|
Câu Hỏi 156: Với chúng con là những Phật tử đã từng quy y và thọ năm giới thì trong đó có giới không nói dối. Xin giảng thêm về giới nầy cho chúng con.
.
(Kinh Pháp Cú kệ ngôn 81 ngày 1 tháng 6 năm 2003 tại rơom Diệu Pháp )
TT Giác Đẳng :
Giới nói dối là giới thứ tư trong ngũ giới (sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu). Đây là một giới rất dễ phạm phải trong đời sống của chúng ta, một trong những lý do mà chúng ta phạm phải là vì chúng ta muốn bảo vệ lấy chính mình, nhất là vấn đề xã giao, có đôi khi trong trường hợp nào đó mà mình thấy ngại khi phải từ chối, mình dùng lý do nầy lý do khác để viện dẫn. Chúng tôi nghĩ rằng đây cũng là một đề tài tu tập rất là lớn.
Có một lần chúng tôi nói chuyện với một vị tăng ở Úc, thì vị nầy có chia sẻ với chúng tôi một kinh nghiệm là có một số người hỏi rằng tại sao Ngài Ajahn Cha là một vị thiền sư mà Ngài lại chú trọng vào giới luật của đời sống trong tu viện, thì vị tăng nầy nói rằng trong suốt thời gian dài tám năm sống với Ngài Ajahn Chaa thì Ngài Ajahn Chaa nói một điều rất quan trọng là giữ giới cần phải chánh niệm nữa, tức là người có chánh niệm thì mới có thể giữ giới được. Do vậy Ngài thấy có lý khi Ngài Ajahn Chaa đem chuyện giữ giới vào trong chánh niệm, hai cái ghép lại với nhau. Ở trong nhiều trường thiền thì người ta chỉ chú trọng cho thiền sinh bằng cách hướng dẫn thiền sinh hành thiền trong đề mục hơi thở mà thôi nhưng với Ngài Ajahan Chaa trong sự huấn luyện của Ngài, lấy ví dụ như quý vị mới vào trong chùa thì ở trường thiền người ta cho quý vị mặc áo trắng, trắng ở đây không phải là trắng thường mà phải nói là trắng tinh. Khi họ phát những bộ đồ trắng nầy cho chúng ta mặc, hai bộ để thay đổi và làm sao để giữ cho sạch bộ đồ trắng cũng là một công phu, một việc đòi hỏi chánh niệm. Bởi vì chúng tôi thấy có rất nhiều người nhận bộ đồ trắng mới hai ba ngày thì đã lem luốc, chúng ta phải để ý chỗ ngồi, phải sinh hoạt như thế nào, và chỉ riêng những bộ đồ trắng đã đòi hỏi chánh niệm như vậy rồi thì đừng nói chi là giữ giới.
Trong trường hợp giới nói dối ở đây nếu chúng ta có chánh niệm thì chúng ta tránh được nhiều trường hợp. Phải nói rằng thường chúng ta nói dối là vì tiện lợi, nó tiện cho chúng ta, nếu chúng ta cố gắng thì sẽ tránh được rất nhiều điều mà không cần phải nói.
Thí dụ như trễ hẹn, trễ hẹn là một việc rất dễ đưa chúng ta đến việc nói dối, nếu chúng ta phát nguyện là cố gắng để không nói dối thì chúng ta cố gắng để chúng ta làm đúng hẹn.
Một thí dụ khác là thái độ thẳng thắn, chúng ta ít khi nào dám thẳng thắn, nhưng chúng ta quên rằng một lời nói không chân thật sẽ tệ hại hơn là một lời nói thẳng thắn. Chẳng hạn như một người nào đó mời chúng ta làm việc gì, chúng ta không làm được thì chúng ta nói thẳng ra rằng xin lỗi, chúng tôi không làm được.
Có một việc nên nhắc lại là Phật tử chúng ta ít để ý như vấn đề sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu là chúng ta quan niệm theo cái nhìn thường thức, chúng ta không hiểu rõ thế nào là sát sanh, thế nào là nói dối.
Một hành động gọi là sát sanh trong đạo Phật thì trước nhất phải hội đủ năm chi mới gọi là phạm giới sát sanh:
Thứ nhất là đối tượng đó là một con vật có thức tánh. Ở đời nầy có động vật và thực vật, bây giờ có một số người hô hào rằng cây cỏ cũng có thức tánh nữa, bởi vì cây cỏ cũng biết nghe nhạc, biết thế nầy thế khác, chúng tôi hoàn toàn không có ý kiến, chúng tôi nghĩ rằng những loài thực vật có một số các âm ba, vi ba ảnh hưởng nhưng chúng tôi chưa thấy cơ sở nào vững mạnh để chứng tò rằng thực vật có thức tánh. Tuy vậy mình biết rằng có rất nhiều chúng sanh ở trong cuộc đời nầy có thức tánh, có sự sống, nhỏ như là con tôm con tép, lớn như là cọp, beo, người ta. v.v….
Thứ hai là chúng ta biết con vật đó có thức tánh, có nghĩa là chúng ta có đầy đủ ý thức rằng đó là con vật có thức tánh, nó đang sống. Có những vị đi ra ngoài bãi biển nhìn thấy con san hô, san hô đến hôm nay thì chúng ta cũng không biết là san hô có thức tánh hay không có thức tánh, san hô là một thực vật hay là một động vật, rõ ràng rằng thề giới ở dưới biển thì có vô số các sự sống và chúng ta không ý thức được là nó có thức tánh hay không, và nếu chúng ta không biết nó có thức tánh, lỡ chúng ta cầm chơi làm bể nát nó đi thì chuyện đó cũng chưa gọi là phạm giới.
Quan trọng hơn nữa là trong chi thứ ba là có ý, có chủ tâm để giết, tức là chủ tâm đoạt mạng.
Nhưng chủ tâm đoạt mạng đó vẫn chưa đủ, tức là ý muốn chưa đủ, phải có ráng sức giết tức là phải có ra sức, phải có cố gắng để giết và sau cùng là con vật đã chết vì sự ráng sức, sự cố ý đó.
Năm điều nầy hợp lại thì mới gọi là phạm giới sát sanh. Bởi vì ít có Phật tử Việt Nam được hướng dẫn về chữ giới như thế nào nên chúng ta thường quan niệm việc nầy rất hời hợt. Cái gì cũng sát sanh được hết, thí dụ như quý vị đi chỗ nào đó, quý vị thấy con cá chết, quý vị mua về ăn thì người ta cũng gọi đó là sát sanh. Cái đó không phải là sát sanh, cho dù quý vị có quan niệm nào đi nữa thì hành động đó cũng không gọi là sát sanh bởi vì như chúng tôi nói sát sanh là con vật có thức tánh, mình biết con vật có thức tánh, mình có ý giết, mình ráng sức giết và con vật đã chết vì hành động ráng sức đó.
Thì trường hợp nói dối cũng vậy. Nói dối là chuyện tế nhị, chúng ta cố gắng để gạt người khác, chúng ta ráng sức để lường gạt người khác và người khác đã tin những gì chúng ta gạt. Như vậy mới gọi là giới nói dối.
Cũng như vậy giới tà dâm là một giới khó bàn ngày hôm nay. Trong kinh đề cập rằng giới tà dâm phải hội đủ năm chi: Đối tượng đó là người không thể có quan hệ xác thịt được, tức là người có chủ giữ gìn, người đó là người có sự gìn giữ của cha của mẹ, của người hôn phối của mình. Nói tới cha mẹ chúng ta muốn nói tới tuổi vị thành niên, bây giờ ở bên đây một người trên 18 tuổi họ ra ngoài đi học đại học, sống trong ký túc xá, giữa sinh viên với nhau họ có quan hệ nam nữ với nhau thì quan hệ đó không gọi là quan hệ tà dâm được, vì sao? Vì văn hóa xứ sở nầy họ đã trưởng thành, và chuyện đó không phải là chuyện vi phạm sai trái với luật lệ thì không thể hiểu như của chúng ta được. Ở bên đạo Công Giáo La Mã họ có quan niêm là những quan hệ nam nữ trước hôn nhân là tà dâm, quan niêm đó không đúng trong tinh thần của giới tà dâm ở tại đây.
Có vô số vấn đề liên quan đến giới chúng ta sẽ bàn rõ ở trong một đề tài khác, hôm nay chúng ta không có thì giờ. Tuy nhiên chúng ta phải hết sức cẩn thận là bởi vì khi chúng ta nói đến sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu thì chúng ta chỉ hiểu trên phương diện văn tự thôi. Luật lệ không giống với suy nghĩ thường thức của chúng ta, luật lệ có nhiều cái rất lạ, hồi nãy chúng tôi nói với quý vị là một người giữ giới không có nói dối ví dụ họ đã nói ra một lời, và lời đó làm cho người khác không tin cho dù họ đã nói dối mà người khác không tin thì giới của họ chỉ mới bị nhơ bẩn thôi, giới bị bất tịnh chứ chưa gọi là đứt giới, đến khi nào người ta tin vào điều đó thì mới đứt giới. Hay nói một cách khác là nếu một người đả thương một chúng sanh khác, chúng sanh khác chưa chết thì họ chưa phạm giới sát sanh, chỉ mới làm cho giới của họ nhơ bẩn. Vấn đề của chúng ta là chúng ta pha lẫn quan niệm giữa kinh và luật, quan niệm của kinh hoàn toàn khác với luật, nhưng nói đến luật thì cái li chi của luật được giải thích một cách khác, không giống như quan niệm của chúng ta, như về giới sát sanh thì chúng ta chỉ nghĩ là đoạt mạng thôi, quan niệm về đoạt mạng chúng ta dựa trên giáo lý về nghiệp báo chúng ta nói như vậy nhưng trên phương diện giới luật thì một hành động gọi là sát sanh phải hội đủ năm chi phần và khi năm chi phần đó được thấy biết đầy đủ thì mói gọi là giới sát sanh được, họ nói kỹ như vậy, dạy rất là kỹ.
Chúng tôi nói đỉểm nầy hơi nhiều vì thỉnh thoảng chúng ta dùng quan niệm của kinh tạng để giải thích qua một chuyện khác, khi ở trong phạm vi nào thì chúng ta sẽ giải thích ở trong phạm vi đó. Bây giờ chúng tôi trở lại giới nói dối để kết thúc câu trả lời nầy thì chúng tôi xin nhắc lại lời nói của Ngài Chakkaro là chúng ta phải cố gắng để thắp sáng quan niệm rằng giữ giới nói dối cần đến chánh niệm của chúng ta. Thông thường chúng ta có thói quen là chúng ta nói trớ đi, nói tránh đi, thì có nhiều trường hợp quý phật tử chỉ tránh né đi thì ở một phương diện nào đó giúp cho quý vị không phạm giới nói dối nhưng nếu chúng ta là người thẳng thắn và nếu chúng ta cố gắng để đời sống được rõ ràng thì dần dà sẽ dễ cho chúng ta hơn. Chúng tôi có quen với một người phật tử, người đó trước khi giữ giới không uống rượu thì người đó nói rằng khi bỏ rượu sẽ mất rất nhiều bạn bè. Nhưng vị nầy sau khi bỏ rượu thì vị nầy nói rằng rất là thoải mái bởi vì khi nào ai mời gì thì nói rằng cơ thể không hạp với cái đó, tôi không uống rượu thì không ai đá động gì đến mình hết. Ban đầu thì khó nhưng thực sự về lâu về dài thì không có khó khăn như vậy. Đó là câu trả lời cho câu hỏi này.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Tiểu Tiên Nữ (ái nữ của Như Trúc) chuyển biên
Download cau hoi 156
Phap Am Lưu Trữ
|