Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 30

Hạ Thủ Công Phu


Thap Nhi Nhan Duyen

Giảng Sư: TT Giác Đẳng

Ðế Thích không phóng dật,
Ðạt ngôi vị thiên chủ.
Không phóng dật được khen,
Phóng dật thường bị trách.

(Việt dịch Tỳ Khưu Giác Đẳng)

Chánh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta học kệ ngôn 30, nói về đề tài không phổ cập trong kinh điển  lại rất quan trọng. Đối với dân gian cũng như ở Ấn Độ, cõi trời Thiên giới là nơi chúng sanh có thể hưởng nhiều phước vật. Một trong những quả vị cao tột  của Thiên giới là trở thành Thiên chủ Đế Thích, hay là vua trời trong cõi trời Tam thập tam thiên.Đây là những hình ảnh con người có thể mơ ước được. Vị hoàng thân của dòng Lệ Xá đến hỏi Đức Phật về ngôi vị Thiên chủ. Đã là một vị tiên ở trên trời có một đại hạnh đại duyên mà lại được làm thiên chủ quả là có một túc duyên lớn khác.

Bấy giờ Đức Phật cho biết rằng không những Ngài biết về danh tánh, mà còn biết về cuộc sống của Vua trời Đế Thích. Và không những biết về danh tánh và cuộc sống mà Ngài còn biết những pháp để tác thành ngôi vị Thiên chủ. Lời dạy này của Đức Phật đã đi xa hơn, Ngài cho biết rằng trong kiếp tiền thân khi chưa sanh làm Thiên chủ, khi còn là một chúng sanh sống trong cõi người, Đức trời Đế Thích là một thanh niên tên có tên Magha. Vị này sống thể hiện trọn vẹn bảy pháp, đó là bảy pháp mà chúng ta thường được nghe bảy pháp để sanh thiên. Bảy pháp sẽ làm ngạc nhiên nhiều người trong chúng ta, vì chúng ta không nghĩ rằng những pháp đó lại dẫn đến Thiên giới như vậy. Bảy pháp này gồm có:

-Pháp thứ nhất : Phụng dưỡng cha mẹ, sống trong gia đình chăm sóc, lo lắng cho cha cho mẹ. Không những chỉ với lòng thương mà còn lòng kính trọng. Không những chỉ với lòng thương kính mà còn thể hiện đầy đủ bổn phận của mình. Đó là pháp thhứ nhất trong bảy pháp để sanh Thiên, để trở thành Thiên chủ.

-Pháp thứ hai là giữ lòng kính trọng đối với các bậc trưởng thượng. Trưởng thượng ở đây có nghĩa là những vị niên trưởng có tuổi, những bậc cha anh, những người lớn hơn mình. Về điểm này là văn hoá sống cuộc sống chúng ta ngày hôm nay.

-Pháp thứ ba là nhân dẫn đến sanh Thiên, là ngôn ngữ nhã nhặn, không thô lỗ, không cộc cằn.
-Pháp thứ tư tác thành ngôi vị Thiên chủ là không nói xấu người khác sau lưng.
-Pháp thứ năm  là người sống với bàn tay rộng mở, ban bố, quãng đại không bỏn xẻn.
-Pháp thứ sáu là chân thật trong lời nói.
-Pháp thứ bảy là không chất chứa sân hận.

Đức Phật cho biết rằng bảy pháp này sẽ dẫn đến ngôi vị Thiên chủ. Ở đây có một số điểm cần nêu rõ.  Tuy với đạo Phật cứu cánh là giải thoát nhưng đó không có nghĩa là đạo Phật cho rằng điều đó hoàn toàn không khả tồn, nghĩa là điều đó không có đáng yêu thích. Nếu chúng ta sanh ra đời với nhiều phước báu, có tài sản, có trí tuệ. Nếu có địa vị cao là vị Chuyển luân Thánh vương, thấp là một người được quý trong trong xã hội, không cần giàu có nhưng trung bình cũng đủ ăn hoặc tiền bạc dư giả để làm những việc khác. Đó cũng là một điều khả tồn.

Ngôi vị Thiên vương, địa vị Thiên chủ hay chúng sanh, sanh trong các cõi trời, cõi an lạc, thì cũng được xem là một quả vị của phước báu sanh ra do thiện nghiệp như chúng sanh trong cõi trời, cõi người. Hãy tưởng tượng chúng ta sống trong hoàn cảnh đầy đủ tiền bạc vật chất, không cần ai giúp ai, chúng ta sẽ không có nhiều cơ hội để làm những việc thiện trừ khi có sự tu tập.

Sanh thiên và trở thành Thiên chủ.  Những hình ảnh tuy rằng hoàn toàn không được khuyến khích bởi một người Phật tử hiểu đạo giải thoát. Ở cuộc sống trần ai này nếu lấy những giá trị cuộc sống để nói  thì điều đó có giá trị nhất định mà chúng ta không thể phủ nhận được. Chúng ta đừng quên rằng Đức Phật có những lời dạy không thể không suy nghĩ. Lấy ví dụ khi đề cập đến những hạnh phúc của người cư sĩ Ngài dạy rằng không nợ nần sẽ sống hạnh phúc, hay một người có thể hượng thụ tài sản do chính mình làm ra bằng mồ hôi nước mắt tức là bằng nghề lương thiện, Đức Phật tán thán điều đó. Với một cảnh giới như cõi trời, đôi lúc chúng ta cũng phải nhận rằng là một trong những hình ảnh đẹp. Kể cả một số vị danh tăng như Ngài Hoà thượng Hộ Tông, Ngài có tâm tu tập giải thoát rất mạnh, Ngài vẫn có lời dạy dành cho những người cư sĩ Phật tử  lấy chuyện bố thí trì giới sanh về cõi trời. Những lời dạy đó ngày xưa khi chúng tôi còn nhỏ nghĩ rằng không hoàn toàn thích đáng. Cái nhìn chúng tôi lúc nhỏ cực đoan quá ,suy nghĩ đó nông cạn quá, hời hợt quá. Có những khi chúng ta không hiểu hết tôn ý của Đức Phật qua nhiều lời dạy khác nhau.

Một điểm khác Đức Phật dạy tại đây khiến cho Phật Pháp có một sắc thái rất khác biệt. Các tôn giáo và niềm tin dân gian đưa ra rất nhiều con đường đưa đến thiên giới . Đối với chúng ta lời cầu khẩn thần linh hoặc là những may mắn phúc phần, hoặc giả học được phép tiên. Ở tại Ấn Độ người ta cũng nói đến một con người sanh về cõi trời nhờ hiện thông với Thượng đế. Làm thế nào đó con người đến với Chư thiên Phạm thiên nhờ vào sự cúng tế trì tụng thần chú v.v…

Đối với Đức Phật, Ngài dạy rất rõ. Ngài dạy rằng nếu đó là một quả tốt ở trong thế gian này thì quả tốt đó vốn dĩ là do thiện nghiệp. Một quả phúc của thiện nghiệp, tinh tấn không chểnh mảng ở đây được hiểu như là một cố gắng để sanh thiên. Nếu chúng ta đọc bảy pháp dẫn đến ngôi vị Thiên chủ, chúng ta dễ dàng thấy đa số đòi hỏi sự cố gắng phấn đấu bản thân mình. Đa số là hiếu hạnh, là tự tâm. Đa số chúng ta có thương cha thương mẹ nhưng chúng ta cũng phải cố gắng. Trong sự cố gắng chúng ta mới có thì giờ nghĩ đến cha mẹ, nếu không thì tâm chúng ta cũng bềnh bồng trôi giạt về phương trời này hay phương trời khác. Lấy một ví dụ khác trong lời nói chân thật hay một bàn tay ban bố mà mình phấn đấu để có. Nhiều khi mình nghĩ rằng mình trúng số, mình có thể làm điều này hay điều khác, chúng ta chưa tìm thấy được yếu tố mà Đức Phật gọi là tinh cần hay nổ lực. Cái tinh cần nổ lực này dựa trên cái bình thường, rất bình thường trong đời sống con người. Một ông Bà-la-môn chỉ có một miếng vải giống như  một chiếc khăn choàng quấn trên thân của mình, đến chùa nghe Đức Phật thuyết pháp, ông cảm nhận một cách chân thực về giá trị của sự quãng đại của sự bố thí và cuối cùng  quyết định cúng dường tấm vải ấy. Chúng ta đọc kỹ lại câu chuyện của ông mới thấy rằng tuy tấm khăn choàng giá tri nhỏ, nhưng ở đó cần cả một sự cố gắng nổ lực chứ không đơn giản muốn cho thì cho.

Dĩ nhiên trong số chúng ta có một số người tương đối khá giả, tương đối có dư ăn dư mặc, chúng ta bố thí một vật gì đó không cần phải cố gắng nhiều. Chúng ta đừng quên rằng, sở dĩ có một lúc nào đó chúng ta làm được việc bố thí việc, ban bố hiến tặng một cách thoải mái là cũng nhờ chúng ta cũng đã làm rất nhiều và làm với sự cố gắng. Đức Phật dạy cho Hoàng thân ở tại Vesali con đường dẫn đến thiên giới không phải là tình cờ mà con đường đó là do thể hiện được thiện pháp. Thiện pháp Ngài đề cập đến đòi hỏi sự tinh tấn nổ lực bởi vì nó sống ngược lại với bản chất bình thường của chúng ta. Chúng ta không quen cung kính, chúng ta quen cao mạn, bây giờ muốn được lòng cung kính đòi hỏi chúng ta phải phấn đấu, có sự hiểu biết. Chúng ta không quen phụng dưỡng mẹ phụng dưỡng cha, bây giờ muốn được thiện pháp này, chúng ta phải có sự phấn đấu. Chúng ta không quen mở rộng bàn tay giúp đỡ người khác. Không quen nói lời chân thật.    

Có một lần Đức Phật dạy rằng một người tu tập đối với bên ngoài không có điều gì lợi cho bằng tự thân trong lòng không dễ ngươi, không chểnh mảng. Điều này thật sự dễ hiểu vì nổ lực là một thiện pháp. Không có sự cố gắng nổ lực, chúng ta  không tạo được những thiện nghiệp. Đức Phật dạy rằng không tụng đọc lâu ngày làm nhớp kinh, để kinh để sách bị đóng bụi. Thiện tâm lâu ngày không làm bị mai một, các phiền não khác sẽ khởi sanh. Khi chúng ta ý thức được nó  thì các phiền não đã bao trùm lấy chúng ta. Nên chi từng bước một Đức phật cho chúng ta thấy cảnh giới mà ta hướng đến mà người ta thường nói đến thiên đàng quả thật  không thành tựu do sự ngẫu nhiên hay do sự đãi ngộ mang tính cách tình cờ, chúng ta có được những thiện pháp đó là nhờ ở những thiện sự tinh cần nổ lực làm trong đời sống này.

Năm 1991 chúng tôi chọn một nơi để hành hạnh đầu đà ở một vùng dọc theo sông Cửu Long. L úc đó vào mùa mưa, chúng tôi ở một ngôi chùa tại Khuonchin biên giới Thái Lan với Lào. Đứng bên này có thể thấy Lào bên kia. Bên này biên giới có một trại tỵ nạn  những người Lào và một ít người Việt Nam vượt biên. Chúng tôi là nhà sư Việt Nam,  nên một vài vị sĩ quan trong trại tỵ nạn thỉnh thoảng có mời chúng tôi vào nói chuyện. Chúng tôi nghe vài vị Phật tử trong trại nói rằng những người truyền giáo đạo Tin Lành thường xuyên đến hỏi nếu quý vị tin Phật cứu rỗi thì Đức Phật có đưa quý vị về Thiên đàng hay không? Và quý vị tin Phật sẽ chứng được Niết bàn và họ hỏi Niết bàn là gì thì  những vị này không trả lời được. Thật ra quan niệm sanh về thiên đàng, sanh về cõi trời là một quan niệm hết sức dễ dàng cho người ngoài hình dung. Nhưng quan niệm về cảnh giới giác ngộ giải thoát lại khó lãnh hội và không phải ai cũng có thể trình bày được. Chúng tôi đã dành hai giờ để nói chuyện với các vị ấy. Đức Phật không xem cõi trời là một cứu cánh nhưng Ngài nói lên những pháp tác thành quả vị ở thiên giới và pháp đó phải do chúng ta nổ lực tinh cần.
Có một Phật tử nói với chúng tôi rằng nghĩa lý của đạo Phật không thể một người bình thường dễ dàng tin tưởng, con người dễ lãnh hội hơn là nói đến những thiện pháp. Tại sao một người phung dưỡng cha mẹ lại tác thành quả vị sanh về thiên giới? Tại sao một ngưòi chân thật lại tác thành quả vị? Nếu chúng ta thấy những điều này là thiện pháp thì những nổ lực đó nâng cao phảm chất đời sống, chúng ta mới thấy được tại sao Đức Phật dạy ta những điều này.

Ở một đoạn kinh khác Đức Phật cho biết rằng trong cái nhìn của Ngài, tức là chúng ta nói đến Phật nhãn, thiên giới chỉ đạt được từ sự nổ lực hành thiện pháp. Thiên giới được các đạo giáo đề cập đến nhiều, đã nói đến những tín đồ sanh về Thiên giới, cho chúng ta thấy một điểm khác như vầy nếu ta quan niệm ở một cảnh an lạc là Thiên đàng mà điều đó có được không do nổ lực, điều đó dẫn ta xa với lý nhân quả. Như có ai nói với chúng ta rằng chỉ cần cải tán mồ mả ông bà con cháu sẽ làm ăn khá hơn. Những điều đó cho dù có những bằng chứng cụ thể hay không, những niềm tin đó đã khiến chúng ta quên rằng bao nhiêu phước hạnh, bao nhiêu thiện pháp cần nổ lực của tự thân.

Ở đây khi học bảy pháp sanh Thiên, chúng ta thấy rõ một điều để  thể hiện những thiện pháp trong đời sống này thì con người không buông thả dễ duôi, rõ ràng là như vậy. Nếu chúng ta có thói tật là quen nói chia rẽ, nói để mà bôi bác người khác.Chúng ta không cố gắng sẽ không hạn chế được. Chúng ta có nhiều lý do để phiền hà người khác sau lưng là vì sao? Đã vì nó trở thành một thói quen bình thường, chúng ta phải cố gắng để khắc chế những ác pháp như vậy. Có đọc những thiện pháp này chúng ta mới thấy tại sao Đức Phật đặc biệt đề cập đến pháp không dễ duôi hay không chểnh mảng, hay không buông thả, hay tinh cần chuyên chú để thành tựu thiện pháp. Thiện pháp được thành tựu thì quả của thiện pháp được thành tựu. Mong mỏi rằng trong đời sống của chúng ta với những thiện pháp vốn chúng ta không quan tâm nhiều trong đời sống của mình. Chúng ta nghĩ rằng để sanh thiên ta cần làm pháp sự lớn như dựng một đàn tràng, dựng chùa, đúc tượng tạo công đức rất lớn, mà quên rằng có những thiện pháp xem như là tự thân phải nổ lực rất nhiều vì nó đi ngược lại những điều bình thường của con người.

Chúng ta hãy đọc lại bảy pháp sanh thiên:
1) Phụng dưỡng cha mẹ,
2) Lễ kính bậc trưởng thượng,
3) Nói những lời hòa ái,
4) Không bao giờ nói xấu ai sau lưng,
5) Làm gia chủ với tâm không tham lam keo kiệt, tay rộng mở buông xả những gì thuộc về mình, hoan hỷ rộng lượng, ân cần với người cầu xin, hoan hỷ trong sự bố thí.
6) Nói sự thật.
7) Dứt bỏ sân hận, nếu sân hận nổi lên xin mau buông bỏ.

Đọc kỹ để tìm thấy trong đời sống hằng ngày những pháp dễ thực hiện và những pháp khó thực hiện trong đời sống hằng ngày. Câu rất trả lời rất dễ dàng. Không chất chứa sân hận là một điều khó, nói lời hoà ái cũng là một điều khó, biết khiêm cung trên kính dưới nhường cũng là điều khó. Các thiện pháp mà trần gian thường nói là thiện pháp của những người tiền của dư giả, còn những thiện pháp chúng ta phải nổ lực tiến đến, nếu không nổ lực sẽ không làm được. Lạ lùng khi nói giữ tâm không sân hận được sanh thiên, thật ra việc đó không lớn với người khác nhưng với bản thân chúng ta đòi hỏi sự phấn đấu cao. Phấn đấu nhiều để nói lời hoà ái, để nói lời chân thật, để không nuôi dưỡng niềm hiềm hận, để chúng ta sống không nói xấu ai sau lưng v.v… Chính những thiện pháp này mời gọi sự cố gắng của mình, do đó đạt thành quả vị thù thắng.

Ngày hôm qua có một bản tin nói về quân đội Hoa kỳ đồn trú tại Irac, bắt giữ tra tấn một số tù binh Irac. Những hình ảnh này vì một lý do nào đó được gửi ra bên ngoài, cả thế giới cảm thấy bất mãn trước sự đối xử như vậy. Không phải là lần đầu tiên chúng tôi nghe được những tin tức như về những đối xử thiếu văn minh như vậy.  Hoa kỳ không phải là đất nước dã man, họ có trình độ văn hoá, có luật lệ, và đặc biệt với tù binh họ có điều tôn trọng. Chúng tôi có quen với vài anh Việt Nam tham gia quân đội Hoa kỳ đánh Irac về kể một số câu chuyện. Trong lúc tham chiến, có mặt tại mặt trận, khi  đồng đội bị phía bên kia bắn chết. Với lòng căm phẫn tột độ, lúc đó bắt được những tù binh và với thái độ cứng đầu hay thế này thế khác khiến binh sĩ có trách nhiệm canh gác nổi quạu lên. Khi đó những luật lệ, những nguyên tắc không đủ khống chế con người, không khác gì loài thú nghĩa là chỉ sống với lòng sân tâm của mình nên họ đã có những thái độ đối với tù binh như thế. Dĩ nhiên khi đài CBS đưa lên những hình ảnh này,  không nghĩ rằng trong một bối cảnh nào đó sự việc hoàn toàn không kiểm soát được.

Phải nói rằng những pháp tác thành ngôi vị Đế Thích, phải nói một lần nữa lý nghiệp báo vào trong đời sống hằng ngày. Chúng tôi thấy có một sự liên đới rất rõ ràng, Đức Phật dạy bài kệ trên, Magha nhờ tinh cần. Tại sao vậy ? Ở đây Đức Phật Ngài nói đến ba lần những giá trị liên quan đến nổ lực và không nổ lực. Chúng tôi xin được kết thúc bài nói chuyên về kệ ngôn số 30. Đây là bài kệ Đức Phật nói với một cá nhân là vua trời Đế Thích, ngôi vị Đế Thích và quả vị dẫn đến ngôi vị Đế Thích. Magha nhờ tinh cần nổ lực, không chểnh mãng với những thiện nghiệp sống trong cuộc đời này đã đạt được quả vị. Trong duyên sự bài kệ cho chúng ta biết một chúng sanh sống trong đời này đã hàm dưỡng thiện pháp như thế nào, khi được trưởng duỡng đầy đủ sẽ tạo nên quả vị thù thắng trở thành ngôi vị Thiên vương.

Chúng ta hãy tưởng tượng bất cứ sự cao sang quyền quý của bậc vua chúa nào chúng ta được biết trong đời này, những phúc quả đó còn quá nhỏ so với địa vị Thiên vương Đế Thích. Trong kinh nói rất nhiều đến đời sống của vị Thiên Vương, chuyện này cũng lý thú đế ta nói về phúc quả của vị Thiên vương. Trong kinh kể lại sự kiện tôn giả Mục Kiền Liên (Moggalana) một hôm ghé thăm thiên chúng cõi trời Đao Lợi và thấy họ mãi lo vui chơi phóng dật nên đã vì lòng đại bi mà làm một việc nhỏ để nhắc nhở họ cái bèo bọt của lạc thú thiên giới. Tôn giả đã dùng một ngón chân cái dí vào một góc lâu đài Vejayanta đồ sộ của cõi Đao Lợi và khiến cả kiến trúc hùng vĩ này phải rung chuyển dữ dội như muốn đổ sụp. Cái nhìn của Tôn giả Mục-kiền-Liên không phải là thường vì Tôn giả đã thấy đã nghe rất nhiều trong cuộc sống phong phú của mình về kiến văn cũng như quả kiến do thần lực mang lại. Ngài nhận thấy rằng vua trời Đế Thích có cuộc sống quá đầy đủ thiên lạc khiến Ngài phải khiển trách. Câu chuyện đó cũng lý thú cho ta thấy cuộc sống  của thiên giới.

Chúng tôi xin được dừng tại đây.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Download KN 30

Kinh Pháp Cú Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu