|
Câu Hỏi 172: Là một Phật tử tại gia, đã thọ tam quy và ngũ giới và thọ Bồ Tát giới bên Bắc Tông, vậy bên Nam Tông ngoài ngũ giới thì có giới nào để người cư sĩ có thể thọ mà tương đương với Bồ Tát giới bên Bắc tông hay không?
.
(Kinh Pháp Cú kệ ngôn 87 giảng ngày 6 tháng 6 năm 2003 )
TT Giác Đẳng: Đây là một đề tài rất lớn khi chúng ta đề cập đến giới luật. Nói về điểm này chúng tôi lại chợt nhớ đến trước đây ở trong nhiều năm qua (bây giờ thì không còn) HT Nhất Hạnh nhắc đến rất nhiều về một giòng tu mà HT lập ra gọi là "giòng tu tiếp hiện". Ở trong giòng tu tiếp hiện này HT cũng đưa ra những giới luật tiếp hiện về 14 điều mà chúng ta thấy rằng ở đây mang tánh cách là một lý tưởng tu tập. Nếu nói trên tinh thần kinh điển thì ví dụ như chúng ta nói về thương yêu muôn loài, sự thương yêu muôn loài đó là một lý tưởng của sự tu tập, nó là một sự thể hiện của sự tu tập mang tánh cách một pháp tu hơn là một giới luật.
Giới luật mà Đức Phật Ngài đưa ra là giới luật đó có một phạm vi được quy định hẳn hòi, ví dụ chúng ta nói không sát sanh, thế nào là không sát sanh, và thế nào là phạm giới không sát sanh, thế nào là sự bất tịnh của điều mà chúng ta gọi là không sát sanh. Thì giới luật đó mang tánh cách là có chừng mực có một lằn ranh rõ ràng. Khi chúng ta nói về lòng yêu nước, có thể mình treo lên một lá cờ thì đó là lòng yêu nước, và có thể chúng ta gia nhập quân đội đó là lòng yêu nước hay hoặc giả là chúng ta bỏ tiền ra để xây đường đắp lộ là lòng yêu nước. Lòng yêu nước không định nghĩa tới đâu được, nhưng khi nói đến luật lệ thì ngược lại hoàn toàn, luật lệ đó là cái gì có quy định, qúi vị lái xe mà gặp bản stop sign (dấu hiệu ngừng xe), thì qúi vị phải ngừng lại hoàn toàn bắt đầu từ zero trở đi, mà nếu qúi vị tới bản stop sign mà qúi vị chạy chậm rồi vượt qua thì đó là sai luật, bởi vì luật là cái gì rõ nét.
Thì ngũ giới của người cư sĩ Phật tử được quy định rõ là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, thì giới đó được xem như có quy định hết sức rõ ràng. Thế nào là sát sanh? sát sanh có năm chi phần: con vật có thức tánh, biết con vật có thức tánh, cố ý giết và ráng sức giết, và con vật đã chết vì sự cố ý đó, thì như vậy mới là vi phạm giới sát sanh. Nhưng giới luật của người tại gia là một giới tịnh tu và không ai kiểm soát được và nếu nhiều lắm thì giới luật của người tại gia là giới luật để tránh các ác nghiệp. Đó là tinh thần giới của người tại gia trên phương diện ngũ giới, tránh những bất thiện nghiệp như trong ngũ giới. Và người tại gia có một giới luật khác gọi là Bát Quan Trai giới, trong Bát Quan Trai giới này cũng là giới mang tánh cách từ bỏ, thì Bát Quan Trai giới có tinh thần hoàn toàn khác với ngũ giới. Ngũ giới là tránh những trọng nghiệp, thì Bát Quan Trai giới là làm sao cho các căn được thanh tịnh. Ví dụ như không múa hát, xử dụng những nhạc cụ và thưởng thức âm nhạc v.v... trong một ngày cố định nào trong tháng, thì tinh thần của Bát Quan Trai giới là một tinh thần khác. Nhưng một lần nữa Bát Quan Trai giới cũng lại có một quy định rõ ràng là thế nào là giới ăn phi thời, và thế nào là phạm giới chẳng hạn.
Nhưng khi đặt để giới luật của đời sống xuất gia lại là một chuyện hoàn toàn khác. Giới luật của người xuất gia là giới luật mang tánh cách cộng sinh, cộng sinh của một thành viên ở trong cộng đồng tăng lữ có một số qui định về y áo, về pháp phục, một số quy định về liêu cốc, một số quy định về thức ăn, một số quy định về uy nghi tế hạnh v.v... những quy định đó cho phép một vị tỳ kheo sống trong tăng chúng ở trong giới hoà đồng tu mà không có bị trở ngại nhiều, và sự đồng bộ này và nó xây dựng lên một cộng đồng của chư tăng.
Chúng tôi sẽ nêu ra ba tinh thần giới luật của ngũ giới, của bát quan trai, của giới xuất gia để quí vị thấy rằng giới được đề cập căn bản ở trong truyền thống Phật giáo Nam Tông và bên Bắc Tông cũng vậy. Giới nó là cái guideline (nguyên tắc chỉ đạo) cụ thể cho những việc làm mang tánh cách khả thi. Khả thi có nghĩa là anh A có thể làm được anh B cũng có thể làm được, và nó ở mức độ tương tựa như luật định ở trong xã hội của chúng ta. Ở trong xã hội điều luật là người dân phải đóng thuế bao nhiêu phần trăm lợi tức của mình, ở trong xã hội qui định là khi chúng ta sống trong một khu gia cư thì chúng ta phải tôn trọng người láng giềng ra sao v.v... Những giới luật này không mang một hình thức mà chúng ta gọi là một lý tưởng tu tập, hay là một sự thể hiện một pháp tu khác như là bố thí, tham thiền, hoặc giả là một số các điều luật mà khiến cho ta thay đổi cuộc sống hoàn toàn. Thật ra giới luật chỉ nằm ở trong khuôn khổ vừa phải chừng mực thì nó mới gọi là giới luật được, như đối với ngũ giới là giới đó được đặt ra để chúng ta tránh những ác nghiệp lớn, bát quan trai giới là giúp cho qúi vị xuất gia tạm một thời gian cố định nào đó, và giới luật của chư tăng là làm sao để cho chư tăng có thể sống hoà hợp, giới hoà đồng tu cùng đồng bộ ở trong một cách sống đó là tiêu chuẩn.
Nhưng Bồ Tát giới của Phật giáo Bắc Tông thì mang một tinh thần hoàn toàn khác. Trước khi nói về Bồ Tát giới thì chúng ta nên nhìn lại một chút lịch sử của đạo Phật. Lịch sử của đạo Phật đã có một thời gian rất dài sau khi Đức Phật Ngài viên tịch, những người Phật tử đi theo tinh thần được đề cập đến trong kinh điển, những vị này muốn phát triển một đời sống tu tập và dần dà lại đưa đến một khuynh hướng là làm sao để có thể sống thanh tịnh giữa trần ai ô nhiễm này, làm sao có thể sống vượt thoát và làm sao có thể hướng cầu được tịch tịnh. Về những điểm này thật ra thời Đức Phật còn tại thế thì bản thân của Đức Phật và chư tăng đã làm vô số công việc đi vào trong cuộc đời tiếp xúc với những người ngoại đạo sống giữa những người xa lạ để tuyên thuyết giảng dạy Phật pháp. Và chư tăng về sau này thì càng có khuynh hướng là đi đâu cũng chỉ sống giữa những người Phật tử, chỉ đến với những người có đạo tâm sẵn, và ít khi nào tiếp xúc với những người xa lạ những người ngoại giáo. Trường hợp đó cũng tương tựa như chúng ta hôm nay, đa số các vị tăng sĩ chỉ sống trong những cộng đồng Phật tử và ít muốn tiếp xúc với bên ngoài. Trong lúc thời Đức Phật còn tại thế dù đó là Bàlamôn, đó là ngoại đạo thì Đức Phật Ngài cũng đến.
Thì thưa qúi vị bây giờ có một phong trào là làm sao cho đạo Phật mở một cánh cửa rộng hơn, đi vào cuộc đời mạnh mẽ hơn, đi vào cuộc đời với một sự phổ cập về tư tưởng về học thuật chứ không có nghĩa là co cụm chỉ gói lại một góc trời. Và bây giờ họ đưa ra một lý tưởng mới, những người Phật tử tạo ra một lý tưởng mới đó là lý tưởng nhập thế, lý tưởng dấn thân, và lý tưởng này là lúc nào cũng bị tròng kéo cũng bị ràng buộc bởi một quan niệm truyền thống, và quan niệm truyền thống này không phải là có từ thời Đức Phật mà quan niệm truyền thống này vốn dĩ là một điều đương nhiên khi mà tăng già tổ chức mạnh mẽ và phát triển, thì phần lớn các chư tăng chỉ sống sinh hoạt ở trong cộng đồng Phật tử và không đi xa hơn nhiều, một cái hiện tượng mà chúng ta thường thấy ở trong thế giới ngày hôm nay. Lý tưởng đi vào cuộc đời đó là bắt đầu cho một lý tưởng về sau này chúng ta gọi là Bồ Tát đạo hay là Bồ Tát hạnh. Bồ Tát hạnh nghĩa là không có nệ hà ai và đem hết cái gì mình có thể có được để cống hiến và phục sự cho nhân quần ở trong tinh thần mà chúng ta thường tìm thấy của các câu truyện về Bồ Tát nuôi dưỡng vị tha. Bồ Tát hạnh hay Bồ Tát đạo dần dà trở lên rất thịnh hành, nó đã trở thành cái đối lực, đối lại với truyền thống. Truyền thống đó là tự tu, truyền thống đó là mình tự giác ngộ, truyền thống đó là khép mình vào lời dạy của Đức Phật gìn giữ giới luật tinh nghiêm. Bây giờ chúng ta muốn nói đến một hướng đi mới đó là hướng đi lăn xả vào trần ai này tiệp thế, hướng đi đó mở rộng cho chúng ta một cánh cửa mới trong việc tu và phụng sự. Cơ sở của Bồ Tát đạo này là cơ sở để tạo ra bộ phái mới của đạo Phật mà chúng ta gọi là "Đại chúng bộ" và chính cơ sở này cũng tạo ra một truyền thống về sau này mà chúng ta biết gọi là Phật Giáo Đại Thừa.
Thì thưa qúi vị từ xa xưa có một khuynh hướng mà người ta nói rằng những vị tu theo truyền thống, là những vị tu theo giới luật để khép mình một cách tinh nghiêm ở trong đời sống tòng lâm. Trong khi đó những vị nhập thế đi vào cuộc đời là những vị đó không có căn bản giới luật, những vị đó cuộc sống bởi vì hoà nhập với đám đông không phân biệt nhiều giữa tăng tục, vì vậy nó lại có nhu cầu để sản sinh ra một thứ giới luật mới, giới luật cho những người sống giữa cuộc đời này, sống với trong sự tiếp cận với chúng sanh, mà giới luật đó là giới luật mà chúng ta được biết ngày nay là Bồ Tát Giới.
Thì Bồ Tát Giới ở trong đó chuyên chở rất nhiều, nếu qúi vị đọc kỹ lại những điều Bồ Tát Giới đề cập đến rất nhiều những pháp tu mà về sau này chúng ta cũng tìm thấy ở trong giới luật của tiếp hiện, nhưng những pháp tu này rất khó để kiểm chứng và rất khó để chế tài. Rất khó để kiểm chứng và rất khó để chế tài là vì sao? Chúng tôi lấy ví dụ như qúi vị là một người sống ở trong tăng chúng là một vị tỳ kheo có làm điều gì lầm lỗi thì chư tăng có thể nói được, nhưng nếu qúi vị là một cư sĩ mà sống ở trong gia đình và sống ở trong cuộc đời này thì cái hư cái nên tự mình lo tự mình chịu, hoàn toàn không ai có thể kiểm chứng được. Ngày hôm nay cũng có một số lớn những người chỉ thọ Bồ Tát giới
thọ để cho có danh vị Bồ Tát giới nhưng hoàn toàn không thể áp dụng được trong đời sống tại gia, và thật sự cũng không có ai có một khả năng gì.
Nếu giới luật mà không chế tài được thì giới luật đó không thành giới luật, nếu một giới luật mà không kỷ luật được thì không gọi là giới luật, giới luật gì mà không thể kiểm chứng được thì giới luật đó không gọi là giới luật được. Tất nhiên ở trong sự tuyệt đối thì việc giữ giới có rất nhiều giới mà tự mình phải tự nhận, tự mình tự phát lồ, chứ không có ai có thể bám sát kiểm soát cho mình, nhưng ít nhất ở một phương diện nào đó thì cũng có thể chế tài, riêng về Bồ Tát giới thì không thể làm được chuyện đó. Thành ra quan niệm về giới luật của Bồ Tát giới hoàn toàn khác với quan niệm giới luật truyền thống.
Vì vậy cô Minh Hạnh hỏi một câu hỏi là bên Nam Tông có giới nào về Bồ Tát giới hay không, thì chúng tôi xin trả lời một điều rằng ở bên Phật Giáo Nam Tông quan niệm rằng người cư sĩ có hai giới luật có thể gìn giữ được đó là ngũ giới và bát quan trai giới, nhưng nếu người này muốn tu tập những pháp môn khác thì cứ tu, nhưng pháp môn tu này không thể gọi là giới được tại vì không ai có thể chế tài. Chúng tôi lấy ví dụ là một người nói lời nhảm nhí vô ích hay nói lời độc ác hay nói lời chia rẽ và không ai có thì giờ để ngồi xuống nói rằng; anh và chị nói như vậy là lời nói độc ác. Có những lời nói độc ác phải mất nhiều năm nhiều tháng mình mới biết đó là lời nói độc ác chứ không phải là thường, có những lời độc ác rất là ngọt ngào. Nhưng một lời nói dối thì chúng ta có thể phân định được, hay một lời nói nhảm nhí vô ích có đôi lúc chúng ta cũng rất là khó phân định. Do vậy khi có một Phật tử cầm bản giới luật tiếp hiện của Làng Hồng đến hỏi chúng tôi nghĩ sao về giới luật này, thì chúng tôi nói rằng nếu đó gọi là những pháp môn tu, là sự tu tập thì có thể tu, nhưng gọi là giới thì nó không đúng là chữ Vinaya, chữ sila ở trong đạo Phật, nó không gọi là giới luật trong đạo Phật được tại vì giới luật đó không có khả năng chế tài, nó chỉ nói lên những lý tưởng cho sự tu tập. Thì một lần nữa khi cô Minh Hạnh hỏi về Bồ Tát giới chúng tôi cũng phải trả lời một cách tương tựa như vậy là ngũ giới, bát quan trai giới, và giới luật sadi tỳ kheo mang một tinh thần hoàn toàn khác, nhưng giới luật của Bồ Tát giới chỉ là một cách để trả lời lại, tại vì cái khuynh hướng từ xưa khi Phật giáo có sự phân hoá thì những vị sống trong tu viện cho rằng những vị đi ra bên ngoài sống tiếp cận với cuộc đời sống giữa đám đông, sống trong sự giao tiếp ở trong nhiều lãnh vực ngành nghề khác nhau, thì điều đó lại không phù hợp với giới luật. Và dĩ nhiên là những vị đang dấn thân đó phải có một câu trả lời rằng chúng tôi cũng có giới, nhưng đây là giới của vị Bồ Tát gọi là Bồ Tát giới.
Chúng tôi chỉ lấy ví dụ rất cụ thể là trong ngũ minh của Phật giáo Đại Thừa, ngũ minh là một trong những tiêu biểu quan trọng điển hình của Phật giáo Đại Thừa, thì ở trong đó có y phương minh chẳng hạn, tức là làm thuốc, thì một vị tăng sĩ làm thuốc trong sự chữa bịnh cho người khác thì thật sự có nhiều bất tiện, như là thầy thuốc thì không thể bắt mạch, không thể có những đụng chạm, không thể không có những tiếp xúc và những tiếp xúc đụng chạm này đôi lúc hoàn toàn không thích hợp với đời sống xuất gia. Thì bấy giờ ở đây cái conflict (sự mâu thuẫn) rất lớn là một vị tăng sĩ đi làm thuốc như vậy thì vị tăng sĩ đó hoặc là tuân thủ giới luật thì không được làm thuốc, nhưng nếu mình có một cái hạnh để làm thuốc để cứu đời thì không thể làm theo giới luật mà Đức Phật định đặt ra cho một vị tăng sĩ được, thì bấy giờ phải có một solution (một giải pháp), solution đó là vị đó có thể không giữ trong sạch tỳ kheo giới nhưng vị đó có thể giữ Bồ Tát giới, và ở đây Bồ Tát giới như là một giải pháp kết quả, một giải pháp để cho những vị dấn thân đi vào trong cuộc đời này, và Bồ Tát giới đó có trong truyền thống Phật giáo Bắc Tông.
Nhưng bên Nam Tông ở trong trường hợp này một người có thể giữ ngũ giới và một người có thể tu bát quan trai giới, và chừng đó cũng đã quá nhiều cho một người cư sĩ. Còn bất cứ pháp môn gì khác mình muốn tu tập như thiền định, như là giúp cuộc đời. Mình giúp cuộc đời thì mình cứ giúp chứ không nhất thiết là mình phải đem cái chuyện cứu giúp cuộc đời trở thành một giới luật, là phải làm như vậy, mình phải dấn thân, phải phục vụ. Cái chữ "phải" đó dùng trong trường hợp không được sát sanh thì có thể được, nhưng mà phải bố thí, hay phải phục vụ, thì không được vì nó không phải là giới luật, giới luật không làm như vậy.
Chúng tôi giải thích hơi dài dòng một chút để qúi vị thấy rằng căn bản của tinh thần có khác nhau, và ở đây không phải là việc đúng hay sai, mà chúng ta phải nhìn lại ở trong bối cảnh lịch sử thì chúng ta sẽ thấy. Và qúi vị cũng dễ dàng thấy rằng Bồ Tát giới là giới luật duy nhất trong đạo Phật mà có thái độ chống đối cực kỳ với thinh văn thừa hay với tiểu thừa. Tại sao ở trong giới luật lại có sự chống đối kịch liệt với thanh văn thừa hay tiểu thừa như vậy? Là bởi vì nó lại bị ràng buột vào trong một bối cảnh lịch sử, và bối cảnh lịch sử đó đã làm một khủng khoảng rất lớn trong sự phân hoá Phật giáo, và sự khủng khoảng này đã để lại nhiều dấu ấn, và một trong những dấu ấn nổi bậc nhất đó là giới luật Bồ Tát giới nếu một người thọ Bồ Tát giới mà còn đến thân cận với những người tu thinh văn, nghe pháp hàng thinh văn, thì đó là điều có tội. Thì cái giới luật đó thật ra nó không thể là một giới luật ở trong tinh thần nguyên thủy của đạo Phật được, giới luật đó chỉ là một giới luật mang tánh cách bộ phái thôi. Chúng tôi xin tạm ngưng phần giải thích ở tại đây ./.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Minh Hạnh chuyển biên
Download cau hoi 172
Phap Am Lưu Trữ
|