dieuphap.com
Trang chính
TT Giác Đẳng: Hai ngày trước chúng ta đã đi qua phần: Chúng ta nên lưu ý một điều, chữ Pháp trong kinh Phật là một chữ dùng rất rộng rãi, được sài nhiều nghĩa khác nhau và ở mỗi một nơi thì chúng ta phải có một định nghĩa rõ rệt. - Lấy ví dụ "Pháp Quán Niệm Xứ" ở đây chúng ta có chữ "Pháp" thì chữ "Pháp" thường có thể định nghĩa là lời dạy của Đức Phật, như "Phật, Pháp, Tăng" thì chữ "Pháp" là lời dạy của Đức Phật. - Hay chữ Pháp có nghĩa là cảnh pháp. Cảnh pháp thì không thuộc về năm cảnh ngũ. Năm cảnh mà chúng ta thường biết là sắc, hương, khí, vị, xúc. Cảnh thứ sáu là cảnh pháp, thì cảnh pháp là cảnh của ý thức không liên hệ đến năm ngoại cảnh ở bên ngoài. - Chúng ta cũng có định nghĩa "Pháp" như là những gì có tự tánh. Trong bài học này chúng ta nên hiểu chữ "Pháp" là gì? Pháp ở đây là những đề tài đã được Đức Thế Tôn giảng dạy như là Năm Triền Cái, Sáu Nội Xứ, Sáu Ngoại Xứ, Thất Giác Chi, Tứ Diệu Đế. Những pháp này nói cho rõ hơn là những đề tài Đức Thế Tôn đã thuyết và những pháp đó có thể được quán chiếu trong lúc chúng ta thực hành. Dĩ nhiên là Đức Phật dạy rất nhiều pháp nhưng những pháp này liên quan đến sự thực hành và chúng ta có thể tìm thấy trong đời sống. Chúng tôi lấy ví dụ, Tứ Diệu Đế là một pháp rất phổ cập mà chúng ta được nghe nhưng thường là nghe rồi chúng ta suy nghĩ bằng lý thuyết bằng kiến văn bằng sự hiểu biết của mình hay bằng ngôn từ. Nhưng một khi hành giả vào hành thiền thì hành giả nếu là một người có kiến văn về Phật Pháp mà lại nhậm lẹ tức là có thể thấy biết được một cách nhanh chóng thì Pháp Quán Niệm Xứ giúp cho hành giả thấy được thế nào là Khổ Đế, Khổ Đế xảy ra trên thân của mình, Khổ Đế xảy ra trên tâm của mình, và thấy thế nào là Tập Đế. Dĩ nhiên cái thấy ở tại đây tương đối chỉ là một tầng cấp bình thường của một hành giả chứ không phải là gọi là liễu ngộ, nhưng vị này có thể thức ngộ được, liễu ngộ tức là thấy một cách triệt để nhưng đại khái vị này có thể hiểu và hiểu những pháp này ở trên bản thân của mình. Nên nhắc lại ở tại đây là luôn luôn chúng ta có ba loại trí tuệ. Trí tuệ do học hay là văn huệ. Trí tuệ do suy nghĩ gọi là tư huệ. Và trí tuệ do tu tập gọi là tu huệ. Văn huệ là kiến thức mà chúng ta thu thập từ sách vở hay người khác giảng cho chúng ta. Thì ở đây chúng ta không có nên nhầm lẫn giữa Văn huệ, Tư huệ và đối với Tu huệ. Chúng tôi lấy ví dụ là hành giả trong tâm có tham biết được đây là tâm tham, thì cái biết được đây là tâm tham chúng ta gọi là Tâm Quán Niệm Xứ. Khi chúng ta nhìn thấy tâm tham khởi lên thì chúng ta có thể quán chiếu được bằng nhiều cách. Quán chiếu bằng Tâm Quán Niệm Xứ có nghĩa là chúng ta biết đây là tâm có tham. Nhưng nếu một lúc nào đó chúng ta có được khả năng sắc bén và chúng ta thấy rằng chính cái tâm tham này làm mất đi tâm định của mình, và tâm tham có nghĩa là sự dính mắc, sự vọng móng làm mất đi tâm định của mình thì lúc đó chúng ta hiểu tham là một pháp ngăn ngại gọi là Tham Triền Cái, mình thấy được tham là tham triền cái gọi là Pháp Quán Niệm Xứ Hay lúc đang ngồi thiền bỗng nhiên mình nhớ thương ai hay mình muốn làm việc gì đó mà mình thấy cái tham đó làm mình ray rứt khó chịu thì mình hiểu tham đó là Tập Đế là nhân sanh khổ. Khi hiểu được như vậy thì cái đó chúng ta gọi là Tập Đế. Tập Đế cũng là một Pháp Quán Niệm Xứ. Cũng giống như chúng ta biết một con người qua nhiều cách. Chúng ta biết một con người như một con người. Thí dụ như ông Nguyễn Văn A tên Nguyễn Văn A, thì đó là một cách biết. Nhưng chúng ta biết ông Nguyễn Văn A về nghề nghiệp, về học vị, về gia thế ông là một cách biết khác hơn. Nhưng chúng ta cũng có thể biết ông Nguyễn Văn A là một người bạn tri kỷ nếu chúng ta biết được rằng ông có những tương đồng với mình. Thì mình cũng có thể biết nhiều cách biết khác nhau. Pháp cũng vậy, cũng trạng thái tham đó nhưng chúng ta có nhiều cách biết. Nhưng qúi vị nhớ rằng trong tất cả mọi trường hợp thì cái quán của Pháp Quán Niệm Xứ ở đây nó phải đi chung với Định và Niệm chứ nó không có thể đi rời ra, nếu nó đi rời ra thì nó là một sự suy nghĩ. Chúng tôi lấy ví dụ như là qúi vị ngồi nghe chúng tôi nói về tham là một triền cái, qúi vị ngồi nghĩ miên man, "ah, đúng tham là một triền cái" qúi vị suy nghĩ cái đó nó là một sự suy nghĩ không có Định và Niệm. Định và Niệm giúp cho chúng ta bám sát với thực tại và dựa trên thực tại đó chúng ta suy ngẫm ra. Chúng tôi nói rằng khi mình quán về tham ái mà quán theo Pháp Quán Niệm Xứ thì cái tham ái đó phải đang xảy ra ở chính mình lúc mình ngồi thiền nó đang xảy ra chính mình. Hay là cái khổ cũng phải đang xảy ra ở chính mình, hay cái sân phải đang xảy ra. Nếu nó không xảy ra mà mình ngồi đó suy diễn thì cái đó không gọi là Pháp Quán Niệm Xứ mà là Trí Tư. Về điểm này hơi tế nhị một chút. Một hành giả có thể quán pháp bằng Tứ Diệu đế, nhưng Tứ Diệu Đế của một hành giả Quán Pháp Niệm Xứ khác hoàn toàn với Tứ Diệu Đế mà chúng ta nói, chúng ta bàn, chúng ta đọc sách hàng ngày. Tứ Diệu Đế mà vị đó quán sát là Tư Diệu Đế vị đó nhận thức ngay ở trên những gì đang xảy ra ở tại thân và tâm của mình, và sự nhận thức đó nó có đủ sự bén nhạy mà chúng ta gọi là Niệm, nó có đủ sự tập trú liên tục và sự tập trú liên tục được chứng minh bằng thấy sự Sanh Khởi và sự Diệt Tận, thấy được Sanh và Diệt. Qúi vị nhớ một điều là tất cả Pháp đều có sự bắt đầu và sự kết thúc. Thí dụ như mình nói đây là Hỉ giác chi, tâm đang có Hỉ giác chi thì vị hành giả phải thấy được lúc nào Hỉ giác chi sanh khởi lúc nào thì Hỉ giác chi diệt tận. Khi chúng ta suy tưởng thì không thấy được pháp sinh diệt. Thí dụ khi mình suy tưởng về Niệm giác chi, Định giác chi hay Tham triền cái, Sân triền cái thì chúng ta không suy niệm cái đó dựa trên sự sanh khởi và hoại diệt. Nhưng hành Pháp Quán Niệm Xứ thì chúng ta dựa trên sự sanh khởi và hoại diệt đó. Cái sanh diệt là mấu chốt để chúng ta biết rõ được là chúng ta đang bám sát lấy thực tại. Không có một hành giả tu tập Pháp Quán Niệm Xứ nào mà thiếu khả năng thấy được sự sanh khởi của pháp và sự diệt tận của pháp đó mà gọi là tu Pháp Quán Niệm Xứ. Đây là một mấu chốt mà bất cứ một vị hành giả nào tu tập Thiền Định, qúi Phật tử phải đặc biệt rất là cố gắng về điểm này. Đừng nghĩ rằng Pháp Quán Niệm Xứ là chúng ta ngồi đó chúng ta suy tưởng về Năm Triền Cái, về Sáu Nội Xứ, Sáu Ngoại Xứ v.v... mà gọi là Pháp Quán Niệm Xứ. Ở đây Pháp Quán Niệm Xứ không phải là suy diễn mà Pháp Quán Niệm Xứ có nghĩa là chúng ta nhìn vào thực tại và ở trên đó thực tại của thân và tâm giống như một quyển sách để chúng ta đọc những pháp như Tứ Diệu Đế, Thất Giác Chi, Năm Triền cái trên cái thực tại đó. Và muốn biết nó nằm trên thực tại thì chúng ta phải thấy sự bắt đầu của pháp và sự chấm dứt của pháp đó. Về điểm này thì hành giả cần một chút công phu nhưng nếu một người thông tuệ tức là có kiến thức Phật Pháp nhiều và trí tuệ nhậm lẹ thì Pháp Quán Niệm Xứ này rất là lợi lạc. Pháp đầu tiên là Năm Triền Cái. Chữ "Triền Cái" ở đây có nghĩa là ngăn ngại hay là chướng ngại. Thường thường qúi vị hay nghe ĐĐ Pháp Đăng gọi là tham cái, sân cái, hoài nghi cái, thì có nhiều người nói đùa là tại sao không có tham đực, sân đực. Thì chữ "cái" đó không phải là "cái và đực" mà chữ cái là "Triền Cái" là sự ngăn ngại, là pháp ngăn ngại, pháp trở ngại. Thì năm pháp này nó là năm pháp đối trị năm khả năng quan trọng nhất của chúng ta, năm khả năng quan trọng nhất để cho chúng ta có thể hướng tâm đến mọi sự vật đó là Tầm, Tứ, Hỉ, Lạc, và Định. Quí vị cố gắng nhớ kỹ điểm này là: - Tầm là khả năng hướng tâm, sự hướng tâm này không phải lúc nào chúng ta cũng hướng tâm. Thí dụ như quí Phật tử quen nghe pháp vào rơom nghe Chư Tăng nói chuyện là qúi vị hướng tâm được liền. Nhưng những người không nghe quen pháp mà thích coi phim lúc Chư Tăng đang giảng thì không hướng tâm đến chỗ đó được mà lại hướng tâm nghĩ đến chuyện phim sắp coi hay chuyện gì mình làm. Cái khả năng hướng tâm vào chỗ nào mình muốn nhất là đề mục mình muốn là một sự thiện xảo. Chúng tôi lấy một ví dụ là khi chúng ta nói về hành thiền là mình hướng tâm vào hơi thở hay hướng tâm vào đề mục, có nhiều khi tâm mình muốn hướng về chỗ đó nhưng nó không chịu, nó kéo đến chỗ khác. Như mấy đứa nhỏ con cái trong nhà mà còn nhỏ quá ham chơi mình gọi là "bắt cóc bỏ dĩa" tức là mình muốn nó ngồi học nhưng nó không học nó chạy chỗ khác thì cái tâm của chúng ta cũng vậy. Đầu tiên Tầm là sự hướng tâm, cái hướng tâm đó từ hướng tâm lớn cho đến hướng tâm nhỏ. Ví dụ như dục tầm, sân tầm, có người luôn luôn hướng về sự ham muốn, có người luôn luôn hướng về sự sân hận, có người có khuynh hướng về sự hận thù chẳng hạn, những điều đó chúng ta gọi là Tầm. - Tứ. Bên cạnh Tầm chúng ta cần một thiện xảo khác gọi là Tứ. Tứ ở đây là gì, thật ra thông thường chúng ta biết Tứ là sự quán sát, nhưng mà Tứ là sự áp chặc trên đối tượng. Ví dụ như là mình rửa chén, tay mình đưa tới cái dĩa để cầm thì là Tầm, sự chà sát sự áp chặc vô cái đĩa gọi là Tứ. Có nhiều khi mình hướng tâm nhưng mình không có Tứ. Thật ra thì ở trong kinh tạng đôi khi xem Tầm Tứ là một không có phân ra nhưng trong A Tỳ Đàm thì phân ra, mình hướng tâm đến đối tượng nhưng mình phải gắng chặt với đối tượng, cái gắng chặt với đối tượng đó áp sát với đối tượng đó chúng ta gọi là Tứ. Nói một cách khác chữ Tứ nghĩa là gắng bó, cái khả năng gắng bó đối với đối tượng của nó gọi là Tứ. - Hỉ là trạng thái hân hoan. Trạng thái hân hoan này làm cho mình cảm thấy thoải mái. Ví dụ như có khi chúng ta đến một nơi nào đó mà tâm chúng ta nghĩ đến đó đã vui rồi, có mặt ở đó là vui rồi. Hay ví dụ là ở chùa có một vị Trưởng Lão là Ngài HT và mỗi lần xuống cốc Ngài là mình cảm thấy vui rồi, thì cái đó là hỉ là sự hân hoan. - Lạc có nghĩa là hưởng cảnh hay Lạc là hưởng thú cảnh. Ví dụ như cái hân hoan được thí dụ như mình đang khát thấy nước trong mát là mình vui, nhưng Lạc có nghĩa là mình uống nước vào thì giải khát, cái đó chúng ta gọi là Lạc. - Định tức là mình có thể sống với, có thể an lạc, có thể trú ở đó một thời gian lâu dài. Ví dụ mình đi chỗ nào đó không thoải mái thì mình không muốn ở đó và mình bỏ đi chỗ khác. Thường thì chúng tôi gọi là cái đức bền hay là cái độ bền bỉ của mình. Qúi Phật tử nào ngồi thiền qúi vị sẽ thấy rằng khi chúng ta chưa có an lạc ở trong thiền định thì chúng ta ngồi chút là chúng ta muốn bỏ không thấy rằng mình thích, nhưng khi mình làm cái gì mà thật sự thích rồi thì mình có thể tiếp tục và tiếp tục ở tại đó, và cái khả năng định là cái đức bền bỉ. Thì năm khả năng khiến cho chúng ta thẩm thấu chúng ta huân tập được Samàdhi - Định lực thì nó phải đòi hỏi năm trạng thái Tầm, Tứ, Hỉ, Lạc và Định. Nhưng để có được năm pháp này thì chúng ta phải giảm thiểu năm triền cái là năm pháp ngăn ngại khiến cho chúng ta không thể nào có được sự tập trú cho tốt. 1. Hôn trầm thụy miên triền cái - Hôn trầm và thụy miên là trạng thái dã dượi buồn ngủ thì nó ngăn ngại của Tầm, tại vì Tầm là sự hướng tâm là khả năng hướng tâm hay nói một cách khác là khả năng chiếu rọi, nhắm vào hướng nào đó và hướng tới đó nhưng tâm mình nó thụ động như vậy nó là hôn trầm, mà hôn trầm kị với Tầm. Qúi vị nên hiểu rằng, giống như người học tử vi thường hay nói rằng những pháp tương sanh và tương khắc, ví dụ nói là hoả khắc kim gọi là tương khắc, hay là kim khắc mộc gọi là tương khắc. Thì ở tại đây hai pháp này tương khắc nghĩa là cái này nó mạnh thì cái kia nó yếu, con người mà hay uể oải lười biếng thì không có khả năng hướng tâm được. Khi nào chúng ta vào ngồi thiền mà lúc đó mình mới ăn no hay là hôm đó trong người mệt nên buồn ngủ dã dượi thì qúi vị thấy rằng do sự buồn ngủ dã dượi đó thì khả năng hướng đến hơi thở kém xuống liền, mình hướng đến hơi thở hay là hướng đến những cảm thọ, hướng đến những đối tượng nó kém, một hành giả tu tập Pháp Quán Niệm Xứ thì ngay lúc đó vị đó biết rằng tâm mình đang hôn trầm, hôn trầm này chính là hôn trầm triền cái, và hôn trầm triền cái bắt đầu lúc nào và kết thúc lúc nào thì vị đó ý thức và biết rõ thì như vậy vị đó dùng đề mục Pháp quán để thấy được hôn trầm triền cái. 2. Hoài nghi triền cái - Trạng thái thứ hai là Tứ, là khả năng bám sát đối tượng gắng bó với đối tượng thì bị một trạng thái gọi là Hoài Nghi triền cái. Chữ hoài nghi ở đây là lưỡng lự phân vân. Ví dụ như chúng ta đi đến ngã ba hay ngã tư đường mình đang đi mà không biết đường không biết quẹo trái hay phải hay đi tới, cái sự lưỡng lự đó, cái không biết đó là sự bình thường, tất cả chúng ta đều thường đối diện với những sự phân vân như vậy. Nhưng gọi là Hoài Nghi là nó đạt đến mức độ gọi là cái tật cái thói quen, có nghĩa là lúc nào cũng phân vân trong lòng không có cả quyết, không làm được quyết định. Chúng tôi tạm gọi một danh từ thường thức ở bên ngoài gọi là trù trừ. Có những người trù trừ ,ví dụ như đến dự một bữa ăn cũng trù trừ không biết mình chọn thực đơn phải chọn món nào, làm việc gì cũng trù trừ. Cái trù trừ đó dĩ nhiên là con người chúng ta gặp nhiều hoàn cảnh mình khó làm quyết định liền được nhưng một khi phải quyết định thì nên quyết định chứ không nên ngồi đó trù trừ hoài cũng vậy thôi, trù trừ hoài không làm được cái gì hết, trù trừ sẽ làm thành một thói quen. Thì tất cả chúng ta đều có những cảnh huống phải phân vân, nhưng có những người họ có những quyết định sớm, dầu là quyết định đúng hay sai thì cũng phải quyết định, còn người này lúc nào cũng trù trừ thì cái trù trừ này khiến cho họ không gắng chặc và không làm được gì hết. Ví dụ như mình vào ngồi thiền mà nghĩ là không biết pháp mình tu ở đây có thật sự có lợi ích gì không mà phải cố gắng mệt quá. Hay mình thấy ông Thầy và không biết ông Thầy của mình có chứng được cái gì không mà ông dạy cho mình rồi mình có giống như ông không v.v... thì trạng thái đó khởi lên từ ý tưởng thành ra khiến cho mình cứ sàng qua sàng lại không có cả quyết để làm gì hết. Những lúc đó mình phải có sự quyết định dứt khoát. Chúng ta lấy những quyết định dứt khoát để làm cho mình diệt trừ được Nghi Triền Cái. Ví dụ như là mình phân vân pháp niệm hơi thở có giúp gì cho mình hay không, thì mình đặt câu hỏi rằng "bây giờ mình có thì giờ niệm hơi thở không chết ai hết, mình chỉ nhìn hơi thở nó không có chuyện gì hại hết, mình hãy làm đi làm rồi thì biết, mình áp dụng trong một giờ xem có cái gì hay không" chính sự quyết định như vậy mình mới có thể làm việc được. Nhiều người nói là niệm hơi thở là tốt nhưng đến lúc ngồi thiền thì phân vân không biết pháp này mình tu tới đâu đạt được cái gì, thì thật ra lúc đó mình phải thấy một điều rằng thà mình làm hơn là không làm và mình biết được chuyện mình làm chỉ có lợi chứ không có hại, nếu nó không có lợi thôi chứ nó không có hại, mình biết như vậy và mình quyết tâm dứt khoát là mình phải làm. Chuyện này có nhiều vị thiền sư khuyên nên lập một nguyện rất dứt khoát, làm một sự suy tư rất dứt khoát. Bình thường thì chúng ta đi lông nhông không làm gì hết bỏ phí thì giờ, đến lúc ngồi thiền tự nhiên lo ra mình chưa làm việc này việc kia, giống như mình bỏ ra một tiếng ngồi thiền rồi cả thế giới sụp đổ xuống, mình ngồi thiền rồi không ai lo chuyện này không ai lo chuyện kia, thành ra mình không ngồi thiền được mà đứng dậy đi làm chuyện khác, cái tâm trù trừ và vị đó có thể lập nguyện rằng "không có việc gì quan trọng trong giờ phút này hơn là hành thiền, không có ai làm cho mình vui vẻ hơn là tâm định của mình". Và chúng ta phải dứt khoát như vậy, thái độ của mình là không cần biết đến những chuyện khác mà chỉ biết chuyện này thôi, chỉ biết chuyện này trong giờ phút này thôi, cái đó nó sẽ dứt đi sự trù trừ. Tâm hoài nghi, chúng ta gọi là lưỡng lự phân vân. Thường là chúng ta nghĩ rằng đó là một phản ứng chánh đáng. Phản ứng chánh đáng là tại trong đời mình có trăm ngàn chuyện không biết thì mình phải có thái độ trù trừ. Chúng tôi đồng ý với chuyện đó. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng sự phân vân lưỡng lự trù trừ lâu ngày sẽ trở thành một thói quen là không quyết định được chuyện gì hết. Chúng tôi gặp rất nhiều người trong đời sống của họ làm cái gì cũng nửa vời. Nửa vời ở đây tức là không có sự cương quyết dứt khoát trong những việc làm, họ nói rằng trong đời sống con người là có lúc suy nghĩ, có lúc nói, có lúc tính toán, và có lúc hành động. Một khi đã suy nghĩ tính toán để đi quyết định thì phải dứt khoát hành động chứ không thể nào mình suy nghĩ tính toán rồi lúc làm vẫn còn sự lưỡng lự phân vân tính tới tính lui, như vậy không có làm được chuyện gì. Hễ mình đã quyết định là ngồi thiền niệm hơi thở trong một tiếng đồng hồ thì dứt khoát ngồi xuống trong giờ phút này chỉ có việc này quan trọng nhất, cho dù kinh thiên động địa thế giới thay đổi ra sao thì cũng chỉ biết là ngồi đây thôi, chỉ có ở đây và bây giờ thật sự lợi lạc, cái đó là một cái dứt khoát. Thì hành giả lúc bấy giờ nhìn sự lưỡng lự phân vân nhìn cái mặt mũi của nó và biết rằng đây là Hoài Nghi. Nghi là một thứ Triền Cái cản trở khả năng của chúng ta gọi là chi thiền của Tứ. 3. Sân Triền Cái - - Triền cái thứ ba là sân, sự khó chịu bực mình. Cũng như hai pháp triền cái đầu tiên, sân là một thứ hối tật chúng ta gọi là khó chịu chuyện gì cũng bực bội được hết. Thí dụ như nhiều khi mình bực bội với con muỗi, ngồi thiền con muỗi bay vo ve mình bực bội muốn đập nó, thì mình phải thấy được là con muỗi cũng là một hiện tượng thiên nhiên cũng giống như trời nóng trời lạnh, mình ở chỗ nào nào cũng có muỗi và mình giận con muỗi thì chẳng có lợi lộc gì, cái giận đó chỉ là giận thôi, nhiều khi mình phải dùng cái đó để nhìn thấy cái giận của mình. Chúng tôi lấy ví dụ như là mình đi làm việc thì có người khen người chê. Bài học lớn nhất mà chúng ta học từ ông Steve Jobs là khi ông ra cái Iphone thì cũng có nhiều người khen nhiều người chê nhưng mà cái khen cái chê là một vất đề mà sự thành công hay thất bại của cái Iphone là một vấn đề, và chính bản thân của ông Steve Jobs cũng có khen cũng có chê. Thành ra hễ mình đi ra đời sống làm việc thì có người ủng hộ có người chống đối có người khen có người chê. Thông thường khi chúng ta bực mình cái gì thì chúng ta nghĩ rằng có lý do chánh đáng, chẳng những lý do chánh đáng mà chúng ta nên bực mình. Nhưng một hành giả tu tập thì hành giả biết rằng sự sân hay sự bực mình khó chịu nó là một thói quen. khi nó là một thói quen thì chúng ta gọi là cái tật, cái tật chúng ta hay giận, chuyện con muỗi bay mà chúng ta cũng giận con muỗi được v.v... và có nhiều chuyện làm chúng ta giận. Nên chi chúng ta nhìn cái sân là một trở ngại của sự hân hoan làm cho chúng ta không vui. Qúi vị thấy con người hay khó chịu dầu cho cái gì đi nữa ở chung quanh thì họ cũng tìm lý do để họ giận. Nhưng cái sân nó là hiện tượng thiên nhiên, cái sân đánh mất đi cảm giác hân hoan của chúng ta, nó đánh mất đi cái khả năng hỉ. Hân hoan là trạng thái làm chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng, cảm thấy an lạc, cảm thấy thoải mái. Hỉ là sự hân hoan là nền tảng của sự thoải mái. Còn sân làm cho chúng ta khó chịu nên nó là một triền cái. Thì lúc hành giả tu tập hành giả nhìn tâm sân là tâm sân, không binh vực nó, không có chìu chuộng nó, không vuốt ve và không nghe nó, cứ cái sân khởi lên thì biết là cái tâm mình đang sân, lẳng lặng nhìn nó cho đến khi nó mất là biết cái sân đang diệt và hiểu rằng sân là trở ngại của hỉ do đó nó là một triền cái. 4. Trạo Cử Phóng Dật Cái - Trạo cử, phóng dật. Lạc là một trạng thái hưởng cảnh. Nói một cách khác Hỉ là hân hoan còn Lạc là thấm thía. Chúng tôi tạm dùng danh từ rất gần là thấm thía. Như bây giờ qúi Phật tử khát nước mà thấy được nước như người ta nói buồn ngủ gặp chiếu manh hay là khát mà gặp nước. Thì hân hoan gọi là Hỉ. Nhưng những lúc chúng ta khát mà uống nước vào nó đã khát thì trạng thái đã khát chúng ta gọi là Lạc. Có một pháp làm cản trở Lạc đó là Trạo Cử hay là Phóng Dật. Chữ trạo cử là tâm tán loạn. Ngày xưa trong danh từ dịch thì Ngài Cưu Ma La Thập và Ngài Huyền Trang thì dịch hai chữ khác nhau, một vị dịch nghĩa trạo cử là mái chèo khuất động, trạo là mái chèo, cử là sự khuấy động. Thì trạo cử là chỉ cho mặt nước bị mái chèo khuấy động là nó giao động, đúng ra thì chúng ta gọi là giao động thì nó dễ hiểu mặt dù bây giờ trong danh từ quen chúng ta hay dùng chữ Trạo Cử hay là Phóng Dật. Phóng dật có nghĩa là ném vật tung lên, ví dụ như một đống tro mà mình ném cục đá vào nó tung bụi lên gọi là phóng dật. Thì trạng thái trạo cử phóng dật, như những người có tật bị lựu hay bị tật giật mình, tâm đang bình thường thì có chuyện gì đó làm giật mình lên đó là trạng thái lớn, nhưng trạng thái nhỏ là trạng thái giao động, nó không có khả năng bình hoà, nó mất đi trạng thái bình hoà. Con người mà dễ bị giao động thí dụ như hay sợ, hay lo, hay vui, hay buồn, tâm hay cảm xúc thái quá, ví dụ như chuyện gì xảy ra chút xíu thì tự nhiên tâm mình tán loạn, tâm mình giao động thì cái giao động đó là pháp ngăn ngại khiến cho mình không phát triển được chi Lạc. 5. Tham Triền Cái. Và sau cùng là tham dục làm trở ngại cho nhất tâm. Chữ nhất tâm, ở đây chữ "ekagatta" chúng ta thường dịch là định nhưng dùng chữ nhất tâm đúng hơn. Ví dụ như mình giữ hoài một đề mục giữ hoài một sự bền bỉ. Tham dục là sự vọng móng, cái tâm vọng móng. Tham dục cũng là một cái tật một thói quen, thói quen gọi là đứng núi này trông núi nọ, muốn cái này muốn cái khác, tầm cầu cái này tầm cầu cái khác. Qúi vị thấy như ở cái tuổi nào đó thì chúng ta hay chụp cái này buông cái kia nhưng đến khi trưởng thành một chút mình thấy rằng cái đó mất thì giờ và chúng ta phải tập trú vào một thứ. Thì đời sống cũng vậy lúc chúng ta ngồi thiền nếu không có tham triền cái thì tâm của chúng ta có thể lẳng lặng nhìn vào hơi thở và từ hơi thở chúng ta phát triển được những chi thiền khác. Nhưng khi hành giả có nhiều sự vọng móng, ví dụ như khi hành thiền mình còn có quá nhiều cái để muốn để thích, nghĩ cái này lăng xăng cái kia cái nọ, thì mình sẽ không thích chỗ thanh vắng mình thích chỗ ồn ào, mình thích hưởng năm dục lạc hơn là thích sự thanh tịnh yên lặng, mình thích đám đông hơn là thích độc cư v.v... thì cái đó nó trở thành vọng móng. Như một cách đơn giản là trường hợp của ông Joseph Boston từng nói là ông đi Ấn Độ có lần trong trường thiền tự nhiên ông nhớ đến bánh mì nướng. Ở Mỹ thì miếng bánh mì gọi là toast là một miếng bánh mì bôi bơ lên rồi nướng là một chuyện rất bình thường không có cái gì là mong muốn hay thích nhiều, ăn cái đó bình thường lắm. Nhưng ở Ấn Độ ăn cà ri hoài và lâu không ăn bánh mì nướng tự nhiên lúc đó nghĩ miếng bánh mì nướng đang ngồi thiền mà thèm quá chảy nước miếng, tự nhiên muốn hành thiền xong tách rời trường thiền chạy ra ngoài ăn miếng bánh mì nướng. Thì lúc đó nó trở thành một điều mà mình cần phải suy nghĩ nó là một điều mà mình cần phải nghiệm nó ra, cái tham dục là một cái triền cái một thứ ngăn ngại. Trở lại với điều chúng tôi vừa nói ban nãy là hành giả tu tập Pháp Quán Niệm Xứ thì hành giả cũng cần có một bản địa, cần có một căn bản, căn bản đó là hơi thở hay là bước chân, lúc mình đi thì theo dõi bước chân còn lúc mình ngồi thì theo dõi hơi thở, hơi thở là trụ cột. Nhưng trong lúc mình theo dõi hơi thở rồi tham khởi lên sân khởi lên mình thấy được sự bắt đầu gọi là sự sanh khởi rồi sự chấm dứt gọi là sự diệt tận. Sanh khởi và diệt, sanh và diệt của pháp, phải thấy được sự sanh và diệt của pháp sau một thời gian, tức là thời gian đầu nó đến mình không hay nó đi mình không biết, thời gian đầu thì thí dụ như lúc tâm tham đến không biết được nó bắt đầu lúc nào và nó đi mình không biết mà mình chỉ thấy ở đoạn giữa thôi thì lúc đó là lúc mình còn thô thiển lắm, đến không hay đi không biết. Nhưng khi nó đến mình biết nó đến, khi nó đi mình biết nó đi, sanh mình biết nó sanh, diệt mình biết nó diệt, tức là cái biết đó có Niệm và Định. Thì trạng thái tham, hay sân, hay hôn trầm thụy miên, hay hoài nghi phóng dật mình đều biết mà chẳng những biết như vậy mình còn thấy được ảnh hưởng của nó, mình thấy được pháp đó và còn thấy được ảnh hưởng của nó. Tham ở đây gọi là một pháp ngăn ngại cho Định. Nếu mình thấy được tham và thấy được sự ngăn ngại cho Định chúng ta gọi là Pháp Quán Niệm Xứ. Nói một cách khác là lúc hành giả tu tập Pháp Quán Niệm Xứ thường là những vị nào học Phật Pháp nhiều mà biết rất rõ thế nào là Năm Triền Cái, thế nào là Sáu Nội Giới, thế nào là Sáu Ngoại Giới. Nếu chúng ta đang đi kinh hành thấy cái gì như: sắc, thinh, hương, khí, vị, xúc. Thấy cái gì như: thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, tức là mình thấy được sáu cảnh mà mình thấy được rất là rõ ràng, đây là âm thanh, đây là nhĩ thức, rồi đây là mùi hương, đây là tỉ thức v.v... thì vị đó cần một số kiến thức và chúng tôi phải nói rõ là những vị nào học Vi Diệu Pháp học A Tỳ Đàm thì rất có lợi về Pháp Quán Niệm Xứ và nhất là vị đó là vị trí tuệ nhậm lẹ. Tại Miến Điện sở dĩ Thiền Tứ Niệm Xứ phát triển mạnh là tại vì người ta có nhiều khái niệm về Pháp nhất là nhiều vị học về A Tỳ Đàm. Thì xin tóm tắt một lần nữa là có những trường hợp chúng ta thấy cái pháp đó nhưng tùy theo phương diện gọi là Pháp Quán Niệm Xứ. Thí dụ như chúng ta thấy tâm có tham thì cái đó chỉ là Tâm Quán Niệm Xứ, nhưng mình thấy được cái ảnh hưởng của tham đó là một ngăn ngại, ngăn ngại sự nhất tâm của mình thì cái đó chúng ta gọi là thấy tham như là một Tham Triền Cái. Và nên nhớ một điều rằng những pháp này không do suy tư mà là do chúng ta thấy trên thực tại nghĩa là sự hiểu biết này phải đi với Định và với Niệm. Nếu thiếu Định với Niệm thì không gọi là Niệm Xứ không gọi là hành Tứ Niệm Xứ. Điểm này qúi vị nghe chúng tôi nói hoài qúi vị cũng chán là tại sao cứ nhắc đi nhắc lại chuyện bám sát là bởi vì từ chỗ suy nghĩ và chỗ thấy biết ở trên thực tại nó chỉ nằm trên đường tơ kẽ tóc trong gang tấc mà thôi và chúng ta rất dễ có thói quen hay suy nghĩ, đây là những đề tài pháp nhưng mà chúng ta học dựa lên trên cái thực tại, thực tại đó là những gì xảy ra trên thân và tâm của chúng ta. Chúng tôi xin tạm ngưng phần năm triền quán và năm triền cái ở đây. Pháp Quán Niệm Xứ thứ hai là: Sáu Nội Xứ, Sáu Ngoại Xứ Chữ Xứ là nơi chốn. Sáu Nội Xứ và Sáu Ngoại Xứ chúng ta có thể hiểu là đó là những chỗ mà các pháp hành nó tương tác và nó tạo ra manh mối của rất nhiều thứ. Bây giờ thì qúi Phật tử có thể hiểu về Sáu Nội Xứ và Sáu Ngoại Xứ như vầy: Mình đang ngồi thiền trong chỗ rất yên lặng thì cái cảnh hiện lên là một tiếng động đập vào tai của mình, mình có tai thì phải nghe, và âm thanh đó chi phối chúng ta. Nhưng mà rồi, nếu chúng ta hiểu sâu hơn một chút thì nó có những cái hệ lụy liên quan đến ngoại cảnh, và nó có hệ lụy liên quan đến nội xứ. Chúng tôi lấy một ví dụ là một người ham ăn là tại vì họ muốn thoả mãn vị giác thì cái gì họ ăn cũng được miễn là ăn cho nhiều, ăn cái này cái kia, thì cái đó là cái sự dính mắc đối với lưỡi đối với vị giác. Và nói theo kinh Phật chúng ta gọi là đối với Thiệt Xứ. Nhưng cũng có những người không tham ăn nhưng đặc biệt thích món nào đó thí dụ như họ thích uống rượu, họ thích nhậu nhẹt, họ thích một món đặc biệt nào thì món đặc biệt mà họ thích ăn chúng ta gọi là dính mắc vào vị giác. Mặc dầu lưỡi thì nếm vị, chuyện đó chúng ta biết nhưng mà có những người đặc biệt dính mắc vào một món ăn thì chúng ta gọi là dính mắc vào vị giác. Nhưng có những người đặc biệt dính mắc vào lưỡi tức là họ chỉ thích ăn thôi, ăn cái gì cũng được, nhưng cái lưỡi hết ăn cái này ăn cái kia, ví dụ như người thích ăn hàng chẳng hạn. Thì chúng ta nên hiểu sự khác biệt giữa điều này là không phải cái lưỡi mình ăn có nghĩa là mình dính mắc vào Nội xứ và Ngoại xứ giống nhau. Hồi nãy chúng tôi thưa với qúi Phật tử là ông Joseph Boston đi Ấn Độ ngồi thiền tự nhiên ông nhớ bánh mì nướng thì nhớ bánh mì nướng đó là chúng ta gọi tâm hướng về Ngoại Xứ. Ngoại Xứ ở đây tức là cảnh vị bên ngoài. Còn bình thường chúng ta không biết là chúng ta thích cái gì nhưng chúng ta cảm thấy buồn miệng và muốn ăn cái gì đó, ăn cái gì cũng được thì cái đó là nhu cầu của lưỡi. Thì Sáu Ngoại Xứ và Sáu Nội Xứ này, một người đi kinh hành hay ngồi thiền ở trong đời sống nếu bén nhạy thì chúng ta thấy rằng cái gọi là sự sống nó đều là sự hoạt động của sắc, của thinh, của khí, của vị, của xúc, của pháp, của nhãn, của nhĩ, của thiệt, của thân, của ý./. Còn Tiếp Kỳ Sau - Quán Thất Giác Chi và Tứ Diệu Đế |