Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 75

Hãy chọn con đường




Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Giác Đẳng

 

Khác thay duyên thế lợi
Khác thay đường Niết Bàn
Tỳ kheo đệ tử Phật
Hãy như vậy thắng tri
Chớ ưa thích cung kính
Hãy yêu thích viễn ly

                                    

 

.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali

Anna hi labhupanisa
Anna nibbabagamini
Evametam abhinnaya
Bhikku buddhassa savako
Sakkaram nabhinandeyya
Vivekam anubruhayeti
.
Nhu Trúc chuyển biên:

TT Trí Siêu: Bài kệ ngôn pháp cú số 75 cũng là bài kệ ngôn cuối cùng của Phẩm Ngu Nhân (Balavagga). Bài kệ này đã được Đức Thế Tôn thuyết khi Ngài đang ngự tại Jetavana (Kỳ Viên Tịnh Xá) đề cập đến Đại Đức Tissa, một vị có hạnh ẩn lâm.

Bài kệ Đức Thế Tôn dạy nhân câu chuyện của Đại Đức Tissa, chánh văn Pali như sau:

Anna hi labhupanisa
Anna nibbabagamini
Evametam abhinnaya
Bhikku buddhassa savako
Sakkaram nabhinandeyya
Vivekam anubruhayeti

Khác thay duyên thế lợi
Khác thay đường Niết Bàn
Tỷ kheo đệ tử Phật
Hãy như vậy thắng tri.
Chớ ưa thích cung kính
Hãy tu hạnh viễn ly.

Bài kệ này, Đức Phật muốn nhấn mạnh về đời sống chơn chánh của một vị tỷ kheo, một vị xuất gia trong giáo pháp này. Gọi là vị tỷ kheo, chữ Bikkhu, có nghĩa là Bố ma, Phá ác, Khất sĩ. Bikkhu trong ý nghĩa bố ma, tức là vị tỷ kheo xuất gia phải chiến đấu với phiền não ma, dẹp bỏ phiền não ma như tham, sân, si. Vị tỳ kheo cần phải nỗ lực nhiều hơn người cư sĩ, do vậy tỷ kheo cũng có nghĩa là bố ma. Lại nữa, chữ ma ở đây, nếu chúng ta hiểu theo nghĩa năm từ Mara, thì ở đây vị tỷ kheo cần phải thấy ngũ uẩn là một thứ ma, pháp hành, nghiệp là một thứ ma, tử thần là một thứ ma, do đó vị tỷ kheo cần phải cố gắng để vượt khỏi các loại ma đó, không bị chinh phục chi phối. Còn nói về ý nghĩa là phá ác, tức là vị tỳ kheo là một người phá bỏ, phá vỡ những thân ác nghiệp, khẩu ác nghiệp và ý ác nghiệp, chuyên tâm nỗ lực như vậy nên gọi là Bikkhu. Bikkhu còn một nghĩa khác là khất sĩ, là một vị sống với hạnh khất thực. Ở đây không có nghĩa một vị xuất gia là phải hoàn toàn đi khất thực, nhưng đối với vị này, sống là phải nhờ vào những vật thực của tín thí, những người có niềm tin đem đến dâng cúng, cho nên gọi là khất sĩ. Nhưng bikkhu còn một nghĩa đặc biệt khác, tức là một vị tỳ kheo là người thấy sợ hãi trong sự luân hồi, sự tái sanh chỗ này chỗ kia, tái sanh ở cảnh giới chư thiên, nhân loại, hay cảnh giới bốn đường ác đạo. Vị này thấy sợ hãi trong cảnh tái sanh luân hồi như vậy, tu tập thấy sự sợ hãi như vậy cũng có nghĩa là tỳ kheo (trong kinh chú giải đã giải thích như vậy). Trong bài kệ này Đức Phật đặc biệt khưyên dạy các tỳ kheo, đệ tử của Ngài rằng:

 

“Một vị tỳ kheo sau khi biết được duyên thế lợi là khác, con đường dẫn đến Niết Bàn là khác. Biết rõ như vậy vị tỳ kheo không nên có sự hoan hỷ trong lợi lộc, lễ vật cúng dường mà phải tu hạnh viễn ly”.

Quả thật vậy, có hai con đường, một con đường dẫn đến lợi lộc, lợi đắc cung kính, và một con đường dẫn đến Niết Bàn. Cả hai con đường này vị tỷ kheo tu tập cần có sự ý thức, sáng suốt, nhận thức một cách rõ ràng để định hướng con đường phải đi của mình. Con đường dẫn đến lợi lộc thì thấy ngay trong hiện tại vị tỳ kheo có thể thọ hưởng được, có thể lợi dưỡng được nhưng sẽ đem khổ lâu dài trong tương lai. Còn đối với đạo lộ dẫn đến Niết Bàn, đạo lộ này thật sự có nhiều chông gai, nhiều khó khăn. Nhưng với vị tỳ kheo thấy sợ hãi trong sự luân hồi thì vị tỳ kheo cũng cố gắng nỗ lực chuyên cần đi trên con đường đó. Ở đây, cả hai con đường này khác nhau, phương tiện đi khác nhau.

Trước hết, chúng tôi muốn đề cập đến ý nghĩa, mục đích trong đời sống phạm hạnh này hay là mục đích của giáo pháp. Trong bài kinh Ví dụ Lõi Cây trong Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya,) Đức Phật đã giải thích cho các vị tỳ kheo rằng:


Như có người đi tìm cầu lõi cây, nhưng người đó không biết rõ lõi cây nên người này ngộ nhận nhánh cây hay lá cây là lõi cây. Vì thế cho nên người nầy đi vào rừng đem lá về. Người đó không đạt được lõi cây vì do sự ngộ nhận. Cũng như đối với vị tỳ kheo xuất gia tu tập vào trong giáo pháp này, vị ấy không hiểu rõ con đường dẫn đến mục đích cứu cánh của Phạm hạnh, không hiểu rõ Niết Bàn là mục đích cứu cánh của đời sống Phạm hạnh. Sau khi xuất gia, vị ấy được thiện nam tín nữ, được những người có niềm tin đến cúng dường lễ bái, trân trọng thì vị xuất gia ấy lấy làm thoả mãn và hoan hỷ, dừng lại ở chỗ này, không có sự tiến bộ trong giáo pháp.

Như vậy vị tỳ kheo chỉ thích thú trong lợi lộc mà người ta cúng dường, vị đó giống như người chỉ hái nhánh và lá của cây chứ không đạt được lõi cây của chánh pháp. Lại nữa, Đức Phật giải thích hạng người thứ hai:

Người này cũng bằng sự ngộ nhận, họ tưởng vỏ cây là thứ lõi cây mà họ cần tìm, do vậy khi đến một tàng cổ thụ, họ róc lấy vỏ cây ở bên ngoài và đem về. Sự thật họ không đạt được lõi cây vì do sự ngộ nhận. Một vị tỳ kheo xuất gia vào trong giáo pháp này cũng vậy, nếu vị ấy chỉ thoả mãn trong giới hạnh thanh tịnh của mình, vị này chuyên tâm giữ giới nhưng sau đó vị này dừng lại ở đây và có sự mãn nguyện với giới hạnh của mình, sanh lòng kiêu mạn với giới hạnh của mình và không tu tiến them nữa thì vị này gọi là chỉ lấy vỏ cây của chánh pháp chứ không đạt được lõi cây của chánh pháp.

Hạng người thứ ba cũng do sự ngộ nhận, họ tưởng giác cây, tức là thịt của thân cây - ở phía sau vỏ cây, tưởng lầm đó là lõi cây nên sau khi đốn bỏ nhánh lá, đẽo bỏ vỏ cây, họ đẽo lấy giác cây đem về, như vậy người này cũng gọi là người không hiểu được mục đích của chánh pháp, không nắm được lõi cây của chánh pháp. Tức là một vị tỳ kheo xuất gia vào trong giáo pháp này mặc dù vị này từ bỏ danh lợi, không kiêu mạn trong giới hạnh, vị này tiến tu về thiền, thiền chỉ để đắc được thiền sắc, thiền vô sắc, nhưng sau khi đắc được thiền, vị ấy dừng lại ở đây, vị ấy ngã mạn, tham vọng và khiên chấp với những gì mình đã chứng đạt được. Giống như trường hợp tỳ khưu Đề Bà Đạt Đa vậy. Trong trường hợp này, vị tỳ kheo này không đạt được lõi cây của chánh pháp mà chỉ đạt được giác cây thôi.

Chỉ có hạng người thứ tư là biết rõ về lõi cây, biết rõ công dụng của lõi cây cũng như giá trị của lõi cây như thế nào, phải làm sao để lấy được lõi cây, nên khi đến một tàng cổ thụ ở trong rừng, người này sau khi chặt nhánh lá, đẽo vỏ cây, đẽo hết phần giác cây bỏ lại chỉ mang về lõi cây mà thôi, trong trường hợp đó vị tỳ kheo hiểu được Niết Bàn là mục đích cứu cánh, sau khi vị này cố gắng nỗ lực chuyên cần, vị này đạt được sự giải thoát bằng tuệ quán, đắc được đạo quả, chứng ngộ Niết Bàn, thấu triệt được tam tướng là vô thường, khổ, vô ngã, đoạn trừ mọi tham sân si, gánh nặng đã đặt xuống, việc nên làm đã làm, sau đời sống này không còn đời sống khác. Như vậy vị tỳ kheo đó mới thật sự là vị tỳ kheo đã đạt đến lõi cây của chánh pháp.

Chúng tôi tóm lược nhắc lại bài kinh này để chúng ta phân biệt rõ ràng, đừng nói chi là lợi lộc, ngay cả trạng thái của vị tỳ kheo an trú trong giới hạnh thanh tịnh hay chứng đắc các thiền sắc, vô sắc cũng còn là một vấn đề phải xét lại, phải tiến hoá hơn nữa, chứ không nên dừng lại ở đó, không nên kiêu mạn ở đó, huống hồ chi đối với lợi lộc, danh vọng khi xuất gia vào trong giáo pháp này. Bởi vậy cho nên ở đây, trong bài kệ pháp cú số 75, chúng ta cần phải hiểu rằng con đường đưa đến danh lợi, tức là duyên thế lợi, đó là một con đường khác; con đường đưa đến Niết Bàn là một con đường khác. Con đường đưa đến thế lợi là một con đường hết sức nguy hiểm, làm tổn hại phẩm chất của một vị tỳ kheo và đưa đến lối sống tà mạng. Còn đối với con đường tu tập đưa đến Niết Bàn, thì con đường đó là một con đường khác. Một vị tỳ kheo muốn dấn thân vào con đường này, vị tỳ kheo đó phải chấp nhận mọi sự khó khăn, phải chấp nhận mọi hình thức tu tập với sự
tinh tấn nỗ lực nhiệt tâm, vị này vượt qua thời tiết nóng lạnh, vượt qua sự xúc chạm của ruồi muỗi, loài bò sát, hay vượt qua sự thiếu thốn về vật thực, vị này phải có hạnh viễn ly, phải có hạnh tri túc, thiểu dục… Chỉ có bằng phương pháp đó thì vị tỳ kheo này mới dấn thân vào con đường đưa đến Niết Bàn.

Cho nên ở đây chúng ta thấy hai con đường khác nhau: đưa đến thế lợi, sống bằng thiện pháp, sống bằng ác bất thiện pháp như là tà mạng thì vị tỳ kheo có thể đạt được. Nhưng sống bằng hạnh viễn ly, tri túc thiểu dục để đưa đến Niết Bàn thì quả thực đây là con đường hết sức khó khăn mà một vị xuất gia nếu thiếu tinh thần tu tập, thiếu nghị lực, thiếu trí tuệ thì không thể đi được trên con đường đó. Bởi thế ở đây là một vị tỳ kheo xuất gia trong giáo pháp cần phải nhận định rõ hai con đường này. Nếu thấy rằng ta sanh tử luân hồi đã chịu nhiều sự khổ đau, có khi sanh làm trời làm người hay có khi sanh bốn đường ác đạo phải chịu nhiều sự đau đớn khồ sở. Thấy sợ hãi như vậy, một vị xuất gia, một vị tỳ kheo cần phải nhận định rõ ràng hướng đi của mình là con đường dẫn đến Niết Bàn. Sau khi phân biệt rõ cả hai con đường có sự khác nhau, đi đến lợi lộc là một con đường khác, đi đến Niết Bàn là một con đường khác. Khi phân biệt rõ như vậy nên khi vị tỳ kheo xuất gia và thành tựu được những phẩm hạnh tốt, đạo đức tốt hay tài trí đức hạnh khiến cho mọi người có tâm hoan hỷ ái mộ, có tâm tín thành, họ đem đến cúng dường nhiều lễ vật, nhiều lễ phẩm, họ đảnh lễ, họ tôn trọng, họ ca ngợi, họ tán dương, vị tỳ kheo cần phải ý thức rằng những sự cúng dường, tán dương khen ngợi này chỉ là con đường hư ảo, đây là con đường không đưa đến Niết Bàn. Nếu không khéo, chính con đường đó sẽ dẫn ta đến sự diệt vong. Nghĩ như vậy, vị tỳ kheo này cần phải chối bỏ, cần phải từ khước.

Đức Phật dạy vị tỳ kheo đệ tử của Ngài sau khi phân biệt rõ sự khác nhau của con đường duyên thế lợi và duyên đến niết bàn, vị tỳ kheo chẳng nên có sự hoan hỷ trong lợi đắc cung kính, lễ vật cúng dường.

Chữ sakkara ở đây bao hàm cả lễ vật cúng dường hay là lợi lộc
làbha là lợi lộc.
yàsa là danh vọng.
pùja là sự cúng dường.

Bỏ qua tất cả, và chữ Sakkara xài chung cho tất cả các nghĩa đó. Bất cứ một hiện tượng gì, một sự kiện gì mà người ta đem đến cho một vị tỳ kheo bằng tâm tín thành như sự đảnh lễ, cúng dường y phục, vật thực, thuốc trị bệnh, trú xứ, v. v… tất cả những thứ đó đều gọi là sakkara. Đối với vị tỳ kheo khi hiểu rõ được con đường dẫn đến Niết Bàn là khác thì vị tỳ kheo này cần phải chối bỏ, cần phải từ khước và không hoan hỷ với lợi lộc đó. Vị tỳ kheo này hãy tu hạnh viễn ly.

Sau đây chúng tôi sẽ trình bày về hạnh viễn ly.

Vivekam tức là sự tách ly, sự sống độc hành, sự xa lìa thì gọi là viễn ly.

Cũng theo chú giải Kinh Pháp Cú thì sự viễn ly ở đây có hai: thân viễn ly và tâm viễn ly.

Thân viễn ly là thân sống ở một nơi hẻo lánh, heo hút, xa vắng với sự chung đụng tiếng ồn ào của con người, xa vắng với những cuộc vui, những cuộc hội họp, xa vắng hội chúng đông đảo. Như vậy gọi là sống thân viễn ly. Một vị tỳ kheo vào thời Đức Phật luôn có 3 hạnh đầu đà: vị tỳ kheo đó tự nguyện sống ẩn lâm, tức là chỉ sống ở rừng chứ không sống ở làng mạc; tự nguyện đi khất thực mà ăn chứ ít thọ dụng của đàn na tín thí trai tăng, cúng dường tại chùa; tự nguyện mặc y phấn tảo. Như vậy vị tỳ kheo này được gọi là vị tỳ kheo sống với hạnh thân viễn ly.

Còn tâm viễn ly là như thế nào? Tâm viễn ly là tâm xa lìa khỏi năm triền cái là dục dục cái, sân độc cái, hôn thụy cái, trạo hối cái và hoài nghi cái, là giữ tâm, chế ngự tâm không có lòng dục sanh khởi, không có sự ham muốn trong sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc. Xa lìa sân độc cái là giữ tâm an trú với ý niệm tâm từ, tâm bi, không có tâm sân giận, oán thù, oan trái, não hại chúng sanh khác. Vị tỳ kheo giữ tâm khắc phục xa lìa khỏi hôn thụy cái, tức là cho tâm thoát khỏi trạng thái buồn ngủ, dã dượi, biếng nhác, uể oải, mệt mỏi, chán chường. Lại nữa vị tỳ kheo cần phải khắc phục xa lìa trạo hối cái là giữ tâm an trụ, không để cho phóng dật, phóng túng buông lung, bắt cảnh này cảnh nọ, không suy nghĩ mông lung về các cảnh giới khác ngoài đề mục tu tập của mình, ngoài sự kiểm soát thân tâm của mình. Như vậy gọi là vị tỳ kheo viễn ly về trạo hối cái. Viễn ly hoài nghi cái là vị này luôn luôn cố gắng trau dồi tri kiến để hiểu biết thông đạt được các pháp, nhất là vị tỳ kheo không có hoài nghi sự giác ngộ của bậc đạo sư là Đức Phật, không có hoài nghi về giáo pháp, không có hoài nghi về tăng chúng. Vị tỳ kheo dứt bỏ sự hoài nghi như thế thì vị tỳ kheo đó được gọi là tâm viễn ly hoài nghi cái. Như vậy tâm viễn ly ở đây có nghĩa là tâm xa lìa, tránh khỏi sự chi phối của năm triền cái.

Nhưng thưa quý vị, cũng có bốn hạng người: có hạng người thì tu tập thân viễn ly nhưng tâm không viễn ly, có những hạng người tâm viễn ly nhưng thân không viễn ly, có những hạng người thân viễn ly và tâm cũng viễn ly, có một hạng người nữa là cả thân và tâm đều không viễn ly.

Hạng người mà thân viễn ly, tâm không viễn ly đó ám chỉ cho những người thích ở nơi thanh vắng, ẩn dật, điền viên nhưng tâm tư của họ lúc nào cũng bị xáo trộn bởi dục tham, họ mong cầu lợi lộc, hay họ sống với niềm sân hận não hại, tâm tư bị phóng túng buông lung, tâm tư họ luôn có sự hoài nghi, nghi hoặc, có sự ngờ vực. Đối với một vị xuất gia cũng vậy, nếu vị này mặc dầu sống ở rừng, dưới cội cây, trong căn nhà trống nhưng tâm vị đó chưa rời bỏ được năm triền cái thì vị tỳ kheo này gọi là thân viễn ly nhưng tâm không viễn ly.

Còn vị tỳ kheo tâm viễn ly nhưng thân không viễn ly, vị tỳ kheo này vì phận sự trách nhiệm đối với đại chúng, vì lợi ích cho chư thiên và nhân loại hoặc giả vị tỳ kheo này vì một lý do như hoàn cảnh của quốc độ, hoàn cảnh của thời cuộc nên vị này không thể sống ở rừng, sống dưới cội cây được, vị này phải sống ở làng mạc, phố thị, phải sống chung chạ với hội chúng, hàng ngày phải tiếp xúc với hội chúng nhưng tâm của vị đó đã an trú đuợc pháp thiền định, an trú được trong tuệ quán, vị đó thấy rõ mục đích tu tập và vị này luôn luôn ngăn ngừa và chế ngự năm triền cái, thì đối với vị tỳ kheo như vậy mặc dù thân không viễn ly nhưng tâm viễn ly.

Còn nói về vị tỳ kheo thân viễn ly và tâm cũng viễn ly đó, tức là chỉ cho vị tỳ kheo đã chứng đắc được thượng nhân pháp, tức là chứng đắc được đạo quả, diệt trừ được phiền nảo, chế ngự được năm pháp triền cái và vị tỳ kheo này ưa thích ở những nơi thanh vắng, thích sống hạnh viễn ly trong khu rừng, dưới gốc cây, căn nhà trống chứ không thích chung chạ với đại chúng, với hội chúng ồn ào, thì vị tỳ kheo đó được gọi là thân viễn ly và tâm cũng viễn ly.

Còn hạng người thứ tư là để chỉ cho tất cả hạng người phàm phu ở đời, khi những người đó không ý thức được con đường tu tập, vị đó không có niềm tin với con đường tu tập và do phiền não chi phối nên lúc nào họ cũng ồn ào náo động, họ ồn ào cả về thân lẫn tâm; về thân thì họ thích tụ họp, thích đi đến nơi đông người, vui chơi nói chuyện phiếm hoặc là họ thích hội họp nhau để cùng ăn cùng uống v.v….và tâm tư của họ thì dẫy đầy phiền não, ứ đầy những ác bất thiện pháp và triền cái luôn luôn xâm nhập chi phối họ, đối với những hạng người này được gọi là thân và tâm đều không viễn ly.

Khi chúng ta hiểu rõ về những pháp này, chúng ta có thể tự mình đánh giá được con đường tu tập của mình xuyên qua bốn hạng người thân, tâm viễn ly, chúng ta có thể nhận thức được như thế nào là sự viễn ly chánh hướng và như thế nào là sự viễn ly không đem lại lợi ích. Đời sống của một vị tỳ kheo với tâm hướng thượng và an trú trong mục đích giải thoát tức là mục đích Niết Bàn hay cứu cánh phạm hạnh thì vị tỳ kheo đó cần tu tập sống với hạnh viễn ly. Nếu như được có môi trường thân viễn ly và tâm viễn ly thì càng tốt, còn nếu như vị này ở trong một môi trường quốc độ, môi trường thời cuộc mà không thể nào sống thân viễn ly thì ít nữa vị này cũng phải cố gắng làm như thế nào để tâm viễn ly khỏi các triền cái. Khi tâm viễn ly khỏi các triền cái như vậy, chờ đợi là vị tỳ kheo đó sẽ thành tựu thiền định và sau khi chứng đạt thiền định, với tâm an trụ một cách vững chắc, vi này hướng tâm đến tuệ quán để chiếu kiến ngũ uẩn là vô thường, khổ, vô ngã, chứng đạt quả giải thoát, chứng ngộ Niết Bàn, điều đó không phải là khó.

Bởi vậy cho nên ở đây khi chúng ta đề cập đến vấn đề này thì tất cả những người phật tử chúng ta tu tập, có hai hướng để chúng ta đi. Hướng thứ nhất là người phật tử chúng ta phải làm như thế nào để thành tựu được các phước báu, tức là những thiện sự như bố thí, trì giới, những thiện sự đó chúng ta cần phải tu tập, cần phải tạo để được hưởng phước trong tương lai, sau khi chúng ta mãn chung. Như vậy đỡ hơn là chúng ta ra đi với ác nghiệp để rồi chúng ta đọa sanh vào khổ cảnh địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh a tu la v.v… Và phương pháp thứ hai nữa là chúng ta chọn con đường thẳng tiến đến Niết Bàn tức là với hạnh viễn ly khi mà chúng ta có đủ điều kiện để sống tu tập thì chúng ta nên chọn con đường đó. Hãy lấy tấm gương của sadi Tissa, mặc dù chỉ mới bảy tuổi thôi nhưng vị sadi này đã sớm ý thức đạo lộ Niết Bàn. Là con của một nhà khá giả, là gia đình hộ độ cho tôn giả Xá Lợi Phất thì sadi Tissa phải là người được nuông chiều, được thương yêu và khi xuất gia với Tôn giả Xá Lợi Phất là một thượng thủ thinh văn của Đức Phật, là một bậc đại đệ tử sáng ngời của Tăng chúng thì khi sadi Tissa là đệ tử của Ngài cũng hưởng được một phần danh dự. Tuy nhiên sadi Tissa đã không màng đến và chỉ thích sống ở rừng mà thôi, bởi vậy sadi Tissa được mệnh danh là Vanava`sitissa, Tissa ẩn lâm. Hình ảnh một vị sadi trẻ tuổi, mới có 7 tuổi, còn quá trẻ, còn quá thơ ấu mà vị đó đã sớm nhận thức được cuộc đời vô thường khổ đau này và sớm từ bỏ con đường danh lợi, đừng nói chi là các thú vui của tuổi trẻ, ngay cả những người đã từng trải ở đời, đã trưởng thành, đã lớn, chúng ta cũng không thể bỏ được những thú vui của thế gian, nói chi là tuổi trẻ. Chúng ta thấy rõ sadi Tissa đã bỏ đi được để tìm con đường đạo hạnh với thân viễn ly và tâm viễn ly, sau cùng đã chứng quả vị A La Hán. Quả thực, đây là một điều hy hữu, chuyện này chỉ có thể xảy ra trong thời kỳ của Đức Phật mà thôi. Tuy nhiên, trong đời sống hiện tại này không phải chúng ta hoàn toàn bị bó tay, chúng ta vẫn có thể chọn cho mình một hướng đi nếu như chúng ta có ý chí sáng suốt, nếu chúng ta có sự quyết tâm với trí tuệ, với niềm tin dũng mãnh nơi Đức Phật, niềm tin nơi Giáo Pháp, niềm tin nơi Tăng Chúng thì chúng ta có thể chọn cho mình con đường chơn chánh.

Thưa quý vị, sự tu tập để đạt được quả vị giải thoát là Niết Bàn, chúng ta đừng nghĩ rằng trong thời buổi hiện tại chúng ta khó thành tựu được đạo quả, nghĩ như vậy chúng ta thất vọng, không đâu thưa quý vị. Nếu chúng ta là một người nghèo khổ, không có vốn liếng để làm ăn thì bây giờ chúng ta dành dụm tích lũy. Từ sự tích lũy đó, hy vọng một ngày nào chúng ta sẽ có đủ tài sản để có thể trở thành một vị triệu phú, một vị tỷ phú; còn nếu như chúng ta buông xuôi, bỏ cuộc với một trạng thái tiêu cực thì chắc chắn sẽ mãi mãi ở trong bóng tối, nghèo khổ. Cũng vậy, mặc dù chúng ta biết được rằng trong thời kỳ hiện tại, thời kỳ mà chúng sanh đa phần xu hướng theo vật chất, theo lợi lộc, họ chạy theo trào lưu của xã hội mà họ quên đi đời sống tâm linh, quên đi luân lý đạo đức; tuy nhiên còn có một số người hiểu được bởi vì chánh pháp vẫn còn, Phật Pháp vẫn còn tồn tại trong thế gian này, ngay bây giờ chúng ta tự mình mỗi ngày quán thấy nhàm chán. Từ sự nhàm chán đó, chúng ta dấn thân mà đi.

Con đường đưa đến Niết Bàn, là một con đường khác, con đường duyên thế lợi là khác. Khác nhau ở chỗ nào? Trước hết về tánh chất nó khác nhau. Con đường đưa đến thế lợi, lợi lộc, danh lợi thì con đường đó mình có thể có thủ đoạn, ác bất thiện pháp để đoạt cho được. Nhưng con đường đưa đến Niết Bàn thì tánh chất phải khác biệt, và phải hoàn toàn thuần thiện thì mới đạt đến được, chứ không thể nào có xen lẫn vào ý niệm bất thiện. Đó là điểm thứ nhất.

Điểm thứ hai sự khác biệt giữa con đường thế lợi và con đường Niết Bàn, ở đây con đường thế lợi người ta có thể đi chung nhau, có thể cùng nhau hưởng thụ nhưng con đường Niết Bàn là con đường độc đạo, ekayano maggo, con đường độc đạo đó chúng ta phải dấn thân một mình, phải tự đi một mình, và tự chứng đắc một mình. Cho dù rằng chúng ta là hạng thinh văn, Savaka, đệ tử của Đức Phật, sau khi nghe pháp của Đức Phật rồi phải đi bằng cách tự mình có niềm tin, tự mình có chánh tín, có chánh kiến, tự mình có trí tuệ, và tự mình dấn thân trên con đường thiền quán, tự mình thẩm nghiệm các pháp mà chúng ta chứng đắc chứ không đi hai người và cũng không phải nhờ vả vào ai cả. Paccattam veditabbo vinnuhiti, giáo pháp này cần phải được người trí tự mình tỏ ngộ, vì thế cho nên khác nhau giữa duyên thế lợi và duyên Niết Bàn là như vậy.

Ở đây còn một điểm thứ ba nữa mà chúng ta cần phải lưu ý sự khác nhau giữa duyên thế lợi và duyên Niết Bàn. Về hậu quả, nếu có người mải mê say đắm trong danh lợi, tài sắc lợi danh thì như vậy ngay trong hiện tại nếu như người đó may mắn không bị sự đau khổ đi nữa thì sau khi mệnh chung, bởi do duyên thế lợi này, do ái nhiễm phiền não này, người đó gặp sự bất lợi trong sự tái sanh và mãi mãi bị luân hồi sanh tử. Và sự khổ đau sẽ chờ đón họ ở trước. Nhưng đối với con đường Niết Bàn, khi một vị tỳ kheo xuất gia hay một đệ tử tại gia, một vị đệ tử của Đức Phật, mà chúng ta nhắm hướng Niết Bàn, và có sự sợ hãi, từ khước đối với danh lợi và chúng ta sống với hạnh viễn ly, tích lũy các thiện pháp, các phước báu, như vậy thì nếu có chậm đắc đạo quả Niết bàn đi chăng nữa thì ngay trong hiện tại kiếp sống này và sau khi mệnh chung, chúng ta tái sanh lại cảnh giới khác vẫn có sự an vui do phước báu nâng đỡ.

Và cuối cùng chính do có tâm hướng đến lý tưởng chân chánh là mục đích Niết Bàn, mà chúng ta thành tựu được quả vị giải thóat, chấm dứt sanh tử khổ đau. Những khi nào có Đức Phật ra đời, có một vị Chánh Đẳng Chánh Giác ra đời, Ngài thuyết pháp để tế độ chư thiên và nhân loại, thì thưa quý vị phận sự của Đức Phật là mỗi buổi sáng, Ngài dùng duyên lành, Ngài dùng Phật nhãn, quan sát thế gian xem có chúng sanh nào có duyên lành để chứng được đạo quả trong ngày hôm nay thì Ngài sẵn sàng ngự đến đó để tế độ. Nếu bây giờ chúng ta có tâm hướng đến Niết Bàn, chúng ta hướng đến sự viễn ly, hướng đến sự tu tập và nhàm chán danh lợi, thấy sợ hãi trong ba giới bốn nẻo thì trong trường hợp đó chúng ta yên chí rằng nếu ngay trong hiện tại mà chúng ta chưa đắc đạo quả trong thời kỳ Đức Phật hiện tại thì cho đến thời kỳ Đức Phật tương lai, gặp một vị Phật nào đó, Ngài sẽ nhìn thấy duyên lành của mình, Ngài sẽ biết rõ mình có cơ hội, có túc duyên, có đủ tuệ căn để đắc được đạo quả. Do vậy cho nên Ngài sẽ đền để tiếp độ chúng ta, và chúng ta sẽ giác ngộ một cách dễ dàng, không phải là khó khăn.

Thưa quý vị, đó là ý nghĩa bài kệ ngày hôm nay, chúng tôi xin san sẻ với quý vị đại chúng và mong rằng với lời giải thích này, bài kệ sẽ mang đến cho quý vị một niềm hoan hỷ với tâm tịnh tín để tiến tu trong Phật Pháp. Chúc quý vị được sự an vui.

Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.


Download KN 75


Kinh Pháp Cú Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu