Thứ Tư & Thứ Năm, ngày 10 & 11 tháng 6 năm 2009

 

Kính thưa qúi anh chị trong phái đoàn thăm viếng Úc Châu kỳ này, vì lý do kỹ thuật trục trặc sao đó mà hình ảnh của qúi anh chị đã không đến tay Minh Hạnh, mặc dù với rất nhiều sự cố gắng giúp đỡ của chị Vân trong việc gửi CD hình ảnh của qúi anh chị đến Minh Hạnh, nhưng vào giờ phút đưa lên trang web Minh Hạnh vẫn không nhận được. Xin qúi anh chị lượng tình thứ lỗi. Sẽ cập nhập lại hình ảnh khi những CD hình ảnh đến tay Minh Hạnh. Kính chúc qúi anh chị an lạc khi hồi tưởng lại chuyến đi đầy kỷ niệm này. Xin gửi đến chị Vân với tất cả tấm lòng biết ơn về sự giúp đỡ của chị. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Năm nay Phật tử chùa Pháp Luân được TT Giác Đẳng hướng dẫn tu học qua một cuộc hành trình đến Úc Châu bao gồm nước Úc Đại Lợi và nước Tân Tây Lan. Cuộc hành trình bắt đầu từ thứ Tư ngày 10 tháng 6 năm 2009 đến ngày thứ Tư ngày 24 tháng 6 năm 2009 cho một tuần lễ viếng thăm Úc Đại Lợi và một tuần lễ viếng thăm Tân Tây Lan. Kể từ chuyến hành hương trước, tôi đã mong ước mình có sức khỏe và điều kiện để được theo bước chân Thầy trên những chuyến hành hương tu học bởi vì những lần đi như vậy tôi đã học hỏi được rất nhiều, từ lòng từ bi, sự kiên nhẫn, sự vị tha tôi đã học được qua Thầy, qua những người bạn đồng hành, và học được những phong tục tập quán của những người dân địa phương những nơi chúng tôi đã đi qua, như câu nói "Đi một đàng học một sàn khôn." của các vị Cổ Đức.

Đúng 3 giờ chiều ngày 10 tháng 6 năm 2009, tất cả chúng tôi, 18 Phật tử của chùa Pháp Luân có mặt tại phi trường Houston George Bush International Airport dưới sự hướng dẫn của TT Giác Đẳng để làm thủ tục để lên máy bay, khởi hành cho một hành trình tu học về "Thiên Nhiên và sự nhận Thức". Chuyến đi khởi hành từ phi trường Houston bốn tiếng và đáp tại phi trường Los Angeles nghỉ tại phi trường 2 tiếng thì chúng tôi lại lên máy bay Qantas của Úc, ở trên máy bay 14 tiếng.



Thứ Sáu 12 tháng 6 năm 2009

Ngày 12 tháng 6 năm 2009 vào lúc 8 giờ sáng phi cơ đáp xuống phi trường của thành phố Brisbane. Brisbane là thủ đô của tiểu bang Queensland của nước Úc và là một thành phố lớn nhất của tiểu bang Queensland.

Khi chúng tôi rời thành phố Houston thì đang vào mùa hè với khí hậu oi bức nhiệt độ lên tới 97 hoặc 100 độ F và khi chúng tôi tới phi trường Brisbane thì đang mùa đông với khí hậu lạnh ở nhiệt độ 54 độ F. Vì đã chuẩn bị sẵn nên mọi người khi vừa xuống phi cơ thì đã sẵn sàng bộ quần áo ấm cho mùa đông. Tại phi trường chúng tôi đã được cô Tour Guide chào đón với tấm bảng "PhapLuan, Texas" trên tay nên chúng tôi nhận ra ngay địa điểm của mình, mọi người sau khi thủ tục hải quan hoàn tất đã tụ họp lại đầy đủ tại đây và chúng tôi ra xe bus để thăm viếng thành phố lớn nhất của nước Úc.

Xe vừa chuyển bánh thì là lời chào mừng của cô Tour Guide Amil, sau đó thì TT Giác Đẳng giới thiệu nước Úc và thành phố Brisbane cho chúng tôi nghe:

Nước Úc còn gọi là Áo Đại Lợi hay là Úc Đại Lợi hay là Australia, bắt nguồn từ chữ "australis" trong tiếng Latinh có nghĩa là "phương nam". Những huyền thoại về "một vùng đất chưa được biết đến ở phương Nam". Tên chính thức là Liên bang Australia (Commonwealth of Australia) là một là một quốc gia nằm ở Nam bán cầu. Đây là nước lớn thứ sáu trên thế giới, là nước duy nhất chiếm toàn bộ một lục địa và cũng là nước lớn nhất trong khu vực Úc-Á (Australasia) - Châu Đại Dương. Khí hậu trái ngược lại với khí hậu ở Hoa Kỳ, mùa hè ở Hoa Kỳ là mùa đông ở Úc, và nắng tại Úc có nhiều tia hồng ngoại do đó khi ra ngoài nắng mọi người phải thoa một loại kem chống nắng vào da vì với ánh nắng tại đây rất dễ gây bệnh ung thư da. Dân số Úc ước tính là 21,7 triệu người dân, đa số theo Anh giáo. Ở Úc có 3 tôn giáo chính là Anh Giáo, Tinh Lành và Thiên Chúa giáo. Đạo Phật phát triển nhanh ở Úc, tuy nhiên cho đến ngày nay chỉ có 10% dân chúng theo Phật giáo.

Người châu Âu phát hiện ra vùng đất này vào năm 1522 nhờ công của nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Cristóvão de Mendonça, nhưng mãi đến thế kỷ 17 lục địa này mới trở thành mục tiêu cho các cuộc thám hiểm của người châu Âu. Đến năm 1770 Captain James Cook tuyên bố 2 phần 3 phía đông của lục địa thuộc chủ quyền Vương quốc Anh.

Xe chở chúng tôi đi thăm viếng thành phố Brisbane. Brisbane là thủ đô của tiểu bang Queensland của nước Úc và là một thành phố lớn nhất của tiểu bang này. Với dân số gần 1 triệu 900 ngàn người là thành phố đông dân thứ ba của nước Úc sau thành phố Sydney và Melbourne. Thành phố Brisbane nguyên là khu thuộc địa của Anh dành cho tội phạm hình sự ở vịnh Moreton, dự tính là cho những phạm nhân thi hành án ở tiểu bang New South Wales những tội nhân này sau một thời gian thi hành án tù được khuyến khích định cư tự do. Do vậy tại đây có hai giai cấp; một thuộc hàng qúi tộc và một thuộc hàng tù nhân sau khi mãn tù ở lại lập nghiệp. Và ngày nay kinh tế của Queensland chủ yếu là do các thành phần kinh tế nông nghiệp, du lịch và khai thác khoáng sản tự do.

Xe đi ngang qua trung tâm thành phố và tòa thị chính ở quảng trường King George và ngừng lại bên đường để phái đoàn xuống chụp hình. Tuy trời lạnh nhưng dưới ánh nắng mặt trời nên khí hậu không đến nỗi quá lạnh. Sau 14 tiếng đồng hồ ngồi bó gối trên máy bay, hôm nay được thoải mái đi lại trong không khí trong lành của buổi ban mai, mọi người cảm thấy thoải mái và yêu đời, khởi sự cho ngày đầu của cuộc hành trình tiếp xúc với thiên nhiên của phái đoàn. Sau đó phái đoàn lên xe để tiếp tục đi tham quan thành phố đến khu trung tâm thương mại gọi là South Bank còn gọi là City Beach, tại nơi đây phái đoàn tản bộ dọc theo khu phố, dọc theo dòng sông quang cảnh sinh hoạt và hàng quán tiệm ăn. Các quầy bán hàng lưu liệm kiến trúc hơi giống với quảng trường French Quarter ở New Orleans của Louisiana Hoa Kỳ. Trên con đường mang tên Beach Street chạy dọc theo bờ sông với những hàng cây xanh mướt điểm vài bụi bông hoa màu hồng đã tô điểm một phong cảnh tuyệt đẹp. Bên kia bờ hồ là những cao ốc, giữa dòng sông là những du thuyền đang lững lơ trôi, chứng tỏ nơi đây cuộc sống của người dân địa phương thật thanh nhàn và an lạc.

Đến 12 giờ thì mọi người được chở tới nhà hàng Tàu, phần vì đói bụng, phần vì nhớ cơm trắng nên mọi người ăn rất ngon, thực đơn gồm 6 món: một món nước súp hầm xương mùi vị thơm ngon, một dĩa cải luộc trộn sốt dầu hào, một dĩa đậu hũ sốt dầu hào, một dĩa thịt gà chiên bột, một dĩa sườn heo ram mặn và một dĩa trứng chưng. Chị Tình hào sảng đã đãi thêm món há cảo. Chỉ trong vòng nửa giờ tất cả các dĩa thức ăn được vét sạch, mọi người no bụng vui vẻ tiếp tục cuộc hành trình. Chúng tôi được hướng dẫn đến khu phố Tàu ở ngay đó. Vì khi phái đoàn vào nhà hàng Tàu bằng cửa phía Tây và khi ra khu phố Tàu lại bằng cửa phía Đông nên anh chị Tình, chị Lan, chị Hà vì sau khi ăn xong xuống đứng chờ ở cửa phía Tây, mà lúc vào đã bằng cửa này, cho nên khi phái đoàn rời nhà hàng Tàu bằng cửa Đông bốn người này đã bị thất lạc với phái đoàn. Đến khi mua sắm xong cô Tour Guide kiểm điểm lại số người thì phát giác ra thiếu bốn người, thế là mọi người nhốn nháo đi tìm. Trong tôi bất chợt nghĩ rằng ở một thành phố xa lạ đi lạc đàn rồi thì làm sao mà tìm được đây? Những người còn lại được hướng dẫn đến đầu đường nơi xe bus đang chờ rồi TT Giác Đẳng và cô Tour Guide quay ngược trở lại nhà hàng để tìm những người thất lạc. Khi chúng tôi về tới xe bus thì lại thấy chị Tình ngồi chờ ở xe bus rồi, vừa thấy chúng tôi, chị phát ra một tràn để hả giận, chị nói sao đi không chờ chị mà bỏ nhóm bốn người chị ở lại, nói một hồi thì tôi mới nhớ ra là khi ông xã tôi đang góp tiền của qúi anh chị muốn đổi tiền Mỹ sang tiền Úc để nhờ cô Tour Guide đi đổi thì tôi thấy nhóm chị Tình đi xuống cầu thang phía Tây, đến khi thanh toán xong tiền đổi cô Tour Guide lại kêu mọi người đi ra bằng cửa phía Đông để sang khu phố Tàu, thế là nhóm chị Tình bị lạc đàn, và rồi cũng lần mò trở lại xe bus. Chúng tôi nghe chị Tình la bài hoải mà buồn cười nhưng không dám cười lớn vì sợ châm dầu vào lửa thì khổ.

Sau đó TT Giác Đẳng đã chia phái đoàn của chúng tôi thành hai nhóm, mỗi nhóm 9 người với một vị trưởng nhóm có nhiệm vụ ngó chừng các đoàn viên trong nhóm. Như vậy chúng tôi yên tâm hơn, đi đâu 9 người chúng tôi cũng quấn quít bên nhau giống như "đàn chim cánh cụt - penguin" (sẽ nói về sự sinh hoạt của đàn chim cánh cụt ở đoạn sau) dưới sự lãnh đạo của con trưởng đoàn. Nhóm chúng tôi gồm: anh chị Tình, chị Hường, anh Hải, chị Vân, chị Lan, chị Hà và hai vợ chồng tôi. Xe bus chở chúng tôi đến khách sạn Radisson nhận phòng và nghỉ một tiếng. Đến 5 giờ thì phái đoàn ra xe để đến bãi biển Gold Coast ngắm cảnh hoàng hôn. Mặc dù trời chiều lạnh nhưng vẫn có lác đác người tắm biển. Chúng tôi đứng trên bãi biển vì là mùa đông nên mặt trời lặn sớm, bầu trời về đêm không khí mát lạnh trong lành, tiếng sóng rì rầm từ xa vọng lại như tiếng gọi của biển cả bao la ru hồn ta vào cõi mộng. Đó đây những cánh hải âu bay xa xa trên bầu trời sám tạo nên cảnh hùng vĩ của trời biển mênh mông hùng vĩ . Sau một hồi thả mộng vào biển cả mọi người được hướng dẫn qua bên đường đến một nhà hàng Tàu dùng cơm tối. Bữa ăn tối thực đơn cũng 6 món lập lại giống bữa ăn trưa, nghĩa là cũng một món súp, một đĩa đậu hũ sốt dầu hào, một dĩa cải luộc sốt dầu hào, một dĩa thịt gà tẩm bột chiên, một dĩa sườn răm mặn, một dĩa chứng hấp. Lần này thì mọi người hết hồi hỡi với món ăn Tàu, nhưng cũng phải ăn vì không có gì để chọn lựa. Bữa ăn tàn nhưng mỗi dĩa thức ăn thì còn phân nửa. Sau bữa ăn phái đoàn được đưa về khách sạn nghỉ ngơi.

Xem SLIDE SHOW, Ngày 12 -06 -2009

Xem HÌNH Thành phố Brisbane


Thứ Bảy 13 tháng 6 năm 2009 -

Ngày 13 tháng 6. Sáng sớm chúng tôi đã tụ lại tại phòng ăn của khách sạn để dùng điểm tâm. Mọi người sắc thái hôm nay tươi hơn sau một đêm ngủ thoải mái. Đến 9.00 chúng tôi ra xe bus để đến thăm Sea World. Phái đoàn tham quan Sea World một ngày, tại nơi đây có những màn trình diễn của các con dolphins, sea lion, màn trượt trên nước.Buổi trưa dùng buffet tại đây và sau đó mọi người cùng lên chiếc xe lửa Mono Rail chạy vòng quanh khu Sea World, rời xe lửa Mono Rail mọi người tản bộ trong công viên của Sea World để mua sắm quà lưu niệm. Buổi cơm tối lúc 5 giờ tại một nhà hàng Tàu, thực đơn cũng 6 món giống y chang thực đơn của các bữa ăn hôm qua, mọi người nhìn thức ăn mà ngán ngẩm nhưng cũng cố gắng ăn một chút, rồi về khách sạn nghỉ ngơi.



Xem SLIDE SHOW
Chủ Nhật 14 tháng 6 năm 2009

 

Ngày 14 tháng 6. Sau khi dùng điểm tâm tại khách sạn phái đoàn được xe bus chở đến Paradise Country ở thành phố Gold Coast cách Brisbane 2 tiếng đồng hồ. Nơi đây là một công viên nuôi nhiều thú như kangaroo và gấu Koala (con Cù Lần) là loài biểu tượng của nước Úc được tìm thấy tại công viên này. Và nơi này cũng có những khu nuôi trừu để lấy lông. Chúng tôi được cho coi một hoạt cảnh người dân địa phương cắt lông trừu rất ngoại mục. Sau đó chúng tôi được vào trung tâm Movie World Admission, khu này tương tựa như khu giải trí của Walt Disney World ở Florida Hoa Kỳ. Thật ra thì những ai đã đến thăm Sea World và Walt Disney World ở Hoa Kỳ thì cũng sẽ thấy rằng hai trung tâm giải trí này ở Úc cũng không khác gì mấy đối với ở Hoa Kỳ, tuy nhiên có màn xe đua rất ngoạn mục và kích động khi các xe rượt đuổi nhau rồi có một xe chạy trên bờ tường cao khoảng 15 feet, bay xuyên qua căn nhà và rớt xuống đất mà người lái xe vẫn vô sự. Đến 5 giờ chúng tôi được đưa đến một nhà hàng Tàu để dùng cơm, thực đơn vẫn giống y chang mấy bữa qua ở các nhà hàng Tàu khác, mọi người không ai ăn vì còn quá no, ăn trưa lúc 2 giờ đến 5 giờ lại bắt ăn tiếp mà thực đơn giống y chang nhau. Chúng tôi hỏi cô Tour Guide tại sao thực đơn ngày nào cũng giống nhau vậy, thì cô cho biết là trong hết các cuộc đi chơi kỳ này đều ăn tại nhà hàng Tàu và thực đơn đều giống nhau, mọi người nghe vậy đều kêu trời. Nhưng thật là may mắn, TT Giác Đẳng đã đưa ra giải quyết là hủy bỏ các bữa ăn ở nhà hàng Tàu và hoàn tiền ăn để mọi người tự mình đi ăn, mọi người đều hoan hỉ với quyết định này.
Xem SLIDE SHOW

 

Thứ Hai 15 tháng 6 năm 2009

Ngày 15 tháng 6. Sau khi dùng điểm tâm ở khách sạn. Buổi sáng chúng tôi được đưa đến khu thương mại tại nơi này có hai tiệm ăn của người Việt Nam và các trung tâm bán hàng lẻ, sự sinh hoạt tại trung tâm này rất giống như ở Hoa Kỳ, do vậy chúng tôi không cảm thấy xa lạ hay bỡ ngỡ gì, nhất là ngôn ngữ của dân cư địa phương là tiếng Anh nên mọi người rất thoải mái mua sắm mà không bị trở ngại gì về ngôn ngữ bất đồng. Mọi người tản mác để mua sắm đồ kỷ niệm. Dùng bữa trưa tự do với số tiền được cô Tour Guide hoàn trả là 12 dollars Úc. Chúng tôi vào một tiệm phở của một người Việt Nam, sau 5 ngày ăn cơm Tàu và Úc hôm nay được tô phở mọi người rất là hoan hỉ, tại tiệm phở cô Tour Guide được chúng tôi đãi một tô bún bò Huế, cô ăn ngon lành.

Đến 2 giờ chúng tôi được đưa ra phi trường để đáp máy bay đến Melbourne. Thủ tục lên máy bay hơi lâu với 19 người. Chuyến bay chỉ hơn một tiếng. Khi đến phi trường 8 giờ tối, chúng tôi được một số Phật tử Việt Nam sống tại thành phố Melbourne ra phi trường đón. Những Phật tử được TT Giác Đẳng dặn trước nên đã đem cơm phần gà rôti và nước uống đến cho chúng tôi. Một sự xúc động tràn ngập, xứ lạnh mà tình người đồng hương nồng ấm, đã làm ấm lòng tôi.

Xem SLIDESHOW

 

Thứ Ba 16 tháng 6 năm 2009
 

Ngày 16 tháng 6. Tại khách sạn Sebel Citigate 6:30 giờ sáng chúng tôi dùng điểm tâm tại khách sạn xong thì ra bờ hồ ở phía bên kia đối diện với khách sạn. Cảnh hồ buổi sáng sớm rất thanh tịnh và hơi lạnh, chúng tôi chụp một số hình với những con thiên nga, sau đó trở lại khách sạn để lên xe bus đi tham quan thành phố. Buổi sáng ngắm nhìn thành phố qua khung kính xe bus, cảnh sinh hoạt của một xứ sở văn minh và hoà bình, những toà nhà kiến trúc cổ kính in trên nền trời của buổi bình minh tươi mát, trên xa lộ giòng xe tuông chảy êm đềm cho thấy xứ này cuộc sống của người dân thật là may mắn được hưởng sự an lạc không có chiến tranh. Sau lời chào mừng của anh Tour Guide, TT Giác Đẳng giảng thêm cho chúng tôi về lịch sử nước Úc và về thành phố Melbourne:

Thổ dân Úc da ngăm đen, sống theo bộ tộc hoà mình với thiên nhiên ẩn sâu trong lòng nước Úc, đông nhất là tại miền Tây. Người Anh đã đem những người phạm tội đến Úc để họ làm những việc lao động dưới sự giám sát của những viên cai tù. Sau một thời gian làm việc chứng tỏ hạnh kiểm tốt họ được ra ngoài làm cho các điền chủ người Anh là những người giàu có từ Anh quốc qua lập nghiệp. Do vậy đã tạo ra hai giai cấp: giai cấp lãnh đạo và giai cấp cùng đinh. Cho mãi đến những thế kỷ sau này mới trở thành bình đẳng đa văn hoá và cuộc sống cởi mở. Người Việt Nam định cư ở Úc tương đối đủ ăn, họ làm những nghề như nông trại tương đối khá giả nhưng cực, các cơ sở buôn bán của người Việt Nam khá nhiều. Về y tế thì thuộc chính phủ cung cấp, an sinh xã hội khá hơn ở nước Mỹ, tiền trợ cấp gấp hai lần ở Mỹ. Học phí đại học cũng đắc hơn ở Mỹ. Cần hai năm cư trú tại Úc thì được vào quốc tịch và việc bảo lãnh gia đình cũng dễ dàng hơn ở Mỹ. Hồi giáo, Phật giáo và những đạo khác do những người di dân mang vào, chính quyền cung cấp phương tiện cho tu sĩ xây cất chùa với điều kiện là thuê trong 99 năm với giá 1 đồng dollars Úc. Thật là may mắn.

Xe bus dừng tại trung tâm nghệ thuật Gallery of Victoria mọi người xuống xe để vào thăm viếng, cách trình bày rất đẹp mắt, chúng tôi chụp một số hình ảnh tại đây rồi phái đoàn rời trung tâm nghệ thuật Gallery of Victoria để qua toà nhà The Arts Center là một trung tâm trình bày tranh ảnh của các nhà hoạ sĩ nổi tiếng. Mọi người đứng trước toà nhà chụp hình để lấy phong cảnh đẹp chứ không vào bên trong. Hàng cây hai bên đường phố vẫn còn lá vàng, khí hậu mát dìu dịu cái không khí mát lạnh của mùa thu dù đang là mùa đông đã tạo nên một phong cảnh hữu tình ngây ngất lòng người. Tôi thấy cuộc đời mình sao thật sung sướng, đói thì được ăn mà không phải nấu nướng lỉnh kỉnh, ăn xong lại đi bát phố ngắm cảnh thanh bình an lạc, tối về khách sạn ngủ thẳng giấc không lo nghĩ gì để rồi mai lại đi chơi tiếp. Tôi ước gì suốt cuộc đời của mình sẽ được như vậy, chắc là phải mua vé số để được trúng độc đắc vài triệu rồi có tiền đi chơi như vậy. Tại nơi đây các em học sinh Úc thấy phái đoàn có vẻ là lạ nên đã đến làm một cuộc phỏng vấn ông xã tôi cho project của trường, cuộc phỏng vấn được các em quay phim để lưu lại, em hỏi: "Cảm tưởng của ông về nước Úc và người dân Úc." Ông xã tôi rất lịch sự trả lời là "Nước Úc có nền văn hoá phong phú, tài nguyên dồi dào, người dân hiền hoà, chúng tôi rất ngưỡng mộ xứ sở của các em. Thật là may mắn cho những ai được sinh sống tại quốc gia này." hai em nét mặt rất vui và nói lời cám ơn!!!. Sau khi rời nơi đây chúng tôi đến thăm công viên Fitzroy Gardens, nơi có ngôi nhà của cha mẹ Captain James Cook, ngôi nhà nguyên thủy được xây năm 1755 tại Anh quốc, đến tháng 10 năm 1934 căn nhà này được di chuyển đến công viên Fitzroy Gardens của thành phố Melbourne. Nơi đây đã trở thành thắng cảnh nổi tiếng của thành phố, nhiều cặp tình nhân đã chọn nơi đây để làm lễ cưới và chụp hình đám cưới để làm kỷ niệm. Khi chúng tôi đang thăm viếng công viên và căn nhà của gia đình Captain Cơok thì chúng tôi cũng được chứng kiến nhiều cặp tình nhân sắp sửa thành hôn trong y phục hôn lễ đang hiện diện nơi đây để chụp hình.

Rời Fitzroy Garden chúng tôi được chở đến Phillip Island là một quần đảo đặc biệt có những đàn chim cánh cụt-penguin từ ngoài khơi sẽ về bãi biển mỗi buổi chiều vào lúc 5 giờ. Từ Melbourne đến Phillip Island xe bus dừng tại một xưởng làm chocolate, nơi đây chúng tôi gặp hai cô người Hải Phòng, Việt Nam, gặp chúng tôi, hai cô mừng và tâm sự rằng cả hai vượt biên từ Hải Phòng qua đến Hồng Kông và bị kẹt tại Hồng Kông gần 20 năm, mới được qua Úc định cư được 6 tháng do thân nhân bảo trợ, hai cô làm việc tại hãng chocolate này với đồng lương là 18 dollars Úc một giờ. Chuyện trò với hai cô chừng 10 phút thì phái đoàn lên đường và dừng chân tại một công viên ven biển để chờ đến giờ vào Phillip Island. Tại công viên mọi người ăn bánh uống nước do TT Giác Đẳng đãi, rồi cùng nhau chụp hình lưu niệm.

Đến 5 giờ chúng tôi đến đảo Phillip Island và được hướng dẫn vào trung tâm, tại đây chúng tôi được coi những đoạn video nói về sự sinh hoạt của những con chim penguin , còn được gọi là chim Xí Nga. Được biết trong mình mỗi con chim này đã được gắn một loại chip điện tử vào trong mình, khi chúng đi đến đâu thì từ loại chip trong mình chúng phát về trung tâm cho biết tình trạng của chúng ra sao, chúng đi đến đâu. Sau đó chúng tôi được đưa xuống bãi biển ngồi chờ đàn chim từ biển về. Đến 5:30 thì người bảo vệ thông báo là đàn chim đã gần vào bờ còn cách bờ khoản 100 mét. Theo lời người bảo vệ thì mỗi ngày có khoản 800 cho đến 1000 con vào bờ, vào mùa hè thì có khi lên tới 2 hoặc 3000 con. Mỗi con chim penguin tại đây được cơ quan bảo tồn theo dõi và họ tạo những hang cho chúng trú ngụ và canh chừng những loại chồn không cho tới gần các hang của loài penguin này. Đến 5:40 thì từng đàn từng đàn penguin bắt đầu đổ bộ vào bãi biển, từng đoàn từng đoàn có đến cả ngàn con trông rất ngoại mục, mọi người reo lên vui mừng khi đàn đầu tiên xuất hiện.

Tuy gọi là chim nhưng loài sinh vật này không bay được, vì cánh của chúng rất ngắn, ở dưới biển chúng bơi như loài cá và thường bơi ra biển hai ba ngày, có khi nửa tháng để tìm thức ăn như cá, san hô, rong biển, và cất thức ăn trong bao tử để dành mang về ổ trong đất liền. Bao tử của những con chim penguin chia làm bốn ngăn, một ngăn để tiêu hoá thức ăn nuôi cơ thể, một ngăn dự trữ thức ăn cho thân thể, còn hai ngăn thì dự trữ thức ăn mang về nuôi con. Khi vào bờ thì chúng xử dụng đôi chân, chân chúng có ba ngón và dính vào nhau bằng một làn da như chân vịt. Chúng đi từng đàn, con đầu đàn đứng trước và sau đó chừng 20 con cho một đội, chúng đứng ở bãi biển chờ lệnh của những con đi trước, khi thấy yên tịnh không gì nguy hiểm thì con đầu đàn kêu "oắc, oắc" ra hiệu và đi trước theo sau là đàn chim trong đội của chúng, khi vào sâu trong đất liền trên những con đường mòn hai bên là những bụi cây, chúng đi một quãng thì 2 con tách ra đứng ven đường mòn để quan sát canh chừng cho nhau để tránh trường hợp bị những con chồn cáo giết chết, và từng đoàn penguin đi qua những con đường mòn đó, chúng đi giống như một cuộc đổ bộ của loài người. Cảnh tượng thật là cảm động. Niềm xúc động thật sự dâng lên trong những người đang đứng đây quan sát đàn penguin đổ bộ, phải nói rằng rất xúc động qua những cảnh đàn penguin bảo vệ lẫn nhau, tinh thần trách nhiệm hiển hiện rõ ràng qua những con penguin. Thương quá là thương. Cảnh những con chim cánh cụt canh chừng hai bên đường để cho đồng bọn đi an toàn thật là ngoại mục. Một loài thú có sự sinh hoạt rất thông minh và đoàn kết. Sự xúc động đã tràn ngập cho đến lúc ra về tôi vẫn còn trong sự bồi hồi xúc động.

Lên xe trở về Melbourn. Chúng tôi đến tiệm ăn người Mã Lai để dùng cơm tối, sau đó thì ra xe trở về khách sạn Sebel Citigate. Có lẽ TT Giác Đẳng cũng cảm nhận được sự xúc động của mọi người trong phái đoàn, do vậy khi xe quay về thành phố Thầy đã ban cho một bài pháp, bài pháp này thêm một lần nữa làm tăng niềm cảm xúc cho mọi người.

Với lòng từ bi Thầy nói rằng: Thưa qúi Phật tử, qua những kinh nghiệm sống cũng như những kinh nghiệm nhận được do được đi nhiều quốc gia trên thế giới, hôm nay chúng tôi xin được kể cho quí vị những kinh nghiệm mà chúng tôi đã nhận được.

Trong thời gian gần đây thế giới có nhiều biến chuyển như bịnh dịch cúm heo đang xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, rồi kế đến một chuyến máy bay của Pháp bay từ Rio de Janeiro để đi Pari đã bị rơi xuống biển. Những sự kiện này đã làm một số người lo lắng không muốn đi du lịch và họ nghĩ rằng ở nhà thì bảo đảm an toàn hơn. Thật ra thì không phải đi du lịch mới có những sự kiện bất ngờ xảy ra cho mình. Nếu ai hiểu về Phật Pháp thì đều hiểu rằng ở bất cứ nơi đâu, trong nhà, ngoài sân, ngoài đường phố, ở sở làm, hay trong các chuyến du lịch đều có nhiều sự kiện bất ngờ xảy ra. Bởi vì cuộc đời của mỗi người là sự tiến tới trước mặt mà cái gì đó mình không biết trước được. Đọc trong kinh chú giải có nói rằng; đoạn đường trước mắt của mỗi người là vô minh, mình đi mà không biết trước mắt mình cái gì sẽ xảy ra. Mỗi ngày đối với người Phật tử là một ngày mới, những gì đã xảy ra ngày hôm qua không chắc gì gặp lại trong ngày mai "Nhật tân, nhật tân, hữu nhật tân" có nghĩa là mỗi ngày là một ngày mới đối với chúng ta đều có những cái bất ngờ đến với chúng ta, dù tốt, dù xấu chúng ta đều phải chấp nhận để mà sống, để mà an lạc.

Tuy những chuyến đi du lịch có tốn kém, nhưng là những sự học hỏi được nhiều điều mới lạ, những ai có đủ điều kiện để đi du lịch thì không nên bỏ lỡ cơ hội, vì mỗi chuyến đi ra ngoài là mỗi lần được học hỏi rất nhiều từ những chuyến đi chung, cũng là cơ hội gặp gỡ nhau, trước đây tuy mình chưa gặp nhau nhưng nay do một nhân duyên và mình được gặp gỡ trong chuyến đi chung, mình sẽ trở nên thân tình và thân thương nhau hơn. Trong chú giải kinh Phạm Võng, Đức Phật dạy rằng trong chúng ta không ai ở trên cõi đời này mà đã không từng là cha là mẹ là anh chị em của mình trong một đời nào đó của vòng luân hồi. Trong đạo Phật thì mình gặp gở nhau đây là một nhân duyên đã có từ trong một kiếp quá khứ nào đó, và dịp gặp nhau để mình lo lắng cho nhau, săn sóc nhau và cảm thông nhau. Chúng ta học được sự kiên nhẫn, học được tâm từ, và ban cho nhau niềm an lạc. Chúng tôi muốn rằng mỗi buổi sáng thức dậy chúng ta gặp nhau trên xe bus này thì xin tất cả chúng ta nhắm mắt để lắng lòng một phút để nguyện cho tất cả những người bạn của chúng ta trong chuyến đi này có một ngày an lạc. Đó là cách tu dưỡng lòng từ./.

Xem SLIDESHOW

Xem Hình Ảnh Thành phố Melbourne

Xem Hình Ảnh Đoàn Chim Cánh Cụt

Xem Video Đoàn Chim Cánh Cụt

 
Thứ Tư 17 tháng 6 năm 2009

Ngày 17 tháng 6. Sau khi ăn sáng tại khách sạn chúng tôi lên xe bus, xe chạy dọc trên con đường Great Ocean Road để hoà mình vào nét đẹp thiên nhiên, 3 tiếng rưỡi đi và 3 tiếng rưỡi về. Con đường dài 243 km chạy dọc theo bờ biển đông nam của nước Úc, một bên là rừng núi một bên là biển, cảnh núi rừng và biển rất đẹp, rất thanh bình. Đường The Great Ocean Road là một con đường đặc biệt do thiên nhiên và con người tạo nên. Nước Úc trong khối Thịnh Vượng Chung cho nên quân đội Úc đã tham gia vào việc bảo vệ quốc tế, là đồng minh với Hoa Kỳ, do đó đã tham chiến trong vai trò đồng minh để bảo vệ khối tự do. 200,000 người lính Úc đi tham chiến trong vai trò đồng minh trở về sau trận chiến đã trở thành những công binh xây cất con đường Great Ocean Road. Xe bus ngừng tại nơi có 12 Tông Đồ (Twelve Aposteles) phái đoàn xuống xe đi bộ trên con đường dọc theo núi đá vôi để vào coi 12 Tông Đồ bằng đá vôi. Vì là núi đá vôi đứng dưới giòng nước biển và theo thời gian những núi đá vôi bị sóng đánh nên biến mất từ từ, bây giờ chỉ còn lại 7 ngọn mà thôi. Gió mát, ánh nắng dìu dịu, không khí không qúa lạnh mà chỉ mát nên chúng tôi rất dễ hoà đồng với thiên nhiên. Cảnh núi đứng trơ trơ giữa giòng nước mặc cho sóng biển dập dồn đập vào từng cơn nước bắn tung lên mỗi lần đập vào vách núi vang lên tiếng rầm rầm của từng khối nước biển và bắn lên những tia nước lấp lánh dưới ánh mặt trời tựa như những viên kim cương nước tuyệt đẹp. Con người thật là nhỏ bé giữa vùng đại dương bao la với tiếng gầm thét của sóng biển. Chúng tôi đã chụp rất nhiều ảnh tại đây. Chúng tôi trở về thành phố là 4 giờ chiều, xe bus đưa chúng tôi đến một cửa hàng Duty Free, mọi người sau một ngày hoan hỉ với cảnh núi, biển, bây giờ thoải mái mua sắm kỷ vật. Sau đó chúng tôi đi bộ đến một tiệm phở Việt Nam để dùng bữa tối, và tiệm phở này đã không hợp với khẩu vị với mọi người trong phái đoàn. Trải qua hơn một tuần xa nhà, ăn thử thức ăn Úc, Tàu, Mã Lai, Việt Nam, tất cả mọi người đều công nhận rằng những ai đã ăn thức ăn tại các tiệm Việt Nam, Tàu ở thành phố Houston thì đều trở lên kén ăn.

Xem SLIDESHOW

Xem Hình Ảnh The Great Ocean road

 

Thứ Năm 18 tháng 6 năm 2009
 

Ngày 18 tháng 6. Hôm nay phái đoàn phải thức dậy sớm, 6:30 đã phải rời khách sạn để ra phi trường để đi Sydney. Đến Sydney lúc 10:30, xe bus chở phái đoàn tham quan thành phố. Thành phố Sydney là thủ đô của tiểu bang New South Wales, và thành phố lớn nhất, nổi tiếng và lâu đời nhất của nước Úc. Nằm ở bờ biển phía đông của Úc, được thiết lập vào năm 1788 tại Sydney Cove bởi Arthur Phillip người dẫn đầu đoàn tàu thứ nhất (First Fleet) đến từ Anh quốc.

Thành phố xây dựng xung quanh cảng Jackson với cảnh đẹp nổi tiếng, thành phố còn được gọi là "Thành phố Cảng". Đây là trung tâm tài chính lớn nhất của Úc và cũng là một địa điểm du lịch của khách quốc tế, nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp. Khí hậu vào mùa đông nhưng mát mẻ chứ không lạnh giá. Xe chạy qua khu thương mại, các toà nhà Sydney Town Hall và Queen Victoria Building, chạy qua công viên Wynyard và hyde Park. Sau đó xe bus đưa chúng tôi đến cảng Sydney Harbour để lên chiếc du thuyền đi du ngoạn trong vùng vịnh và cơm trưa trên du thuyền. Buổi chiều chúng tôi được chở đến chùa Phổ Minh. Tối nay phái đoàn đã xin được cúng dường Chư Tôn Đức trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất HN. Vì là giờ tan sở xe cộ nghẹt đường do vậy phái đoàn chúng tôi tới chùa trể cả tiếng. Một số Qúi Chư Tôn Đức đã phải rời chùa vì có Phật sự phải làm nên khi phái đoàn tới chùa chỉ còn Ngài HT Hộ Giác, HT Viên Lý, HT Thiện Tâm, Cô Bảo Trường và một số Phật tử địa phương. Nghi thức cúng dường trai tăng đã được trọng thể cử hành, các anh chị em trong phái đoàn vô cùng hoan hỉ với phước báu đã tạo này. Sau đó mọi người trong phái đoàn đã được một bữa cơm chay rất ngon. Đến giờ phải ra xe bus mọi người trong đoàn vẫn còn luyến tiếc không khí thanh đạm của ngôi chùa. Một vài chị trên tay còn xách theo túi trái cây hương vị của VN do cô Bảo Trường cho mang về khách sạn Citigate Central Sydney.


Xem SLIDESHOW

Xem Hình Ảnh Thành phô Sydney

 

Thứ Sáu 19 tháng 6 năm 2009

Ngày 19 tháng 6. Xe bus đưa chúng tôi thăm Olympic Stadium là nơi đã tổ chức thế vận hội mùa hè năm 2000. Tại nơi đây chúng tôi chụp một số hình làm lưu niệm. Chiều chúng tôi đến thăm toà nhà Sydney Opera House còn gọi là nhà Cánh Buồm. Với lối kiến trúc những cánh buồm bộc gió ngoài khơi rất lạ mắt và đã thu hút rất nhiều du khách trên thế giới đến thăm. Đứng tại quãng trường của toà nhà chúng tôi có thể nhìn thấy cảng Sydney Harbour với cây cầu bắt ngang và xa xa là nhiều toà cao ốc xây dựng ven cảng, xe cộ qua lại nhộn nhịp tạo nên một hình ảnh thanh bình của một xứ sở văn minh. Mái nhà Cánh Buồn được lợp bằng 1.056 triệu viên ngói bằng đá màu trắng sản xuất tại Thụy Điển, vì thế nhìn từ xa thấy giống như những cánh buồm màu trắng. Mái ngói không hề bị bụi thời gian làm bẩn và cách thiết kế gió biển có thể thổi luồn vào bên trong. Quãng trường của toà nhà rất đông du khách thăm viếng, chúng tôi những người trong phái đoàn rất hiếu kỳ với toà nhà Cánh Buồm này, và đã chụp rất nhiều hình ở đây.

Rời quãng trường của toà nhà Cánh Buồm, chúng tôi đến tham quan cây cầu của cảng Sydney (Sydney Harbour Bridge). Cầu băng qua cảng Sydney có đường xe lửa, xe hơi và đường cho người đi bộ. Chúng tôi thấy có nhiều người đi bộ trên thành cầu cao tít nên tò mò cũng muốn đi thử, nhưng khi biết giá biểu cho một người là 250 dollars Úc, nên thôi. Những người đi bộ trên thành cầu để ngắm cảnh của cảng Sydney đều phải đăng ký và họ mặc đồng phục do ban tổ chức cung cấp, mỗi người có một sợi giây xích cột vào mình một đầu và đầu kia được cột vào sợi giây sắt bắt dọc theo thành cầu, có lẽ vì vấn đề an toàn cho du khách sợ trường hợp bị té nên ban tổ chức phải làm vậy chăng. Chúng tôi ngồi dưới lòng cầu nhìn ngắm đoàn người đang du ngoạn trên thành cầu một cách ngưỡng mộ.

Buổi tối mọi người được tự do đi chơi, một số anh chị trong đoàn có thân nhân ở Úc đã đến khách sạn đón đi chơi. Riêng chúng tôi gồm chị Vân, chị Lang, chị Hường, chị Hà và hai vợ chồng tôi thì đi Chinatown. Chinatown ở đây cũng giống như những nơi khác, nghĩa là người đi bộ rất đông mặc dầu trời tối, phần lớn là du khách, khung cảnh rất nhộn nhịp.

Xem SLIDESHOW
Xem Hình Ảnh Sydney Harbour và Opera House

 

 

Thứ Bảy 20 tháng 6 năm 2009

Ngày 20 tháng 6. Phái đoàn đi thành phố Wollogong, xe bus ghé một bờ biển để phái đoàn chụp hình xong thì lại lên đường đến thăm chùa Nan Tien Temple, phiên âm sang tiếng Việt là Nam Thiên, "Chùa của Phương Nam." Cảnh trí hùng vĩ, mái đỏ tường vàng chung quanh là vườn cây xanh tươi. Một ngôi chùa rất lớn và rất đẹp, muốn vào lễ Phật trong chùa, Phật tử phải leo lên hàng chục nấc thang mới vào đến sân chùa rộng lớn, rồi lại leo lên hàng chục nấc thang nữa mới lên đến chánh điện, chùa có cả phòng trọ cho khách thập phương ở xa đến thăm viếng. Mặc dù trời mưa phái đoàn cũng lội mưa để lên chánh điện lễ Phật. Chánh điện mặc dù là ngày thường mà vẫn khói hương nghi ngút và Phật tử vào chiêm bái rất đông. Lễ Phật xong thì đến giờ ăn, mọi người trong phái đoàn vào nhà ăn của chùa, nơi đây cơm được bán, chúng tôi mỗi người mua một phần cơm chay, ăn rất ngon. Ăn xong chúng tôi đội mưa đi ngắm cảnh chùa, khung cảnh thanh tịnh, mưa rơi lất phất tạo nên vẻ đẹp và hùng vĩ quá. Chùa do Tinh Vân Đại Sư xây dựng. Tinh Vân Đại Sư từ Hoa Lục chạy qua Đài Loan. Ngài tế độ ni giới, cho phép ni giới được mặc cà sa màu vàng và được đi học để có kiến thức, Ngài đã đào tạo được một số ni giới có tài để giúp đỡ cho xã hội. Ngài chủ chương về giáo dục cho tăng ni. Đa số những ngôi chùa thời xưa thì đặt nặng vấn đề cúng kiến. Phật Quang Sơn ảnh hưởng từ Ngài nên đã mở nhiều trường đại học Phật giáo để đào tạo tăng ni. Ngài đã mời rất nhiều vị học giả khắp nơi trên thế giới đến giảng dạy tại các trường đại học Phật giáo. Tài chính Ngài không tùy thuộc vào sự đóng góp của hàng cư sĩ mà là do từ kinh tế của chùa tạo ra.

Rời chùa Nan Tiên để trở về thành phố Sydney, buổi chiều nay chúng tôi được đi shopping lần chót ở Úc, vì mai phái đoàn sẽ rời Úc để đi Tân Tây Lan.

Xem SLIDESHOW

Xem Hình Ảnh Chùa Nan Tiên

 

Chủ Nhật 21 tháng 6 năm 2009

Ngày 21 tháng 6. Mọi người trong phái đoàn xuống phòng khách của khách sạn lúc 4:00 giờ sáng và đến 4:30 giờ sáng thì lên xe bus để đến phi trường, 6:30 phi cơ cất cánh, bay 4 tiếng và đáp xuống phi trường Auckland, Tân Tây Lan lúc 1:00 giờ. Xe bus đến đón chúng tôi tại phi trường, sau lời chào mừng phái đoàn của anh Tour Guide, TT Giác Đẳng giới thiệu về nước Tân Tây Lan: Tân Tây Lan là một đảo quốc ở miền nam-tây Thái Bình Dương bao gồm hai đảo chính( đảo phía Bắc và phía Nam đảo) và nhiều đảo nhỏ trong vùng Tây Nam Thái Bình Dương. Dân số ước lượng hơn 4,1 triệu dân cho toàn quốc và phần lớn là người châu Âu.

Thành phố Auckland là thành phố lớn nhất của Tân Tây Lan, nằm trên một eo đất. Cảng Waitemate nhìn ra vịnh Hauraki chia eo đất từ thành phố North Shore và miền bắc. Cảng Manukau nhìn ra biển Tasman chia eo đất từ thành phố Manukau và miền nam. Với dân số ước chừng hơn 400 ngàn dân. Thành phố Auckland được mệnh danh là thành phố của những cánh buồm. Từ xe bus nhìn qua cửa sổ, con đường dọc bờ biển chúng tôi có thể thấy rất nhiều thuyền buồm đang du hành trong vịnh, trời sáng và trong, cảnh rất thanh bình an lạc. Xe bus chở chúng tôi lên một ngọn núi mà thời xa xưa nguyên là miệng núi lửa, bây giờ trở thành vùng thắng cảnh tuyệt đẹp, đứng nơi này có thể nhìn thấy toàn thành phố Auckland. Khí hậu ở đây lạnh hơn ở Úc. Gió lồng lộng, chúng tôi vội chụp vài tấm hình kỷ niệm ở đây rồi chạy vội lên xe bus. 6 giờ thì check in vào khách sạn Mercure Hotel.

 


Xem SLIDESHOW .

Xem Hình Ảnh New Zealand.

 

Thứ Hai 22 tháng 6 năm 2009

Ngày 22 tháng 6. Chúng tôi đến thăm thành phố Rotorua. Từ Auckland xe chạy xuyên qua nhiều nông trại với đồng cỏ bát ngát xanh tươi, mênh mông trùng trùng điệp điệp, ngắm hoài không thấy chán bởi vì cảnh trời đất bao la cánh đồng xanh ngát điểm đó đây những đàn bò đang ăn cỏ dưới ánh nắng sáng trong của mặt trời, quả là đẹp quá là đẹp! các nông trại có cái có đến hàng ngàn con bò, phong cảnh đẹp không thể diễn tả bằng bút bằng lời, chỉ có thể thượng ngoạn bằng chính cặp mắt mình. Dọc đường xe dừng tại một tiệm tạp hóa ven đường, trời đang buổi gần trưa, mặt trời toả sáng trên cánh đồng của xứ Tân Tây Lan thanh bình có khác, một vài con alpaca đang ăn cỏ đó đây. Mọi người xuống xe vào quán uống cafe và mua ít bánh kẹo. Tại đây chúng tôi được ăn thử trái kiwi thật là ngọt, không giống như trái kiwi ở Mỹ thì chua. Lần đầu tiên tôi thấy con alpaca, chúng có thân hình của một con trừu lông màu trắng sửa, đầu giống con chó và có cổ dài, dáng vẻ hiền lành dễ thương và chúng không có vẻ sợ người khi người ta đến gần chúng. Alpaca đã là ấn tượng trong đầu ông xã tôi, về tới Mỹ không thấy ông nhắc gì khác ngoài con alpaca. Khi xe vừa tới thành phố Rotorua chúng tôi đã nghe nặng mùi lưu hùynh, thỉnh thoảng nhìn thấy từ trong khu vườn của dân cư điạ phương một luồng khói trắng từ lòng đất đưa lên tựa như sương khói, cảnh trí rất nên thơ. Bảy giờ chúng tôi check in vào khách sạn nghỉ ngơi.

Xem SLIDESHOW .

 

Thứ Ba 23 tháng 6 năm 2009

Ngày 23 tháng 6. Ăn sáng tại khách sạn xong chúng tôi lên xe bus để tham quan thành phố Rotorua. Buổi sáng khí hậu tại Rotorua rất lạnh và mùi lưu huỳnh nặng hơn trong ngày. Xe dừng tại khu rừng trồng Red Oak, theo luật của chính quyền Tân Tây Lan thì cứ hạ một cây Red Oak thì phải trồng lại 4 cây con, những loại Red Oak trồng tại đây được lấy giống từ bên California Hoa Kỳ. Cánh rừng Red Oak tuyệt đẹp, chúng tôi đi bộ xuyên qua rừng bằng con đường mòn, hai bên là những cây Red Oak thân to lớn, vòng chu vi phải đến hai người ôm mới hết, cây cao thẳng tít lên trời, mọi người vừa đi vừa hít hà vì không khí lạnh và miệng không ngớt khen cánh rừng quá là đẹp. Đi xuyên qua hết khu rừng thì chúng tôi đến bãi đậu xe, thấy xe bus đang chờ tại đây. Mọi người lên xe để đến thăm ngôi làng kiểu mẫu của thổ dân Màori. Mọi người vào thăm ngôi làng, riêng vợ chồng tôi và bác Sang ở lại trong xe vì khí hậu khá lạnh mà trong người yếu nên không dám xuống xe. Sau khi thăm ngôi làng Màori xe bus chở chúng tôi trở về thành phố Auckland, chúng tôi có nguyên buổi chiều đi shopping trước khi trở về Mỹ vào ngày mai. Buổi tối chúng tôi được đưa về khách sạn Mercure Hotel là một khách sạn khá sang, mỗi cặp vợ chồng được ở một căn hộ gồm hai phòng ngủ, một phòng khách và một nhà bếp phòng ăn, nhà bếp có đầu đủ chén dĩa và nồi niêu son chảo, có phòng để máy giặt, căn hộ rất rộng rãi và sang trọng. Nhưng rồi cũng chỉ ngủ một đêm và mai lại lên đường về Mỹ "Cái gì rồi cũng sẽ qua, vui cũng sẽ đi qua, và buồn cũng chẳng ở lại với mình."

Xem SLIDESHOW

 

Thứ Tư 24 tháng 6 năm 2009

Ngày 24 tháng 6 là ngày cuối cùng của chuyến đi. Buổi sáng hai vợ chồng chúng tôi đã dậy sớm để xuống phòng ăn mong rằng được gặp mặt những người bạn đồng hành thân thương, để được chuyện trò tâm sự. Sau buổi ăn sáng chúng tôi về phòng chuyển hành lý xuống phòng khách của khách sạn để chuẩn bị về lại Mỹ. Đến 9:30 xe bus đến mọi người lên xe để đi tham quan thành phố Auckland lần chót trước khi ra phi trường. Xe chở chúng tôi đến thăm một bến cảng của Auckland, tại đây chúng tôi chụp một số hình lưu niệm rồi ra xe tiếp tục tham quan thành phố, đến thăm toà nhà làm việc của chính phủ, khuôn viên trước toà nhà trồng nhiều loài hoa dị thảo, thảm cỏ xanh mướt, có những hồ nhân tạo phun nước rất đẹp, chúng tôi đi tham quan chung quanh sân của toà nhà và chụp rất nhiều hình, tiếp đến chúng tôi được đưa đến khu vườn hoa mùa đông. Trời tuy lạnh nhưng có ánh mặt trời nên nhiệt độ lạnh giảm xuống, mọi người đi tham quan những cây cảnh trồng tại đây và chụp hình lưu niệm.

Cuộc vui nào cũng đến lúc tàn, cuội hội ngộ nào cũng đến lúc tan. Trước giờ chia tay TT Giác Đẳng đã tán thán về tinh thần học hỏi, tinh thần đoàn kết thân thương và sự hài hoà trong sự sinh hoạt của qúi Phật tử, lời Thầy chứa chan chân tình đã làm chúng tôi vô cùng súc động và bịn rịn tiếc nuối 14 ngày cùng sống cùng ăn cùng thở cùng cười và có đôi lúc giận hờn nhau để rồi lại cảm thông và gần gũi nhau nhiều hơn, chúng tôi như đã sống chung trong một căn nhà tràn đầy tình thương dưới sự dẫn dắt của người cha tinh thần đầy lòng từ bi .

Thầy nói rằng: Là một tu sĩ, chúng tôi luôn luôn khuyến khích những khóa tu học và nhất là trong các chuyến đi hành hương những cuộc hành trình qua xứ người. Những Phật tử lớn tuổi sức khỏe yếu kém, chúng tôi cũng không ngại, dù đôi chân của qúi vị không đủ sức đi trên con đường dài, chúng tôi cũng không ngại, vì chúng ta có đủ các phương tiện để giúp đỡ qúi vị , chúng tôi hết sức khuyến khích qúi vị Phật tử khi có đủ điều kiện thì nên đi những chuyến du lịch những chuyến hành hương vì ở đó chúng ta học hỏi được rất nhiều, chúng ta học được lòng từ, học được sự kiên nhẫn, học được sự hài hoà trong đời sống và tình tương thân tương trợ lẫn nhau, cùng thở không khí trong lành, không danh lợi thị phi phiền toái.

Ni Sư Ayya Khema đã viết cuốn sách "Being Nobody, Going Nowhere" nghĩa là mình không là ai và đi đến không nơi nào. Trong cuộc hành trình đến một nơi xa lạ ở nơi đó không ai biết mình là ai và mình không phiền muộn với những ưu tư của cuộc sống. Đói thì ăn và ăn gì cũng được, không kén chọn thức ăn ngon. Những sự bon chen của cuộc sống ở nơi mình đến đã không làm phiền gì đến mình, một cuộc sống như vậy thật là an lạc. Không danh không lợi. Còn cuộc sống nào hạnh phúc và an lạc hơn nữa?

Do vậy khi những Phật tử đóng góp công quả nhiều cho chùa yêu cầu chúng tôi dẫn đi thăm viếng các quốc gia trên thế giới, chúng tôi đã hoan hỉ chấp nhận và sắp xếp để cho qúi vị có được một hành trình tốt đẹp về tâm linh. Và chuyến đi này là một chuyến đi tốt đẹp cho qúi vị, Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan là một quốc gia thanh bình, người dân hiền hoà, khí hậu mát mẻ, cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Với những điều kiện đó đã tạo cho qúi vị một cuộc hành trình an lạc và hạnh phúc.

Chúng tôi cũng tán thán công đức của gia đình một vị Phật tử (ông bà Lâm) đã có tinh thần học hỏi và hỗ trợ chúng tôi giải quyết những khó khăn cho bạn đồng hành (ông Hải), và cũng tán thán công đức của qúi Phật tử đã lo lắng về cá nhân của chúng tôi. Sau cùng chúng tôi mong rằng tất cả qúi Phật tử mãi mãi giữ được sự an lạc và hạnh phúc trong cuộc sống sau cuộc hành trình này./.

Tấm lòng từ bi của Thầy đã làm tất cả chúng tôi bồi hồi xúc động, mọi người bùi ngùi vì sắp phải chia tay. Sau hai tuần được Thầy dẫn đi tham quan hai quốc gia, chăm sóc hỏi han và ban phát đạo từ đã làm tình Thầy trò của tất cả chúng tôi vô cùng thân thiết do vậy ông Lương Thanh Lý đã được tất cả mọi người cử làm đại diện để tỏ lòng cảm tạ ơn Thầy.

Ông Lương Thanh Lý nói rằng: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch Thầy, với tấm chân tình của Thầy chúng con vô cùng xúc động và không biết lấy gì để đền đáp ơn Thầy đã dẫn dắt chúng con đi trong cuộc hành trình tâm linh này, dù mệt nhọc nhưng Thầy lúc nào cũng vui vẻ và ân cần nhắc nhở chúng con, với ơn sâu này chúng con xin ghi nhớ. Xin hồng ân Tam Bảo gia hộ cho Thầy có nhiều sức khỏe để tiếp tục dẫn dắt chúng con trên con đường tu tập. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Xem SLIDESHOW

 



Nguyễn Văn Hòa và Minh Hanh