Thư Thầy Tro`
Tỳ kheo Viên Minh
Phật tử TTNM đánh máy từ tuyển tập Thư Thầy Tro`
Lá Thư Thứ 8
Lá thư thứ 8
Ngày…. tháng… năm…
Con thương mến,
Hôm nay thầy vừa đi Mỹ Tho về thì
được HT cho đọc một lô thư của con,
trong đó có hai bức thư gửi về thầy đề
ngày 15-10-1981 ở Sungi Bei và 31-10-1981 tại Batnam. Thư
đi đã chậm mà con lại đổi chỗ luôn nên viết thư cho con mà không hy vọng con đọc được
tí nào, sợ rồi cũng như số phận những
lá thư trước.
Cách đây nửa tháng thầy có nhận được
thư T, T nói rất nhiều về vị sư người
Anh và có nói thầy viết thư cho ông ấy. Thầy biết
viết gì bây giờ, vì cứ như T nói thì vị sư ấy
khá gàn như trước đây thầy cũng đã từng
gàn với những lý lẽ vô phân biệt, bình đẳng…
thật kêu mà rồi bây giờ lại thấy vô ích.
Con ạ, đời sống chẳng có lý lẽ gì cả
dù là siêu đến đâu. Có bao nhiêu lý lẽ có bấy nhiêu
lý luận tranh chấp và kiến thủ. Con thấy đó,
chính con đang trải qua biết bao là biến đổi,
đối phó với biết bao là bất ngờ. Không có lý
lẽ nào có thể ứng dụng cho thực tại biến
ảo linh động này. Sau mùa xuân chưa chắc đã là
mùa hạ, có phải thế không con?
Chỉ có sống mới có thể hòa nhập với
sự sống. Chính vì vậy mà thầy cứ nhắc các
con là chỉ nên sống với tấm lòng cởi mở sao
cho đủ trong sáng, bình dị để ứng dụng
lập tức và bén nhạy với những điều mới
lạ đến và đi trong đời.
Hài nhi và ngạc
nhiên là hình ảnh của con người giác ngộ, bình
dị, cởi mở, trong sáng trước mọi biến
đổi. Không phải lý hay sự nào có thể dung hóa
được cuộc đời mà chính là ta phải hết
sức bình dị trong sáng để “huyền chi hựu
huyền” với cuộc đời đa diện. Con bảo
“Thày đặt pháp danh cho con là Huyền Chi mà con lại
thấy khó hòa đồng”. Huyền đồng hay hài
hòa là ở tâm hồn con, ở nơi sự trong sáng, bình dị
không nhiều tư lự lụy phiền của con chứ
thầy đâu có bắt con dự phần vào tất cả
mọi sinh hoạt vô ích ở đời. Nếu con không
thích lửa trại, văn nghệ, ca hát, con có quyền ngồi
một mình bên bờ suối hay tụng một thời kinh
trong chùa hay nghe mục sư giảng đạo v.v…, đó
là quyền của con miễn là con làm việc gì hay không làm
việc gì cũng với tâm hồn trong sáng, cởi mở
và hồn nhiên, thế thôi. Đừng hiểu lầm thầy
mà hòa đồng vào những chuyện thị phi vô lối.
Con lại hỏi thầy “Vì sao con tự buộc
mình vào việc học để phải chịu chấp
nhâậnghiệp lực xoay”. Sao con lại cho việc
chăm chỉ học hành, chăm chỉ làm việc là nghiệp
lực xoay? Không phải vậy đâu con ạ, nếu con
chấp nhận một thái độ tiêu cực xa lánh mọi
việc học hành, phục vụ… thì con không bị nghiệp
không xoay hay sao? Các thiền sư dạy rằng: “Thà chấp
hữu còn hơn là chấp không”. Còn thầy trong bài
thơ “Cứ chèo” thầy viết:
A ha! Đâu cũng là biển cả
Ngại chi ta chẳng chèo!
Vậy có sá gì việc học hành mà con cho là ràng buộc
hay sợ nghiệp lực xoay. Con cứ học hành đi,
thầy bắt chước lời Nietzsche để khuyên
con “Hãy làm theo ý muốn của con miễn là con có khả
năng để ước muốn” và thầy nghĩ
rằng người có khả năng để ước
muốn (như Khổng Tử nói: Tòng tâm sở dục bất
du củ) là người bình dị, trong sáng hồn nhiên
và cởi mở, là người an ổn nơi chính mình, là
người sẵn sàng chấp nhận mọi sự cũng
như sẵn sàng từ bỏ mọi sự không một
chút ngại ngùng. Nếu con được như vậy,
thầy xin tặng con bài thơ này:
Nếu mai mốt con vào sinh ra tử
Bước thăng trầm đâu sá kể nguy nan
Nếu giờ đây vẫy tay chào cuộc lữ
Cát bụi này xin trả lại trần gian.
Thân ái chào con.
Thầy
-ooOoo-