Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 157: Làm thế nào để mình có thể có được một buổi thiền định một cách tốt đẹp và gặt hái được nhiều kết quả tốt, trong khi hành thiền định như vậy thì cách nào để tâm trí không bị quá lo lắng về xác thân

. (Kinh Pháp Cú kệ ngôn 85 - 86 ngày 1 tháng 6 năm 2003 tại rơom Diệu Pháp )

TT Giác Đẳng : Câu hỏi của cô Dhammakami không phải là một câu hỏi về lý thuyết, đây là một câu hỏi mang tính cách chuyên môn về thực hành. Phải nói rằng với tất cả những vị nào thiền tập thì vấn đề đặt ra trong câu hỏi nầy là một vấn đề mà chúng ta thường phải đương đầu. Một trong những vấn đề mà chúng ta phải đối diện nhiều nhất khi chúng ta hành thiền đó là vấn đề hôn trầm, buồn ngủ. Khi chúng ta mới bắt đầu hành thiền chúng ta nghĩ đau nhức của cơ thể là trở ngại lớn, nhưng sau một thời gian hành thiền quen rồi thì chúng ta thấy rằng sự đau nhức không chi phối mình nhiều bằng điều mà chúng ta gọi là hôn trầm thụy miên, tức là buồn ngủ. Bởi vì trong các khóa thiền thì chúng ta ngủ ít hơn thường khi một chút, và do ngủ ít hơn, đặc biệt là khi ngồi thiền không có những việc gì khác để làm như vào internet hay đọc sách, chỉ có sự im lặng tịch mịch thì sự buồn ngủ sẽ chi phối chúng ta rất nhiều.

Nói như vậy để thấy rằng có rất nhiều vấn đề của thể xác nầy cái bản thân của chúng ta. Khi chúng ta ngồi thiền không đơn giản như chúng ta thường nghĩ để chúng ta xử trí với nó. Trong phương pháp thiền Vipassana thái độ trước nhất cần thiết của một vị thiền sinh là một thái độ hiểu biết, là chúng ta ghi nhận rằng những hiện tượng như đau nhức, buồn ngủ, uể oải, dã dượi là một điều tự nhiên, nó tự nhiên đến nỗi chúng ta không nhất thiết phải lo lắng, phải vật vã với nó, tự nhiên đến nỗi mà chúng ta không phải hốt hoảng hay chúng ta phải có thái độ mạnh mẽ với nó.

Tương tự như có ai đó gửi quý vị chăm sóc em của họ hay con của họ nhưng nói trước cho quý vị biết rằng phải cẩn thận vì thằng bé nầy hơi phá một chút. Khi chúng ta biết như vậy, gặp đứa bé có tinh nghịch thì chúng ta cũng có chuẩn bị tâm lý để phản ứng với nó. Sự hiểu biết nầy giúp cho chúng ta có một thái độ tỉnh táo hơn, bình tĩnh hơn khi chúng ta phải đối diện.

Một trong những điều quan trọng kế tiếp mà chúng ta phải có là chúng ta không nên vật lộn với chính mình, không nên giằng co với chính mình, tại vì sự giằng co đó tạo ra sự căng thẳng. Một người đang ngồi thiền mà cảm thấy rằng mình không tập trung được tinh thần, cảm thấy cơ thể của mình nhức nhối, cảm thấy nó bị tê và thông thường chúng ta rất dể phản ứng, có khi chưa tệ lắm nhưng chúng ta vẫn phản ứng.

Mỗi người có kinh nghiệm riêng để xử trí việc nầy, nhưng bản thân của chúng tôi lại có kinh nghiệm mà không biết rằng quý phật tử có dùng được hay không. Tuy vậy chúng tôi cũng nói ra ở tại đây là những lúc bình thường mà chúng ta ngồi thiền thì cái nhức mỏi của chân tay khiến cho chúng ta không có hoan hỷ để tiếp tục ngồi. Những lúc chúng ta bị căng thẳng, những lúc bản thân chúng tôi có việc để lo lắng hay có những việc bị chi phối thì chúng tôi nghĩ rằng lúc đó tốt nhất là ngồi xuống và ngồi ở trong thế kiết già. Tại vì sao? Vì ngay trong giờ phút mà mình ngồi kiết già đó có lẽ sự chi phối của những việc khác khiến cho chúng ta không thấy những cái nhức mỏi, tê nhức của thân, nó quá nhiều để chi phối chúng ta nên chi những lúc đó chúng ta có thể ngồi rất lâu. Và trong lúc chúng ta hoan hỷ, trong lúc chúng ta khỏe mạnh cũng tương tự như vậy, chúng ta cố gắng thường xuyên tập ngồi. Hoặc giả là những lúc quý vị đi nghe pháp, nếu như quý vị biết rằng trong tháng tới mình sẽ đi dự một khóa thiền, thì bây giờ những lúc chúng ta rỗi rảnh có thể đến chùa nghe pháp hay là thậm chí trong nhà quý vị xem tivi cũng được, cố gắng thay vì ngồi ở trên ghế thì chúng ta tập ngồi thiền. Cái ngồi đó sẽ làm cho chúng ta quen đi, ở đây chúng tôi không phải nói là quý vị vừa xem tivi vừa ngồi thiền, chỉ có cái là quý vị ngồi thẳng lưng và ngồi kiết già, trong lúc quý vị nói chuyện cũng vậy, trong lúc quý vị nghe pháp thì cũng vậy, như là bây giờ nếu quý vị ngồi trên ghế thì thôi, còn nếu không ngồi trên ghế ngồi trên nền nhà thì cũng nên ngồi kiết già cho nó quen từ từ, nó quen dần.

Mình hiểu rằng cơ thể của chúng ta cũng giống như tâm của chúng ta, làm một việc gì đó mà nó không có quen thì mình phải chuẩn bị cho nó. Chuẩn bị như những lần mà chúng tôi đi xa qua Âu Châu hay Á Châu, trước đó mấy ngày thì mình phải thức đêm nhiều hơn, thức khuya hơn, có một số cách để chúng ta giảm bớt sự chi phối bởi sái giờ, bởi múi giờ khác. Sự chuẩn bị nầy giúp cho chúng ta rất nhiều, đặc biệt là với một hành giả ngồi thiền.

Chúng tôi đã nói đến một thái độ có hiểu biết, có chuẩn bị. Chúng tôi đã nói về cái gọi là làm thế nào để chuẩn bị. Và khi vào hành thiền Vipassana thì khác với những môn thiền khác. Tất cả đều là đối tượng để mình quan sát. Tương tự như một người gác cổng, ai đi ra đi vào thì người gác cổng nhận là có người đi ra đi vào nhưng người nầy hoàn toàn không đòi hỏi những người đi ra đi vào phải mặc đồ đẹp, phải mặc đồ xấu, người thế nầy người thế kia, chỉ là ghi nhận thôi. Phản ứng phần lớn của một người ngồi thiền là họ chỉ để tâm đến những gì mà họ cảm thấy trong ý nghĩ riêng của họ là cái đó nên có, phải có, còn nếu cái gì mà không nên có, cái gì đi ngược lại ý nghĩ của họ thì họ chống trả một cách kịch liệt. Ví dụ quý phật tử khi ngồi thiền mà thấy tâm bị chi phối, bị phóng túng, bị phan duyên theo trần cảnh thì ngay lúc đó chúng ta có một thái độ nổi giận, chúng ta muốn chống đối lại cái mà chúng ta gọi là phiền não, cái mà gọi là phóng tâm. Và cái thái độ chống trả mãnh liệt như vậy chỉ tạo căng thẳng với chúng ta mà thôi. Quý vị không thể dạy một đứa nhỏ bằng cách sách roi rượt đứa nhỏ chạy vòng trong nhà để đánh nó, hay là nộ nạt nó mà đôi lúc phải cho nó phần thưởng, đôi lúc phải đối xử với nó một cách rất ôn hòa thì mới có thể thay đổi được nó. Tương tự, một trong những lỗi của phần đông chúng ta khi hành thiền là chúng ta rất dễ đi vào chuyện giằng co với chính mình mà trong sự giằng co nầy thông thường tạo ra những áp lực tinh thần rất lớn và không cần thiết, đặc biệt là với thân của chúng ta.

Dĩ nhiên có một số các yếu tố khác chúng ta nên để ý là trong lúc chúng ta đi hành thiền nếu được thì nên mặc đồ rộng rãi hơn bình thường một chút, đừng mặc đồ bó sát quá tại vì mặc đồ bó sát thân của chúng ta nhiều thì không được thư thái. Hơn nữa những đồ mặc bằng vải cotton sẽ tốt cho một số thời tiết nào đó vì đó là một loại sợi thiên nhiên hơn những đồ mặc bằng sợi tổng hợp. Cũng có một số các lý do khác, yếu tố khác mà phải để ý, ví dụ như sau giờ ăn thì nên đi kinh hành, thay vì ăn xong rồi ngồi thiền liền và ăn thì không nên ăn quá no, ăn ở một mức độ vừa chừng nào đó, còn khoảng độ một phần nữa là no thì nên ngưng.

Chúng ta cũng có một số bí quyết để giảm bớt sự chi phối của cơ thể, nhưng điều nầy phải tùy vào bản thân của mỗi người, chúng tôi không thể đề cập hết ở đây được, ví dụ như có một số người thì vitamin C có thể giúp cho quý vị rất là nhiều, vitamin C đặc biệt ở một số người cho khả năng chịu đựng dẻo dai hơn. Chúng ta biết là có một số người trong các khóa thiền khi họ uống vitamin C đều đặn thì họ cảm thấy rằng đỡ bị đau nhức, đỡ bị mệt mỏi. Và tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe, có một số chuẩn bị cần thiết.

Cho dù mình có chuẩn bị gì đi nữa thì chúng tôi xin được nhắc lại ở tại đây rằng không nên đặt vần đề một cách quá trầm trọng, đến nỗi chúng ta phải có một phản ứng mạnh mẽ với những hiện tượng được và không được, những hiện tượng thuận và nghịch đến từ cơ thể, những phản ứng dằn co quá đáng hay sự thích thú quá đáng có thể làm cho chúng ta đi lệch hướng, sự vừa phải giúp ích cho chúng ta nhiều hơn. Dĩ nhiên là chúng tôi không thể ngồi xuống ở đây để trình bày tất cả liên quan đến việc tập thiền, hy vọng rằng trong câu hỏi của cô Dhammakami, được biết rằng tuần tới thì cô sẽ đi hành thiền chắc chắn rằng câu hỏi nầy khi được đưa ra truớc vị thiền sư, vị thiền sư cũng sẽ có những lời dạy hết sức thiết thực và quý báu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Như Trúc chuyển biên

Download cau hoi 157

Phap Am Lưu Trữ