|
Câu Hỏi 170: Kính thầy, có vài thầy vô danh và phật tử online bảo rằng họ không đi chùa, và vào nghe quý thầy giảng giải thường xuyên, nhưng họ ở nhà tự đọc sách tham khảo thêm và online vào room cùng vài người thào luận Phật Pháp, sau nầy họ cũng trở thành hòa thượng. Kính thầy cho con biết ý kiến.”
.
(Kinh Pháp Cú kệ ngôn 81 giảng ngày 1 tháng 6 năm 2003 )
TT Giác Đẳng: Trong đoạn sau của câu hỏi, có một số người có ý nghĩ trở thành hòa thượng thì thiết nghĩ chúng tôi không cần phải trả lời vì làm hòa thượng hay không làm hòa thượng, điều đó vốn không quan trọng gì trong cuộc tu của chúng ta, cho dù chúng ta là ai đi nữa thì chúng ta cũng là như vậy thôi, không thể khác hơn và cũng không thể từ chối lấy chính mình là ai, do đó việc đó không quan trọng.
Nhưng thái độ của người Phật tử đôi lúc vì ở trong chùa chúng ta không tìm thấy không khí phấn khởi hoặc giả trong sự tiếp xúc với quý thầy mình không tìm thấy niềm hạnh phúc. Chúng tôi đồng ý ở một số địa phương quý phật tử không tìm thấy quý thầy, hay các ngôi chùa mà quý phật tử thấy thật sự là không phù hợp với đời sống tu tập của mình, thậm chí đi đến đó mà bị phiền não thì đó là tùy ở quý vị. Nhưng bảo rằng tất cả những ngôi chùa và tất cả quý thầy đều không cần phải gặp, không cần phải đi đến, ở nhà tu thì chúng tôi nghĩ rằng ý nghĩ đó hơi quá đáng, không phải hơi mà quả thật là nông nỗi. Bởi vì ở trong sự tu tập của mình, mình rất cần tới cộng đồng, đó là vì sao Đức Phật nói đến giá trị của Sanghara, tức là Tăng Già, Tăng Chúng.
Nếu chúng ta tu tập mà có được những người thiện hữu trí thức, những vị thầy có thể làm tấm gương cho chúng ta, ít nhất là một người bạn để nhắc nhở cho chúng ta lúc quên mình thì điều đó có một giá trị vượt bực, một giá trị không thể chối cãi được. Và chúng tôi tin rằng những vị nào đó chọn đời sống tự tu tự học một mình mà không cần đến chùa chiền đến đạo bạn thì có lý do riêng của các vị, chúng tôi không muốn phê phán nhiều về điểm nầy, nhưng chúng tôi xin thưa là chúng tôi hoàn toàn không khuyến khích làm như vậy.
Người phật tử ngày hôm nay quên đi rằng có nhiều công việc cần đến sự hợp quần, cần đến bàn tay số đông. Có một vị thầy nói rằng đạo Phật đặt nặng ở tinh thần tự giác nhưng một khi chúng ta đã không tự giác được rồi thì chúng ta không có giá trị gì hết. Người phật tử rất lỏng lẻo trước nhiều vấn đề, trước thời đại, trước những biến cố quan trọng, trước trào lưu cuộc sống hầu như chúng ta luôn luôn bị đi ở phía sau, không có tầm nhìn đủ xa, đủ rộng để chúng ta có thể hướng về tương lai của mình, và do vậy chúng ta rất chậm chạp trong nhiều trường hợp.
Ở đây chúng tôi xin thưa rằng không phải người phật tử nào cũng như vậy, mà phải nói rằng có một số đặt nặng vấn đề như bàng quan tự thị, như một kẻ ở bên ngoài đứng nhìn nó ra sao cũng được, thái độ đó thật sự là một thái độ không lành mạnh, không tốt đẹp. Trong sự tu tập nầy, cho dù nói thế nào đi nữa thì chúng ta phải có cơ sở căn bản, cơ sở đó là mái chùa. Ở tại các quốc gia như Thái Lan, Miến Điện, một ngôi chùa là một trung tâm cộng đồng. Đối với một làng, ngôi chùa rất quan trọng, cái gì họ cũng đến chùa: ngày sanh con cũng đến chùa, ngày thôi nôi cũng đến chùa, ngày con mới lớn cũng đến chùa, con ra trường cũng đến chùa, chùa là trung tâm của tất cả mọi thứ, và vì vậy rất là khó khăn để ngoại đạo xâm nhập vào làm cho người phật tử cải đạo hay làm suy xiểm niềm tin của mình, tại vì họ gắn bó với chùa chiền, họ gần với chư tăng. Ở quốc gia nào mà người ta nặng về lý thuyết nhiều quá đồng thời chùa chiền chỉ mang một sắc thái đơn thuần, chỉ là nơi để cúng kiến khấn vái thôi, không phải là nơi để sinh hoạt cộng đồng, để đóng vai trò tích cực về văn hóa, về xã hội thì ở đó Phật Giáo suy giảm rất nhiều, phật tử bỏ đi rất nhiều.
Và điều rất nguy hiểm cho Phật Giáo Việt Nam là nhiều phật tử quan niệm ngôi chùa thuấn túy chỉ là nơi đến đó để lễ bái chư tăng thôi và không muốn ngôi chùa dự vào công trình văn hóa xã hội gì hết. Thật ra chúng tôi không nghĩ là tất cả ngôi chùa phải làm nơi cơ sở từ thiện xã hội, có những ngôi chùa nên là những thiền đường, là nơi tu tập thuần túy nhưng phần lớn ngôi chùa nên là nơi tụ hợp tất cả những phật tử, là nơi mầu mỡ phì nhiêu để nuôi dưỡng, để nuôi lớn văn hóa, xã hội. Ở một thời nào đó cực thịnh của Phật Giáo thì chùa chiền là trung tâm học thuật, chùa chiền là nơi đào tạo ra rất nhiều nhân tài cho đất nước và thái độ co cụm của chúng ta càng lúc càng tệ hại, càng làm xa rời quần chúng. Lấy một ví dụ là bây giờ những người cư sĩ trí thức phật tử rất nhiều, nhưng không ai dùng được họ hết. Tại sao vậy? vì Phật Giáo không có cơ sở, ví dụ như nếu Phật Giáo có trường đại học, chúng ta có thể mời những vị giáo sư là những phật tử vào thăm viếng. Có một số lớn không nhỏ những người ca sĩ, nghệ sĩ, nhạc sĩ là phật tử, nhưng họ cảm thấy rất lạc lõng khi sinh họat với cộng đồng Phật Giáo. Họ cảm thấy họ không được sự ủng hộ khuyến khích, nhưng ngược lại khi họ đến sinh hoạt trong giới văn nghệ thì họ lại được những tôn giáo khác khuyến khích, tạo nhiều điều kiện cho họ (ở đây chúng tôi nói về sinh hoạt văn nghệ ở hải ngoại). Chúng ta không có được tầm nhìn ở sự lãnh đạo đủ mạnh đủ lớn để có thể tạo ra mảnh đất dụng võ cho những người trí thức phật tử, lâu ngày chúng ta bị mất đi một bộ phận vô cùng quan trọng.
Tinh thần tu tập thời Pháp thuộc, vì người Pháp không muốn cho Phật Giáo dấn thân, không muốn cho Phật Giáo đóng một vai trò quan trọng trong xã hội do vậy họ đã tuyên truyền một điều là Phật Giáo không nên làm chính trị và người ta càng lúc càng đẩy Phật Giáo vào trong thâm sơn cùng cốc, đẩy Phật Giáo đi vào một thế giới hư ảo, nằm ngoài nhân gian. Đây là điều chúng ta phải coi chừng. Đạo là sống giữa trong lòng cuộc đời nầy. Chúng tôi xin nhắc lại là chúng tôi hoàn toàn tán thành bất cứ những nỗ lực nào để xây dựng những cơ sở tu tập, nhưng vị nào tu thì cứ tu, bên cạnh đó, phần lớn các ngôi chùa nên cố gắng tạo điều kiện để cho những sinh hoạt văn hóa, xã hội được phát triển. Và chúng ta hoàn toản không nên quay mặt với cuộc đời tại vì sự dấn thân đó giúp cho chúng ta rất nhiều. Lý tưởng tu tập thuần giải thoát thật sự rất thích hợp với căn cơ và một số tuổi tác nào đó, nhưng phần đông với những thanh niên còn nhiều nhiệt huyết, với những người mới vào đạo thì tinh thần phục vụ và nếu có cơ sở để phục vụ để làm việc thì ở đó rất dễ tăng trưởng nội tâm, ở đó sẽ cho chúng ta nhiều chất liệu quan trọng. Những vị nào vào trong chùa tu tập làm giới tử thì không quý cuộc tu bằng những người vào chùa làm công quả lâu, họ sẽ nắm được giá trị của cuộc tu.
Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng thái độ của chúng ta là những người phật tử cho rằng mình tu tập là chỉ ở nhà thôi, ở nhà đọc kinh là đủ, không cần tiếp xúc, không cần tiếp cận với chư tăng phật tử để học hỏi thì đó là một điều tai hại. Tại vì chúng ta đừng quên rằng trong đạo Phật, Đức Phật đã dùng đến rất nhiều chữ để nói lên sự hợp quần của những đứa con của Ngài, Ngài dùng chữ tăng chúng, hay là dùng chữ tứ chúng (tỳ kheo, tỳ kheo ni, thiện nam, tín nữ), việc đó có một giá trị như chúng ta trong một gia đình quần tụ để lo cho nhau. Thật ra ở đây chúng tôi phải nói một cách rất dè dặt là Phật tử có một số vị nào đó đi chùa mà cảm thấy phiền não, ở gần một người nào đó mà phiền não sanh khởi thì Đức Phật cũng có dạy là nếu chúng ta thân cận một người nào mà ở nơi đó phiền não sanh khởi thì chúng ta nên tránh xa người đó và ta nên tìm một nơi khác. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là chúng ta nên lánh xa, nên bỏ tất cả, bởi vì ở trong cuộc đời nầy có cái tốt, có cái xấu, có những nguời thiện trí, có những người không thiện trí, và không có lý do gì mà chúng ta quay lưng lại với tất cả như vậy.
Thái độ nhập cuộc là một thái độ rất quan trọng. Chúng tôi đi các nơi thấy có một điều hết sức là mỉa mai, có những lần chúng tôi đi về những ngôi làng rất hẻo lánh của vùng đông bắc Thái Lan, chúng tôi thấy dân trong ngôi làng đó trình độ học vấn của họ rất thấp vì họ ở miền quê nhưng có một điều rõ ràng là từ một người lớn đến một em bé năm, ba tuổi thì họ rất thuần thành. Họ thuần thành đến nỗi mà chúng tôi rất ngạc nhiên và chúng tôi nghĩ rằng nếu mình bỏ công sức làm một cuộc giáo dục toàn diện như vậy từ thành thị đến thôn quê không tốn bao nhiêu tiền. Nhưng sống lâu một thời gian thì chúng tôi thấy rằng họ quan niệm ngôi chùa của họ rộng rãi hơn chúng ta. Chúng tôi nhớ hồi ở Việt Nam chúng tôi lớn lên ở ngôi chùa Nam Tông, Tết thì không có tổ chức gì nhiều. Ở trong chùa không có ăn tết, và cái gì có liên quan đến ngày tết thì cấm kỵ ở trong chùa. Khi chúng tôi sang đây thì có những buổi sinh họat văn nghệ, dĩ nhiên là buổi lễ riêng còn sinh hoạt văn nghệ riêng, người ta cũng chỉ trích. Nhưng chúng tôi về vùng đông bắc Thái Lan và sống hai năm ở đó thì chúng tôi thấy rằng chùa là nơi mà người ta gửi gắm tất cả chân tình. Chúng tôi kể chuyện nầy chắc quý vị sẽ không tin là ngày tết có khi họ mướn những gánh hát về hát trong các sala ở các ngôi chùa, và sinh con thì họ cũng đến chùa, ngày cưới họ cũng đến chùa, ngày con ra trường cũng đến chùa. Chúng ta có mặc cảm với chùa đến nỗi mà nhiều phật tử chỉ trích thẳng thắn rằng tại sao đám cưới lại phải đem vào chùa, khi nào đám ma mới đem vào chùa thôi. Ở Ấn Độ ngày xưa trong chùa không làm đám cưới mà cũng không làm đám ma, lâu ngày Phật Giáo đã biến dạng, trở thành một cái gì rất là lạ lùng. Quý vị có thể tưởng tượng rằng ở tại Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan bây giờ những người phật tử khi làm lễ cưới thì họ vào trong nhà thờ, chết thì họ mới vào trong chùa, mặc dù họ là phật tử, vì trong chùa không có chuẩn bị nơi nào để làm lễ cưới cho những người phật tử. Thật ra nhà sư không phải là người tác hợp hôn sự , không phải là người đứng ra để cho nam và nữ cưới nhau, nhưng nhà sư có thể đóng vai trò của những vị tăng chúc lành, phật tử có thể tổ chức hôn lễ ở trong ngôi chùa, đó là một việc hoàn toàn hợp đạo. Chúng tôi đến các quốc gia Phật Giáo cũng thấy như vậy. Nhưng thái độ bảo thủ của chúng ta là một thái độ rất tai hại. Chúng ta sinh hoạt rất co cụm, không mở rộng ra, và phải nói rằng cuộc sống của quần chúng càng gắn bó với đạo, gắn bó với mái chùa thì lúc đó họ mới gần chùa và mới là một phần của ngôi chùa được.
Thỉnh thoảng có một vài phật tử vào chùa ở, vì những người nầy ở nhà lâu ngày, họ muốn tìm một không khí mới nên họ vào chùa. Khi họ vào trong chùa ở thì những người phật tử khác lại chỉ trích, nói rằng cơm mà họ cúng vào trong chùa là cúng cho chư tăng chứ không phải cho phật tử. Cơm mà họ cúng vào trong chùa là của đàn na tín thí mà những người cư sĩ vào trong chùa ăn là có tội và vì vậy không ai dám vào trong chùa để mà sống. Chúng tôi đã từng thấy những người bác sĩ, kỹ sư, họ sống trong các ngôi chùa ở Bangkok, chư tăng ở trên còn họ thì ở dưới, họ giăng mùng ở dưới cốc của chư tăng để họ ở và đi học. Hàng ngày chư tăng đi khất thực về có dư đồ ăn thì cho họ ăn, họ sống trong chùa dưới cốc chư tăng như vậy, khi họ thành tài thì họ cũng là phật tử, họ trở lại lo cho đạo. Ở tất cả các trường thiền khác chúng tôi đi, khi khách bước vào, cơm có nhiều thì họ chia cho mọi người cùng ăn nhiều, có ít thì mọi người ăn ít, chứ không có đặt vấn đề người mới người cũ người ở trong người ở ngoài. Chính sự bao dung đó mới tạo được một không khí mà tất cả những người con Phật đều thấy như mình ở trong một ngôi nhà, nếu phật tử vào trong chùa mà chúng ta chỉ trích thì không ai vào trong chùa được, vì vậy chúng ta đánh mất rất nhiều lợi lạc.
Chúng tôi thưa rằng Phật Giáo Việt Nam có rất nhiều vấn đề, chúng ta phải thay đổi quan niệm và quan niệm một cách sáng sủa hơn để ngôi chùa được đóng vai trò xứng đáng của thời cực thịnh của Phật Giáo. Chúng ta phải có thái độ làm sao để con của chúng ta gần với chùa, không làm mặt lạ với chùa. Chúng tôi nhớ cách đây bốn năm có một buổi sáng sớm chúng tôi nhận được một cú điện thoại của một phật tử. Người đó vừa gọi cho chúng tôi vừa khóc trên điện thoại nói rằng con của họ đã thương một người theo đạo công giáo, và bây giờ quyết định là đi rửa tội, không còn là phật tử nữa và vị phật tử nầy đã khóc suốt 15 phút như vậy. Chúng tôi an ủi và chúng tôi cũng có một vài đề nghị nhưng chúng tôi cũng phải nhận một điều rằng trong suốt thời gian mả chúng tôi quen phật tử đó, hơn mười năm đi chùa thì hiếm khi chúng tôi thấy phật tử đó dẫn con đi chùa, hiếm khi chúng tôi thấy phật tử đó có một thái độ tích cực ở trong việc hướng dẫn Phật Pháp cho con của mình và bây giờ con của mình bỏ đi thì không trách chi con của mình không hiểu đạo, không thấy giá trị của đạo. Chúng ta thường chua xót nghe nói người phật tử nầy bỏ đạo, người kia bỏ đạo nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng những người phật tử chung quanh mình, những người phật tử đang sinh hoạt với mình, chúng ta đang làm cái gì để giữ niềm tin của họ.
Ngay cả trong chương trình Paltalk nầy, thưa Quý vị, chúng tôi cũng đã có rất nhiều trường hợp quý phật tử làm việc ở trong paltalk, công quả ở trong paltalk, có khi chúng ta không đùm bọc lẫn nhau. Thật ra chúng ta phải quý trọng lẫn nhau. Để làm gì? Để vừa có nhau trong con đường tu tập và quý trọng niềm tin của người khác. Và vì vậy nhân câu hỏi của một phật tử nào vừa hỏi về việc những người phật tử có nên ở nhà để tu tập hay không, thì chúng tôi nói là chúng ta nên thay đổi quan niệm một cách toàn diện là chúng ta nên tích cực đi chùa. Dù chúng ta có thích hay không thích ngôi chùa địa phương đi nữa thì chúng ta cũng ráng đi chùa, có nhiều khi đi chùa chỉ cần lễ Phật cũng nên đi chùa. Nếu lâu ngày chúng ta không đi chùa thì sự xa mặt cách lòng là chuyện rất là đương nhiên và lúc đó Phật tử đi chùa là tùy vào cái vui cái buồn của mình, hễ vui thì đến buồn thì đi, như con chuồn chuồn khi vui nó đậu khi buồn nó bay, thái độ đó thật sự không phải là thái độ tốt. Chúng ta nên đặt lại vấn đề và chúng tôi rất mong mỏi rằng quý phật tử nên cố gắng suy nghĩ vể thiện cảm của Phật Giáo Việt Nam hôm nay, làm một cái gì khác hơn để cải thiện điều nầy.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Tiểu Tiên Nữ, ái nữ của Như Trúc chuyển biên
Download cau hoi 170
Phap Am Lưu Trữ
|