Kệ Ngôn 94 Chư Thiên cũng ái kính bậc giải thoát
|
Giảng Sư: TT Giác Đẳng
Các căn khéo nhiếp phục
Yass-indriyaani samatha.m gataani Như Trúc chuyển biên: Kính bạch chư tôn đức. Kính thưa Quý phật tử. Chúng ta đã qua một số các bài kệ trong Phẩm Ứng Cúng hay là Phẩm A La Hán. Trong phẩm nầy, chúng ta được nghe một số duyên sự liên quan đến các vị Thánh Nhân và chúng ta cũng được nghe Đức Phật nhân một số trường hợp đặc biệt đã mô tả, đời sống, tâm tư và hành xứ rộng lớn của chư vị thánh nhân đã hoàn toàn giải thóat. Hôm nay chúng ta lại nghe một câu chuyện khác. Trước khi đi vào duyên sự của câu chuyện nầy, chúng ta cũng nên tái xác nhận rằng, những vị đã hoàn toàn giải thóat, cách suy nghĩ của những vị nầy hòan toàn không giống như cách suy nghĩ của chúng ta và đời sống của vị nầy quả thật có nhiều điều vượt ngoài sự suy nghĩ thường tình của mỗi chúng ta. Do vậy, xuyên qua các bài kệ, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy được một tương phản rất lớn giữa hành xử của một bậc thánh và cái nhìn, sự nhận thức hết sức hạn hẹp của phàm tăng. Đặc biệt trong câu chuyện ngày hôm nay, chúng ta lại nhắc đến một vị đại đệ tử của Đức Phật, đó là tôn giả MahaCaChiên Diên. Câu chuyện nầy đề cập đến một duyên sự hết sức đơn giản. Tôn giả Mahākaccāyanna nguyên là một vị tỳ kheo xuất thân từ một quốc gia mà thời Đức Phật trong kinh gọi là Ujjain. Ujjain là một quốc gia nằm ở phía tây của Ấn Độ, ngày hôm nay chúng ta thường biết đó là Bombay hay là Mumbai (tên mới). Tôn giả ở rất xa Đức Phật, trong một lần gặp Đức Phật, được Ngài khai thị, trở thành một vị thánh nhân hoàn toàn giải thoát trong đạo tràng của Đức Phật, thì tôn giả có chuyển đạt lời thỉnh cầu của vua Ujjain đến để thỉnh Đức Phật về giáo hóa cho dân chúng ở xứ nầy. Trong câu chuyện chúng ta được biết rằng Đức Thế Tôn nhận thấy tôn giả Mahākaccāyanna có nhiều ưu điểm từ pháp học, pháp hành và pháp thành, do vậy Ngài dạy tôn giả Mahākaccāyanna hãy trở về sinh quán của mình. Và tôn giả đã trở về, ở tạm trong vườn thượng uyển, và sau đó tôn giả Mahākaccāyanna đã độ được tất cả những người ở kinh thành, kể cả nhà vua của xứ Ujjain. Có rất nhiều đặc điểm mà chúng ta phải đề cập đến vị tôn giả nầy. Thứ nhất là trong 80 vị đại đệ tử của Phật thì tôn giả Mahākaccāyanna được xem là người đệ nhất về quảng diễn chánh pháp, ở đây có nghĩa là một lời Đức Thế Tôn dạy cho dù hết sức ngắn gọn, đơn giản nhưng tôn giả Mahākaccāyanna có thể dựa trên lời dạy ngắn gọn ấy mà khéo thuyết trở thành bài pháp dài và khi những vị tỳ kheo hay những người phật tử khác đem những lời giảng của Ngài Mahākaccāyanna đến trình lên Đức Phật thì Đức Phật luôn luôn nói lên lời Sadhu Lành thay, và nói rằng nếu ai hỏi Như Lai rộng thuyết về điều nầy thì Như Lai cũng giảng như vậy. Đó là một thù thắng của Tôn Giả Mahākaccāyanna. Ngày hôm nay nếu quý Phật tử về thăm Thái Lan, quý vị sẽ thấy một tượng giống như tượng Ông Địa của chúng ta, nghĩa là bụng cũng to, ngồi xếp bằng, nhưng thay vì Ông Địa, hay Thần Tài mặc áo theo kiểu Trung Hoa thì tượng nầy mặc y, bụng to, người Thái Lan thường thờ tượng nầy để phù hộ cho họ được buôn may bán đắt, giàu có. Tượng đó theo niềm tin dân gian của họ thì đó là tượng của Ngài Mahākaccāyanna. Có 3 lý do để người ta dùng tượng của Ngài Mahākaccāyanna thờ như là một tượng phù hộ cho phúc lộc. Thứ hai nữa, Ngài Mahākaccāyanna là một vị có thân hết sức chói sáng, thân giống như vàng ròng. Ở Việt Nam ngày xưa có một vị pháp sư tên là Thong Kham, trong tiếng Lào, tiếng Thái cũng có nghĩa là vàng ròng. Ngài Mahākaccāyanna tên có thể dịch là vàng ròng hoặc thắp sáng. Người Thái Trung Hoa tin vào phong thủy, họ nghĩ thân như vàng ròng, nên khi thờ Ngài cũng giống như thờ Thần Tài, như vậy cũng là một điều may mắn. Nhưng đặc biệt nhất, ở trong những câu chuyện liên quan đến Ngài Mahākaccāyanna thì Ngài là một vị được chư thiên ái kính, chư thiên đặc biệt rất quý kính Ngài, dĩ nhiên khi một người sống ở trong đời sống nầy nếu họ hiểu đạo thì ngoài ân lành của Phật Pháp Tăng thì họ rất mong cầu sự thương tưởng của các vị chư thiên, nhất là những vị thượng thần hộ Pháp, nên khi thờ Ngài Mahākaccāyanna thì họ tin rằng họ cũng nhận được sự thương tưởng của chư thiên. Dĩ nhiên đó chỉ là niềm tin, nhưng có thể nói rằng đó là niềm tin của một số người không nhỏ ngày nay đặt để ở Ngài Mahākaccāyanna. Chúng tôi nhắc lại đây không phải để cho quý vị phật tử có một ý nghĩ đánh giá hay tin tưởng vào niềm tin thờ phượng đó. Ở đây chúng tôi chỉ nhắc vì liên quan đến một đại đệ tử Đức Phật có những phước hạnh rất thù thắng ở trong đời quá khứ. Thật ra Ngài đã từng phát nguyện ở dưới chân Đức Phật để mong rằng trở về sau là một vị đệ tử của một vị Chánh Đẳng Chánh Giác có khả năng quảng thuyết giáo pháp. Do vậy ước nguyện đó được thành tựu trong đời nầy. Chúng tôi có đề cập đến ba khía cạnh đặc sắc trong cuộc đời của Ngài Mahākaccāyanna mà chúng ta đã được biết, có một điều thường được nhắc đến là Ngài thường nhận được sự ái kính lớn lao của Chư Thiên. Vì tôn giả ở rất xa, không ở gần Đức Phật, do vậy tôn giả hay về hầu Phật, không phải đi bộ mà bằng thần thông. Điều nầy trở nên hết sức là quen thuộc. Lúc Đức Thế Tôn ở thành Xá Vệ có hai ngôi chùa, một ngôi chùa là Jetavana Vihara (tức là Kỳ Viên Tịnh Xá) do ông Cấp Cô Độc dâng cúng cho Đức Phật, một ngôi chùa nữa là Upparama (Đông Phương Tự) là ngôi chùa của một vị đại tín nữ tức là bà Visakha cúng dường cho Đức Phật. Hai ngôi chùa nầy đều cùng cất ở tại Xá Vệ, Đức Phật có khi nghỉ ở bên nầy, có khi Ngài nghỉ ở bên kia, mà câu chuyện chúng ta được nghe kể là câu chuyện xảy ra tại Đông Phương Tự, khi Thế Tôn ngự thì có một hội chúng hết sức đông đảo, tỳ kheo, tỳ kheo ni, thiện nam, tín nữ và đặc biệt trong hàng tỳ kheo thì có rất nhiều vị trưởng lão ngồi hầu Phật. Vì tôn giả Mahākaccāyanna hay dùng thần thông từ ở xa về để đảnh lễ Đức Phật nên chúng tăng có một biệt lệ là khi chia ra ngồi, hay dành một chỗ trống cho tôn giả, khi tôn giả hiện đến thì tôn giả sẽ ngồi vào chỗ trống đó. Chỗ ngồi của tôn giả Mahākaccāyanna trở nên hết sức quen thuộc. Lần đó Đức thế Tôn khi ngồi trong hội chúng đó thì Thiên Chủ Sakka, tức là Thiên Chủ Đế Thích mà chúng ta được biết, đến đảnh lễ Đức Phật, thiên chủ Sakka nầy thấy chỗ trống thì mới thưa là không biết Ngài Mahākaccāyanna có đến hay không, giống như quý vị phật tử đi chùa, quý vị thường có lòng yêu mến chư tăng và quý vị thường hay để ý chư tăng vị nầy có mặt vị kia vắng mặt, hỏi thăm, việc nầy rất đương nhiên với một vị tỳ kheo vắng mặt. Thiên Chủ Sakka mới vừa hỏi như vậy thì Ngài Mahākaccāyanna hiện ra ở tại chỗ ngồi, tâm trạng rất là tự nhiên của một vị Thiên Chủ vốn lúc nào cũng kính trọng chư tăng và đặc biệt với Ngài Mahākaccāyanna là một vị được chư thiên rất ái kính. Thấy như vậy, Thiên Chủ Sakka rất là mừng, chạy đến bên cạnh và quỳ xuống đảnh lễ Ngài Mahākaccāyanna. Sự việc thật ra đáng lẽ nó cũng không có gì, nhưng sau đó khi các tỳ kheo nhắc đến chuyện nầy thì các vị nghĩ rằng Thiên Chủ Đế Thích có phần thiên vị. Câu chuyện duyên sự bắt đầu từ đó. Khi nghe lời bình luận nầy thì Đức Phật đã đặc biệt dạy các thầy tỳ kheo đó rằng cái thương, cái quý của chư thiên dành cho một vị thánh tăng, nó không giống cái thương cái quý của người thường đối với người thường. Nói về điểm nầy, chúng tôi nhớ vài tháng trước chúng tôi có đến dự một đại hội của các vị cư sĩ Phật tử gọi là đại hội cư sĩ tại Texas. Ở trong đại hội nầy một số quý thầy đến đó với một việc mà không thể không lưu tâm. Là cách hoằng pháp ngày nay của các tăng sĩ Phật Giáo càng lúc chỉ càng tập chú vào một số Phật tử, mà những người phật tử đó thường có khuynh hướng là đi chùa cúng kiến lễ bái, tức là một số các Phật tử, gọi là những cận sự nữ, đặc biệt là những vị lớn tuổi. Có ba đối tượng mà chư tăng có vẻ không chú trọng nhiều, thật sự dần dà mất đi chủ lực rất quan trọng, một là tuổi trẻ, tức là các em nhỏ. Sinh họat ở chùa không đáp ứng được nhu cầu tâm linh cho các em. Thứ hai nữa là những người thiện nam, ngày xưa vào chùa để tu tập, bây giờ họ đến với chùa họ không tìm thấy cảm giác đó mà chỉ thấy chuyện cúng kiếng lễ bái nhiều. Điều thứ ba là điều quan trọng đó là Phật Giáo Việt Nam dần dà mất đi một số trí thức rất lớn, những người cư sĩ Phật tử trí thức thì ít khi lui tới chùa chiền vì họ cảm giác chùa chiền là nơi mang nặng tín ngưỡng dân gian. Công việc thuyết phục giới trí thức hay hoặc giả là cung ứng một nền đạo học có khả năng thuyết phục đối với tầng lớp Phật tử trí thức thì điều đó tương tự như câu chuyện chúng ta đề cập đến việc chư thiên thương quý các vị tỳ kheo giác ngộ giải thoát. Chư thiên là những chúng sanh sống trong cảnh giới đầy đủ phước báu, các vị nầy không có những nỗi khổ, các vị nầy không có những nhu cầu bình thường như chúng ta có ở trong thế giới nầy. Điều nầy cái gì mà các vị ấy quy ngưỡng, các vị ấy tán thán, cái gì mà các vị ấy thân cận thì cái đó phải có một giá trị khác với giá trị bình thường của chúng ta. Ví dụ như một ngôi chùa ờ quốc gia nghèo thì người ta đi chùa vì có nhu cầu khác. Đôi lúc ở trong ngôi chùa làng mà chúng tôi từng sống tại Thái Lan hay Miến Điện, nhất là Miến Điện, người ta đi chùa ở miền quê rất nhiều bởi vì có thể nói rằng những sinh họat gì mang tính cách văn hóa, sinh họat gì có tính cách chiều sâu, có khả năng hội họp, tập họp được nhiều người thì đó phải là sinh họat ở chùa, dù sinh họat đó có tu hay không tu đi nữa. Người thành thị thì khác, ở bên ngoài có rất nhiều thú vui, bên ngòai có rất nhiều chỗ để đi nhưng vì họ bận rộn, do vậy họ đến chùa không phải là vì niềm vui, họ đến chùa vì họ cảm thấy có một nhu cầu rất đặc biệt nên họ đến chùa. Mentality của mỗi chúng sanh mỗi khác. Trong trường hợp nầy, chư thiên đối với loài người của chúng ta, cảm nhận hoàn toàn khác với cảm nhận của chúng ta. Chúng tôi nhớ không ít những người Phật tử Việt Nam chúng tôi nghe nói tại sao họ đi chùa thì họ nói rằng đi chùa nầy vì chùa nầy nghèo lắm. Nghe ở bên ngoài thì rất có thiện tâm vì họ đi chùa nghèo để giúp đỡ chư tăng trong ngôi chùa đó. Nhưng nếu nghĩ cho kỹ thì thưa Quý vị, chúng ta không mong rằng đạo Phật nghèo hòai, mà cũng không thể nào nói rằng ngôi chùa nào nghèo thì mình mới thương. Tùy mỗi ngôi chùa, chúng ta đều có thể giúp đỡ theo khả năng của mình và nếu thấy có nhu cầu. Đối với chư thiên những chư thiên đối với loài người chúng ta thì những gì mà chư thiên trọng vọng, những gì mà chư thiên được biết tới là kính ngưỡng thì ở trong đó chúng ta được biết rằng có những giá trị mà thường chúng ta ít có đánh giá đến, thì những vị chư thiên nầy đặc biệt là vị Thiên Chủ Đế Thích, là một đệ tử Phật, là một vị đã chứng quả nhập lưu và ở đây Đức Phật đề cập đến: Các căn khéo nhiếp phục Rõ ràng là cái gì đẹp với chư thiên là hình ảnh của một vị tỳ kheo mà sáu căn đã được thuần hóa nghĩa là không còn có những phiền não trong cái thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, suy nghĩ và cái đẹp của một vị thu thúc sáu căn ví dụ tại đây như một người đánh xe, người xa phu rất thành thạo trong công việc của mình, điều khiển những chiếc xe song mã hay tứ mã đi một cách hết sức vững vàng nhanh chóng mà không có những việc lầm lỗi trong việc điều khiển con ngựa. Sự thu thúc sáu căn ở đây được hiểu như vị nầy không còn để cho các cảnh trần chi phối mình nữa cho dù cảnh trần đó có khả ái khả ý thì vị nầy cũng đã thấu triệt bản chất chung của các cảnh trần nầy, và vị như vậy được xem như là một trong những hình ảnh nhận được lòng thương mến của chư thiên, ở trong đó có một giá trị về trình độ tâm linh, có thể tự điều phục, nhiếp phục lấy các căn của mình. Chúng ta cũng biết trong câu kệ nầy là mạn trừ lậu hoặc dứt, ở đây Đức Phật cũng dạy thêm nhân dịp các tỳ kheo đề cập tôn giả Mahākaccāyanna và dĩ nhiên những vị tỳ kheo nầy là phàm nhân, một vị thánh nhân đã đoạn tận phiền nào dĩ nhiên các Ngài không còn kiêu mạn và các Ngài cũng không còn có những lậu hoặc. Nếu vị nào quen thuộc với kinh điển của Hán Tạng, trong đó có kinh Lương Hoàn Sám trong đó có câu chuyện của pháp sư Ngộ Đản. Là một vị quốc sư chỉ một cái niệm so sánh, chỉ một cái niềm hãnh diện rất nhỏ khởi lên mà nghiệp chướng lại trổ quả. Về điều nầy chúng ta phải nhận rằng ngay cả trong một cuộc tu 50 năm, 30 năm, ở trong chùa có thể rằng nhiều thứ phiền não, nhiều thứ tập khí đã được chế ngự nhưng cái mạn, tức cái nghĩ mình hay mình giỏi, cái đó vẫn là một sự ám ảnh rất lớn đối với đời sống của một vị tăng. Và rồi khi nói đến phiền não lậu hoặc, thì lậu hoặc bao hàm một cái nghĩa là thấm, là rỉ, giống như một cái hồ nước mà người ta đắp cái đê và cho dù đắp đê rồi nhưng vì bờ đê bằng đất nên thỉnh thỏang bị thầm, nước chảy xuyên qua những lỗ mối. Phiền não ở tầng nào có phiền não của tầng đó. Chúng ta nói đến những cảnh giới của sự tu tập, tu chứng thì những phiền não nó theo cho đến khi nào vị nầy hoàn toàn chứng quả vô sanh giải thoát. Chữ lậu hoặc mà trong đạo Phật giảng giải nói về một cái nhìn đặc biệt khác với phiền não, đây là những thứ phiền não mà đôi khi rất vi tế, nó vi tế đến nỗi mà một người bình thường không thể đánh giá và không thể biết được nó là một thứ phiền não, nhưng thực sự nó là một thứ phiền não. Ở đây qua bài kệ nầy, Đức Phật nói lên hai ý nghĩa rất là quan trọng. Quan trọng đầu tiên là Ngài muốn cho các thầy tỳ kheo thấy rằng cái cách đánh giá, cái cách nhìn của chư thiên đối với lòai người. Chư thiên là những chúng sanh sống trong cảnh giới hạnh phúc, ở trong thế giới của hoan lạc, ở trong thế giới của đầy đủ phước lành thì khi các vị đó bày tỏ lòng ái kính, thì lòng ái kính đó không phải là chuyện bình thường mà mình có thể đánh giá, có thể nói được. Như trong xã hội một tác phẩm văn hóa nó được thưởng ngọan bởi giới trí thức, bởi giới có tiền bạc, nó khác với giới bình dân. Chư thiên nhìn tôn giả Maha không phải vì thiên vị, không phải vì có ý rẻ coi khinh ai nhưng bởi vì một vị đại đệ tử Phật mà vị đó đã nhiếp phục các căn hoàn toàn, đã thuần hóa các căn rồi. Đặc biệt chúng tôi xin nhắc lại về hình ảnh của Ngài Mahākaccāyanna bởi vì Ngài có nhiều đặc tính của một vị đệ tử Phật như khi nãy chúng tôi có nói rằng Ngài là một vị có khả năng quảng diễn chánh pháp từ những lời nói hết sức ngắn gọn, hàm súc của Đức Phật được Ngài quảng diễn thành những ý nghĩa hết sức rộng rãi và khi được nhắc lại thì Đức Phật cũng tán thán, và bởi vì Ngài là một người có sắc thân rất chói sáng, giống như vàng ròng, rồi đặc biệt Ngài là một vị rất được chư thiên ái kính mà chúng ta đã nghe nhiều câu chuyện như vậy, ở trong đó có kể câu chuyện của Ngài Maha CaDiếp, một số các vị thánh giải thoát có được nhân duyên rất đặc biệt với các hàng chư thiên. Thì cả 3 điều đó nói lên phước hạnh ba la mật vô cùng đặc biệt của Ngài và vì vậy ngày hôm nay cho đến thế kỷ nầy vẫn có rất nhiều phật tử họ thờ pho tượng của Ngài để xem như một pho tượng đem lại phước lành. Nếu lời dạy của Đức Phật nói một mà Ngài có thể giảng được 10 thì người ta tin rằng khi đi làm ăn mà thờ Ngài thì vốn bỏ ít mà lời rất là nhiều, thân Ngài quý như vàng ròng, sáng chói như vàng ròng, phong thủy của người tàu thì đó cũng là một việc cát tường và bởi vì Ngài là một vị chư thiên ái kính nên ai cũng mong cầu chư thiên gia hộ. Tuy vậy thông thừơng người ta làm hình Ngài thì người ta làm không có đẹp, làm như một vị tỳ kheo rất phốp pháp, tức là vị có da có thịt nhiều, bụng rất là to như Ông Địa hay Bố Đại hòa thượng mà chúng ta được nhìn thấy trong các pho tượng Trung Hoa bởi vì thưa quý vị lại dẫn đến một câu chuyện khác là tại sao mà Ngài từng hóa hiện ra mà với cái thân xấu xí như vậy, bởi vì một số người nhìn thấy Ngài thì họ có thể phát sanh tà niệm nhất là phụ nữ nên Ngài thường dùng thần thông để hóa hiện một cái thân tương đối là không đẹp mắt, câu chuyện nầy chúng ta sẽ được nghe đến trong một câu pháp cú về sau nầy. Ở đây thì chúng ta chỉ nhắc đến một vị tôn giả, trong một sự cố mà Đức Phật đã giải thích cho chư tỳ kheo biết là tại sao đức Thiên Chủ Đế Thích đặc biệt là hoan hỷ, mến mộ đối với tôn giả Mahākaccāyann. Chúng tôi xin kết thúc bài pháp ở tại đây. Xin nguyện tất cả chúng ta có đủ hùng tâm ý lực để có thể vượt qua trầm luân sinh tử. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. |
Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh |