Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 09 & 10 -
Thiện Ác Phân Minh


Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: ĐĐ Uyên Minh

Bản dịch Việt văn của Thượng tọa Trí Siêu:

Ai mặc vải cà sa
Tâm chưa bỏ ô nhiễm
Không tự chế không thật
Không xứng với cà sa

Ai từ bỏ ô nhiễm
Khéo nghiêm trì giới hạnh
Sống chân thực tự chế
Thật xứng với cà sa

Ai từ bỏ ô nhiễm
Khéo nghiên trì giới hạnh
Sống chân thực tự chế
Thật xứng áo cà sa

Anikkasaavo kaasaava.m yo vattha.m paridahessati
Apeto damasaccena na so kaasaavamarahati.
Yo ca vantakasaav-assa siilesu susamaahito
Upeto damasaccena sa ve kaasaavamarahati.

Lê Văn Phúc chuyển biên

ĐĐ Uyên Minh: Hôm nay chúng ta đi vào nội dung bài kệ số 9. Trong duyên sự có đề cập đến tỳ kheo Đề Bà Đạt Đa, một nhân vật khá nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo. Nổi tiếng vì nhiều lẽ. Thứ nhất là ông có quan hệ huyết thống bà con với Đức Phật và nhiều vị thánh tăng khác như ngài Anan, hay là ngài Anuruddha v.v. Ông nổi tiếng ở một chỗ nữa là vì vị trí của ông trong Phật giáo cũng giống như Juda trong Thiên Chúa giáo. Juda thì phản Chúa, còn Đề Bà Đạt Đa thì phản Phật.
. Dr Trish Sherwood

Giai thọai bắt đầu ở điểm là tỳ kheo Đề Bà Đạt Đa rất thích thú với bộ y mới, bộ y tốt vừa phát và đã mặc thử vào trong người rồi đi tới đi lui có vẻ rất thích thú và hoan hỉ, nhiều người nhìn thấy được hình ảnh đó họ bất mãn. Trong số đó có chư tăng, Phật tữ nữa. Bất mãn là vì tỳ kheo Đề Bà Đạt Đa lúc mới tu là một người rất trong sạch, tu hành rất tinh tấn, nhưng càng về sau do ám ảnh bởi những danh và lợi nên ông không như xưa nũa. Ông đã can dự rất nhiều vào chính sự một cách mờ ám. Như ông đã tìm cách mua chuộc hòang tử A xà thế và xúi hòang tử này giết vua cha để rồi đọat ngôi. Ông tính rất kỹ lưỡng là khi A Xà Thế làm vua rồi thì A Xà Thế sẽ hộ trì cho ông và ông sẽ một mặt dựa vào thế quyền này để lãnh đạo chư tăng, lãnh đạo giáo hội và coi như là không có đức Phật ở trong mắt nữa. Chính từ những sở hành mờ ám bất thiện như vậy, cho nên chư tăng, Phật tử thấy ông mặc một bộ y mới, y đẹp, y đắc tiền mà đi tới, đi lui có vẻ thích thú hoan hỉ thì các vị có ý bất mãn và câu chuyện đến tai đức Phật. Đức Phật dạy rằng với người mà mang nội tâm không thanh tịnh, sống bằng một lý tưởng không lành mạnh, không trong sạch thì không xứng đáng với áo cà sa. Bởi vì chúng ta cũng được biết rằng lá y của chư tăng vốn đã được đức Phật chọn làm màu giáo phục cho tòan thể tăng già của ngài thì được xem là lá cờ của vị A la hán.

Lá y chư tăng cũng còn được gọi là phước điền. Sở dĩ quí vị thấy chư tăng đắp y mà trong lá y có nhiều miếng vải được ghép lại bởi nhiều miếng vải khác nhau chứ không phải là một miếng liền. Quí vị có dịp nhìn kỹ sẽ thấy lá y mà chúng tôi đắp lên người là có nhiều mảnh nhỏ ghép lại, từ chuyên môn gọi là điền, điền là những ô ruộng. Duyên sự nói rằng Đức Thế tôn có một lần duyên hóa ngang xứ Ma Kiệt Đà, đi ngang một cánh đồng thì ngài mới hỏi ngài Anan là có thấy cánh đồng này rất là đẹp mắt hay không, đã được những người nông dân phân ra thành từng ô ruộng rất đẹp mắt. Ngài A Nan nói
"Dạ thấy"
Thì đức Phật dạy rằng: "Lá y của tăng chúng nên đựơc may, được sắp xếp, được phân bố theo từng ô, từng điều như vậy đó, với ý nghĩa là lá y đó tượng trưng cho phước điền của chư thiên và nhân lọai."

Người mặc lá y đó, bản thân người đó phải phước điền. Người đó phải trang nghiêm tam nghiệp của mình như thế nào để bản thân người đó được lợi lạc đã đành rồi, mà những ai nhìn ngắm người đó, cúng dường người đó cũng thu gặt được những quả báo lớn, vì mình càng trong sạch thì người làm phước sẽ được phước báo nhiều hơn. Cũng là một vị tỳ kheo, nhưng nếu vị ấy có giới hạnh trong sạch thì công đức cúng dường của Phật tử sẽ được tăng trưởng hơn là nếu vị đó có một đời sống bê bối, thì sự cúng dường kia sẽ có quả báo ít hơn. Cũng là một vị tỳ kheo trong sạch nhưng trong lúc thí chủ họ cúng dường thực phẩm chẳng hạn, hoặc là họ dâng cúng, họ đảnh lễ hoặc là họ cúng dường cái gì đó mà trong lúc đó nội tâm của vị tỳ kheo an trú bốn pháp vô lượng tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả thì công đức của Phật tử càng tăng trưởng bội phần. Đó là lý do tại sao Đức Thế Tôn gọi tăng chúng đệ tử của ngài là phước điền của chư thiên và nhân lọai.

Trong bài kệ này ngài nói rằng người có nội tâm bất tịnh, có đời sống không trong sạch thì không xứng đáng khóac lên người lá y vốn tuợng trưng cho phuớc điền là mảnh ruộng mà trên đó phật tử gieo trồng công đức, và cũng không xứng khóac lên người lá y vốn được xem là lá cờ tượng trưng cho các bậc A la hán, vốn được chư Phật ba đời sử dụng. Nội dung bài kệ này đại khái là như vậy.

Nhưng bài học mà chúng ta rút ra được ở đây là gì? Trong bài giảng này chúng tôi đề cập đến vấn đề tu học không những của chư tăng mà còn của cả Phật tử về nội dung và hình thức. Câu nói “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Câu đó nếu mình chỉ nghĩ theo nghĩa hạn hẹp là một vị tu sĩ có đời sống không thanh tịnh, không trong sạch thì không xứng đáng với lá y, thế thì cũng đúng thôi, không có gì là phải bàn cải, phàn nàn nữa hết. Tuy nhiên nội dung của bài kệ này cần phải được hiểu xa hơn nữa. Đó chính là không riêng gì đối với chư tăng mà đối với người cư sĩ cũng vậy. Cho dù chúng ta có thụ giới, được qui y Tam Bảo trước mặt tăng chúng, có được gọi là Phật tử, có được trao pháp danh chữ Pali đi nữa, pháp danh ấy có hay cách mấy đi nữa mà nếu mình không phải là người Phật tử trong sạch, không làm tròn trách nhiệm của người Phật tử thì danh xưng Phật tử kia cũng không có nghĩa lý gì hết. Chúng tôi cũng có được biết một số Phật tử mỗi khi tiếp xúc với những vị trẻ, nhỏ như chúng tôi thì họ hay dùng chính sách gọi là thị uy. Họ nhát ma chúng tôi. Họ kể xa gần là ngày xưa là học trò của ngài Hộ Tông, học trò cùa ngài Giới Nghiêm hoặc là họ từng quy y với Hòa thượng này, Hòa thượng kia; thầy của họ từng đi du học nước ngòai, từng đi họp hội nghi quốc tế v.v. và v.v. Năm nay là họ đã quy y Tam Bảo được 40 năm rồi, 30, 20 năm rồi v.v và v.v. Có nhiều Phật tử họ rất lấy làm hãnh diện là họ đã biết Phật pháp lâu như vậy. Nhưng họ quên một chuyện là họ có thể là không xem hoặc là có xem mà không nhớ bài kệ này:

Ai mặc áo cà sa
Tâm không rời uế trược
Thì không xứng mặc áo cà sa

Đó là đối với chư tăng. Còn đối với người cư sĩ, khi mà mình không sống trọn vẹn đạo hạnh của người cư sĩ thì danh xưng cư sĩ cũng không xứng đáng với mình nũa. Nói rộng ra nữa, tất cả những danh xưng trên đời này chỉ là một nhãn hiệu để chúng ta dùng trong cuộc sống thường ngày mà thôi. Chứ thực ra nó chẳng có giá trị gì. Giá trị thực mà ta cần có chính là những giá trị tâm linh, giá trị nội tại mà chúng ta tu tập, mà chúng ta hàm dưỡng. Đó mới thực sự là cái mà chúng ta có thể tự hào, nếu như chúng ta muốn tự hào. Còn những danh xưng màu mè hình thức không phải là những hành trang chúng ta mang theo vào trong quan tài.

Trong thời gian gần đây liên tục, phải nói là liên tục, tình cờ nhưng liên tục, chúng tôi được nghe, được biết nhiều người quen, những người quen thân hoặc quen sơ sơ cũng có, lần lượt nắm tay nhau mà đi vào lòng đất. Mới đây, Thượng tọa Giác Chánh cũng vừa ra đi. Hiện nay bên cạnh chúng tôi, tức là nơi chúng tôi đang ở đây, cũng có một Phật tử đang hấp hối, đang nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt và gia đình đã bắt đầu đi mua sắm, chuẩn bị nhang đèn để lo tang lễ. Mặc dù người Phật tử đó vẫn còn sống đang nằm trong bệnh viện thôi nhưng có lẽ là không qua được tuần lễ này. Hôm nay là thứ sáu, tình trạng này không qua đến Chủ nhựt đâu. Khi chúng ta đi dài dòng như vậy, chúng tôi muốn nói rằng cho dù cái gì đi nữa thì có lúc chúng ta phải bỏ lại tất cả. Ở trong đạo, chúng ta có là một vị Hòa thượng, một vị Pháp sư, một giảng sư, một thiền sư, một vị trụ trì, cái gì, gì đi nữa thì cũng có lúc chúng ta xuôi tay ra đi như là một vị không có tiếng tăm gì hết. Và chúng ta có là một người Phật tử quy y 40, 30 năm. Chúng ta có là một Phật tử nổi tiếng, đứng đầu sổ vàng trong các chùa, đứng đầu trong sổ công đức ở các tự viện, thiền viện, học viện đi chăng nữa, thì tất cả những cái đó là những thứ ngọai thân, ngoại vật mà thôi. Quan trọng là chính khả năng dàn xếp bản thân, dàn xếp nội tâm của chính mình.

Vì sao? Vì đây mới là cái chính chúng ta mang đi đây này. Các Phật tử có lẽ còn nhớ, chư tăng nhắc đi nhắc lại hòai câu chuyện ông thương gia kia có bốn vợ. Đây chỉ là câu chuyện ngụ ngôn trong kinh kể . Ổng có 4 vợ. Trong lúc về già, nằm trên giường bệnh hấp hối thấy cô độc lẻ loi nếu phải rời ra đi một mình về bên kia thế giới theo cách nghĩ của người đời. Người đời thông thường nghĩ rằng có thế giới bên kia dành cho những người chết và đi về bên đó chúng ta vẫn tiếp tục sinh họat y hệt như ở trái đất này vậy. Đó là quan niệm, cách nghĩ thông thường của những người không biết đạo. Đại khái họ nghĩ rằng cũng có thế giới tương tự như trái đất này vậy. Những người chết từ thế giới này đều đi về đó, gọi là thế giới bên kia. Ông thương gia này cũng có suy nghĩ như vậy và ổng cảm thấy rất lẻ loi nếu ổng phải đi một mình. Ổng sực nhớ bốn bà vợ mà ổng đã cưới trong đời, trong đó ổng thương cô vợ bé nhất, bà vợ tư. Ổng mới cho người nhà mời cô vợ tư, vợ bé nhất vào. Ổng nói:

“ Bình thường tôi đối với bà không tệ. Trong bốn bà, bà cũng thấy bà được chăm sóc nhiều nhất. Bà muốn cái gì, tôi chiều cái ấy. Muốn nhà có nhà, muốn tiền có tiền, muốn xe cộ có xe cộ, muốn nữ trang có nữ trang, bà không có thiếu cái gì hết. Bây giờ tôi đi một mình thì lẻ loi quá. Bà nghĩ sao nếu bây giờ bà đi chung với tôi, bằng cách nào đó bà đi chung với tôi”.

Cô vợ trẻ lắc đầu nguầy nguậy, nói:

“Bình thường ông thương tôi thì tôi biết chứ không phải không biết, nhưng nói thiệt, sinh tử có mạng, ông lớn tuổi hơn tui thì ông đi phải rồi, chứ còn trẻ như tôi mà ông bắt tôi đi thì cũng oan uổng cho tuổi xuân của tui. Sanh tử có số mà.

Ổng thất vọng quá, ổng kêu cô vợ ba vào và nói y như vậy. Cô vợ ba cũng từ chối. Ổng mới kêu bà vợ thứ vào. Bà vợ bé thứ hai vào bà cũng lắc đầu. Lúc này ổng tuyệt vọng rồi. Trong bốn bà thì ổng thương ba bà vợ bé nhất, và ba bà đã từ chối. Còn bà vợ chánh lâu lắm rồi ổng ghẻ lạnh, ổng thờ ơ, ổng không dòm ngó tới, thôi chắc là hết hy vọng rồi. Ổng nhắm mắt xuôi tay chờ tắt thở. Lúc đó ổng cảm thấy bàn tay ấm áp của ai đó đặt trên bàn tay lạnh lẽo của ổng thì ổng mở mắt ra và nhìn thấy bà vợ lớn. Ổng hỏi bà vợ lớn xem có chuyện gì hay không, thì bà vợ lớn mới nói:

Tôi không nỡ để ông đi một mình. Ông đi rồi thì tôi cũng tìm cách uống thuốc đi theo ông. Nếu có thế giới bên kia thì dù gì đi nữa thì ít nhứt ông cũng có tôi bên cạnh, ấm lạnh có nhau.

Lúc ấy ông thương gia mới khóc, nói : “Thường ngày tôi không có lo cho bà, sao bây giờ bà lại thương tôi như vậy?”

Bả nói:

“Dù sao thì dù, chứ cây cũng có cội, nước cũng có nguồn, dù sao tôi cũng là vợ chánh thất của ông, dù một ngày một đêm cũng là tình nghĩa mà, huống chi tôi với ông cũng mấy chục năm rồi.”

Câu chuyện ngụ ngôn chỉ dừng lại ở đó thôi chứ không đi xa hơn. Và trong kinh nói ví dụ bốn người vợ đó tượng trưng cho bốn cái gì trong đời chúng ta? Ba bà vợ đầu tiên tượng trưng cho tiền bạc, cho vợ con, cho quyến thuộc, tài sản của mình, những vật ngòai thân, những tình cảm, những vật chất ngòai thân mà cả đời mình cứ lo lắng cho những cái đó thôi. Mình không bận tâm cho cái gì khác, làm sau cho cái account của mình, tiền của mình trong bank càng ngày càng tốt. Ngòai ra mình còn lo cho vợ con, hoặc chồng con của mình, hoặc mình lo cho quyến thuộc, cho lung tung, những tình cảm, thù tạc và mình không bao giờ để ý, hay nếu có để ý thì cũng chỉ thờ ơ với phước báo. Đó là giá trị tâm linh, là khả năng, trình độ tu tập của mình, khả năng trau giồi tam nghiệp của mình. Cái đó không mấy khi mình để ý. Nhưng đến khi mình vào quan tài, xuôi tay nhắm mắt, khi mình hấp hối, khi mình leo lét như ngọn đèn hết dầu trứơc gió, thì lúc đó cái mình mang theo, cái mình thật sự cần thiết, cái mà nó thủy chung với mình, đi cùng mình tới chân trời, góc biển chính là cái phước và cái tội. Cái thiện và ác mà mình đã tạo ra trong đời sống này. Khổ thay, đó chính là cái mình thờ ơ trong cuộc sống. Giống như ông thương gia cứ lo cho bà vợ bé mà quên bà vợ chánh vậy đó. Chúng ta cũng giống hệt như ông thương gia đó thôi. Nên cho dù chúng ta có là người xuất gia hay là người cư sĩ đi nữa, thì điều chúng ta cần nhớ, bài học quan trọng mà chúng ta cần rút ra ở trong bài kệ số 9 này, đó là cái gì thuộc về hình thức thì muôn đời nó cũng chỉ là hình thức thôi. Và cái giá trị của nó cũng chỉ dừng lại ở hình thức mà thôi, kể cả trường hợp nghi thức tu hành cũng vậy.

Tu và không tu là khác nhau rồi và trong cách tu cũng có người chuộng về hình thức, có người chuộng về tinh thần, nội dung, thì cũng đã có sự khác biệt rồi. Đời sống của người tu và không tu là khác nhau. Giữa những người chuyên tu về hình thức cũng khác với những người chuyên tu về tinh thần.

Thế nào là chuyên tu về hình thức? Ví dụ người cư sĩ, bàn thờ lúc nào cũng đẹp, mua sắm những cốt Phật thật là đắc tiền. Cái lư hương, chân đèn cũng là đồ tốt, đồ đắt tiền, đồ đẹp. Nhang thì không xài nhang thường mà xài nhang trầm. Hoa chưng là hoa quí như hoa lan, trái cây là lọai đắc tiền v.v. Mình có bàn thờ ngon lành như vậy nhưng trong nội tâm mình không có Phật. Như vậy mình chỉ thờ Phật bên ngòai, thờ Phật bằng mắt, chứ mình không thờ Phật bằng tâm. Mà nếu như vậy thì đến giờ phút lâm chung, phút tắt thở ra đi thì mình cũng chỉ mang theo tượng Phật đã thờ bằng mắt thôi chứ còn mình không có tượng Phật trong tâm. Mà cái mình cần chính là một tượng Phật trong tâm.

Người xuất gia cũng vậy. Y áo chỉnh tề. Đi đứng đường bệ, đỉnh đạc trang nghiêm nhưng nếu nội tâm không có gì thì cái mình đạt nhiều lắm chỉ là lời ngợi khen của Phật tử, lòng tín mộ, kính mến của Phật tử. Nhưng nội tâm của mình ra sao thì chính mình biết rất là rõ. Cũng tham, cũng sân, cũng si, cũng trời ơi đất hỡi, cũng bất tịnh, không trong sạch ở nội tâm. Thì chính cái mình mang theo vào quan tài chính là cái nội dung, tâm hồn mình, chứ những dáng vẻ bên ngòai thì lúc bấy giờ nằm ngòai quan tài hết. Những cái đó nó không đi theo mình vào quan tài, đi vào cuộc sinh tử luân hồi. Cái gì là hình thức thì muôn thuở nó thuộc về hình thức. Mà cái gì là tinh thần thì nó thuộc về tinh thần. Cái gì là nội dung thì muôn thuở nó là nội dung. Chúng ta thường lẫn lộn những thứ đó.

Giống như vào buổi giảng hôm nào đó, chúng tôi có nói chiếc xe bò không chạy thì mình đánh con bò, chứ mình không đánh thùng xe, bánh xe. Mình phải kiểm tra lại phép tu của mình, cách tụng niệm của mình. Coi cách làm phước cúng dường của mình. Coi cách đi chùa của mình. Coi cách mình đi nghe pháp. Coi cách mình xem kinh thuộc về hình thức hay nội dung. Nếu mình xét thấy thuộc về nội dung thì tốt. Còn nếu những việc làm của mình, việc tu hành của mình mà nặng về hình thức hơn là nội dung thì có lẽ ta nên điều chỉnh lại. Vì sao? Vì cái mà ta cần thiết chính là nội dung chứ không phải là hình thức. Cho nên bài kệ này khi đọc sơ qua thôi thì ta thấy nói đến chư tăng. Nghĩa là với một người không có nội tâm trong sạch thanh tịnh thì không xứng đáng khóac lên người lá y vốn được xem là lá cờ của vị A La hán, được xem là biểu tượng phước điền của chư thiên và nhân lọai. Đó là nội dung đại khái của bài kinh, Nhưng nếu hiểu sâu và bàn rộng hơn thì ở đây đức Phật ngài đề cập đến một chuyện rất đặc biệt, ngài nói rằng nội dung quan trọng hơn hình thức. Và nếu nình phân tích theo hướng đó thì nội dung của bài kệ này không chỉ là bài học cho người xuất gia mà còn là bài học cho người cư sĩ nữa. Nói chung bài kệ thứ 9 này là bài học cho tất cả những ai hướng đến lý tưởng tu hành giải thóat chứ không riêng gì người xuất gia hay tại gia. Chẳng qua vì duyên sự có liên quan đến tỳ kheo Đề Bà Đạt Đa nên đức Phật mới dùng hình ảnh hóa câu kệ là:

Ai mặc vải cà sa
Tâm chưa bỏ ô nhiễm
Không tự chế không thật
Không xứng với cà sa

Ai từ bỏ ô nhiễm
Khéo nghiêm trì giới hạnh
Sống chân thực tự chế
Thật xứng với cà sa

Đó là duyên sự liên quan đến một vị sư nên đức Phật giảng như vậy. Nhưng hiểu sâu, hiểu xa hơn thì nội dung quan trọng hơn hình thức. Nếu hình thức mà thiếu nội dung thì mình bị rơi vào trường hợp mà ông bà Việt Nam mình nói là "Tốt mã rả đám" hoặc một câu khác cũng có nội dung giống tương tự như vậy, đó là "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn". Ngay trong đời sống này chúng tôi vẫn thường nhớ, sư phụ của chúng tôi cũng thường hay nói mình tu làm sao từ trong nếp sống thường nhật cho đến những lễ nghi mình phải nhớ lấy hoa tô điểm Phật, chứ đừng lấy Phật tô điểm hoa, tức lấy cái phụ mà tô điểm cái chính, chứ đừng lấy cái chính mà tô điểm cái phụ. Mình tu thì mình theo luật, chứ mình không theo lệ. Người thời này thường theo lệ chứ không theo luật. Luật là điều đức Phật dạy để lại cho mình, mình không để ý.

Tu theo lệ là sao? Tức là tu theo thị hiếu, coi đại chúng cần gì. Rốt cuộc mình tu một hồi mình không ngó tới Phật nữa, không nhớ tới Phật nữa mà ngó tới đại chúng, coi đại chúng cần cái gì, họ khóai cái gì, họ thích cái gì thì mình theo cái đó. Rốt cuộc cả đời mình chỉ làm mọi không công cho thiên hạ, tức là mình làm sao cho thiên hạ vui thì thôi. Còn mình làm cho thiên hạ buồn thì dù điều đó có đúng với pháp, với luật mình cũng không dám làm. Mình cứ làm cho thiên hạ vui, thiên hạ hoan hỉ là được rồi.

Chẳng hạn trong Tăng Chi Bộ kinh, khi nói về đức tánh của một vị pháp sư, Đức Phật có nói thế nào là pháp sư không chân chánh, vị tỳ kheo với ác dục suy nghĩ rằng với tấm thân pháp thọai này ta sẽ làm cho tứ chúng hoan hỉ. Sau khi ta làm cho họ hoan hỉ thì họ sẽ làm điều gì đó ngược lại để cho ta hoan hỉ. Đức Phật dạy rằng một vị pháp sư khi thuyết giảng chánh pháp mà với tâm suy nghĩ như vậy thì được coi là một vị pháp sư không có nội tâm thanh tịnh. Đó là pháp thọai có động cơ không thanh tịnh mong rằng ta thuyết pháp làm cho đại chúng hoan hỉ và sau khi họ hoan hỉ họ sẽ làm cho ta được hoan hỉ. Hoan hỉ bằng những cái gì? Hoan hỉ bằng những cái danh, cái lợi, đắc cung kính, lợi dưỡng, hoặc cúng dường, không thanh tịnh. Như vậy rõ ràng lúc bấy giờ mình tu cho người ta chứ không phải là tu cho mình. Nếu nói một cách nôm na hài ước thì đó là tu theo tinh thần vụ lợi, tu vì đại chúng. Nhưng thực sự không phải như vậy vì trong Tiểu Bộ Kinh đức Phật ngài dạy rằng: “Một người mà còn bị kẹt, bị lún trong sình thì đừng có hy vọng cứu ai đó thóat khỏi bùn lầy”. Bởi vì chính mình còn đang kẹt trong bùn lầy mà. Cho nên nếu bản thân mình dù chưa phải là thánh nhân đi nữa nhưng mình không có hướng tâm, không quan trọng vấn đề nội dung chỉ sống về hình thức thì mình không thể nào làm gương mẫu để mà mình giúp cho ai đó tu tập một cách đúng mức theo lời Phật dạy được đâu.

Nhân bài kệ này chúng tôi nhắc lại đọc trên chữ nghĩa là Đức Phật ngài nói đến y áo, nói đến người tu xuất gia. Nhưng về nội dung nếu đọc kỹ lại thấm thía lại, đọc giữa hai hàng chữ thì ta sẽ thấy rằng nội dung bài kinh này Đức Phật nói rõ, rộng hơn, nói sâu hơn nữa và ngài dạy mình hãy nghĩ đến nội dung, đừng quan tâm đến hình thức. Bởi vì sao? Bởi vì cạo đầu ai cạo cũng được. Khóac y trên mình ai khóac cũng được. Là cư sĩ ai cũng có thể thọ giới quy y. Ai cũng có thể có pháp danh. Nói như bên Mật Tông thì ai cũng có thể có lá phái, ai cũng có thể có giới điệp, không khó. Ai cũng có thể có thẻ quy y. Cái đó không khó. Dễ lắm. Gì chứ giới điệp, lá phái, pháp danh thì dễ lắm. Trong vòng năm giây là có ngay. Thời buổi này có máy computer, có máy in, có máy scan. Trong vòng năm phút là có hết, có hết, không thiếu gì hết đâu. Nhưng cái khó là làm sao là một vị xuất gia cho đúng nghĩa, làm sao là một người cư sĩ cho đúng nghĩa. Vì sao? Vì cái mà ta mang đi theo người của mình sau khi mình tắt thở không phải là những hình thức mà chính là những giá trị nội tại, nội hàm, nội dung là những giá trị tinh thần mà chúng ta có được dù ít, dù nhiều, dù sâu, dù cạn, dù rộng, dù hẹp mà chúng ta đã hàm dưỡng, đã huân tập trong thuở bình sinh của mình. Bây giờ mình còn khỏe, còn trẻ, mình còn giàu có, mình còn xinh đẹp, mình còn có địa vị thì mình chưa thấy ra điều đó. Nhưng một ngày nào đó, một ngày gần là hơi xa, chứ mình chưa biết rõ là khi nào đâu. Bây giờ nói theo Việt Nam là tai biến mạch máu não, còn nói theo Mỹ là stroke thì mau lắm. Nháy mắt cái là mình xụi một bên, mình không đi đứng được, mình ngồi xe lăn. Khi mình ngồi xe lăn thì chức vụ mà mình đang giữ đâu có tiếp tục giữ nữa. Rồi những tình cảm nam nữ, khả năng thu nhập của mình v.v , những thứ đó có thể là đi theo chiếc xe lăn của mình luôn, chứ đừng có tưởng là mình chỉ ngồi xe lăn rồi mỗi thứ nó còn nguyên. Không hẳn đâu.

Được biết bên Mỹ này có nhiều lắm, có chừng năm bảy người sau khi ngồi xe lăn rồi mất nhiều thứ. Chúng tôi còn biết bên Mỹ này, chúng tôi không nói rõ tiểu bang, bởi vì nói ra có thể người trong cuộc họ biết, họ buồn, không nên. Đại khái là có những người là bác sĩ là luật sư khi họ bị hôn mê (coma) rồi thì họ bị mất hết, mất sạch. Mất từ cả tình cảm, vợ chồng rồi tiền bạc. Lúc đó họ trở thành gánh nặng cho chính phủ. Người nhà bỏ mặc họ cho chính phủ. Chứ người nhà khi thấy mình coma rồi thì cũng khóc cũng thương nhưng nhiều lắm thì vài tháng rồi họ cũng buông.

Chư tăng thì có những vị được xem là nổi tiếng nhứt ở Thái Lan, như là ngài Buddhadasa, hay là Ngài Ajahn Chah những vị này có lượng sách vở được dịch ra các ngôn ngữ tây phương như là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha nhiều nhứt, và được giới nghiên cứu phương Tây họ viết lách, báo chí đăng tải nhiều nhứt trong đó là ngài Ajahn Chah. Ngài Buddhadasa, khi ngài mất lúc 83 tuổi. Trong ngày sinh nhật của ngài, ngài chuẩn bị lên thuyết pháp, thì đột nhiên ngài bị sốc, ngài bị tim, ngài bị heartattack rồi ngài gục xuống ngài mất. Còn ngài Ajahn Chah thì bị tiểu đường. Sau một thời gian dằn co thì cuối cùng ngài bị coma. Các đệ tử tây phương của ngài, người Anh, người Mỹ, người Đức vì thương kính ngài quá nên họ không để cho ngài ra đi. Họ dùng đến phương tiện y học hiện đại can thiệp bằng cách làm cho ngài sống trong tình trạng coma, tình trạng người thực vật. Chích thuốc, chích thuốc, chích thuốc. Nuôi bằng ống hơi oxygen. Lây lất, lây lất 10 năm như vậy thì cuối cùng ngài cũng ra đi mà thôi. Cũng may ngài là một vị thiền sư trong sáng. Cũng may, cả đời của ngài đến lúc ngài ra đi thì ngài được xem là một vị danh tăng mà đến cả quốc vương của Thái Lan, Adulyadej, cũng rất quí trọng ngài. Thậm chí đám tang ngài được xem là quốc táng. Mỗi năm đến ngày giỗ của ngài được xem là ngày giỗ chung cho nhiều tự viện. Nói chung cho cả Phật giáo Thái Lan. Ngày giỗ ngài năm nào cũng làm. Nhưng mà sao. Mình cũng hơi chạnh lòng nếu như trước đây ngài không phải là một thiền sư mà chỉ là một quí vị chạy đôn, chạy đáo lo danh lo lợi thì có lẽ bây giờ ngài không có gì để mang theo đâu. Cũng may ngài là vị thiền sư ngài có cái để ngài mang theo. Còn mình đâu có được như ngài.

Còn trường hợp như ngài Buddhadasa, được người ta biết đến nhiều như vậy nhưng đến giờ cuối ngài ra đi rất đột ngột. Bao nhiêu giấc mộng đời thì cũng để lại hết ngần đó, và chúng ta cũng không biết chúng ta sống được bao lâu cho nên chúng tôi muốn dành nhiều thời gian cho những câu thảo luận

Trước hết Đức Chí Tôn y cứ vào duyên sự là tỳ kheo Đề Bà Đạt Đa có nội tâm không thanh tịnh, giới luật không thanh tịnh, nhưng đã khóac lên người một lá y. Điều đó là điều bất xứng, ngài không xứng đáng. Nội dung bài kệ này dạy rằng giá trị tu học nằm trong phần nội hàm chứ không phải ở hình thức. Dù cho rằng chúng ta có tiếng tăm là một Phật tử, nổi tiếng là ngoan đạo đứng đầu trong các sổ vàng, sổ công đức cũng không nghĩa lý gì. Điều quan trọng là trong lúc mình làm phước mình làm với nội tâm như thế nào. Cái đó mới quan trọng. Lúc mình thọ giới, lúc mình nghe pháp, lúc mình ký tên trong sổ vàng công đức mình ký bằng cái tâm gì, cái đó mới quan trọng chứ còn số tiền bỏ ra không quan trọng mặc dù nó có giá trị hành chánh, xã hội.

Nếu nói rằng số tiền bỏ ra không quan trọng cũng không đúng. Giá trị nó cũng quan trọng nhưng quan trọng đối với người khác, chứ đối với mình thì nó không quan trọng lắm đâu. Ví dụ quí vị cúng có năm, ba đồng thôi nhưng bằng tất cả tấm lòng trong sạch thì các vị sẽ được vô lượng công đức. Còn quí vị cúng năm, ba trăm ngàn nhưng mà với nội tâm là mong mỏi thiên hạ biết đến mình thì công đức không có nhiều. Dĩ nhiên năm, ba trăm ngàn đó đối với người nhận, với ngôi chùa, cá nhân nào mà nhận thì năm, ba trăm ngàn đó sẽ lớn hơn là nam, ba đồng kia. Cho nên khi mình bỏ ra năm, ba trăm ngàn bằng một nội tâm cầu danh cầu lợi thì năm ba trăm ngàn đó chỉ có giá trị với người khác chứ nó không giá trị gì với mình. Còn khi mà mình bỏ ra năm, ba đồng bằng nội tâm trong sạch,bất vụ lợi thì lúc bấy giờ mình được hưởng trọn vẹn năm ba đồng đó. Điều đó đối với hàng xuất gia cũng vậy. Cho dù mình có nổi tiếng, có khóac lên mình lá y đẹp, lá y đắc tiền, vải tốt lắm, lắm lắm đi nữa, nhưng mà không có được một giá trị nội hàm, một giá trị nội tại thì coi như mình cũng như là một pho tượng sơn phết đẹp đẽ mà thôi. Cái giá trị đó để cho người khác hưởng, thiên hạ hưởng, thuộc về thiên hạ thôi, chứ bản thân pho tượng ấy không được hưởng gì hết.

Nói tóm lại đó là nội dung chính của hai bài kệ số 9,số 10 mà chúng tôi muốn gởi đến đại chúng. Trước khi dứt lời xin cúng dường công đức này đến chư đại đức tăng trong room, chia sẻ đến các Phật tử trong room cũng như các gia quýên xa gần, những chúng sanh hướng tâm về pháp hệ thọai này để cầu vọng công đức, thì mong cho tất cả được thân lạc, tâm an, tiến tu dũng mãnh.

Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật.


Download KN 09 & 10

Kinh Pháp Cú Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu