|
Câu Hỏi 173: Ý nghĩa phát Bồ Đề tâm
.
(Kinh Pháp Cú kệ ngôn 87 giảng ngày 6 tháng 6 năm 2003 )
TT Giác Đẳng: Chữ phát Bồ Đề tâm ngày hôm nay chúng ta dùng trong rất nhiều ý nghĩa khác nhau. Khi nói đến Bồ Đề tâm thường thường chúng ta chỉ nói đến thiện tâm, và hơn thế nữa đó là một trí giác ở trong đời sống của chúng ta. Một thứ thiện tâm mà chúng ta thường nói trong đời sống đó là một ý thức dựa trên cơ sở niềm tịnh tín đối với Tam Bảo, lòng bi mẫn đối với muôn loài, và thiện tâm đó là một cách nói, Bồ Đề tâm là cách nói bình thường ở trong đời sống của mình. Nhưng phải nói rằng trong một số các truyền thống Phật giáo, đặc biệt là truyền thống Phật giáo Kim Cang Thừa thì chữ Bồ Đề tâm hay là Bodhicitta là cả một giáo nghĩa hết sức trọng đại. Bồ Đề tâm, phát Bồ Đề tâm được kể như là một người được khởi sự đón nhận pháp trong lễ truyền pháp và vị này thật sự dấn thân vào một cuộc tu, trong cuộc tu này có thể nói rằng kể cả chuyện bỏ cả sinh mạng của mình cũng có thể tu tập được.
Ý niệm về Bồ Đề tâm manh nha từ trong rất nhiều kinh Phật của tất cả mọi truyền thống. Chúng tôi lấy một ví dụ là ở trong truyền thống Nam Tông có dùng chữ Paramartha Parami tức là trong ba mật hành balamật thì có; mật hành balamật là có thể bỏ cả mạng sống của mình để tu tập, bố thí bỏ cả mạng sống của mình để tu tập, trì giới bỏ cả mạng sống của mình để tu tập xuất gia trí tuệ tinh tấn v.v... thì chữ gọi là phát Bồ Đề tâm ở trong một mạch văn nào đó đôi lúc nó gần tương tựa với chữ chúng ta gọi là "hạ thủ công phu".
"Hạ thủ công phu" là một thái độ tích cực, một thái độ chấp nhận đặt mình hoàn toàn dưới sự hướng dẫn của vị Thầy bậc đạo sư của mình, tức là vị guru. Trạng thái này Ngài Ajahn Cha thường gọi là surrender. Surrender, ví dụ như qúi Phật tử đến tu tập với một vị Thầy sau khi quyết định là qúi vị sẽ đặt mình hoàn toàn dưới sự hướng dẫn của vị Thầy này, thì từ trong lời nói, trong việc làm, từ trong sinh hoạt, mọi thứ nhất nhất đều tuân phục theo, thì nó là một hình thức vong thân nhưng vong thân có mục đích, hình thức vong thân đó khiến cho chúng ta dễ đón nhận sự tu tập và nó được xem như là sự khởi phát Bồ Đề tâm. Quan niệm về phát Bồ Đề tâm lại nằm trong phạm trù mới về nhân sinh quan của con người, nhân sinh quan đó là quan niệm rằng Phật tánh hay chân tâm hay Bồ Đề tâm ở trong lòng của chúng ta vốn là một cái gì tương tựa với chữ "Chân Như" là cái gì hằng có, nó vốn có, sẵn có, nhưng vì vọng thức mê mờ, và chữ phát Bồ Đề tâm giống như là một sự bừng tỉnh trong một cơn mê.
Chữ phát Bồ Đề tâm này lại có một ý nghĩa quan trọng khác của Phật giáo Mật Tông như là những gì mà chúng tôi vừa đề cập với qúy vị. Thì Phật giáo Đại Thừa và Phật giáo Kim Cang Thừa có rất nhiều bản kinh, và nhất là các vị luận sư thì viết rất nhiều về pháp phát Bồ Đề tâm này. Bởi vì người ta thấy có một nhu cầu rất lớn là những người tu tập ai cũng ngưỡng vọng mong cầu để gặp Phật, thấy Phật, và thể nhập với Phật. Sự khao khát, niềm khát vọng muôn đời đó nó tồn tại ở trong xã hội Ấn như là một khao khát trở về với thượng đế, trở về với đại ngã muôn đời. Và trong sự khát vọng đó thì ở đâu là tìm ra chính mình, thì đời đời các vị phải viết lên một quan niệm về phát Bồ Đề tâm, tức là trở về với chân tâm trở về với tự tính của mình, và trong sự trở về đó nhìn thấy được là thể nhập mình với Đức Phật là một.
Có thể nói rằng quan niệm phát Bồ Đề tâm là một quan niệm rất phổ cập và rộng lớn ở trong nhiều truyền thống Phật giáo. Và qúi vị có thể hỏi chúng tôi rằng quan niệm phát Bồ Đề tâm đó có cơ sở với đạo Phật Nguyên Thủy hay không? Thì chúng tôi phải nói rằng có rất nhiều dây mơ rễ má. Ví dụ như trong kinh điển Nguyên Thủy nói rằng những ai thấy Pháp tức là thấy Phật, những ai thấy Phật tức là thấy Pháp, tức là Phật với Pháp là một. Thì một người thấy Pháp chứng được Pháp thì người đó không những tự mình chứng được Pháp mà người đó có thể thấy được Đức Phật. Cách nói đó cho dù là cách nói ví von hay cho dù là cách nói mang nặng triết lý, cho dù cách nói đó mang tánh chất là huyền nhiệm đi nữa, thì đó cũng là một cách nói mà về sau này biến thành một hệ thống chúng ta biết là giảng về pháp thân của Đức Phật.
Sự khác biệt đó chỉ nằm trong đường tơ kẽ tóc mà thôi, nó chỉ có một việc là Phật giáo Nguyên Thủy thời xưa, thí dụ như mình tu thì cứ tu, không cần phải có một cái từ, không cần phải có một đại danh xưng, không cần phải có một cái gì mà nghe hết sức đặc biệt về một pháp tu nào đó. Ví dụ như mình phát tín tâm thì gọi là tín tâm, mình tinh tấn thì gọi là tinh tấn, mình tỉnh giác thì gọi là tỉnh giác. Nhưng ngôn ngữ về sau này chúng ta được biết ở trong Phật giáo là ngôn ngữ mang tánh tác động, do đó chúng ta có một số từ ngữ hết sức đặc biệt, ví dụ như từ ngữ Đại Thừa. Thật ra Đại Thừa và Tiểu Thừa là hai khuynh hướng, một khuynh hướng tu tập để nhắm đến đạo lộ giải thoát là khuynh hướng của đại trí, và một khuynh hướng của đại bi. Chúng tôi nhớ HT Trí Quang viết trong một tựa sách, HT nói rằng hai khuynh hướng đó là một khuynh hướng gọi là hướng cầu giải thoát tức là khuynh hướng của đại trí, khuynh hướng đại bi là khuynh hướng là đi vào cuộc đời để tế độ chúng sanh. Thì những từ ngữ như đại bi, đại trí, đại thừa, danh từ như phát Bồ Đề tâm v.v... nó là một sự nhấn mạnh, nó là những dấu chấm phẩy, nó là những nét chấm phá, nó là những sự đột phá mà làm sao cho con người xoay trở lại.
Thì chúng tôi có thể cảm nhận được cái giá trị của những danh từ đó khi mà mình nhận thấy được sự ù lì. Chúng tôi phải dùng sự ù lì như là sự xúc phạm ở trong cộng đồng Phật tử của chúng ta khi đề cập đến sự tu tập. Qúi vị nào có đọc những lời kêu gọi của cụ Phan Khôi, một nhà trí thức vào buổi giao thời của thời tiền chiến, và cụ Phan Khôi khi viết về Phật giáo thì cụ đã phàn nàn rất nhiều về thái độ chập chừng mơ hồ của người Phật tử. Có một giai đoạn nào đó trong giòng lịch sử của đạo Phật những người Phật tử như rất lãnh đạm đối với công việc dấn thân, ít có để ý đến, một số thái độ gọi là đi vào cuộc đời đem đạo để soi sáng cho quần sanh. Và chúng tôi tin rằng trạng thái ù lì này nó không chỉ có trong một tông phái mà tất cả các tông phái đều có. Và quan niệm về phát khởi tinh thần để dấn thân phục vụ chúng sanh thì tông phái nào cũng có, nhưng đôi lúc nó phải có cái gì đó để lay tỉnh con người mình dạy làm cho mình bừng dậy.
Thỉnh thoảng có một vài Phật tử hỏi chúng tôi về quan niệm Đại Thừa và Tiểu Thừa, chúng tôi không nói rằng đó là quan niệm tông phái mà chúng tôi nghĩ đó là một khuynh hướng và khuynh hướng đó phải được nói một cách rất rõ ràng. Thì ở đây đôi khi những từ ngữ như phát Bồ Đề tâm là một ví dụ, một từ ngữ tạo lên một tác động rất mạnh, một sức mạnh rất mạnh làm cho con người phải chuyển mình đi. Thì khi đề cập đến điều này chúng ta có thể giải nó trong một ý nghĩa hết sức bình dị, hết sức thông thường. Như tại chùa chiền mà hàng ngày chúng ta thường nghe nói một người phát Bồ Đề tâm để làm việc gì đó, một người phát Bồ Đề tâm để đi xuất gia, một người phát Bồ Đề tâm để bắt đầu một công trình phục vụ cho cuộc đời. Nhưng chữ phát Bồ Đề tâm quý vị phải cẩn thận ở đây là trong nhiều truyền thống Phật giáo mà đặc biệt ở trong truyền thống Kim Cang Thừa thì được dùng một cách hết sức đặc biệt, đây là một cách dùng mà nó chỉ đến cả một công trình hạ thủ công phu, và nó nói đến một cảnh giới mà nó không bình thường không đơn giản. Nên chi chữ Bodhicitta hay chữ Bồ Đề tâm ở đây chúng ta phải đặc biệt không thể nói một cách hời hợt ở bên ngoài, bởi vì nếu nó được dùng đặc biệt thì chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến điều đó./.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Minh Hạnh chuyển biên
Download cau hoi 173
Phap Am Lưu Trữ
|