|
Câu Hỏi 147: Niết-Bàn diệt đoạn tận khổ đau
.
(Bài giảng ngày 21 tháng 7 năm 2008 tại rơom Diệu Pháp )
TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta có một đề tài đặc biệt tế nhị. Thông thường khi chúng ta muốn nghĩ đến mục đích tối hậu sau cùng của sự tu tập thì chúng ta thường đặt cho mình một yêu cầu là mình phải biết rõ điều đó là gì. Có nhiều khi chúng ta lên đường làm cuộc hành trình thì chúng ta luôn luôn thường nghĩ mình biết rõ là ở cuối cuộc hành trình đó mình sẽ đạt đến điều gì. Nhưng ở đây thì Niết-bàn được xem là cứu cánh tối hậu, đã là cứu cánh, đã là mục đích tối hậu, thì điều đó phải được nhận thức một cách rõ ràng, đúng mức, không sai.
Nhưng Niết-bàn được mô tả trong kinh điển Phật giáo không phải là cái gì nằm ở trong tầm nhìn của kiến thức mà nằm ở trong sự thân chứng. Về điểm này thì rất nhiều lần chúng tôi đưa ra ví dụ là một đứa bé năm tuổi, bảy tuổi cắp sách đến trường, xã hội, gia đình cho em biết mục đích của sự giáo dục. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng với đầu óc thơ dại của một đứa bé năm tuổi, bảy tuổi mà nói đến cái gì mà gọi là đích điểm của con đường giáo dục về sau này, không phải dễ dàng để nhận thức. Và đây cũng là điều mà chúng ta thường cố gắng làm, chúng ta rất thường cố gắng để suy nghĩ, để vẽ vời, để cho thấy rằng mình thật sự hiểu, thật sự biết về mục đích tối hậu hay cứu cánh của đạo Phật.
Thưa qúi vị, khi nói đến Niết-bàn chúng ta cũng phải đối diện với một điểm quan trọng khác là có những cái mà chúng ta chỉ có thể hiểu được, nhận thức được từ xa qua một khía cạnh rất đối đãi với cái mà mình đang có. Ví dụ như đối với một người tù, người này hoàn toàn không biết được là khi án tù chấm dứt mình sẽ ra sao, chỉ biết hiện tại mình đang bị giam cầm, khi sự giam cầm chấm dứt thì chắc chắn là hạnh phúc, cái hạnh phúc đó là hạnh phúc của không tù nữa, không tội nữa, cái hạnh phúc mang tánh cách đối đãi. Hay hoặc giả là chúng ta đang mang gánh nặng trên vai, bây giờ nghĩ đến chuyện nào đó, dầu lý do gì đó mà mình có thể đặt gánh nặng xuống, thật sự rủ bỏ gánh nặng đó thì cảm thấy hạnh phúc, cái hạnh phúc đó mang tính cách rất đối đãi, có nghĩa là mình ý thức được hạnh phúc đó nhờ sự cảm nhận hiện tại là mình không có còn cái mà mình đang đau khổ nữa, nhưng mình phải ý thức rõ cái thực tại đó thì mình mới thấy được.
Nói đến Niết-bàn chúng ta còn có một khía cạnh khác rất khó tiêu hóa, khía cạnh này là chúng ta phải vẽ cho được, phải nặn cho ra một sự hiện hữu, cho dù sự hiện hữu đó mang tánh cách như thế nào đi nữa, thì chúng ta phải thật sự hiện hữu thì Niết-bàn mới có ý nghĩa. Với nhiều người trong chúng ta sự việc rất đơn giản là có sanh hữu có hiện hữu là có khổ đau, nhưng một khi cái gọi là "tôi" là "ta" không hiện hữu nữa thì nó không còn ý nghĩa gì hết. Về điều này nó có mường tượng như trường hợp chúng ta khi đi làm việc, người ta nói rằng cho dù thế nào đi nữa thì mình phải có tinh thần vị ngã thì mình mới thấy rằng cái này là "của mình", cái này không phải là "của mình", "tôi" có mặt hay là "tôi" không có mặt, "tôi" có như thế nào, "tôi" mang hình vóc như thế nào. Phải có tinh thần vị ngã như vậy đó thì mình mới thấy thật sự có ý nghĩa ở trong sự dấn thân, ở trong sự thành tựu. Nhưng nếu có một ai đó cho chúng ta biết rằng nó có những thành tựu thuộc về đại thể, cái đại thể đó nó không liên quan gì đến cái "tôi" cái "ta" hết, nó thành tựu chỉ là thành tựu thôi, vì thưa qúi vị đối với người phàm phu hay đối với người bình thường thì điều đó là khó tư nghì. Nhưng với người biết suy nghĩ một chút thì người ta hiểu rằng có những niềm vui thật sự là vắng mặt của vị ngã, tự ngã, và chính sự vắng mặt của vị ngã thật sự thì mới là hạnh phúc, khi nào mình làm việc mà mình có thể quên đi được tất cả những cái gọi là "tôi" là "ta" chỉ làm việc và đúng nghĩa làm việc thôi thì lúc đó thật sự rất là khoẻ cho mình, và khỏe cho những người chung quanh, rất là an lạc cho mình, và an lạc cho những người chung quanh.
Nhưng mà chúng ta sợ mất đi màu sắc đó, tại vì cuộc sống chúng ta quen xây dựng vị ngã, mình làm cái gì đó nó phải dựa trên một nguyên tắc là "tôi là" hay là "của tôi". Ngày hôm nay qúi vị thấy chúng ta có một xã hội mà cái "tôi" được nhắc đến một cách rất là thường, chẳng những người ta không dấu diếm về "cái tôi" đó mà người ta còn cổ võ cho "cái tôi" đó. Ví dụ như hãng Microsoft khi viết về Windows thì họ dùng chữ My Document, My Pictures, My Video, cái này của tôi, hình ảnh của tôi, video của tôi, tài liệu của tôi. Tại sao họ cần đến chữ "của" như vậy, tại vì sự thủ đắc, cái gì thuộc về ngã sở nó làm cho người ta có cái nhìn thân thiết hơn. Cũng như hãng Apple họ khai thác một cách khác là: iPhone, iTunes, iPod, cái gì cũng là "i", tại sao cái "i" quan trọng như vậy, tại vì thật ra chính nó là điểm then chốt của hành thức gọi là chúng sanh, và nó cũng là cái then chốt của sự đau khổ của chúng sinh. Có cái "I" đó, có cái gọi là "tôi" đó hay là "của tôi" đó là hạnh phúc, và "cái tôi" đó cũng là cái đau khổ của mình.
Nói thì giống như đùa giỡn nhưng mà người ta thường nói mình chịu khổ hơn là chịu lỗ, cái khổ cái lỗ đó thường dựa trên tinh thần vị ngã. Chúng ta khoan nói đến một cảnh giới mà có sự vắng mặt toàn diện của các hành, của các hữu vi, của cái có đến có đi, của cái đối đãi, của cái tương đối, chúng ta chỉ nói trong cuộc sống hàng ngày có hai thế giới; một thế giới của vị ngã và một thế giới không có vị ngã. Thế giới vị ngã thì người ta lợi dụng tối đa cái gọi là "đây là tôi" là "của tôi" là "tự ngã của tôi" để phấn đấu, để làm giàu có, để đạt đến mức điểm tối thượng của cái gọi là thoả mãn, nhưng cũng chính cái tôi đó, cái của tôi, cái tự ngã của tôi, là sự đau khổ cùng tận, đau khổ vô bờ của chúng ta.
Có lần nào mà qúi vị Phật tử thử để ý những người làm việc ngay cả họ làm việc ở trong chùa, nếu một người làm chỉ vì nghĩ đến Tam Bảo, nghĩ đến đại chúng, nghĩ đến tất cả mọi người, và làm xong rồi thôi, thì khách quan mà nói người đó rất an lạc, họ an lạc tại vì họ không phải nghĩ đến "tôi" đến "ta". Nhưng có những người cũng làm những việc đó nhưng mà do nặng về "tôi làm", "tôi" muốn chứng minh "tôi" thế này "tôi" thế kia, thì khi họ ở trong cuộc họ thấy điều đó thật sự mang lại sự an lạc lắm, nhưng mà là một người khách quan nhìn vào thì chúng ta hiểu sự đau khổ của họ nằm ở chỗ nào, chỗ cái gọi là "tôi" là "ta" đó.
Thưa qúi vị, toàn bộ cái gọi là hạnh phúc của chúng ta nó đều từ trên quan niệm của ngã và ngã sở, tức là tôi, của tôi, tự ngã của tôi, chúng ta xem sự y tựa đó nó mang cho chúng ta hạnh phúc cùng tột, nhưng mà chưa biết hạnh phúc cùng tột tới đâu nhưng nó mang cho chúng ta nỗi đau khổ cực kỳ.
Đức Phật Ngài dùng một từ ngữ để Ngài chỉ cho Niết-bàn, và chữ này thật sự là tuyệt diệu, và thường thì bị hiểu sai hiểu lầm rất nhiều, đó là chữ "nirodha" hay là chữ "đoạn diệt" hay là "đoạn tận."
Người ta có hai cách hiểu về điều này:
1) Nirodha là sự đoạn diệt nghĩa là trở về hư không là tiêu tan hết. Thì chúng tôi có thể khẳng định với qúi vị rằng nếu Niết-bàn là hư vô thì Đức Thế Tôn đã diễn tả Niết-bàn khác hơn là cái gì mà chúng ta đang nói ở tại đây.
Nhưng mà người ta cũng có làm một việc là muốn gột tất cả những ý nghĩa của Niết-bàn qua văn tự, và rõ ràng ở trong nhiều trường hợp Đức Thế Tôn cho chúng ta biết rằng: nếu chúng ta muốn biết Niết-bàn thật sự mà qua ngôn từ của lý luận thì chúng ta chỉ có khả năng đi đến một cách chừng mực tương đối nào đó, chúng ta không thể đi xa hơn được.
Qúi vị cứ tưởng tượng là chỉ một trạng thái rất là gần gủi với chúng ta, đó là cùng làm việc thiện, cùng làm việc Tam Bảo, nhưng có người làm bằng thái độ ích kỷ, ích kỷ ghê gớm, họ khổ đến dường đó nhưng mà luôn luôn trong đầu óc của họ ghim một điều rằng không có vị kỷ, không có ích kỷ, không có vị ngã thì cuộc sống không có ý nghĩa.
Nhưng là một người khách quan thì chúng ta dễ dàng nhận thấy được một con người thật sự là thành công, một con người thật sự là hạnh phúc cho đến khi nào họ có khả năng quên đi được cái vị ngã và sống hoà đồng với tất cả. Đây là một điểm cực kỳ khó.
Thưa qúi vị, Đức Thế Tôn đã dùng một số các ngôn ngữ để chỉ cho chúng ta thấy cách gọi là bắt buộc, ví dụ như có vui thì phải buồn, có đến thì phải có đi, có tập khởi thì phải có đoạn tận.
Bây giờ thì chúng tôi nghĩ nên kết thúc bài học ở tại đây.
Minh Hạnh chuyển biên
Download cau hoi 147
Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ
|