Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 179: Nếu lục nhập duyên cho xúc, xúc duyên cho thọ, thọ duyên cho ái, như vậy ở truờng hợp của một vị đã giải thoát hoàn toàn như là những bậc Ứng Cúng, La Hán thì thọ duyên cho cái gì? Nếu không phải thọ duyên cho ái thì thọ đó duyên cho cái gì?

. (Kinh Pháp Cú kệ ngôn 100 giảng ngày 6 tháng 7 năm 2003 )

Sư Trưởng : Đây là một câu hỏi mà ý lý hết sức đặc biệt để trình bày. Là một điều không những liên quan đến pháp học mà còn liên quan đến pháp hành. Trong Thập Nhị Nhân Duyên, lý Duyên Sinh thì giải thích rằng vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái v.v….. Như trong bài kinh Đại Không Tiểu Không trong Trung Bộ Kinh, Đức Phật có nói truờng hợp cái gì có không thể nói là không, cái gì không thì không thể gọi là có, cái gì có thì phải gọi là có mặc dù theo phuong tiện pannatti chế định thí dụ như không tuởng, nhân tuởng. v.v… cho tới sau cùng là một vị A La Hán còn 6 nội xứ tức là nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn liên hệ đến mạng sống là có, không thể là không. Nhưng tất cả những phiền não đã đọan diệt thì gọi là không. Câu nầy bắt đầu ngay một vị A La Hán rất là mạch lạc vì A La Hán còn 6 nội xứ, tức là có chứ không thể nói là không và vị nầy biết như một vị A La Hán vẫn còn lục xứ nội nên vẫn còn lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ.

Tới đây nếu chúng ta học về Lý Duyên Khởi thì biết Thọ là chi cuối cùng của 5 quả hiện tại, bời vì:
vô minh hành là nhân quá khứ,
thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ là 5 quả hiện tại,
thọ là quả hiện tại thì theo mối nối kế đó là ái, thì không thể nói là một vị A La Hán là thọ duyên ái.

Trong kinh chú giải cũng như Abhidham mà chúng tôi đã đuợc hiểu biết thì thọ duyên ái là chuyện bình thuờng, thông thuờng nói về 36 thọ có 18 thọ liên hệ đến trần dục của nguời cư sĩ hay là nguời không hành thiền quán thì hẳn là theo lý Duyên Khởi Thập Nhị Nhân Duyên là bánh xe sanh tử luân hồi, xúc duyên thọ, thọ duyên ái. Như vậy ở đây Thọ là mẹ đẻ, Ái là con đẻ của Thọ. Như vậy không có truờng hợp nào Ái sanh lên không do duyên từ Thọ đối với 18 thọ liên hệ đến tình dục trong vòng sanh tử luân hồi. Nhưng không nên vì chỗ nầy mà chúng ta xem nhứt định là Thọ duyên cho Ái. Tôi phải nói rằng Ái nhứt định là con đẻ của Thọ nhưng Thọ không phải là luôn luôn là mẹ đẻ của Ái, bởi vì nếu nói rằng nhứt định Thọ luôn luôn là mẹ đẻ của Ái thì sẽ không có truờng hợp giải thoát bởi vì các vị A La Hán vẫn còn huởng quả hiện tại, 5 quả hiện tại vẫn có và nếu như nhứt định Thọ phải duyên cho Ái và Ái bắt cho sanh tử luân hồi thì những vị A La Hán cũng không đuợc giải thoát.

Đối với 18 thọ không liên hệ trần dục (ly dục), ở đây nói cho nguời có hành thiền quán Vipassana, dầu là thấp đi nữa nhưng có chánh niệm tỉnh giác. Chế ngự đuợc khi cảm thọ sanh khởi như là thọ khổ khởi lên vị ấy không than van buồn rầu vì nếu than van buồn rầu thì cái sân ngủ ngầm tùy miên sẽ từ đó tăng truởng, nên vị ấy niệm để diệt. Còn đối với thọ lạc thì cũng không hân hoan tán thán không thích thú vì nếu như vậy sẽ làm cho tham ái ngủ ngầm tùy miên tăng truởng. Do đó vị nầy chỉ có chánh niệm ghi nhận biết rõ về trạng thái thọ vừa sanh khởi lên. Và đối với thọ xả sanh khởi thì vị nầy phải dùng trí tuệ khéo nhìn mọi vật bằng cách xả ly tức là biết rõ sắc hay là cảm thọ, biết rõ vị ngọt, biết rõ sự diệt của cảm thọ đó, do vậy mà đuợc giải thóat. Thì như vậy vị nầy nhổ tận gốc vô minh, không để vô minh tham ái sanh khởi. Đối với 3 thọ nầy, vị tu tập Tứ Niệm Xứ, quán khi thọ khởi lên thì ghi nhận là một cảm thọ vì đã hạn chế đuợc tham ái. Nói gì đối với một vị A La Hán, các Ngài hoàn toàn an trú trong 18 thọ ly dục, như vậy truờng hợp nầy không thể nói thọ duyên ái đuợc. Một điều nữa chúng ta sau khi phân tách ra 18 thọ liên hệ trần dục và 18 thọ liên hệ ly dục thì đã thấy khác biệt rõ ràng, không có gì là mơ hồ.

Một đoạn khác Đức Phật có dạy rằng khi một vị bà la môn hỏi Đức Phật là nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn chúng có đối cảnh sai khác, vậy lấy gì làm điểm quy huớng?

Đức Phật trả lời ‘nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn có đối cảnh sai khác’.

Điều nầy Abhiddham có dạy rõ vì nhãn căn tiếp xúc với cảnh sắc thì nhãn thức sanh khởi, sau tâm nhãn thức thì lộ trình tâm tiếp tục sanh khởi ý giới ý thức giới tức là thuộc về ý, tất cả căn dù tâm nhãn thức cũng nằm trong ý căn. Ý căn hay ý quyền ở đây là tất cả tâm. Phân tích như vậy thì thấy rõ chính vì các căn: nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn nhưng khi chúng đối chiếu với 5 cảnh bên ngoài thì ý căn là điểm quy huớng của 6 căn nầy. Vị Bà La Môn nầy lại hỏi tiếp:

‘Thua Tôn Giả, vậy ý lấy gì làm điểm quy huớng?’

Đây là điểm rất quan trọng, chẳng những quan trọng trên phương diện học hỏi giáo lý, về phương diện Abhiddham, mà quan trọng nhất là đối với hành giả tu tập thiền quán Vipassana.

Đức Phật trả lời rằng ‘Ý lấy Niệm làm quy huớng’,

tức là Ý căn, tất cả các tâm sanh khởi thì chính Niệm nầy là chỗ nhận thức ghi nhận đuợc khi ý thức vừa khởi lên. Nói một cách chuyên môn nữa thì quán cái tâm hiện tại là tâm vừa diệt vừa sanh vừa qua, chứ không thể hai tâm đồng sanh một lúc và cũng không thể một tâm đồng biết hai cảnh. Do đó, cái gọi là quán tâm trên tâm tức là quán cái tâm vừa sanh; như nhìn một đối tuợng là bức tranh chẳng hạn thì bức tranh đó là sở tri với cái tâm nhãn thức hay là tâm tham …là năng tri. Nhưng khi tâm tham vừa khởi lên, hành giả tu tập Vipassana biết rõ là tham, tâm có tham biết tâm có tham, thì tâm tham nầy trở thành là sở tri và tâm thiện dục giới hợp trí, vừa sanh ghi nhận đuợc tâm tham đó là năng tri… Như vậy ở trong truờng hợp nầy chúng ta thấy rõ Đức Phật giải thích rõ ràng, Ý lấy Niệm làm điểm quy huớng.

Rồi vị bà la môn hỏi tiếp: ‘Bạch tôn giả, Niệm lấy gì làm điểm quy huớng?’

Đức Phật đáp: ‘Lấy giải thoát làm điểm quy huớng’.

Bà la môn hỏi tiếp: ‘Giải thoát lấy gì làm quy huớng?’

Đức Phật đáp:’Giải thoát lấy Niết Bàn làm quy huớng’.

Vị bà la môn nầy lại hỏi thêm:’Niết Bàn lấy gì làm điểm quy huớng?’

Đức Phật trả lời:’Thôi vừa rồi, nầy bà la môn, câu hỏi nào cũng đến lúc kết thúc. Đối với đời sống phạm hạnh nầy, lấy Niết Bàn làm căn bản, lấy Niết Bàn làm đối tuợng’.

Và với câu vấn đáp mà Đức Phật trả lời một cách rõ rệt như vậy, vị bà la môn nầy chứng quả A Na Hàm.

Chúng ta đem đoạn kinh nầy để so sánh và giải thích câu hỏi của đạo hữu Milanda rất là chặt chẽ và mạch lạc. Nếu điều nầy không khéo phân tích, không khéo nhận xét nghĩa lý thì chúng ta có thể bị nhầm lẫn. Và chỉ một điểm là phân ra 18 thọ liên hệ trần dục và 18 thọ không liên hệ trần dục thì cũng đã thấy rõ ràng đối với các vị A La Hán trong đời sống hiện tại, các Ngài đã diệt trừ phiền não, gọi là hữu dư y niết bàn, vì phiền não đã đọan tận, những ngũ uẩn, hay nói cách khác, 6 nội xứ nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý vẫn còn liên hệ với mạng sống, như vậy gọi là hữu dư y niết bàn. Chỉ sau khi vị A La Hán viên tịch rồi, 6 nội xứ nầy không còn dư sót, vì không nối tiếp than sau, như Đức Phật đã dạy: ‘Ai quăng bỏ thân nầy, Không nắm bắt thân sau, Như Lai tuyên bố Kẻ ấy vô lậu’, tức là không còn luân hồi lại nữa. Vị A La Hán trong lúc đó vẫn còn đầy đủ ngũ uẩn hay danh sắc hay là 6 nội xứ nhưng mà không thể gọi là Thọ duyên Ái đuợc. Ý lý Đức thế Tôn đã giảng dạy rõ, điều nầy cho chúng ta thấy rõ giáo lý Đức Phật trong Tam Tạng Pali, dầu là tạng Luật, tạng Kinh hay tạng Abhiddham, đều do một đấng đạo sư duy nhất thuyết giảng, đuợc các chúng đệ tử tôn trọng gìn giữ nên không có gì mâu thuẫn hay tương phản, mà nhất trí nhất quán, nên chúng ta đem câu Phật ngôn chỗ nầy để trích dẫn và giải thích cho chỗ kia một cách có mạch lạc không có gì sai trái.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Như Trúc chuyển biên

 

Download cau hoi 179

Phap Am Lưu Trữ