Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 161: Tại sao nhiều người làm ác mà họ sống phây phây, còn nhiều người hiền lành làm phước, làm nghĩa mà gặp nạn? Như vậy luật nhân quả bất công sao?

. (Kinh Pháp Cú kệ ngôn 85 - 86 ngày 1 tháng 6 năm 2003 tại rơom Diệu Pháp )

TT Giác Đẳng : Sở dĩ chúng ta thấy có người làm phước mà hoạn nạn, thấy người làm ác mà sống một cách thoải mái, vì nó trái ngược với quan niệm của chúng ta nên chúng ta chú ý nhiều hơn, nhưng thật sự cũng có rất nhiều người làm phước họ sống đời sống rất an lạc và cũng có rất nhiều người làm ác mà họ gặp nhiều tai ương. Trường hợp nào cũng có hết.

Trường hợp đó có là bởi vì ở trong cái nghiệp có cái quả gọi là dị thục, nói cho đúng là dị thời di thục, là khác thời mà chín, nhân quả giống như trái cây vậy, không phải trổ trái ra là chín liền mà khi ra trái rồi cũng cần có thời gian để chín, gọi là dị thời di thục. Nghiệp mà có sự khác biệt thời gian giữa nhân và quả là chuyện bình thường, tức khi mình làm thiện làm ác thì ngay trong quá trình làm, nó đã có cái vui cái khổ của nó rồi nhưng nhân quả thường thường là mất thời gian và nó bị thời gian chi phối, cho dù đó là hiện báo nghiệp, tức là nghiệp trả trong đời nầy, hay là sanh báo nghiệp tức là nghiệp trả trong đời kế tiếp, hoặc giả là hậu báo nghiệp là trả trong đời sau nữa, thì nó cũng mất thời gian.

Khi ác nghiệp chưa chin muồi
Người ác không thấy là ác
Khi ác nghiệp chin muồi rồi
Thì người ác mới thấy là ác
Khi thiện nghiệp chưa chin muồi
Người thiện chưa thấy là thiện
Khi thiện nghiệp chin muồi
Người thiện mới thấy là thiện

Đây là một câu kinh khác trong pháp cú mà chúng ta sẽ bàn đến về sau nầy. Câu trả lời ở đây cho cô Hoa Lan, đó là nhân quả nó mất thời gian. Có những người đời trước họ tạo những túc nghiệp tốt, đời nầy họ sanh ra giàu có nhưng ở bên cạnh sự giàu có đó thì họ lại không tạo ra nghiệp mới, nói theo bà Visakha là những người đó đang ăn đồ ăn cũ, tức là đang hưởng những gì mình để lại trong kiếp trước, do vậy kiếp nầy mình thấy họ rất là tốt, rất là hạnh phúc. Đó là con người phần đông của chúng ta, khi chúng ta có hạnh phúc rồi thì ít khi chúng ta làm phước. Chúng ta rất tự thị về cái giàu có, cái đẹp đẽ, hạnh phúc của mình do vậy chúng ta hay xa rời chánh pháp, nên chi những người làm ác, những người tạo nghiệp bất thiện họ cũng sẽ gặt quả của họ, có những ngừơi gặt quả trong kiếp nầy và vì chúng ta thấy nó bình thường quá nên chúng ta không để ý. Ví dụ như những nhà độc tài như Saddam Hussein chẳng hạn, đời sống gia đình bị tan nát, sự nghiệp bị tiêu tan vì những cuộc chiến mà ông gây ra, cuối cùng tạo ra chung cuộc như vậy. Chúng ta không để ý đến chuyện đó vì chúng ta cho rằng đó chỉ là chuyện bình thường thôi và mắt của chúng ta thường nhìn về những gì khác lạ nhiều hơn.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Như Trúc chuyển biên
Download cau hoi 161

Phap Am Lưu Trữ