng lão giải thích chính họ mới là chướng ngại của Sa-di và đó là ý của Phật, họ bằng lòng.

Ba mươi mốt người từ giã Trưởng lão rời tinh xá. Họ du hành từ nơi này đến nơi khác và sau một trăm hai mươi dặm đường họ đến một làng có ngàn gia đình cư trú. Dân cư thấy họ hoan hỷ, hết lòng phục vụ những thứ cần dùng. Ðược biết họ đi tìm nơi thích hợp để tu, dân chúng quỳ lạy dưới chân xin họ ở lại đây hết mùa mưa, họ sẽ giữ năm giới và làm tròn bổn phận ngày chay. Ðược nhận lời, dân chúng sửa soạn chỗ ở ban ngày và ban đêm, lối đi có mái che và lều cỏ. Họ chia bổn phận hàng ngày cho nhiều nhóm. Ai cũng làm phần mình không quá sức, tận tình phục vụ những thứ cần dùng.

Ðầu mùa mưa các Trưởng lão thỏa thuận như sau:

- Chư huynh đệ! Chúng ta đã nhận đề mục thiền quá từ Ðức Phật và muốn nhận được ân huệ của chư Phật không làm gì khác hơn là tinh tấn tu tập. Cửa khổ não vẫn đang mở rộng trước mặt; do đó chỉ trừ sáng sớm đi khất thực, buổi tối hầu hạ Ðại Trưởng lão, các giờ khác không được tụ họp từ hai người trở lên. Ai có đau ốm, hãy đánh chuông, chúng ta sẽ đến lo thuốc men. Từ bây giờ trở đi bất luận ngày đêm, chúng ta hãy chú tâm chuyên cần vào đề mục thiền quán.

Rồi mọi người trở về chỗ của mình.

Lúc đó có một người nghèo sống nhờ vào đứa cháu gái, nhưng nó hất hủi nên ông phải đi tìm đứa cháu khác nương náu. Ông đến chỗ các Tỳ-kheo đang ngồi trên bãi cát thọ thực sau khi khất thực trong làng về và kính cẩn đứng một bên. Các Tỳ-kheo hỏi thăm, thương hại ông và chia phần cơm trộn với xúp và cà ri trên một chiếc lá. (Ðúng theo luật là khi có người đến vào giờ cơm, nếu không có món ngon nhất thì chia món đang ăn dù ít nhiều cũng được). Ăn xong ông hỏi thăm và khi biết các Tỳ-kheo không nhận lời mời ăn của ai cả mà đi khất thực hàng ngày trong khi ông phải làm quần quật cả ngày mà chưa bao giờ được ăn như thế, do đó ông có ý định đi theo các Tỳ-kheo hầu hạ.

Hai tháng trôi qua, vì tận tụy làm việc, ông được cảm tình của các Tỳ-kheo. Muốn thăm cháu, nhưng sợ các Tỳ-kheo không cho, ông bỏ trốn.

Ông đến một khu rừng có năm trăm tên cướp đã sống ở đó. Chúng cầu nguyện với thần sống ở đó, nếu có ai vào trong rừng sẽ giết để tế thần. Và chúng gặp ngay ông lão, vây bắt, trói lại thật chặt rồi chất củi, đốt lửa, vót cọc gỗ nhọn. Ông lão ngạc nhiên hỏi, hóa ra chúng chuẩn bị làm thịt ông để tế thần. Sợ chết khủng khiếp, ông quên hết lòng tốt của các Tỳ-kheo đối với ông mà chỉ làm mọi cách để cứu mạng mình. Do đó ông chỉ cho bọn cướp chỗ ở của ba mươi mốt Tỳ-kheo để chúng bắt làm vật tế thần, chắc chắn thần sẽ vui mừng hơn. Còn ông thì già cả, chỉ ăn đồ thừa. Bọn cướp nghe ông nói có lý, bèn bảo ông dẫn đường đến tinh xá. Ðến nơi chẳng thấy ai, ông lão bảo thủ lãnh đánh chuông, thế là các Tỳ-kheo tụ đến và ngồi xuống ghế đá thẳng hàng đặt sẵn ở đó. Ðại Trưởng lão của hội chúng thấy bọn cướp liền hỏi ai đánh chuông và lý do gì. Chúng bảo cần một Tỳ-kheo để tế thần. Ðại Trưởng lão lấy quyền huynh trưởng quyết định rằng ông sẽ đi nạp mạng, đừng để số phận của tất cả phải chết, hãy ở lại tu tập. Nhưng Ðệ nhị Trưởng lão cũng lên tiếng. Bổn phận của huynh trưởng người thứ hai phải gánh lấy, tức là tôi sẽ ra đi, những người ở lại phải chuyên tâm chánh niệm.

Cứ thế cả ba mươi Tỳ-kheo xếp hàng đòi đi, dù không cùng cha cùng mẹ nhưng đã thoát khỏi mọi trói buộc nên ai cũng muốn hy sinh mình vì người khác.

Sa-di Samkicca nghe các Tỳ-kheo nói như thế cũng quyết định xin đi, nhưng các Tỳ-kheo không cho vì sợ Trưởng lão Xá-lợi-phất trách cứ sao nỡ giao đệ tử của Ngài cho bọn cướp. Tuy thế Sa-di vẫn nhất quyết bảo rằng chính vì lý do này mà Trưởng lão thầy mình bảo đi theo các Tỳ-kheo, và chú còn xin được tha thứ nếu có lầm lỗi điều chi. Rồi chú Sa-di ra đi, các Tỳ-kheo mắt đẫm lệ, lòng xốn xang. Ðại Trưởng lão bảo bọn cướp khi sửa soạn lửa, cọc nhọn, trải lá, đừng để cho chú thấy kẻo sợ. Bọn chúng mang chú Sa-di đi, đến chỗ hành lễ. Khi mọi việc đã xong chú ngồi xuống, nhập định. Tên thủ lãnh vung kiếm chém xuống vai chú. Nhưng lưỡi kiếm cong làm hai, lưỡi chạm lưỡi. Tên cướp uốn thẳng lưỡi kiếm chém nhát nữa. Lần này lưỡi kiếm bị mẻ nứt từ cán đến mũi như một lá cỏ.

Tên thủ lãnh giật mình thấy sự kỳ diệu. "Thanh kiếm này trước đây chém trụ đá hay gốc keo như chém chồi non, nay bị cong và nứt. Một vật vô hình như thanh kiếm mà còn biết đức hạnh của thiếu niên này, huống hồ một người có lý trí là ta". Nghĩ thế nên hắn quăng kiếm, phủ phục xuống chân Sa-di thưa:

- Tôn giả! Chúng tôi đã ở trong rừng này, dù cả ngàn người mà thấy chúng tôi từ xa, ai cũng đều run rẩy, còn hai hay ba người thì chẳng dám thốt một lời. Nhưng Ngaì chẳng mảy may run sợ. Khuôn mặt Ngài rạng ngời như vàng ròng trong lò hay đóa hoa Kanikàra nở to, vì sao thế?

Và hắn lặp lại câu hỏi bằng bài kệ:

Ngài không run, không sợ.
Hơn nữa, thật an tĩnh.
Tại sao Ngài không khóc,
Lúc khủng khiếp như vậy?

Sa-di xuất định, thuyết pháp cho bọn cướp:

- Này thủ lãnh! Người nào thoát khỏi dục lậu thì xem cuộc đời như gánh nặng trên đầu, và nếu bị hoại diệt, chỉ có vui chứ không sợ.

Và chú nói kệ tiếp:

Này thủ lãnh!
Người thoát khỏi tham dục
Sẽ không còn khổ nữa.
Này, người chứng kiến!
Kẻ đã thoát buộc ràng,
Sẽ chẳng còn sợ chi.
Nhân luân hồi tử sanh,
Nếu đời này diệt được,
Chết không còn đáng sợ,
Như gánh nặng quẳng đi.

Tên thủ lãnh lắng nghe Sa-di xong, nhìn năm trăm tên cướp hỏi chúng có ý định gì. Chúng hỏi lại hắn, hắn đáp:

- Ta quá ngạc nhiên về sự kỳ diệu này, và giờ đây không còn muốn sống đời gia đình nữa. Ta sẽ đi tu với Sa-di.

Cả bọn nhao nhao lên đòi đi tu theo, và chúng cúi mình trước Sa-di xin gia nhập Tăng đoàn. Dùng gươm, tên, chúng cạo đầu, cắt vạt áo, và nhuộm với đất nâu. Sa-di bảo chúng khoác y vàng và truyền mười giới cho. Rồi thầy trò ra đi đến các Trưởng lão để các Ngài yên tâm hành thiền. Quả thế, trông thấy chú, các Ngài nhẹ nhõm chào mừng. Chú xin phép dẫn các tân tu sĩ đến gặp Phật và thầy của chú. Trưởng lão Xá-lợi-phất và cả Phật đều hỏi thăm năm trăm đệ tử của Sa-di. Và Phật bảo họ:

- Này các Tỳ-kheo, dù chỉ sống một ngày an trụ trong đức hạnh như các ông đang sống, còn hơn sống trăm năm đắm sâu trong tội ác cướp bóc.

Xong, Ngài đọc Pháp Cú:

(110) Dầu sống một trăm năm,
Ác giới, không thiền định,
Tốt hơn sống một ngày,
Trì giới, tu thiền định.

Sau thời gian làm tròn bổn phận, Sa-di Samkicca thành Tỳ-kheo. Ðược mười năm, chú độ con của người chị làm Sa-di tên Atimuttaka. Ðến đúng tuổi chú Sa-di được Trưởng lão Samkicca gởi về nhà hỏi lại cha mẹ tuổi chính xác. Trên đường đi chú bị năm trăm tên cướp bắt định tế thần. Chú thuyết pháp cải hóa chúng, và được chúng thả ra với điều kiện không được nói với ai về sự có mặt của chúng. Sa-di giữ lời hứa, nên khi thấy cha mẹ đi ngược chiều về phía bọn cướp chú vẫn nín thinh. Cha mẹ chú bị ngược đãi trong tay bọn cướp, khóc lóc trách móc chú đã thông đồng với bọn cướp, nên không thông tin cho biết trước. Bọn cướp nghe được lời trách móc, biết chú bé đã giữ lời hứa, nên phát lòng tin, xin được gia nhập Tăng đoàn. Giống như thầy của chú trước kia, chú thu nhận hết và dẫn đến Trưởng lão Samkicca rồi đến gặp Thế Tôn. Phật nghe chuyện bèn dạy câu Pháp Cú như trên (110).

 

10. Tỳ Kheo Và Kẻ Cướp

Ai sống một trăm năm ...

Phật đã dạy câu trên tại Kỳ Viên, liên quan đến Trưởng lão Khànu Kondanna.

Trưởng lão này nhận đề mục thiền quán từ Thế Tôn, vào rừng ẩn tu và chứng A-la-hán. Muốn trình với Phật sở chứng của mình, Ngài rời rừng trở về. Ðường dài mệt mỏi, Ngài ngồi trên một tảng đá nhập định. Bấy giờ một bọn cướp năm trăm tên đang đánh phá một ngôi làng. Chiến lợi phẩm được gói trong nhiều bao tùy theo sức mỗi người. Và chúng đội lên đầu đi xa. Mệt quá chúng đến nghỉ tại một mỏm đá. Lầm tưởng Trưởng lão là cội cây, chúng đặt các bao quanh Ngài, có một bao kê ngay đỉnh đầu, rồi lăn xuống ngủ.

Hừng đông chúng thức dậy ôm bao bị lên, thấy Trưởng lão tưởng là ác thần nên vụt bỏ chạy. Trưởng lão vội kêu họ lại:

- Cư sĩ, đừng sợ. Tôi là Sa-môn.

Họ đồng thanh thưa:

- Xin tha lỗi cho chúng con, Tôn giả. Chúng con lầm Ngài với một gốc cây.

Riêng tên chúa đảng lên tiếng đi tu theo Trưởng lão. Và cả bọn đều đồng lòng, y như chuyện Sa-di Samkicca. Trưởng lão chấp thuận, và từ đó người ta gọi Ngài là kondanna Gốc Cây, Khànu Kondanna.

Ngài dẫn họ đến Thế Tôn, và được Phật dạy:

- Các Tỳ-kheo, dù chỉ sống một ngày có tu tập trí quán còn hơn sống trăm năm tạo nghiệp điên cuồng như thế.

Xong Phật đọc Pháp Cú:

(111) Ai sống một trăm năm,
Ác tuệ, không thiền định,
Tốt hơn sống một ngày,
Có tuệ, tu thiền định.

 

11. Lưỡi Dao Cạo

Ai sống một trăm năm ...

Tại Kỳ Viên, Phật đã dạy như thế, liên quan đến Trưởng lão Sappadàsa.

Tại Xá-vệ, một chàng trai gia thế nghe Phật thuyết pháp, đi tu và được nhận vào Tăng đoàn. Sau một thời gian bất mãn, chàng tìm cách tự sát vì nghĩ rằng thà chết hơn làm một tu sĩ.

Một hôm, sáng sớm, các Tỳ-kheo đến tinh xá sau khi thọ thực, thấy một con rắn trong Pháp đường, nằm ở lò sưởi, liền bỏ vào bình, đậy lại mang ra ngoài tinh xá. Tỳ-kheo bất mãn thấy thế liền giành mang ném bình đựng rắn, cốt cho rắn cắn để chết. Ông đến một chỗ vắng ngồi xuống, thọc tay vào bình quậy tới quậy lui nhưng nó không cắn. Thậm chí ông mở miệng rắn, chọt ngón tay vào nó cũng không cắn, ông ném nó đi cho đó là rắn hiền, không phải là rắn độc. Và ông kể lại cho các Tỳ-kheo ở nhà y như thế. Họ không chịu là rắn hiền vì nó phùng mang, rít lên, bắt nó phát mệt. Nhưng khi ông ta bảo là nó không chịu cắn dù làm mọi cách, họ im luôn.

Tỳ-kheo bất mãn vốn là người hớt tóc cho cả tinh xá. Một hôm ông đến tinh xá cầm theo hai, ba dao cạo. Một để trên sàn, một cạo tóc. Lần đó ông nghĩ sẽ lấy dao cắt đứt họng tự tử. Rồi ông tựa cổ lên một cành cây, dí lưỡi dao vào khí quản. Trong tư thế đó, ông phản quán về thái độ cư xử của mình trong thời gian làm bổn phận của một Sa-di, và nhận rằng hạnh kiểm của mình tốt đẹp như mặt trăng sáng trong hay châu ngọc chiếu sáng. Ông vui mừng khắp toàn thân. Nén vui, ông khai triển Minh-sát-tuệ và chứng A-la-hán cùng các thần thông. Ông buông dao cạo và trở vào tinh xá. Gặp các Tỳ-kheo khác hỏi chuyện, ông thưa thật, và kết luận thay vì cứa cổ với dao cạo, ông đã cứa bỏ tham dục với dao trí tuệ. Các Tỳ-kheo không tin, thưa chuyện với Thế Tôn. Phật nghe kể, bảo:

- Các Tỳ-kheo! Người đã thoát khỏi tham dục thì không thể dứt mạng sống của chính mình.

Họ hỏi Phật tiếp:

- Bạch Thế Tôn! Ngài bảo người này đã trừ hết tham dục, tại sao đã có khả năng chứng A-la-hán mà còn bất mãn? Sao ông có đủ khả năng chứng quả? Sao ông không bị rắn cắn?

- Các Tỳ-kheo! Chuyện đơn giản là con rắn đó là nô lệ của ông ta ở kiếp trước, nên không dám cắn chủ.

Và Ngài kể lại vắn tắt nguyên nhân. Do đó Tỳ-kheo này có tên là Sappadàsa (Người có rắn làm nô lệ).

Chuyện quá khứ

11A. Bất Mãn Và Tham Ðắm

Vào thời Phật Ca-diếp, một chàng trai thế phiệt nghe Phật thuyết pháp đi tu. Hết thời gian làm tròn bổn phận, ông bất mãn. Tỳ-kheo bạn khuyên bảo và kể đời sống gia đình bất lợi như thế nào. Ông nghe theo và tiếp tục tu.

Một hôm, ngồi trên bờ hồ rửa pháp cụ bụi bám suốt thời gian ông bất mãn, ông nói với Tỳ-kheo bạn định sẽ cho pháp cụ khi có ý định hoàn tục. Ông kia nghe thế nổi lòng tham nên giở giọng ta thán đời sống xuất gia: "Sống làm chi mà cầm bình bát ăn mày từ nhà này sang nhà khác, còn bị cấm chuyện trò với vợ con! Vả lại nếu anh bạn có ở lại hay ra khỏi Tăng đoàn thì cũng chẳng hề hấn ai!" Thế rồi ông này ca tụng thêm đời sống gia đình. Tỳ-kheo trước đây bất mãn bây giờ trở lại bất mãn. Nhưng chợt nghĩ tại sao ông bạn mình trước đây ta thán đời sống gia đình, bây giờ lại ca tụng. Và ông cũng chợt hiểu là ông bạn thèm muốn pháp cụ của mình.

(Hết Chuyện Quá Khứ)

- Như thế, này các Tỳ-kheo! Một Tỳ-kheo vì đã bất mãn thời Phật Ca-diếp nên bất mãn thời hiện tại, và vì thiền định suốt hai mươi ngàn năm nên bây giờ đủ duyên lành chứng A-la-hán.

Các Tỳ-kheo nghe xong, hỏi Phật tiếp một câu nữa:

- Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo này bảo đã chứng A-la-hán ngay khi lưỡi dao chạm cổ họng. Có thể nào chứng quả thời gian ngắn như thế không?

Phật bảo:

- Ðúng vậy, các Tỳ-kheo. Một Tỳ-kheo phấn đấu hết sức mình có thể chứng quả khi nhấc chân lên, khi đặt chân xuống đất, hoặc cả ngay khi bàn chân chạm đất. Vì một người phấn đấu hết sức mình dù chỉ một khắc còn hơn là sống lười biếng cả trăm năm.

Và Phật đọc Pháp Cú:

(112) Ai sống một trăm năm,
Lười nhác, không tinh tấn,
Tốt hơn sống một ngày,
Tinh tấn tận sức mình.

 

12. Patàcàrà Bị Mất Cả Gia Ðình

Ai sống một trăm năm ...

Phật dạy như thế tại Kỳ Viên, do chuyện Tỳ-kheo-ni Patàcàrà.

Bà là con gái một gia đình giàu có ở Xá-vệ, gia sản lên đến bốn trăm triệu. Nhan sắc bà tuyệt đẹp, mười sáu tuổi được cha mẹ cho ở tầng chót tòa nhà bảy tầng, canh gác cẩn thận. Tuy vậy bà vẫn thông gian với gia đồng của mình. Cha mẹ đã hứa gả cho một chàng trai đồng giai cấp và ngày cưới gần kề, bà bảo tên gia đồng rằng hắn sẽ không bao giờ có được quà cáp để đến thăm bà ở bên chồng, do đó hắn hãy tìm cách mang bà đi khỏi nơi này, nếu thật sự thương yêu bà. Và họ đồng ý trốn đi. Ðến ngày hẹn, bà dậy sớm, ăn mặc dơ bẩn, tóc tai rối bù, còn bết thêm bụi đỏ vào mình, cầm bình đựng nước, giả bộ ra ngoài kiếm nước để đến chỗ hẹn. Rồi cả hai đi thật xa đến một làng nọ sinh sống. Chồng trồng trọt gom củi và lá trong rừng. Vợ xách nước, giã gạo, nấu ăn, làm việc nội trợ. Bà lãnh quả báo của tội lỗi mình.

Khi có mang, bà muốn về nhà cha mẹ sinh nở để được giúp đỡ nhưng anh chồng không chịu, sợ họ bắt tội và hành hạ mình. Bà đòi nhiều lần vẫn không được, nên khi chồng vào rừng bà gởi nhà cho hàng xóm rồi về nhà cha mẹ. Anh chồng trở về hay được, rượt theo bắt bà trở lại. Nhưng đến một nơi bà chuyển bụng sinh được một bé trai. Cả hai lại trở về nhà. Lần sau có mang, bà cũng bỏ về nhà cha mẹ như trước. Anh chồng tìm theo cũng bắt bà trở lại. Và trên đường về bất ngờ một cơn bão lớn thổi tới. Mưa như trút, sấm sét không ngừng. Ðúng lúc đó bà chuyển bụng. Anh chồng cầm rìu tìm cách che chòi cho bà lâm bồn. Thấy bụi cây trên ụ mối, anh ta vừa chặt xuống thì rắn độc trườn ra cắn chết, thân nóng như lửa, thịt tím ngắt.

Patàcàrà đau bụng dữ dội, chờ hoài không thấy chồng trở lại. Rồi bà sanh đứa thứ hai. Cả hai đứa không chịu nổi gió mưa, khóc thét lên. Bà chỉ có cách áp chúng vào ngực, úp mình xuống chịu trận như thế suốt đêm. Toàn thân như không còn chút máu, thịt như chiếc lá vàng úa.

Hừng đông hôm sau, bà lên đường, tay ôm đứa mới sinh đỏ hỏn trong lòng, tay kia đưa cho đứa lớn nắm. Ba mẹ con thất thểu đi theo đường anh chồng đã đi, và thấy anh nằm chết gần ụ mối. Bà than khóc ai oán rồi đi tiếp. Ðến bờ sông Aciravatì nước dâng cao, nhiều chỗ đến thắt lưng. Bà quá yếu không thể lội qua với hai đứa con. Ðể đứa lớn bên này, bà đem đứa nhỏ qua sông, bẻ một nhánh cây trải đặt nó lên, rồi quay trở lại. Vừa bơi vừa nhìn ngoái lại, đến giữa dòng thấy một con diều hâu sà xuống quắp đứa bé. Bà hốt hoảng xua tay hét lên: "Bay đi, bay đi!". Nhưng nó không nghe vì quá xa, và chộp đứa bé bay mất. Bên này đứa con lớn thấy mẹ quơ tay tưởng gọi mình, cũng bò xuống sông, bị nước cuốn mất. Chồng bị chết, con đứa thì bị chim tha, đứa thì nước cuốn, bà rên rỉ như thế và đi tiếp đến Xá-vệ. Gặp một người từ trong thành đi ra, bà hỏi thăm về gia đình mình. Ông kia biết nhưng hình như không muốn nói đến. Bà cứ hỏi riết buộc ông phải nói sự thật là gia đình đó cả nhà bị sập đè chết hết. Hàng xóm và thân nhân vừa thiêu họ xong, khói còn bốc lên trên giàn hỏa từ xa vẫn trông thấy. Bà nghe xong nổi điên ngay, y phục tuột hết mà không hay biết. Bà trần truồng như thuở mới sinh, lang thang khóc lóc thở than:

Hai con ta đã chết,
Chồng ta chết giữa đường.
Cha mẹ và anh cũng,
Ðược thiêu trên lửa hừng.

Ai thấy bà cũng đều la lên: "Ðồ điên, đồ điên!" Kẻ ném rác, kẻ tung bụi vào bà.

Lúc ấy Thế Tôn ngụ ở tinh xá Kỳ Viên, đang thuyết pháp giữa hàng môn đệ. Ngài trông thấy bà từ xa và biết bà đã viên mãn một trăm ngàn kiếp, tròn lời nguyện và đạt đến cứu cánh.

(Thời Phật Padumuttara, bà đã thấy một Tỳ-kheo-ni được tuyên bố là đệ nhất thông hiểu giáo pháp, được Phật mở cửa trời Ðế Thích cho vào Lạc Viên. Vì thế bà phát nguyện xin được một vị Phật công nhận là Tỳ-kheo Ni đệ nhất thông hiểu giáo pháp. Phật Padumuttara nhìn tương lai biết bà sẽ được như nguyện, nên thọ ký vào thời Phật Cồ-đàm bà tên là Patàcàrà sẽ được đúng như lời nguyện).

Do đó Thế Tôn khiến bà đến tinh xá. Các Tỳ-kheo la lên bảo nhau đừng để bà điên vào. Nhưng Phật bảo cứ để bà đến, rồi nói với bà:

- Này chị, hãy tỉnh trí!

Nhờ thần lực của Phật, bà lập tức khôi phục tâm trí. Ngay đó bà nhận ra y phục mất hết, cảm thấy xấu hổ và sợ tội, bà vội úp mình xuống đất. Một người ném cho bà y khoác. Mặc xong, bà phủ phục dưới chân Phật thưa:

- Bạch Thế Tôn, con xin quy y Ngài, nương tựa Ngài. Con có một đứa con bị diều tha, một đứa bị nước cuốn. Chồng con chết, cha mẹ anh em cũng chết.

Phật bảo:

- Patàcàrà, đừng phiền muộn. Ngươi đã đến với người có thể là nơi ẩn trú, nơi che chở, nơi nương tựa cho ngươi. Những điều ngươi kể đều đúng cả. Cho đến ngày nay, qua biết bao nhiêu vòng luân hồi, ngươi đã khóc vì mất con, mất người thân, nước mắt rơi nhiều hơn nước bốn biển.

Và Ngài nói kệ sau:

Nước bốn biển ít hơn
So với lệ nước đổ
Vì sợ và quẩn trí,
Tại sao còn phóng dật?

Thế Tôn giảng về luân hồi từ vô thủy. Ngài nói tới đâu đau buồn của bà giảm tới đó. Ngài nói tiếp:

- Patàcàrà, đối với một người trên đường qua bên kia thế giới thì không có con cái, bạn bè hay thân quyến nào làm nơi trú ẩn hay nương tựa. Ngươi có thể trông đợi họ được bao lâu trong cuộc đời này? Người trí phải biết thanh lọc đạo hạnh của mình, và như thế sẽ thanh lọc con đường dẫn đến Niết-bàn.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

(288) Một khi tử thần đến,
Không có con che chở,
Không cha, không bà con,
Không thân thích che chở.

(289) Biết rõ ý nghĩa này,
Bậc trí lo trì giới,
Mau lẹ làm thanh tịnh,
Con đường đến Niết-bàn.

Cuối bài kệ Patàcàrà chứng quả Dự lưu, và tham dục trong tâm nhiều như bụi đại địa, cháy tiêu hết. Nhiều người khác cũng chứng quả Tư-đà-hàm và A-na-hàm. Bà xin Phật gia nhập Tăng đoàn, được nhận và gởi tới Ni chúng. Bà đã làm tròn bổn phận, và vì tánh tình vui vẻ nên được tên là Patàcàrà.

Một hôm, bà múc nước đầy bình và xối rửa chân. Nước chảy ra đất thấm xuống hết. Lần thứ hai nước chảy xa hơn rồi cũng thấm hết. Lần thứ ba xa hơn nữa rồi cũng thấm hết. Bà lấy đó làm đề mục thiền quán. Tức là nước đổ lần đầu giống như chúng sanh qua đời lúc tuổi nhỏ. Lần thứ hai khi tuổi thanh xuân, và lần thứ ba lúc đã già.

Thế Tôn ngồi trong hương thất, phóng quang ảnh đến trước mặt bà bảo:

- Patàcàrà, sống một ngày hay trong chốc lát mà thấy được sự sanh diệt của ngũ uẩn còn hơn là sống trăm năm chẳng thấy gì hết.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

(113) Ai sống một trăm năm,
Không thấy pháp sanh diệt,
Tốt hơn sống một ngày,
Thấy được pháp sanh diệt.

Cuối bài kệ, bà chứng A-la-hán cùng các thần thông.

 

13. Kisà Gotamì - Hạt Cải Trị Bệnh Cho Ðứa Con Ðã Chết.

Ai sống một trăm năm ...

Thế Tôn đã dạy câu trên tại Kỳ Viên, liên quan đến bà Kisà Gotamì.

13A. Kisà Gotamì Kết Hôn Với Con Một Thương Gia Giàu Có

Có một thương gia tài sản lên đến bốn trăm triệu sống ở Xá-vệ. Thình lình của cải biến hết thành than. Ông quá đau khổ, bỏ ăn, nằm liệt giường. Một người bạn đến thăm hỏi chuyện khuyên ông đừng buồn, mà hãy trải chiếu trong cửa hàng, chất than lên và ngồi đó bán. Ông bạn nói tiếp:

- Sẽ có người đến nói: "Hầu hết nhà buôn thì bán quần áo, vải vóc, dầu, mật mía; còn ông ngồi đây bán than". Ông sẽ đáp: "Nếu tôi không bán thứ gì thuộc về tôi, thì tôi làm gì chứ?". Nhưng rồi lại có người nói: "Hầu hết nhà buôn thì bán quần áo, vải vóc, dầu, mật, mật mía, còn ông thì ngồi đây bán vàng". Ông sẽ hỏi: "Vàng đâu?". Người đó đáp: "Kìa!". Ông bảo: "Lấy tôi xem!". Người đó sẽ đưa cho ông một nắm than, ông nên cầm lấy, bụm kín trong hai tay, rồi úm ba la! Nó sẽ biến thành vàng. Nếu đó là một cô gái thì cưới cho con trai ông, nếu là chàng trai thì gả con gái cho hắn. Rồi ông giao bốn trăm triệu cho cô dâu hay chàng rể đó, họ sẽ nuôi sống ông.

Thương gia thấy ý kiến hay nên nghe theo. Mọi việc xảy ra đúng như lời ông bạn đã nói. Và đó là một cô gái con nhà nghèo tên là Gotamì, nhưng vì quá ốm nên thường gọi là Kisà Gotamì. Cô làm dâu nhà thương gia, mười tháng sau sanh một bé trai, nhưng đứa bé qua đời khi mới biết đi.

13B. Kisà Gotamì Tìm Hạt Cải Trị Bệnh Cho Ðứa Con Ðã Chết.

Kisà Gotamì chưa bao giờ thấy cái chết. Do đó khi người ta mang đứa bé đi thiêu, bà ngăn cản không cho, và bế con trên hông đi từ nhà này đến nhà khác kiếm thuốc cứu con. Người ta bảo là bà điên rồ vì không ai đi tìm thuốc cứu chữa cho đứa bé đã chết. Nhưng bà vẫn đi vì nghĩ rằng thế nào cũng tìm được thuốc chữa cho con bà.

Một bậc trí giả thấy bà và hiểu hoàn cảnh, bảo bà đến gặp Phật. Bà đảnh lễ Thế Tôn, đứng một bên và thưa hỏi:

- Bạch Thế Tôn, có thật như người ta đã nói, Ngài biết thuốc chữa cho con của con không?

Phật đáp:

- Phải, ta biết.

- Con phải kiếm những gì?

- Một nhóm hạt cải trắng.

- Con sẽ đi tìm, nhưng biết nhà ai có?

- Nhà nào không có con trai, con gái hay bất cứ ai chết.

- Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Bà bế con vào làng, đến từng nhà hỏi xin hạt cải. Họ đưa cho bà, nhưng khi hỏi nhà có ai chết không, thì được biết người sống thì ít, người chết thì nhiều, bà đành trả hạt cải. Ði đến chiều cũng không nhà nào có hạt cải đúng theo ý Phật. Bà chợt hiểu không phải chỉ mình bà mất con, mà trong làng này người chết nhiều hơn người sống. Lòng bà trước đây yếu mềm vì tình mẹ, nay cứng cỏi hẳn lên. Bà mang đứa bé vào rừng, đặt xuống đất rồi đi gặp Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và đứng một bên.

Thế Tôn hỏi:

- Ngươi có được hạt cải không?

Bà đáp:

- Thưa không, bạch Thế Tôn! Làng nào người chết cũng nhiều hơn người sống.

- Thật hão huyền nếu ngươi nghĩ rằng chỉ mình ngươi mất con. Ai cũng chịu định luật bất hiếu, đó là: "Thần chết, như một dòng nước lũ, quét sạch mọi chúng sanh ra biển hoại diệt, trong khi lòng tham đắm của họ chưa thỏa".

Và Ngài đọc Pháp Cú:

(287) Người tâm ý đắm say,
Con cái và súc vật,
Tử thần bắt người ấy,
Như lụt trôi làng ngủ.

Cuối bài kệ, Kisà Gotamì chứng quả Dự lưu. Nhiều người khác cũng chứng quả Dư Lưu, Nhị và Tam quả. Bà xin gia nhập Tăng đoàn, được Thế Tôn thuận và giao cho Ni chúng. Sau thời gian làm tròn bổn phận, bà được tên là ni cô Kisà Gotamì.

Một hôm thắp đèn trong giảng đường bố-tát, bà chăm chú nhìn ngọn lửa. Vài ngọn lóe sáng, vài ngọn chập chờn tắt. Bà lấy đó làm đề mục thiền quán: Chúng sanh trên thế gian cũng như ngọn đèn, chợt sáng chợt tắt, chỉ khi đạt Niết-bàn mới chấm dứt.

Thế Tôn ngồi trong hương phất phóng quang ảnh đến trước mặt bà dạy:

- Chúng sanh như ngọn lửa, chợt sáng chợt tắt. Người nào đến Niết-bàn mới chấm dứt. Do đó dù chỉ sống trong khoảnh khắc mà chứng Niết-bàn, còn hơn sống trăm năm không thấy biết Niết-bàn.

Và Phật đọc Pháp Cú:

(114) Ai sống một trăm năm,
Không thấy câu bất tử,
Tốt hơn sống một ngày,
Thấy được câu bất tử.

Cuối bài kệ, Kisà Gotamì chứng A-la-hán cùng các thần thông.

 

14. Góa Phụ Bahuputtikà Và Những Ðứa Con Bất Hiếu.

Ai sống một trăm năm...

Tại Kỳ Viên, do Bahuputtikà, Thế Tôn đã dạy câu trên.

Một gia chủ Xá-vệ có bảy con trai và bảy con gái, tất cả đều lập gia đình và được hạnh phúc. Về sau người cha chết, bà mẹ là một cư sĩ nổi tiếng tiếp tục trông nom tài sản chồng. Các con trai bà muốn thừa hưởng gia tài, nên bảo với mẹ là không lẽ họ không nuôi bà nổi sao mà cần phải ôm giữ của cải? Họ nói nhiều lần, bà nghe cũng có lý nên chia gia tài ra làm hai và cho hết các con.

Vài ngày sau, cô dâu trưởng nói với mẹ chồng:

- Rõ ràng là chỉ có nhà này là mẹ tuyệt vời của chúng con thăm viếng. Làm như con trưởng được thừa hưởng đến hai phần gia tài không bằng!

Mấy cô dâu khác cũng hùa nhau nói xỉa nói xói như thế. Rồi đến con gái, từ đứa lớn đến đứa út cũng y khuôn. Bị đối xử tàn tệ như thế, bà không muốn sống với các con nữa, mà định xuất gia. Bà đến ni viện xin được gia nhập Tăng đoàn. Sau thời gian làm tròn bổn phận, bà được đặt tên là ni cô Bahuputtikà.

Trong lúc làm việc lớn nhỏ do các Tỳ-kheo giao phó, bà thường tự nhắc mình là đi tu khi đã lớn tuổi, do đó, phải tinh tấn, chánh niệm, ngồi thiền suốt đêm. Dưới nền đất thấp, bà vịn tay vào cột lần bước và thiền quán. Khi đi kinh hành sợ đêm tối đụng đầu vào gốc cây hay các vật khác, bà vịn cây bước đi và thiền quán, quyết tâm tuân theo pháp Phật dạy, tư và tu.

Phật ngồi trong hương thất, phóng quang ảnh đến trước mặt bà, nói:

- Bahuputtikà, dù sống trăm năm không nghe pháp Ta dạy và thiền quán, cũng không bằng sống một ngày thấy được pháp tối thượng.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

(115) Ai sống một trăm năm,
Không thấy pháp tối thượng,
Tốt hơn sống một ngày,
Thấy được pháp tối thượng
.

 

--- o0o ---

 

Mục lục | |  1 |  2 |  3 |  4 |  5 |  6 | 7 |  8 |  9 | 10

 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20

 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26

 

--- o0o ---

Nguồn: quangduc.com

 

dieuphap.com

Trở về Trang kinh Pháp Cú

Đầu trang