Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 146: Hỏi về những chi pháp Magga phala va Nibbàna

. (Câu hỏi ngày 3 tháng 6 năm 2003 buổi giảng kinh Pháp Cú kệ 83, rơom Diệu Pháp )

TT Giác Đẳng: Chữ magga là đạo, đạo ở đây có nghĩa là một sự dẫn nhập, tuy nói rằng đạo có nghĩa là con đường, đạo là sự dẫn nhập, và ở đây nó là một ngưỡng cửa. Nghe nói như vậy thì mình có thể nghĩ rằng đó là một tiến trình rất dài, nhưng nó xảy ra rất ngắn thôi, ở trong thời gian theo trong A Tỳ Đàm giảng thì chỉ trong một sát na, nhưng trong sát na này thì nó thay đổi hoàn toàn cái nhìn của chúng ta về vạn pháp.

Trước nhất là nói về Tu Đà Hườn Đạo là một sự chứng đạt mà do thấy lần đầu tiên, và do thấy lần đầu tiên như vậy nên người đó hoàn toàn diệt hẳn ba kiết sử là thân kiến, hoài nghi, và giới cấm thủ.

Thân kiến tức là cái chấp sai liên quan đến ngã kiến về bản thân của mình, ví dụ như đây là của ta, đây là ta, đây là tự ngã của ta, sắc uẩn là ta, sắc uẩn là của ta, sắc uẩn là tự ngã của ta, hay là trong ta có sắc uẩn, trong sắc uẩn có ta, ta là sắc uẩn, sắc uẩn là ta chẳng hạn. Thì thưa qúi vị sự chấp thủ như vậy thì không còn với một người đã thấy Niết-bàn nữa.

Và một kiết sử thứ hai đó là hoài nghi, trong đó có hoài nghi về Tam Bảo, hoài nghi về tam thế, rồi hoài nghi về lý nhân quả v.v... Thì vị này cũng chấm dứt.

Và giới cấm thủ, giới cấm thủ tức là những cái chấp trì ở trong đời sống, và những chấp trì này hoàn toàn vô ích, nó chỉ nặng về nghi thức nghi lễ bên ngoài gọi là giới cấm thủ.

Thì bây giờ những vị A Xà Lê thường có một ví dụ là nếu chúng ta đi trong đêm đen ở một nơi nào đó, hoặc ví dụ là một người mà tình cờ bị bắt cóc, rồi bị đánh xỉu, bị đem bỏ vào một nơi hoang vắng, và lúc họ tỉnh dậy thì trời chung quanh tối đen như mực, trong lúc trời tốt đen như mực họ dọ dẫm từng bước đi ở trong lòng họ rất hoang mang, trong lòng họ cố gắng tưởng tượng ra đây là ruộng, đây là vườn, đây là hồ nước v.v... Họ cố gắng tưởng tượng ra như vậy, và rồi họ cũng cố gắng để mà nghe tiếng côn trùng để mà định đặt phương hướng của mình, nhưng tất cả điều đó nó đều chỉ là một sự tưởng tượng ở trong một đêm đen của một người ở một nơi hoàn toàn xa lạ, nhưng mà rồi ở trong lúc đó thì trời lại sấm chớp và một ánh sáng lóe lên, khi ánh sáng lóe lên thì họ nhìn ra trước mặt là một con đường, họ nhìn ở kia là những căn nhà. Thì thưa qúi vị sau cái ánh chớp đó thì mọi thứ nó trở về với cái tối đen như mực, nhưng mà ở trong lòng họ có những điều mà vĩnh viễn không bao giờ còn hoài nghi nữa, đó là họ biết họ đang ở đâu, hoặc là ở hoang mạc, hoặc ở trong thành phố, hoặc là ở một khu vườn, hay là ở trên một miếng ruộng. Họ biết rất rõ và điều đó không có gì thay đổi ở họ được hết. Thứ hai là họ đã nhìn thấy được con đường trước mặt dẫn đến đâu rồi, và do vậy họ chỉ lần theo đó mà đi, nhưng họ hoàn toàn không có nghi ngờ rằng mình có đến nhà người ta được hay không, mình có đặt chân tìm đến nơi nào đó được hay không, bởi vì họ thấy rõ. Và nếu ánh chớp lần thứ hai thứ ba sau này thì cái cảm giác đó nó hoàn toàn là khác hơn.

Nên khi một người có thể chứng đạt được đạo, tức là có thể liễu ngộ được chân tướng của các pháp, thấy được Niết-bàn lần đầu tiên, thì ở đó người đó là người do cái thấy đó cái chớp đầu tiên mà họ thấy được. Nó được ví dụ như magga.

Và những giờ phút sau khi ánh chớp đó hiện lên rồi thì được xem như là phala tức là quả, quả là cái kết quả mà do đã thấy lần đầu tiên, kết quả do ánh chớp nó khiến cho cả con người họ thay đổi, cái đó gọi là quả. Một vị chứng tu Đà Hườn Đạo là một vị đầu tiên thấy được Niết-bàn, thấy được chân tướng của các pháp. Và Tu Đà Hườn Quả là kết quả của sự thấy biết đó, kết quả của sự chứng ngộ đó gọi là quả gọi là phala. Phala này là một cách nói tương đối, đối đãi với chữ magga.

Và Niết-bàn là cái kết quả mà cùng tận của đạo và quả. Cuộc sống của chúng ta nó có những cái ràng rịt khiến cho chúng ta phải thuộc về một cái gì đó, bị vương vào trầm luân, vương vào một cảnh giới nào mà chúng ta có mặt ở trên cuộc đời này, thì thưa qúi vị, những cảnh giới đó theo trong kinh Phật đều là do vô minh và ái dẫn chúng ta đến cảnh giới đó. Bây giờ khi một người đã chứng đạo, chứng quả vô sanh tức là tứ quả rồi, thì cái gì mà vị đó chứng đạt trong chân lý tận cùng, cái chân lý tối hậu cái đó gọi là Niết-bàn. (Ở đây thì chúng tôi không muốn có thì giờ để đi quá xa về điểm Niết-bàn này, chúng tôi đã giảng về Niết-bàn chúng tôi sẽ cho qúi vị bài giảng đó để qúi vị nghe, vì đây là một câu chuyện rất dài khi chúng ta nói đến khái niệm Niết-bàn.) Nhưng Niết-bàn là một trạng thái giải thoát, đó là giải thoát hoàn toàn do kết quả của đạo và quả./.

Minh Hạnh chuyển biên

Download cau hoi 146

Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ